11 năm qua, trên những bước đường khôn lớn của con trai không hề có dấu chân của bố mẹ nhưng chị Hoàng Hồng Kiên và anh Phạm Hồng Thức vẫn luôn tự hào vì con có thể tự đứng, tự đi trên đôi chân của mình và giờ đây có thể là đôi chân của bố mẹ.
Tuấn Anh: Mẹ! Năm nay con được học sinh giỏi
VĐV Hoàng Hồng Kiên: Con muốn mẹ tặng gì nào?
Tuấn Anh: Con thích được ăn cơm tối cùng với mẹ, được ăn cơm mẹ nấu.
Câu nói ám ảnh này của con trai 3 năm đây khiến VĐV Hoàng Hồng Kiên nhói lòng, những giọt nước mắt dường như đang trực trào. Hóa ra suốt hơn 1 tháng, chị miệt mài theo đuổi đam mê, chạy theo cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền mà đánh đổi bằng những bữa cơm bên ông xã Phạm Hồng Thức và con trai. Hóa ra những đứa trẻ, điều ước không phải cao sang mà chỉ đơn giản vậy thôi, những bữa cơm mẹ nấu và được quây quần cả nhà bên nhau.
Và câu nói ám ảnh ấy của con đã khiến chị Hồng Kiên luôn ghi nhớ suốt bao năm nay để rồi dù bận rộn đến mấy, cũng luôn cố gắng trở về nhà, ở bên 2 người đàn ông quan trọng nhất cuộc đời mình tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc nhất của một ngày dài vất vả.
Anh Phạm Hồng Thức và chị Hoàng Hồng Kiên được biết đến là cặp đôi vàng của làng thể thao khuyết tật Việt Nam với rất nhiều thành tích cao trong các giải đấu trong nước cũng như Paragames khu vực Đông Nam Á.
Được biết, chị Hoàng Hồng Kiên (SN 1980, dân tộc Tày, Đình Lập, Lạng Sơn) sinh ra không được may mắn như bao người khi 4 tháng tuổi sốt bại liệt mất đôi chân. Sống tại huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh, khi sự kỳ thị còn quá lớn, từ nhỏ chị đã phải chịu rất nhiều tổn thương bởi những ánh mắt thương hại, những câu nói chạnh lòng của mọi người.
Năm 2000, sau khi giành được giải thơ với phần thưởng là một chiếc xe lăn, chị đã lên kế hoạch trốn nhà lên Hà Nội phồn hoa xin việc.
Thuở ấy cô bé Hồng Kiên 20 tuổi với 100 nghìn tiết kiệm được một mình quay bánh xe lăn từ 12h đêm đến 5h sáng để ra ga tàu xuôi về Hà Nội đến Hội người mù Hà Đông xin việc. Thế nhưng, khi đến nơi vào đúng ngày nghỉ tiền chẳng có nên chị đành phải ngủ ở Bến xe Hà Đông. Sáng hôm sau vào Hội, chị bắt đầu công việc mưu sinh nơi đất khách quê người với đầy gian khó.
Không giống như chị Hồng Kiên, anh Phạm Hồng Thức (Gia Lâm, Hà Nội) vì một tai nạn năm 14 tuổi mà mất đi đôi chân. 2 tháng sau ngày đen tối ấy, anh tỉnh dậy trên giường bệnh thấy cơ thể nhẹ bẫng đã rất sốc và từng nghĩ đến việc “thà chết còn hơn”. Tuy nhiên với sự động viên của gia đình và bạn bè cùng với những suy nghĩ tích cực trong đầu, anh đã vượt qua mọi khó khăn, học cách tự lập làm tất cả mọi việc dù không còn được như người bình thường nữa. Cuối cùng, anh đã ổn định và trở lại cuộc sống như bao người khác chỉ sau 3 năm vực dậy tinh thần, tập đi, tập ngồi, tập làm tất cả mọi việc trong nhà, trong cuộc sống.
Ngồi trong căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn hơn chục m2 ở Đại Mỗ cùng với ông xã và con trai sau khi vừa trở về từ buổi giảng dạy kỹ năng sống, chị Hồng Kiên tâm sự, trong cuộc sống có những điều tình cờ khiến bánh xe số phận chuyển hướng, có những biến cố làm thay đổi cuộc đời của một con người và tạo nên những mối duyên định mệnh. Chị và anh - đôi vợ chồng khuyết tật đã tìm thấy nhau, cùng bước lên đỉnh vinh quang nhờ một mối duyên tình cờ đó là thể thao.
