tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 3

20 năm là bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E) luôn tâm niệm không phải tiền bạc, việc giúp bệnh nhân có cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc mới là thành công của người thầy thuốc.

Tháng 9/2001, vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, chàng bác sĩ đa khoa Đình Minh đang đắn đo chưa biết nên theo chuyên ngành nào để học bác sĩ nội trú thì đọc được cuốn tài liệu về phẫu thuật tạo hình của Thiếu tướng, GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan - người đặt nền móng đầu tiên cho ngành Phẫu thuật tạo hình tại Việt Nam. Những trang sách có sức hút kỳ lạ, khiến anh càng đọc càng hứng thú chuyên ngành vốn chưa “nổi” thời ấy. Sau này, có cơ hội tiếp xúc với GS.TS. Trần Thiết Sơn (nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình - Đại học Y Hà Nội), anh càng thôi thúc sẽ dấn thân theo chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

“Tôi ấn tượng nhất khi biết trường hợp một bệnh nhân được tái tạo lại dương vật sau khi điều trị ung thư. Sau ca phẫu thuật, dương vật của bệnh nhân hoạt động vô cùng ‘trơn tru’ với đầy đủ chức năng vốn có. Điều đó thay đổi cả cuộc đời người bệnh, giúp họ giữ ‘lửa’ hạnh phúc gia đình”, bác sĩ Minh nhớ lại.

Sau đó, tận mắt chứng kiến cuộc vật lộn, sự mất tự tin của những bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn bỏng phải mang vết sẹo suốt đời, người bác sĩ trẻ càng mong muốn có thể giúp họ không chỉ khỏi nỗi đau thể xác, mà còn thêm đẹp và tự tin, có cuộc sống tốt hơn.

Biến khát khao thành hành động, anh quyết định đi theo chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và đặt mục đích rất rõ ràng: Ngoài chữa bệnh, phải giúp được nhiều người thay đổi diện mạo, có cơ hội sống hạnh phúc hơn.

“Không thầy đố mày làm nên” là câu nói luôn đúng với nhiều người và bác sĩ Minh cũng vậy. Sau thời gian dài theo học và phụ mổ hàng trăm ca cho các thầy, cuối cùng anh cũng được cầm dao thực hiện ca phẫu thuật tạo hình đầu tiên. Bệnh nhân của anh là một cậu bé dân tộc bị sứt môi khiến khuôn mặt không hoàn thiện, giọng nói chẳng tròn vành rõ chữ.

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 10

Ca mổ kéo dài một tiếng và chỉ vài giờ sau đó, nhìn cháu bé có thể đi lại, với gương mặt hoàn toàn khác biệt trước khi mổ, bác sĩ Minh như không tin vào mắt mình. Cộng với việc được các thầy đánh giá cuộc phẫu thuật ổn, chàng bác sĩ trẻ cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vô bờ.

“Là bác sĩ, tôi không bao giờ cho mình quyền lựa chọn bệnh nhân, mà phải nỗ lực cao nhất để cứu họ, làm những gì tốt nhất cho họ, vì có nhiều trường hợp phía trước bệnh nhân là một tương lai dài hay phía sau họ có một đàn con thơ và cả hạnh phúc gia đình hoặc đơn giản là khát khao được làm đẹp cho bản thân để có cơ hội sống hạnh phúc hơn”, bác sĩ Minh tâm sự.

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 11

Lan Anh đang làm việc cho một công ty có tiếng tại Hà Nội. Suốt 29 năm qua, cô sống trong hình hài một cô gái, với giọng nói, tính cách và hình thể nữ tính. Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì, Lan Anh không hề có kinh nguyệt. Khi đó, cô chẳng suy tư nhiều, chỉ nghĩ “không trước thì sau kiểu gì chẳng có”.

Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, Lan Anh yêu một chàng trai cùng công ty. Mỗi lần bên nhau, khi cảm xúc dâng trào, cả hai muốn hòa quyện nhưng trớ trêu lại không thể làm “chuyện ấy” và chẳng đạt được khoái cảm như tưởng tượng. Sau nhiều lần cố gắng “chiều” bạn trai không được, Lan Anh chủ động chia tay và cô bắt đầu đặt ra cho mình một loạt câu hỏi:

“Tại sao 29 tuổi mà mình chưa có kinh nguyệt?”, “Dù rất hưng phấn, sao mình lại không thể quan hệ?”, “Có lẽ nào trong âm đạo mình có bức tường ngăn?”…

Luẩn quẩn với những băn khoăn ấy, Lan Anh luôn sống trong lo âu. “Ai cũng khen mái tóc em đẹp, giọng hát em hay, gương mặt rất ‘nét’ mỗi khi được tô son, đánh phấn. Nghe lời khen ấy em vui lắm và càng quyết tâm phải đi tìm lời giải cho những câu hỏi trên, để mình trở thành người phụ nữ hoàn thiện”, Lan Anh tâm sự.

