Những ngày cuối tuần có dịp gặp gỡ đông đủ con cháu trong nhà, bà Quỳnh Hoa (58 tuổi) nói rõ: “Từ nay ba mẹ quyết ăn chay, mỗi 2 ngày cuối tuần. Tụi con không có gì phải lo cho ba mẹ. Đứa nào ăn mặn cứ ăn, ăn chay cùng ba mẹ thì càng tốt”.
Lý do bà Hoa đưa ra là hai ông bà đã lớn tuổi, ăn chay để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe, đồng thời ông bà cũng muốn giảm bớt ăn thịt, làm lành, tích phúc cho con cái. Thật ra, từ khoảng cuối năm 2021, bà Hoa nói mình đã tự ăn chay mỗi tháng 2 ngày; sau đó lên 4 ngày, rồi cuối cùng là 8 ngày/tháng.
Cách bà Hoa chọn lựa ăn uống như trên có thể xem là một cách riêng để cân bằng giữa dinh dưỡng thực vật và động vật, hướng đến dinh dưỡng xanh, tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Tùy theo quan điểm mỗi người, ngày nay dinh dưỡng xanh ngày càng được mọi người quan tâm hơn bởi nó liên quan trực tiếp đến lối sống và sức khỏe của từng cá nhân.
Chị Ngọc Bích, con gái lớn của bà Hoa chia sẻ: “Ba mẹ cảm thấy khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn là ổn. Còn tôi ăn chay vì thấy có lợi cho sức khỏe và cũng muốn cả nhà ăn chay chung để có không khí thân mật gia đình”.
Những ngày cuối tuần, Bích cảm nhận được sự “cộng hưởng” năng lượng là có thật. “Lần đầu tiên trong suốt 32 năm, tôi thấy chồng thật giỏi, nhịn được thịt cá mà chẳng hề cảm thấy khó chịu hay mỏi mệt. Mấy anh em cuối tuần gặp nhau, bỏ luôn cả khoản bia rượu, nhờ thế ông chồng tôi giảm được vòng 2 một cách sung sướng”, Bích Ngọc khoái chí khoe.
Chú Út – Quang Hưng (28 tuổi) còn trổ tài làm món “đậu hủ túi tiền” (đậu hủ nhồi nấm, bó lại như túi tiền) khiến cho cả nhà trầm trồ. Nói về món ăn của mình, Quang Hưng chia sẻ: “Tôi xem youtube, thấy đậu hủ tốt cho sức khỏe nên làm món này để ba má vui. Còn câu chuyện túi tiền là để có món ăn lạ, cho mọi người trong nhà thêm hào hứng, thêm gắn kết”.
Không hẳn ăn chay như gia đình chị Bích Ngọc, anh Việt Dũng (35 tuổi), chọn ăn kiêng để giảm cân. Anh lên mạng tìm hiểu và chọn chế độ ăn “nhịn ăn gián đoạn 16/8” bởi đây là chế độ giúp ăn kiêng lành mạnh, dễ thực hiện và bền vững.
“Tôi thường chọn ngày cuối tuần để ăn kiêng. Mình nên tranh thủ những ngày này để luyện tập thói quen ăn uống và giảm cân theo ý muốn. Nhờ thế, cơ thể thật sự nhẹ nhàng, không hề mệt mỏi”, anh Dũng chia sẻ.
Rõ ràng, mỗi người, mỗi hoàn cảnh đã chọn cách ăn chay, ăn kiêng hoặc chọn ăn thực vật với một ý thức rõ ràng: duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, sống lành mạnh.
Dinh dưỡng xanh đang dần thay đổi thói quen và nhu cầu ăn uống ở nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các tài liệu khoa học, nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nguồn protein (đạm) dồi dào. Trong số đó, thực phẩm xanh phổ biến hàng đầu là các sản phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ, tàu hũ ky, sữa đậu nành, các loại tương... Xếp sau đó là các loại hạt như đậu phộng, vừng, hạt điều, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu gà, các loại ngũ cốc và một số loại rau như rau ngót, rau chùm ngây…
Không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, chế độ ăn thực vật còn mang lại nhiều lợi ích, như giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ các bệnh mãn tính, huyết áp cao, béo phì, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Trong đó, sữa hạt thay thế sữa động vật, đặc biệt là sữa đậu nành với giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên sử dụng hàng ngày, đã trở thành thức uống quen thuộc của nhiều người theo đuổi chế độ ăn thực vật. Nói cách khác, sữa thực vật – tiêu biểu như sữa đậu nành – đã trở thành một từ khóa trong từ điển của những tín đồ sống xanh vì sở hữu nguồn dinh dưỡng dồi dào, hương vị thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Theo đó, đạm đậu nành thường được sử dụng thay thế cho đạm động vật trong khẩu phần ăn. Đậu nành là một loại thực vật không chứa cholesterol và ít chất béo bão hoà (Linsay & Claywell, 1998). Đậu nành cũng là loại thực vật có chứa 8 loại axit amin thiết yếu (Dudek, 2001; Morrison & Hark, 1999). Ngoài những thành phần đó, đậu nành còn rất giàu chất xơ, chất sắt, canxi, kẽm và các loại vitamin tốt cho cơ thể (Linsay & Claywell, 1998). (*)
Ngoài ra, theo đông y, đậu nành là một loại "dược thực lưỡng dụng", có nghĩa vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc. Loại hạt này giàu dinh dưỡng với tỉ lệ đạm - béo - đường bột rất lí tưởng, tốt cho sức khỏe mà những người ăn xanh không nên bỏ qua.
Không phải đến bây giờ con người mới hướng về dinh dưỡng xanh mà từ rất lâu người ta đã thấy rằng những những người sống thọ là những người sống gần gũi thiên nhiên và biết cân bằng dinh dưỡng. Năm 2018, WHO thống kê tuổi thọ trung bình của người Nhật là 84,2 tuổi, trong đó phụ nữ là 87,1 tuổi và nam giới là 81,1 tuổi. (**)
Thực đơn của người Nhật đa số là các loại thực phẩm ít béo như cá, đậu nành, rau, gừng và trà xanh; giảm ăn thịt đỏ, tăng cường hải sản và các loại đậu, chế biến ra những món ăn ít muối và giữ được hàm lượng đạm cao. Cấu trúc bữa ăn này giúp họ tránh nguy cơ gặp chứng đột quỵ, chống lão hóa, tốt cho tim mạch.
Trên thực tế, xu hướng dinh dưỡng xanh đã dẫn dắt ngành sản xuất và tiêu dùng sữa thực vật tăng trưởng với tốc độ trung bình 2 con số mỗi năm. Theo Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International, ngành sữa thực vật là một trong những lĩnh vực năng động và lớn nhất, với giá trị bán lẻ toàn cầu đạt trên 20 tỷ USD vào năm 2021, trong đó gần 18 tỷ USD đến từ sữa thực vật.
Nguồn tham khảo
(*)https://vinasoy.com/chuyen-gia/loi-ich-cua-dam-dau-nanh
https://www.organica.vn/news/11/ban-co-biet-tai-sao-nguoi-nhat-lai-co-tuoi-tho-cao-nhat-the-gioi
https://www.healthline.com/nutrition/16-8-intermittent-fasting
https://www.euromonitor.com/article/trends-to-watch-in-plant-based-milk
https://vnexpress.net/sua-dau-nanh-duoc-lyeu-dong-y-da-nang-2275363.html
http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-hop-ly/nhung-mon-an-che-bien-tu-dau-nanh-va-benh-xo-vua-dong-mach-53.html