tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Nhìn mâm cơm với các món “ít giống ai” như cơm ngũ hành, rau thập cẩm… của bác sĩ Từ Ngữ, nhiều người ngạc nhiên như lúc biết ông mỗi ngày vẫn thường đạp xe 10km quanh Hồ Tây.

Dù ở tuổi 70, TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam vẫn có thân hình cân đối, hoạt động nhanh nhẹn và đặc biệt sức bền vận động còn hơn cả thanh niên. Sở dĩ có được sức khỏe tốt như vậy, TS Từ Ngữ suốt nhiều năm nay luôn có những cách chăm sức sức khỏe khá thú vị trong cả ăn uống, vận động và sinh hoạt.

TS Từ Ngữ và vợ là bà Hoàng Bình Dân đều là bác sĩ và có thời gian dài công tác trong ngành dinh dưỡng tại Việt Nam. Hiện cả hai ông bà đều đã về hưu và sống tại một căn hộ chung cư nhỏ tại quận Bắc Từ Liêm. Hàng ngày, bà Bình Dân đi chợ, rồi hai vợ chồng cùng vào bếp chế biến món ăn. Có thời điểm, vợ vào Đà Nẵng với con cả tháng trời, TS Từ Ngữ dù ở một mình nhưng vẫn xách làn đi chợ, về nhà tự nấu ăn chứ không bao giờ ra quán.

Ông chia sẻ, trừ những cuộc hẹn với các bạn già hoặc đi du lịch buộc phải ăn ngoài (nhưng không nhiều), bản thân ông cũng như gia đình không bao giờ đi ăn quán xá, nhà hàng. Với ông, ăn quán sẽ không đầy đủ dinh dưỡng và như vậy là không có lợi cho sức khỏe. “Dù món ăn, bàn ăn ở nhà hàng, quán xá có đủ thành phần dinh dưỡng, nhưng cách chế biến của họ lại khiến thực phẩm mất đi nhiều dưỡng chất tốt. Do vậy, ăn ở nhà, do chính mình chế biến là tốt nhất”, TS Từ Ngữ chia sẻ.

Với vị chuyên gia dinh dưỡng này, bữa ăn và cách ăn là vấn đề của từng cá thể, ăn thế nào, ăn món gì, ăn bao nhiêu là đủ phụ thuộc phần lớn vào khẩu vị, khả năng hấp thu, tiêu hóa và đặc biệt là túi tiền của mỗi người.

Với gia đình TS Từ Ngữ, hai vợ chồng mỗi người chỉ ăn hết 1,5 triệu đồng/tháng. Rất nhiều người khi nghe số tiền trên, nghĩ rằng vợ chồng TS Từ Ngữ khó khăn, ăn tiêu tiết kiệm, nhưng thực tế không phải vậy. “Khi vợ không có nhà, một mình tôi đi chợ cũng chỉ tiêu bằng ấy tiền. Khi bà xã về, tôi cũng chỉ đưa cho 1,5 triệu tiền ăn mỗi tháng. Tôi phải nhấn mạnh rằng, đây là tiền ăn bao gồm: tiền gạo, tiền rau, tiền thịt cá trứng, gia vị. Số tiền này không bao gồm tiền điện, nước sinh hoạt, tiền hoa quả, sữa…”, TS Từ Ngữ bày tỏ.

Bà Hoàng Bình Dân (vợ TS Từ Ngữ) xác nhận, điều này là hoàn toàn chính xác, thậm chí bà còn bật máy tính, mở file ghi chi tiết tiền chi tiêu hàng ngày, trong đó tháng gần nhất hai vợ chồng mua thực phẩm hết 2.946.724 đồng. Bà Bình Dân cho rằng, không phải cứ ăn nhiều, ăn đồ đắt tiền mới là tốt. Quan trọng nhất trong ăn uống là mình phải cảm thấy ngon, thứ hai là đủ chất, có như vậy thì cơ thể mới khỏe mạnh.

Chỉ với 1,5 triều đồng tiền ăn một người mỗi tháng, nhiều người tò mò và đặt câu hỏi: “Bữa cơm của vợ chồng chuyên gia dinh dưỡng sẽ có những gì?”. TS Từ Ngữ cho biết, các bữa ăn của ông chẳng có gì đặc biệt, chỉ là những món đơn giản nhưng chắc chắn sẽ có sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm.

Suốt 10 năm nay, kể từ khi về hưu, lịch trình trong một ngày của TS Từ Ngữ dường như không thay đổi, trừ khi phải đi sự kiện hoặc công tác ở các địa phương ngoài Hà Nội.

