Chào bác sĩ!
Con tôi 16 tuổi, là tín đồ của bánh trung thu, có ngày cháu ăn 2 chiếc bánh thập cẩm mà vẫn muốn ăn nữa, tôi phải hãm cháu lại không dám cho ăn nhiều. Vẫn biết con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên có thể ăn được nhiều, nhưng tôi lo việc cháu ăn nhiều bánh trung thu sẽ không tốt cho sức khỏe. Hàng ngày, ngoài ăn bánh, cháu vẫn sinh hoạt, ăn uống các bữa khác bình thường.
Bác sĩ cho tôi hỏi, việc ăn nhiều bánh trung thu có ảnh hưởng gì cho sức khỏe không? Mỗi ngày tôi cho cháu ăn một chiếc bánh trung thu có được không và nên ăn như thế nào cho hợp lý?
Xin cảm ơn
Dù là lứa tuổi nào, nếu một ngày ăn một chiếc bánh trung thu là quá nhiều, vì thế bạn không nên cho con ăn như vậy. Bánh trung thu dù là bánh dẻo hay bánh nướng, 1 chiếc cỡ trung bình dao động khoảng trên 600kcal (năng lượng). Nếu so sánh, 1 chiếc bánh trung thu có năng lượng cao hơn 1 bát cơm (300kcal) hoặc 1 bát phở (500kcal).
Hay lấy ví dụ thực tế là, nếu chúng ta chỉ ăn một chiếc bánh trung thu 175gram, thì năng lượng sẽ gấp 2 lần bát bún mọc thông thường và gấp 1,5 lần bát phở. Qua đó có thể thấy, năng lượng trong một chiếc bánh trung thu rất cao.
Thực tế cho thấy bánh trung thu mang hương vị truyền thống, nếu chúng ta ăn thưởng thức thì rất ngon. Nhưng nếu ăn liên tục chỉ trong khoảng một hoặc hai tuần với khối lượng nhiều như vậy thì sẽ gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.
Đó là chưa kể, hiện bánh trung thu được bán rất sớm, cách rằm trung thu từ 1,5 đến 2 tháng. Do vậy, nếu trong suốt khoảng thời gian đó mà ăn liên tục thì nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ càng cao hơn. Không chỉ mùa bánh trung thu, mà quá trình ăn uống hàng ngày, nếu chúng ta mỗi ngày ăn thừa 100-200kcal và liên tục trong vòng một tuần là đã có nguy cơ tăng cân rồi.
Bánh trung thu có rất nhiều năng lượng, vì thế cần phải đặc biệt lưu ý khi ăn. Ảnh minh họa.
Để hạn chế tình trạng này, trước hết cần phải cân đối lại khối lượng bánh trung thu mỗi lần ăn và tần suất ăn bánh trung thu. Theo đó, mỗi lần chỉ ăn 1/6 đến 1/8 hoặc cùng lắm là 1/4 chiếc bánh trung thu cỡ vừa. Vì với ¼ chiếc bánh trung thu đã có hơn 200kcal, tương đương với một bữa sáng. Hơn nữa, chúng ta chỉ ăn thưởng thức khoảng 1 lần/1 tuần hoặc lâu hơn nữa, chứ không nên ngày nào cũng ăn.
Ngoài ra, nếu ăn bánh trung thu thì cần giảm lượng đồ ăn khác. Chứ không thể đã ăn bánh trung thu thoải mái, xong vẫn ăn vặt, uống trà sữa, ăn bún, ăn phở thoải mái thì năng lượng nạp vào sẽ rất nhiều.
Đó là chưa kể, hiện có nhiều loại nhân bánh khác nhau, những loại bánh nhiều chất béo, ngọt thì sẽ càng nhiều calo. Ví dụ như cùng khối lượng 200 gam, nhưng bánh thập cẩm sẽ nhiều calo hơn bánh nhân đậu xanh hay nhân đậu đỏ. Bản thân tôi cũng ăn bánh trung thu, thích nhân thập cẩm nhưng khi ăn tôi phải nhặt bỏ bớt phần mỡ trong nhân bánh đi để giảm lượng calo và chất béo.
Bánh trung thu thường hay có lượng đường khá nhiều, vì thế khi ăn có vị ngọt. Để tránh để lại hệ lụy cho sức khỏe, ngoài việc ăn ít và không ăn thường xuyên, thì khi mua cần đọc kỹ thành phần trên bao bì, chọn loại ít đường, ít béo. Khi ăn bánh trung thu xong, có thể ăn thêm rau trong khẩu phần bữa ăn hoặc ăn thêm quả dưa chuột để cân bằng, không bị thừa đường.
Đặc biệt, với những người thừa cân béo phì, người đường máu cao, tiểu đường thì cũng phải hạn chế ăn bánh trung thu. Tóm lại, bánh trung thu là món ăn truyền thống, hoàn toàn có thể ăn được, nhưng khi ăn cần lưu ý:
- Không ăn nhiều trong một lần, không ăn liên tục
- Ăn bánh trung thu cần giảm khẩu phần các thực phẩm trong bữa ăn/món ăn khác
- Ăn bánh trung thu cần xem hạn sử dụng, nên chọn sản phẩm có xa ngày hết hạn sử dụng.
- Nên chọn bánh của các thương hiệu sản xuất uy tín.
- Khi thấy bánh có dấu hiệu hư hỏng như nấm mốc, mềm ướt thì không nên sử dụng.