Chị còn nhớ ngày xin được làm việc trong Hội, hàng ngày chị phải lăn xe vài chục cây số xung quanh Hà Nội bán chổi, bao giờ hết mới về. Và trong một lần đi bán chổi chị gặp tai nạn ngã xuống đường, chiếc xe lăn hỏng, một bên tay bị gãy. Vì không có tiền nên chị phải chịu đau một mình nằm phòng trọ để xương tay tự liền. Sau này thấy hoàn cảnh chị quá khó khăn, Hội Người mù Hà Đông đã xin với Trung tâm Thể thao Khúc Hạo một chiếc xe lăn để chị đi làm trở lại. Đến đấy, thấy chị to khỏe nên HLV Ngô Anh Tuấn đã gợi ý xin chị vào đội cử tạ nhưng sau thấy tay chị bị lệch xương nên đã chuyển chị vào đội điền kinh xe lăn.
Yêu thích thể thao nên để có thể tham ra luyện tập và đủ chi phí lo cho cuộc sống mưu sinh, ngày nào chị Hồng Kiên cũng dậy đi xe lăn 13km từ 2h sáng chở bó chổi sau lưng ở Hà Đông để kịp 6h đến Trung tâm luyện tập rồi trưa lại lăn xe đi khắp nơi bán chổi đến tận đêm mới về.
Trong quá trình tập luyện, sau những lần hỏng xe được anh Phạm Hồng Thức sửa hộ. Từ đó, 2 anh chị với hoàn cảnh giống nhau đã đồng cảm và chớm nở một tình yêu đẹp, cùng nhau làm nên rất nhiều thành tích ở Paragames tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2003.
Và đến năm 2004, sau tất cả những kỷ niệm, khó khăn gian khổ bên nhau, anh chị đã quyết định chuyển về sống chung một nhà, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình đôi bên.
Năm 2007, sau 2 lần bị chấn thương nặng khi thi đấu, trở về từ chuyến thi đấu quốc tế ở Thái Lan với chiếc huy chương vàng đáng nhớ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi và bằng máu, chị Hồng Kiên quyết định tạm dừng sự nghiệp của mình để sinh em bé. Và đến tháng 9 anh chị hạnh phúc khi đón nhận tin vui được lên chức bố mẹ.
Là người khuyết tật thường xuyên bị ốm trước đó nên chị đã rất lo lắng, đặc biệt khi thai được 7 tháng to hơn việc ngồi bò cũng khó khăn, máu xuống tay khiến đôi tay của chị to gấp đôi bình thường. Không những vậy, chị lại thường xuyên bị ngã trong thai kỳ vì việc di chuyển, nấu cơm cho thợ làm chổi.
“Mặc dù khó khăn nhưng mình vẫn đi chợ nấu cơm cho 20 người thợ, trong khi đó chồng mình phải quản lý và làm tăm, chổi. Sau khi thai được 8 tháng 10 ngày, mình phải can thiệp mổ để không ảnh hưởng đến em bé.
Đến bây giờ mình vẫn không thể quên được khoảnh khắc được đẩy từ phòng mổ ra nhìn thấy ông xã ngồi xe lăn ôm con một mình, không có ai bên cạnh. Hình ảnh ấy khiến mình thực sự cảm xúc, 2 người đàn ông ấy sẽ gắn liền cuộc đời mình”, chị Hồng Kiên nhớ lại.
Đối với chị Hồng Kiên, mặc dù ông trời có bất công, có trớ trêu khi lấy đi đôi chân của mình nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn vì có ông xã bên cạnh mọi lúc mọi nơi, chăm sóc đỡ đần chị mọi công việc.
Dù ông xã của chị không được như bao người bình thường khác nhưng đối với chị anh là một người chồng phi thường, siêu nhân và vô cùng tâm lý. Anh có thể làm mọi việc như người bình thường, nấu cơm, giặt giũ, phơi quần áo, thậm chí cả trèo lên trần nhà dán giấy tường. Chị vẫn còn nhớ những tháng ngày ông xã tất bật với đôi ghế đi từ tầng 1 lên tầng 3 chăm vợ sau sinh lại chăm con nằm khoa sơ sinh nặng 2,9kg bị vàng da sinh lý. Anh một mình làm hết từ thay bỉm, tắm cho vợ, nấu ăn cho vợ mà không cần đế sự giúp đỡ của bố mẹ nội ngoại đôi bên.