Khi bị gia đình giục chuyện chồng con, Lan Anh quyết định đến Bệnh viện E để tìm câu trả lời cho những băn khoăn bấy lâu. Tại đây, sau khi khám lâm sàng, test tâm lý, làm các xét nghiệm cho Lan Anh và hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ nói:

- Em bị hội chứng không nhạy cảm androgen.

- Nghĩa là sao, bác sĩ? Lan Anh hỏi lại.

- Có nghĩa là em mang hình hài, có tính cách, giọng nói là nữ nhưng xét nghiệm nhiễm sắc thể lại là đàn ông (XY).

Nghe đến đây, Lan Anh lặng người. Hóa ra, bao lâu nay có “gã đàn ông” ẩn sâu trong cơ thể mà cô không hề hay biết. Sau một hồi trầm tư lo lắng, Lan Anh hỏi:

- Vậy bây giờ em phải làm sao bác sĩ ơi?

- Em hãy thật bình tĩnh để suy nghĩ, lựa chọn giữ nguyên giới tính nữ như giấy khai sinh hay chuyển về theo đúng nhiễm sắc thể (XY) là nam giới.

- Không! Em muốn là phụ nữ, em muốn được mặc váy điệu đà. Giờ em mà chuyển thành nam giới thì sẽ phải đối diện với mọi người ra sao?”, Lan Anh nói, ánh mắt như van nài.

- Vậy em phải can thiệp, làm phẫu thuật, bác sĩ trả lời.

Lắng nghe nỗi niềm thiết tha được sống như một người phụ nữ thực thụ, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo hình giúp Lan Anh thực hiện ý nguyện. Để thực hiện ca phẫu thuật này, bác sĩ Minh cho biết, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: Tâm lý học, phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, sản khoa...

Quá trình tạo hình âm đạo khá thuận lợi, nhưng khi nội soi vào ổ bụng, kíp mổ tiết niệu và sản khoa lại phát hiện vấn đề hóc búa:

“Trong tiểu khung có bộ phận giống như vòi trứng và buồng trứng”, một bác sĩ lên tiếng. “Bộ phận đó rất giống tinh hoàn”, bác sĩ khác bác bỏ. Ngay lập tức, đội ngũ kíp mổ hội ý và quyết định lấy mảnh sinh thiết tức thì để xác định chắc chắn là buồng trứng hay tinh hoàn.

15 phút sau, kết quả về. Sau khi tham vấn ý kiến với chuyên gia đầu ngành về giải phẫu bệnh, các bác sĩ khẳng định: “Đây là tinh hoàn và nó nằm đúng vị trí buồng trứng”. Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng diễn ra. Tại đây, TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa phẫu thuật Tiết niệu và Nam học cho rằng, nếu cắt tinh hoàn là ngược với giới tính thật (mang nhiễm sắc thể XY là nam giới) của bệnh nhân, nhưng không cắt thì nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn rất cao.

“Cắt bỏ tinh hoàn để tránh nguy cơ ung thư sau này và đúng với mong muốn được là phụ nữ của người bệnh” là kết luận cuối cùng sau cuộc hội chẩn. Ca phẫu thuật tiếp tục nhưng các vấn đề phát sinh chưa dừng lại.

“Cẩn trọng! Chỉ lạc hướng chút, “xơi” ngay vào tạng khác như trực tràng là hỏng đấy!”, bác sĩ dõng dạc.

Ca phẫu thuật cuối cùng cũng thành công. Vào viện cùng nỗi lo lắng, hoang mang, khi ra viện, Lan Anh tự tin với cơ thể nữ tính hoàn thiện và sẵn sàng cho tương lai rộng mở đang chờ đón.

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 18

Sống trên đời ai cũng mong có được thân hình hoàn thiện nhưng tạo hóa đôi khi trêu ngươi. Có những người tưởng chừng đã được vẹn tròn, bỗng một ngày phát hiện cơ thể khiếm khuyết ở những bộ phận chẳng ai ngờ tới.