Theo đó, tuổi già thường khó ngủ nên ông sẽ đi ngủ sớm và thưc dậy lúc 4h30 đến 5h. Bữa sáng của TS Từ Ngữ bắt đầu khoảng hơn 7h sáng và ăn những gì vợ chuẩn bị cho, có thể là bún, xôi hoặc mỳ. Món khoái khẩu nhất của ông là mỳ ký (mỳ cân), thêm chút thịt băm và chút rau là đủ. Đặc biệt, ông không ra ngoài ăn bún phở. Nhiều người cho rằng, bữa sáng ra quán đồ ăn sẽ ngon hơn, thích thì có thể tới những nhà hàng đắt tiền để được ăn sang, thể hiện đẳng cấp nhưng với ông, cách ăn này sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, nhất là với người già thì lại càng không tốt.

Bữa trưa và bữa tối của TS Từ Ngữ thường rất đúng giờ, vào 12h trưa và 19h tối, trên mâm cơm cũng chỉ có 4 món, là cơm, canh, rau và món mặn. Tuy nhiên, món nào cũng chỉ là thực phẩm bình dân nhưng lại có sự phối hợp đặc biệt và chế biến theo cách riêng của chuyên gia dinh dưỡng.

- Với cơm: TS Từ Ngữ sẽ nấu theo kiểu “ngũ hành”, thường có gạo, các loại củ và hạt trộn lẫn như ngô, lạc, đậu xanh, đậu đỏ. Với các loại hạt, ông sẽ ngâm trước trong khoảng thời gian nhất định, khi hạt đã no nước, ông sẽ vo gạo, trộn lẫn cùng các loại hạt để cắm cơm. Sở dĩ ông ăn theo cách này là vì các loại hạt cung cấp nhiều protein thực vật, các loại dầu… còn nếu ăn nguyên cơm, lượng tinh bột sẽ rất nhiều.

- Với món rau - canh: TS Từ Ngữ thường ăn rau luộc bởi ông cho rằng càng ít chế biến, rau càng giữ lại được nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt, tối thiểu trong đĩa rau luộc của TS Ngữ phải có ít nhất 3 loại rau, còn trung bình là có 5 loại kết hợp, trong đó có đủ rau lá, rau có rễ (rau non được nhổ cả rễ), rau lá cuốn hoặc các loại củ kết hợp.

Nguyên tắc luộc rau của ông là cho vừa nước, đun sôi rồi mới thả rau vào, rau cứng cho vào luộc trước, rau mềm cho vào sau. “Tôi kết hợp các loại rau ngoài sự đa dạng, thì nó còn giúp bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Bởi rau có lá màu sẫm cho hàm lượng vitamin khác so với rau màu nhạt hoặc trắng. Ngoài ra, khi ăn rau luộc tôi sẽ sử dụng hết phần nước luộc”, ông Ngữ chia sẻ.

- Với món mặn: Đây là món ăn cung cấp chất đạm, chất béo chủ yếu cho cơ thể, vì thế tuyệt đối không nên bỏ qua. Trong gia đình TS Từ Ngữ, một tuần sẽ có 2 bữa thịt bò và được chế biến xào là chủ yếu, cũng có thể là nấu sốt vang. Còn lại, các món khác chủ yếu là đồ kho và đồ luộc, nhưng chủ yếu là đồ kho.

Trường hợp ở một mình, TS Từ Ngữ sẽ kho một nồi thịt kết hợp nhiều loại thực phẩm như chả cá, thịt lợn ba chỉ, trứng, chả lợn, có thể là cả chút cùi dừa non. Như vậy, món mặn cũng đa dạng thực phẩm như món rau. Khi kho thịt, vị chuyên gia này sẽ cân đối để kho một nồi to đủ dùng cho 2 ngày, rồi cho vào tủ lạnh. Mỗi lần ăn, sẽ lấy ra một ít đủ nhu cầu để sử dụng.

Trường hợp vợ ở nhà, bữa ăn của ông có thể đổi món bằng cá, gà, vịt, các món rau khi đó không luộc mà có thể sẽ xào hoặc nấu thành canh nhưng vẫn có sự kết hợp các loại rau với nhau, ví dụ như canh mướp, mùng tơi, rau đay cùng nấu một nồi, khi ăn kết hợp thêm vài quả cà pháo muối. “Tóm lại là dù ở một mình hay có vợ ở nhà, quan điểm ăn uống của tôi không thay đổi, đó là ăn đúng giờ và phải đa dạng thực phẩm, đủ nhóm chất. Như tôi đã chia sẻ, tính cả cơm, rau, món mặn thì một bữa ăn của tôi không có dưới 10 loại thực phẩm-ngũ cốc kết hợp”, ông Ngữ nói.