Dẫu là 2 người đặc biệt như việc nuôi con của anh chị cũng giống như bao người bình thường khác. Chị vẫn được cảm nhận niềm hạnh phúc khó tả khi được chạm vào con, sự thiêng liêng khi cho con bú dòng sữa mẹ ấm nóng, nghe con gọi 2 từ “bố, mẹ”. Chị vẫn cùng chồng vượt qua mọi khó khăn giai đoạn chăm con mọn, cùng thực hiện những lộ trình chuẩn bị sẵn từng năm tháng cho con lớn lên.
Nói đến đây chị Hồng Kiên đỏ hoe đôi mắt vì những ngày con còn nhỏ không thể chăm sóc con được tốt nhất. 4 tháng tuổi, vợ chồng chị đã phải bế con đi khắp nơi để mưu sinh cuộc sống. Con không được bố mẹ bưng bế, chiều chuộng như những bạn nhỏ khác mà luôn phải tự lập, tự đi trên chính đôi chân của mình.
“Ngày xưa 2 vợ chồng khó khăn phải làm chổi thu nhập cũng được 100-200 nghìn/ngày. Vợ chồng mình cứ buộc xe cho con chạy, bác chủ nhà có thời gian dắt đi trong sân. Vì 2 vợ chồng khó khăn trong đi lại nên luôn cố gắng để ý, cho con đi trong khu vực hẹp, chủ động kiểm soát con. Sau này con lớn mới nhẹ nhàng hơn”, anh Thức chia sẻ.
Chia sẻ thêm, chị Hồng Kiên cho biết, Tuấn Anh sinh ra bị thiệt thòi, không được tẩm bổ và cũng không được bố mẹ chiều chuộng mua cho thứ này thứ nọ khi đòi. Thậm chí con thường xuyên phải dậy sớm từ 4h30 từ 18 tháng tuổi để bố mẹ đi luyện tập, đi làm kiếm tiền.
“Cuộc sống khó khăn vợ chồng mình không thuê giúp việc chăm con được nên ngày nào đi tập con cũng phải dậy 4h30 sáng, đến 5h ăn sáng xong rồi gửi cô giáo mầm non. Phải nói tất cả các bà mẹ đều thương con nhưng vì đam mê thể thao, vì kinh tế, mình phải đánh đổi giấc ngủ từ 18 tháng tuổi”, chị Hồng Kiên rưng rưng nhìn con.
Không những vậy, chị luôn cảm thấy xót xa đến rơi nước mắt khi những bước chân đầu tiên của con đều không có dấu chân của bố mẹ. Vợ chồng chị chưa một lần dắt con đi chập chững những bước chân đầu tiên, cũng chẳng thể đỡ con dậy những lúc vấp ngã hay chẳng thể giữ cho con tập đi xe đạp.
Đã có lần nước mắt cứ chảy dài trên đôi má chị khi nhìn con ướt sũng, chân tay trầy xước khi bị ngã xuống cống rãnh lúc tập đi xe đạp. Lòng chị đau và nhói lắm, chưa bao giờ chị cảm thấy mình là một người mẹ bất lực như lúc đó. Thế rồi nhìn thấy con hét lên trong sung sướng ngày hôm sau “Mẹ ơi, con biết đi xe đạp rồi”, chị nghẹn ngào hạnh phúc vì con giờ đã lớn khôn, đã tự đi, tự đứng và tự đạp xe trên chính đôi chân của mình. Cầm chiếc điện thoại quay lại khoảnh khắc con đi xe chỉ 50m thôi cũng đủ khiến chị cảm thấy xót xa trong hạnh phúc.
Đối với chị Hồng Kiên và anh Hồng Thức, Tuấn Anh là một cậu bé vô cùng hoàn hảo vì từ nhỏ đến lớn chưa đòi bố mẹ một món đồ gì. Mỗi khi con thèm ăn thịt gà, ăn bim bim, chỉ cần chị nói “hôm nay mình mua nhiều thứ rồi, mẹ sẽ mua cho con vào một ngày khác” con cũng ngoan ngoãn mà chẳng mè nheo và làm cho bố mẹ buồn.
