Chuyện “cánh đồng có vàng” dù đã qua được mấy chục năm nhưng người dân tại ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng, Long An) vẫn còn nhớ rõ mồn một. Thậm họ họ có thể kể vanh vách về giai thoại ấy giống như vừa mới ngày hôm qua.
Bà Bảy (65 tuổi) cho biết ròng rã mấy năm lên cơn sốt vàng, ấp Vĩnh Ân trở nên hỗn loạn chưa từng thấy. Điển hình nhất là chuyện chục mẫu “cánh đồng vàng” có chủ đất nhưng nghìn người từ tứ xứ đổ về đào vàng khiến chủ đất Sáu Lý, Hai Thiêm… không thể làm gì để ngăn cản họ.
“Ban đầu các chủ đất không đồng ý cho họ vào đào vàng vì làm thế sẽ phá nát rừng tràm, tạo hang hốc sâu trong cánh đồng. Song các ông ấy càng cấm thì họ càng tìm đủ mọi cách lấy đất đãi vàng. Họ sẵn sàng chặt phá tràm, lúa mùa đang vào vụ vẫn bị giẫm nát. Thấy vậy, chủ đất đã dành thời gian ban ngày để ra đồng… canh. Thậm chí ông Hai Thiêm còn đi thu gom mảnh chai đem về đập nhỏ, rải xuống ruộng để dân đào vàng sợ không dám vào. Vậy mà họ quyết không dừng lại khiến chủ đất phải chấp nhận chịu thua vì dân đào vàng đông vô cùng”, bà Bảy kể.
Cuối cùng, ông Sáu Lý, Hai Thiêm đã bày ra “kế sách” cho đấu giá từng mảnh đất ruộng để họ đào đãi vàng. Ai có nhiều tiền thì mua nhiều mảnh, ai ít mua ít… và chỉ được đào sâu xuống mặt ruộng khoảng 5 tấc. Tuy nhiên dân đào vàng mua đất xong đã đào sâu đến chừng nào không đào được nữa thì thôi.
"Cánh đồng vàng" ở ấp Vĩnh Ân giờ như bao cánh đồng miền Tây khác. (Ảnh Thanh Anh)
“Họ làm trái thoả thuận nhưng chúng tôi cũng chẳng làm gì được cả. Chúng tôi đành đợi đến khi nào cơn sốt đào vàng lắng xuống thì thuê người, thuê máy san ủi mặt ruộng. Đương nhiên, chúng tôi phải chờ đợi rất lâu mới có thể canh tác lúa”, ông Sáu Lý từng chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều người đã lợi dụng tháng ngày mùa nước nổi lên đem ghe xuồng vào cánh đồng tự đồng xắn đất đem về nhà. Họ vừa đãi tìm vàng vừa lấy đất đó đắp được những cái nền nhà hoành tráng.
Nhưng ông Sáu Lý khẳng định mùa nước nổi vẫn dễ thở nhất. Ông lý giải: “Nước ngập sâu, rửa trôi mọi ô nhiễm do chất thải của hàng nghìn con người thải ra ngày đêm. Còn mùa khô thì dân trong ấp khổ lắm. Nước dưới kênh đen kịt, mùi hôi thối xong lên nhức óc mà chẳng biết phải làm gì cả”.
Đề cập đến chuyện vì sao cánh đồng hoang bỗng dưng có vàng, ông Sàu Lý cười: “Dân trong ấp đặt ra nhiều giả thuyết rồi đoán già đoán non. Vậy mà chưa có ai biết vì sao trên ruộng có vàng cả. Có lẽ hồi đó dân trong vùng nghèo quá nên trời thương, ban phát chút “lộc” để bà con đỡ khổ! Chứ vàng ở đâu mà đội đất trồi lên?”.
Cũng theo ông Sáu Lý, xưa cả ấp bỏ công bỏ việc đi đào vàng nhưng chưa có gia đình nào giàu lên vì “lộc trời” cả. Còn những người từ địa phương khác đến đây đào vàng thì ông không thể nào biết được.
Ông Sáu Lý - chủ của một phần đất trong "cánh đồng vàng".
“Ngày đó dân trong ấp cả năm chỉ canh tác được một vụ lúa nên nghèo lắm! Họ tìm thấy vàng là đem bán ngay cho thợ để lấy tiền mua rượu thịt khao cả xóm, ăn nhậu hát hò đến đêm rồi sáng hôm sau lại ra đồng mò mẫm đãi vàng.
Thậm chí ngay trên cánh đồng vàng còn có cái chợ tự phát chỉ bán rượu thịt và các món đồ phục vụ cho cánh đào vàng. Thiên hạ đồn chúng tôi trúng vàng có tiền tiêu xài, ăn chơi xa đoạ, cờ bạc này kia nên mãi nghèo là không chính xác, hoàn toàn bịa đặt”, người đàn ông Long An khẳng định.
Vì quá mải mê với chuyện đào vàng, không lo cấy cày nên hết vàng trên ruộng, người dân ấp Vĩnh Ân cũng hết tiền, quay trở lại cuộc sống nghèo khó. Nhưng cũng sau cơn sốt đào vàng, trong ấp có nhiều hộ dựng được nhà gói, nhà cao tầng… Đó chủ yếu nhờ trúng mùa, bán lúa được giá mà giàu lên, chứ không phải do trúng vàng.
Mời Quý độc giả đón đọc:
Kỳ cuối: Bí ẩn chưa thể lý giải trên “cánh đồng vàng” vào 12h12 ngày 26/8