Việt Nam đang gấp rút thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, với mục tiêu tiêm 150 triệu liều cho 70% dân số trưởng thành nhằm đạt miễn dịch cộng đồng chống đại dịch COVID-19.
Mời bạn đọc cùng nhìn lại tình hình tiêm chủng tại Việt Nam và thế giới cũng như tìm hiểu những vấn đề liên quan tới việc tiêm vắc xin này.
Vắc xin COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh, nhưng có thể:
- Giảm số người nhiễm virus,
- Giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh,
- Giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ
- Giảm nguy cơ tử vong.
Vắc xin phòng COVID-19 không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải. Giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.
Quá trình tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 3/2021, bắt đầu với nhóm nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến 16 giờ ngày 24/6/2021, ngành y tế đã thực hiện tiêm 2.920.248 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 143.121 người.
Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán được 120 triệu liều vắc xin từ các nguồn cung cấp như cơ chế Covax, các hãng sản xuất vắc xin AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Sputnik.
Dưới đây là những loại vắc xin và số liều vắc xin dự kiến có tại Việt Nam trong năm 2021 (nguồn Bộ Y tế).
Bộ Y tế phân loại 4 nhóm gồm người đủ điều kiện, người cần thận trọng, người phải trì hoãn và người chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19.
Hơn 2,75 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn thế giới, tương đương với 36 liều cho mỗi 100 người. Đã có một khoảng cách rõ rệt giữa các chương trình tiêm chủng ở các quốc gia. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ chưa báo cáo tình hình tiêm vắc xin.
Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao - bao gồm cả Israel và Anh - đã chứng kiến sự giảm mạnh về số ca tử vong và nhập viện do COVID-19.
Y tế Công cộng Anh ước tính vắc-xin đã cứu sống 13.000 người từ 60 tuổi trở lên (Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 1/3 dân số và vẫn thực hiện cách ly xã hội).
Mỹ giảm ca mắc COVID-19 khi tỷ lệ người lớn được tiêm chủng đầy đủ vượt quá 40%.
Trải qua một năm rưỡi đương đầu với đại dịch, đến nay, các quốc gia đều thống nhất rằng, miễn dịch cộng đồng bằng việc tiêm chủng là con đường duy nhất để thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên COVID-19.
Quá trình đẩy mạnh tiêm vắc xin diễn ra tại Việt Nam và toàn cầu hiện nay hứa hẹn sẽ mang lại một tương lai tươi sáng - khi dịch bệnh bị đẩy lùi, nhịp sống bình thường trở lại, những kết nối được tái lập...
Tất nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%, do đó, ngay cả khi việc tiêm chủng đã được thực hiện đại trà, mỗi chúng ta vẫn cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, để ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh, bảo vệ cho chính mình và cả cộng đồng.