“Tuấn Anh rất yêu bố mẹ vì bố mẹ làm những việc người bình thường có thể không làm được. Mình hạnh phúc vì những cuộc vui, những khoảnh khắc vinh danh hiếm có hay những khóa học của bố mẹ ở trong nước và quốc tế con đều được chứng kiến. Con được sống đúng với tuổi thơ của mình mà không hề có áp lực học hành, được tự lập và đi tập với bố những tháng hè đúng nghĩa”, chị Hồng Kiên mỉm cười.
Chị Hồng Kiên thổ lộ, vì phải hy sinh giấc ngủ của con cho đam mê thể thao của mẹ mà năm 2014 chị quyết định chuyển hướng đi theo con đường diễn giả, truyền cảm hứng cho mọi người, tham gia các khóa đào tạo và nhận chứng chỉ quốc tế. Thế nhưng, công việc mới chị theo đuổi cũng khiến chị phải hy sinh rất nhiều thời gian cho gia đình và cho con. Năm 2016-2017, chị quyết định đi về các tỉnh xin dạy. Chính vì vậy 5 năm trở lại đây chị luôn bận rộn với công việc, đi công tác, giảng dạy triền miên kể cả nước ngoài và quốc tế, trong đó nhiều nhất là Thái Lan, Singapore.
Đã có lần chị đi công tác biền biệt một tháng, ít có những bữa cơm với gia đình, khi con đạt học sinh giỏi năm lớp 2 muốn có phần thưởng là được ăn tối cùng với mẹ đã khiến chị nghẹn lại và ám ảnh đến tận bây giờ. Hóa ra suốt hơn 1 tháng, chị miệt mài theo đuổi đam mê, chạy theo cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền mà đánh đổi bằng những bữa cơm đối bên ông xã và con trai. Hóa ra những đứa trẻ, điều ước không phải cao sang mà chỉ đơn giản vậy thôi, những bữa cơm mẹ nấu và được quây quần cả nhà bên nhau.
Kể từ đó chị luôn cố gắng dành thời gian buổi tối bên gia đình. Chị yêu thích không khí cả nhà cùng thưởng thức ngon lành những món ăn và yêu thích những câu nói lém lỉnh của con trai “Mẹ có yêu con không?”. Để rồi khi chị nói có, chàng trai nhỏ của chị sẽ hóm hỉnh đùa mẹ rằng “Mẹ đi rửa bát giúp con với”.
Chị cũng yêu cả những lúc cả 3 người nằm ườn trên giường, con trai hỏi “Mẹ ơi, mẹ yêu ai? Mẹ yêu bố hay yêu con? Mẹ có yêu 2 bố con không?” và cả những cái ôm của con trai dành cho bố mẹ.
“Tuấn Anh nay học lớp 5 rồi, 3 năm nay bạn ấy đã đỡ đần việc gia đình cho bố mẹ, mình phải rửa bát nữa rồi. Bây giờ trong tất cả mọi việc con là đôi chân của bố mẹ luôn.
Tuấn Anh rất tình cảm hay ôm bố hoặc mẹ và hay cảm xúc khi có ai đó nói về bố mẹ. Thậm chí, trong ngày sinh bố mẹ cũng có thể khóc được. Năm 2016 trong Ngày của cha còn tự đi mua dầu gội đầu bằng tiền của mình tặng bố, hay sinh nhật bố hoặc mẹ cũng đều cùng làm. Bạn ấy được các bạn ở lớp yêu lắm, sinh nhật nào cả lớp cũng đến đông nhất”, chị Hồng Kiên chia sẻ.
Chị Hồng Kiên tâm sự, gia đình chị có một thông lệ, dù cuộc sống khó khăn, không có đóng tiền nhà hay không có tiền ăn, ngày lễ nào cả nhà chị cũng luôn có nhau. 3 người sẽ cùng đi xe máy ra đường hòa với không khí vui vẻ ngày lễ, buông bỏ tất cả để hưởng thụ.
Từ ngày có Tuấn Anh, năm nào vợ chồng chị cũng cho con ra đường đón năm mới, cảm nhận cái lạnh của Thủ đô, cùng hòa chung với không khí náo nhiệt trên phố phường. Và năm nay cũng không là một ngoại lệ, cả gia đình chị sẽ ở bên nhau như thế, đơn giản nhưng vẫn luôn an yên và hạnh phúc.