Được tiếng “mát tay” trong suốt mấy chục năm khám, chăm sóc thai phụ, chữa bệnh phụ khoa nhưng lý do khiến tên tuổi bác sĩ Lê Thị Kim Dung “nổi như cồn” chục năm trước lại khiến chính bà cũng bất ngờ. Đó là thời điểm bác sĩ đưa ra ý tưởng “vá” màng trinh miễn phí cho những cô gái bị xâm hại tình dục.
Gần chục năm trước, vá màng trinh - câu chuyện tưởng chừng như không tưởng đã được bác sĩ Kim Dung (Trung tâm y khoa Thái Hà - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nêu ra và gây nên nhiều ý kiến tranh cãi. "Tôi biết nhiều cô gái là nạn nhân xâm hại tình dục bị nỗi ám ảnh mất trinh dai dẳng nhiều năm, cho rằng mình không còn giá trị và chẳng dám mở lòng với ai. Họ cần được giúp đỡ. Việc vá lại màng trinh thật ra không phải cách giải quyết tận gốc vấn đề, nhưng có thể bước đầu giúp họ tự tin hơn vào bản thân và bắt đầu cuộc sống mới ", bác sĩ Kim Dung giải thích lý do bà quyết định thực hiện dịch vụ nhạy cảm này.
Nghĩ là làm, đầu năm 2012, bà cho đăng thông tin sẽ thực hiện vá màng trinh miễn phí cho các cô gái chưa lập gia đình, từng bị xâm hại tình dục, được sự bảo hộ của gia đình nếu dưới 18 tuổi hoặc có xác nhận của cơ quan chức năng.
Bác sĩ Dung chia sẻ, sau thông báo này, rất nhiều người dù không đúng đối tượng ưu tiên vẫn ùn ùn kéo đến và đưa ra rất nhiều lý do, mong bác sĩ vá lại “cái ngàn vàng”. Và trong số những người đó, bà nhớ mãi trường hợp một cô gái “bán trinh, lấy tiền cứu mẹ”.
Cô gái tên Nông Thị Thanh Thủy, quê Tuyên Quang. Thủy có vẻ bề ngoài ưa nhìn, với gương mặt trái xoan và nước da trắng hồng.
Sáng hôm đó, bác sĩ Dung đến bệnh viện sớm hơn mọi ngày. Tới viện, bà đã thấy Thủy cùng mẹ ngồi ở ghế chờ, bịt mặt kín mít. Cả buổi sáng, hai mẹ con chỉ ngồi yên quan sát, thi thoảng đưa mắt nhìn quanh.
Trưa đến, các bệnh nhân khám xong, ra về gần hết. Bác sĩ Dung thu gọn bàn làm việc chuẩn bị nghỉ trưa thì người mẹ bẽn lẽn dắt tay con tiến đến hỏi: “Bác có phải bác sĩ Dung không ạ?”. Khi nghe bác sĩ Dung xác nhận, hai mẹ con mới dám bước vào phòng và trình bày mong muốn được vá lại “cái ngàn vàng”.
- Hai mẹ con biết rõ quy định chưa?, bác sĩ Dung hỏi.
- Rồi ạ!, người mẹ cúi mặt trả lời.
- Như..ư..ng, cháu “tự nguyện” quan hệ tình dục để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ, Thủy ấp úng đáp.
- Thế thì không thuộc diện miễn phí rồi, bác sĩ Dung thẳng thắn.
Nghe bác sĩ Dung nói vậy, giọt nước mắt hai mẹ con như chực trào ra. Bao cảm xúc, uất nghẹn bấy lâu có dịp được tuôn trào suốt hơn một tiếng trong căn phòng khám nhỏ.
Từ năm học cấp 2, Thủy đã mồ côi bố, mẹ bị bệnh hen suyễn bẩm sinh, luôn nơm nớp lo sợ bị lên cơn bất chợt. Bố mất được 4 năm, mẹ Thủy phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Đỗ đại học, Thủy giấu mẹ đốt giấc mơ đến giảng đường vào bếp than hồng. Cô phải kiếm tiền chữa bệnh, chăm sóc cho mẹ.
Khi đó, Thủy đang yêu một chàng trai bằng tuổi, ở cùng bản. Suốt 4 năm người yêu học đại học, hai người vẫn thương yêu nhau, tình cảm ngày càng bền chặt. Tốt nghiệp ra trường, chàng trai ngỏ lời với Thủy về chuyện trăm năm. Thủy mừng lắm nhưng chưa nhận lời ngay vì bệnh tình của mẹ ngày càng nặng. Số tiền vay chữa bệnh cho mẹ đã vượt quá khả năng chi trả.