Ngoài những chia sẻ trên, khi ăn uống, TS Từ Ngữ đặc biệt “khoái khẩu” với những món mà nhiều người chê là “kém sang”. Theo đó, cá gia đình ông thường lựa chọn các loại cá nhỏ để kho hoặc rán và khi ăn sẽ dùng cả xương và đầu. Các loại gà, vịt cũng được vị chuyên gia này nhai hết cả phần xương cổ chứ không hề bỏ phí. Hay thịt lợn khi mua ông không bao giờ bỏ da, mà sẽ làm sạch và ăn hết cả da.

“Sở dĩ tôi ăn như vậy là vì muốn xem độ chắc của răng mình đến đâu, nếu răng còn nhai được chứng tỏ là mình không thiếu canxi. Ngoài ra, bì lợn, cổ gà vịt rất nhiều collagen, đây là chất cực tốt nhất là với người già, vì nó giúp bôi trơn các khớp”, TS Từ Ngữ chia sẻ.

Với cách ăn uống như trên, TS.BS Từ Ngữ luôn giữ được cho mình sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất dẻo dai. Hằng ngày thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân và quét dọn nhà, việc không thể thiếu của bác sĩ là tập thể thể dục. Thông thường, nếu đi bộ, ông sẽ đi khoảng một tiếng – tầm 5km, còn đa số ông sẽ ra Hồ Tây đạp xe khoảng 10km, sau đó về ăn sáng.

Một việc TS Từ Ngữ cũng rất chú trọng là luôn giữ cho mình có một tinh thần “sạch”. Ông cho rằng, nếu tinh thần bất ổn, bị stress, áp lực, căng thẳng thì tập luyện mấy, ăn uống lành mạnh đến đâu cũng không thể khỏe được. “Khi còn công tác, tôi rất gầy, không khi nào vượt được quá 60kg, dù mình cao 1,7m, trong khi ăn uống điều độ và khoa học. Nguyên nhân là do áp lực công việc, bị stress, căng thẳng… Sau khi về hưu, tinh thần thoải mái, ăn uống vẫn vậy nhưng cân nặng tôi đã tăng lên 64,5- 65kg và vẫn giữ mốc này trong suốt 10 năm nay. Sức khỏe tâm trí thực sự rất quan trọng”, ông Ngữ chia sẻ.

Theo TS Từ Ngữ, cân nặng là yếu tố rất quan trọng để nhận biết tình hình sức khỏe của mình có thật sự ổn hay không. Những ai sụt cân nhanh chứng tỏ cơ thể đang có vấn đề, còn người tăng cân đột ngột có thể do việc ăn uống chưa hợp lý và dễ để lại nhiều hệ lụy tới sức khỏe. Do vậy, việc kiểm soát cân nặng rất cần lưu tâm và “bí quyết” của TS Từ Ngữ chính là chiếc cân ở góc nhà.

Cách theo dõi cân nặng của TS Từ Ngữ rất đơn giản, đó là lấy 2 số cuối của chiều cao chia cho 10, rồi nhân với 9 sẽ cho số cân nặng lý tưởng nhất. “Tôi cao 1.70 mét, nên sẽ lấy 70 chia cho 10 = 7, rồi lấy 7x9 sẽ bằng 63. Như vậy, số cân nặng lý tưởng của tôi là 63kg, và thực tế tôi đang là 64,5kg, số dư cũng không đáng kể, quan trọng nhất là số cân này tôi ổn định trọng rất nhiều năm nay”, TS Ngữ nói.

Ngoài ra, việc lắng nghe cơ thể, theo TS Ngữ, cũng là rất quan trọng, có thể giúp sớm phát hiện các bất thường để đi khám sớm. Thông thường, bộ phận dễ bị “ốm” nhất trong cơ thể là hệ tiêu hóa, vì thế cần để ý hàng ngày qua việc đại tiện.

Suốt nhiều năm nay, vị tiến sĩ này luôn đại tiện đúng giờ và mỗi lần đó ông chú ý xem chất thải có thành khuôn không và màu sắc như thế nào. “Nếu đại tiện đúng giờ, chất thải thành khuân, màu sắc không bất thường chứng tỏ hệ tiêu hóa đang rất ổn, kể cả là các bộ phận như mật, tụy có tốt hay không thì nhìn màu sắc chất thải có thể phát hiện ra được. Rất nhiều năm qua, tôi chỉ cần lắng nghe cơ thể là biết tình trạng sức khỏe mình ra sao và không cần phải xét nghiệm máu”, ông Ngữ nói.

Tóm lại, để có sức khỏe tốt như hiện nay TS Từ Ngữ đúc kết lại trong 4 thói quen: Ăn đúng, ăn đủ; Tập luyện đúng giờ, phù hợp; Sống lành mạnh và cuối cùng là giao tiếp xã hội. Vị tiến sĩ này cho rằng, những nguyên tắc trên không chỉ ông mà ai cũng nên thực hiện, tuy nhiên cách áp dụng thì tùy vào thực tế, điều kiện mỗi người.

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]