Sinh ra ở một tỉnh miền núi phía Bắc, ở tuổi đôi mươi, Quỳnh Chi có vẻ ngoài xinh đẹp, duyên dáng nhưng đôi mắt luôn đượm buồn. Cô có một bất thường ở vùng kín mà chẳng thể chia sẻ cùng ai. Khi yêu và xác định tiến tới hôn nhân với một chàng trai, Chi sợ “bí mật” này sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nên cùng mẹ đến Bệnh viện E khám.

Qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Đình Minh xác định, Quỳnh Chi bị dị tật không có âm đạo và không có cách nào khác là phẫu thuật tạo hình lại bộ phận này. Đây là biện pháp khả thi nhất để cứu vãn cuộc hôn nhân sắp diễn ra, cũng như hạnh phúc gia đình sau này của cô.

Nghe bác sĩ chia sẻ, Quỳnh Chi suy tư và cảm thấy “rối như tơ vò”.

- Em vẫn đi tiểu bình thường, sao lại không có âm đạo chứ?

- Bây giờ em lắp âm đạo vào, sau này chồng và gia đình chồng biết em dùng “đồ giả” thì sao?

Quỳnh Chi liên tiếp đặt câu hỏi cho bác sĩ. Hiểu được tâm lý của cô gái trẻ, bác sĩ Minh nhẹ nhàng giải thích, việc tái tạo lại âm đạo không phải là lắp đồ giả. Vốn sinh ra mình đã có âm đạo, nhưng nó chưa được hoàn thiện, tròn trịa nên bây giờ cần phải “khai thông”, giúp bộ phận ấy trở về chức năng vốn có của nó.

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 21

“Nếu em không tạo hình âm đạo, sau này khi lấy chồng em không thể ‘quan hệ’, mà vợ chồng không làm được “chuyện ấy” thì có yêu nhau đến mấy, hạnh phúc cũng khó bền lâu”, bác sĩ Minh nói với Quỳnh Chi.

Khi hiểu ra mọi chuyện, Quỳnh Chi và mẹ chỉ biết nhìn nhau, vì số tiền đi khám cũng là nhờ mọi người giúp đỡ. “Tài sản gia đình em giờ gom vào chắc chỉ đủ làm hết các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu... Còn tiền để thực hiện phẫu thuật là một vấn đề lớn”, Quỳnh Chi suy nghĩ.

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 22

Biết gia đình bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế, không đủ kinh phí cho ca phẫu thuật nhưng nghĩ tới khao khát cháy bỏng được làm vợ và có một gia đình hạnh phúc của cô gái trẻ, bác sĩ Minh quyết định đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để thực hiện ca mổ. Nhiều lời dị nghị tới tai anh. Có người nói thẳng: Bệnh nhân không bị ảnh hưởng tính mạng, không phải bệnh nguy cấp và vẫn sống bình thường kể cả không cần phẫu thuật, sao phải giúp? Bác sĩ Minh chọn im lặng. Anh biết những lời ấy có thể hợp lý ở khía cạnh nào đó, nhưng anh nghĩ khác.

“Với tôi thì bệnh nhân nào cũng như nhau, nhưng cô gái này rất trẻ, còn cả tương lai dài phía trước. Nếu một ca phẫu thuật có thể làm thay đổi cuộc sống của một người, giúp họ hạnh phúc suốt phần đời còn lại thì sao lại không làm?”, bác sĩ lý giải việc anh tiếp tục kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân.

Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng số tiền cũng đã đủ, ca phẫu thuật diễn ra thành công ngoài sự mong đợi, bệnh nhân xuất viện trong niềm vui và hạnh phúc vô bờ. Sau ca mổ định mệnh ấy, Quỳnh Chi đã lấy chồng và có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc.

Qua hơn 20 năm công tác, trực tiếp làm thay đổi diện mạo và cuộc sống của biết bao bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Đình Minh tâm niệm, điều quan trọng nhất trong đời là mang lại được giá trị gì cho cuộc sống của người bệnh. “Hạnh phúc lớn lao đôi khi đến từ những điều vô cùng nhỏ bé, vì thế hãy nâng niu những giá trị trong cuộc sống hằng ngày, để vừa mang lại hạnh phúc cho mình và cả những bệnh nhân”, bác sĩ Minh chia sẻ.

* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

Phía sau ca phẫu thuật thay đổi số phận những phụ nữ có “cô bé” lạ thường - 25

Content: Lê Phương

Media: Nguyễn Quân

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]