Biết gia đình Thủy khó khăn, một người phụ nữ ở làng bên lân la đến bắt chuyện, gạ Thủy bán cái “ngàn vàng” lấy tiền trả nợ, chữa bệnh cho mẹ. Thủy từ chối, cô không thể làm điều đó. Như vậy là có lỗi với người yêu, cô sẽ chẳng còn chút giá trị nào trong mắt người mình yêu nữa.
Mỗi đêm nhìn mẹ lên cơn hen suyễn, cơ thể héo hon vì bệnh thận... Thủy không đành lòng. Cô quyết định chia tay người yêu và sẽ không bao giờ lấy chồng nữa rồi liên hệ lại với mụ “tú bà”. Cuộc ngã giá được diễn ra, cuối cùng “cái ngàn vàng” được trả 10 triệu đồng cho một người đàn ông không quen biết.
Ở cùng bản với nhau, dù tránh mặt nhưng Thủy vẫn để ý đến chàng trai mình yêu thương. Thấy người yêu đau khổ, Thủy thấy như có muối xát vào lòng. Cô muốn nói ra tất cả cho anh biết nhưng không đủ can đảm.
Khi đọc được thông tin về việc bác sĩ Dung vá “cái ngàn vàng” miễn phí, dù không đủ điều kiện nhưng hai mẹ con Thủy vẫn tìm đến, hy vọng sẽ có cơ may.
“Cháu không thể có đủ tiền để vá trinh. Cháu cũng không muốn lừa dối người mình yêu hay nhìn thấy anh ấy đau khổ. Chỉ có cách này cháu mới đủ can đảm để đến với anh. Xin cô hãy giúp cháu làm lại cuộc đời, vá lại quá khứ đầy đau khổ, tội lỗi”, Thủy bộc bạch với bác sĩ.
Nghe xong câu chuyện, dù là người rất mạnh mẽ, cá tính nhưng bác sĩ Dung cũng phải động lòng. “Chuyện một cô gái bán trinh lấy tiền chữa bệnh cho mẹ - tôi đã nghe quá nhiều. Tất cả đều phi lý và thậm chí là ngụy biện. Vậy mà tôi đã tin hai mẹ con Thủy. Tôi đồng ý vá lại màng trinh cho Thủy vì tôi tin linh cảm của mình là đúng. Tin vào sự thật thà của hai mẹ con và tôi cũng thấy được sự đau đớn tột cùng trên khuôn mặt người mẹ trong suốt thời gian kể lại câu chuyện”, bác sĩ Dung tâm sự.
Khi tuyên bố vá màng trinh của bác sĩ Dung được đưa ra, trên các diễn đàn đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đây là cứu cánh cho những chị em đã trót mất trinh, chuẩn bị lập gia đình. Thế nhưng, cũng có luồng ý kiến phản đối vì cho rằng vá màng trinh là “nối giáo cho giặc”, sẽ có nhiều cô gái vá lại để bán trinh với giá cao.
“Tôi đã lường trước được tất cả những điều đó. Với những người không thuộc diện miễn phí, muốn vá lại màng trinh tôi đưa ra mức giá “trên trời”. Khi đó, vừa mất số tiền lớn, vừa phải chịu đau đớn trên bàn thủ thuật, họ sẽ phải quay đầu. Sau những tranh luận và hiểu được mục đích tôi đưa ra, đa số ý kiến lại đồng tình ủng hộ”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, bác sĩ Dung coi tuyên bố vá màng trinh chính là một cái tát “vỗ” thẳng mặt những người đàn ông cổ hủ. Bác sĩ muốn khẳng định rằng: "Màng trinh cũng làm lại được nên đừng lấy nó làm thước đo phẩm giá, đạo đức người phụ nữ".
Trong quá trình khám và tư vấn, bác sĩ Dung đã nghe nhiều cô gái trẻ chia sẻ về việc bạn trai họ luôn đặt vấn đề trinh tiết lên hàng đầu. Có cô gái nước mắt ngắn dài kể rằng, cô muốn vá lại vì từng dâng hiến cho người khác nhưng không dám thú nhận với bạn trai hiện tại do biết rõ rằng, anh chỉ chờ đến đêm tân hôn để được phá trinh. Người khác lại chia sẻ, chiếc màng mỏng manh ấy gợi nhớ quá khứ tối tăm nên muốn vá để gác lại tất cả…
“Nghe xong những tâm sự ấy, tôi lặng người đi vì buồn. Thật không thể hiểu được giữa thời hiện đại này vẫn có những người đàn ông ích kỷ đến vậy. Thật nực cười và ngược đời”, bác sĩ Dung nói.
Sự ngược đời ở đây được vị bác sĩ này lý giải, rất nhiều người đàn ông khi yêu chỉ mong phá trinh bạn gái, về sau vì một lý do nào đó hai người chia tay. Sau này, khi mỗi người có một cuộc sống và gia đình riêng, người phụ nữ chấp nhận việc đã hiến dâng trinh tiết cho người mình yêu, còn nam giới lại không thể chấp nhận việc vợ mình đã mất cái màng mỏng manh ấy.
Đã có những người phụ nữ đủ can đảm và thẳng thắn nói với chồng chưa cưới rằng: “Em không còn trinh tiết nữa”. Nếu người đàn ông vui vẻ chấp nhận, họ cùng nhau bước tiếp. Nếu người đàn ông ích kỷ, không đồng ý điều đó thì sẽ chấm dứt cuộc tình.
Thế nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để nói lên điều đó. Chính vì thế, các cô gái tìm mọi cách, thậm chí chấp nhận mất tiền để vá lại màng trinh, để mua sự tự tin, mua sự giả dối... Bác sĩ Dung cho rằng: “Đó là một tư tưởng sai lầm”.
Theo vị bác sĩ này, một người biết suy nghĩ và hiểu biết, không ai đánh giá việc mất trinh là mất tư cách đạo đức, không có phẩm hạnh... “Một người đàn ông mà đánh giá đạo đức qua cái màng trinh thì thật là ngớ ngẩn. Và họ sẽ nhận được sự dối trá từ chính suy nghĩ đó, khi các cô gái bỏ tiền ra vá lại màng trinh”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Với bác sĩ Dung, màng trinh là vô nghĩa. Phẩm hạnh, đạo đức của người phụ nữ phải được đánh giá trên nhiều khía cạnh trong cuộc sống. “Một người phụ nữ còn trinh nhưng sống dối trá, lừa lọc,… liệu có đáng trân trọng bằng một người phụ nữ tuy đã mất trinh nhưng sống hết mình vì gia đình, luôn chân thành, kính trên nhường dưới. Bởi vậy, tôi khẳng định lại rằng, đừng bao giờ lấy việc còn hay mất trinh làm thước đo nhân cách, đạo đức của người phụ nữ”, bác sĩ Dung nhấn mạnh.
Bác sĩ Dung tâm sự, hiện nay, phụ nữ tiếp nhận nhiều tư tưởng hiện đại, nhiều người đã tự “cởi trói” khỏi những áp đặt, khuôn mẫu, dám sống, dám tận hưởng và biết yêu bản thân hơn.
Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, không ít chị em hiện đại vẫn sống rất lệ thuộc, nhất là trong vấn đề tình dục. Mặc dù không cổ xúy quan hệ trước hôn nhân, bác sĩ thẳng thắn thừa nhận, khi đến tuổi trưởng thành, việc quan hệ tình dục là nhu cầu sinh lý, bản năng hết sức bình thường của con người. Thế nhưng, nhiều cô gái không chủ động tìm hiểu kỹ các kiến thức này, không can đảm từ chối khi chưa sẵn sàng hay kiên quyết sử dụng các biện pháp bảo vệ bản thân. Tới khi mang thai ngoài ý muốn, họ cũng lại chẳng dám tự quyết định. Có người, khi đến phòng khám để bỏ thai, lúc bác sĩ hỏi lý do thì vô tư trả lời: “Bạn trai cháu bảo thế”.
Không chỉ các cô gái trẻ, ngay cả một số phụ nữ đã có gia đình vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào sự áp đặt của người khác. Bác sĩ Dung đã chứng kiến có người vợ phá thai 4-5 lần chỉ vì mẹ chồng, chồng muốn có con trai. “Cơ thể của mình mà không tự quyết, tự bảo vệ và trân trọng, nhất nhất làm theo ý người khác là điều khó chấp nhận”, bác sĩ Dung gay gắt nói.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”, người phụ nữ sẽ mãi thiệt thòi, cả cuộc đời chẳng thể hạnh phúc nếu không tự chủ và không biết tự bảo vệ bản thân trong mọi việc, kể cả mối quan hệ yêu đương, thân mật.
Theo bác sĩ, để làm chủ cuộc đời và sống hạnh phúc, mỗi người phụ nữ cần biết trân trọng giá trị thực sự của bản thân, yêu thương cơ thể mình, chỉ nên quan hệ tình dục khi mọi thứ đã sẵn sàng cả về tâm lý lẫn sinh lý. Khi tâm lý thoải mái, chủ động trong việc phòng tránh thai, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục, bạn sẽ chẳng phải thấp thỏm và sẽ tận hưởng được những điều ngọt ngào, tuyệt vời nhất của “chuyện ấy”. Khi vẫn còn lo lắng, chưa sẵn sàng thì tốt nhất nên dừng lại.
“Khi quan hệ tình dục, thứ nhất nếu chưa muốn có con thì đừng để mang bầu. Thứ hai, đừng để mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Muốn làm được điều đó thì chị em phải luôn chủ động trong việc bảo vệ bản thân. Hãy tự chủ trong mọi quyết định liên quan đến chính mình”, bác sĩ Dung nhắn nhủ.
* Tên nhân vật, quê quán trong bài đã được thay đổi