Ở tuổi ngoài 40, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) có thân hình cân đối với làn da hồng hào và tinh thần phấn chấn, luôn thường trực nụ cười trên môi.
Bác sĩ Hưng chia sẻ, từ hồi sinh viên đến nay, chỉ số khối cơ thể (BMI) của anh chưa bao giờ vượt chuẩn. (BMI là chỉ số được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), và kết quả 18,5 - 24,9 được coi là bình thường). Anh được rất nhiều người, từ bạn bè, đồng nghiệp, cho đến người bệnh và người nhà bệnh nhân hỏi về “bí kíp” ăn uống để thân hình cân đối và luôn khỏe mạnh. "Bí kíp của tôi không có gì cao siêu cả, nó rất đơn giản và ai cũng có thể thực hiện được", vị tiến sĩ dinh dưỡng vui vẻ chia sẻ.
Một ngày mới của bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng bắt đầu từ 5h30-6h00 sáng và kết thúc trước 22h00 đêm. Với bác sĩ, giờ thức dậy như vậy không hề sớm bởi anh muốn dành quỹ thời gian buổi sáng cho việc tập thể dục nhẹ nhàng và dùng bữa bên gia đình trước khi đi làm. Trừ những ngày có ca bệnh hội chẩn hoặc lịch công tác đột xuất, buổi trưa, anh sẽ dành khoảng 30 phút chợp mắt trước khi bước vào giờ làm việc buổi chiều.
Giấc ngủ với bác sĩ Hưng rất quan trọng bởi theo anh thức khuya, ngủ muộn sẽ khiến ngày làm việc hôm sau giống như “cực hình”, ảnh hưởng lớn đến công việc khám chữa bệnh.
“Chúng ta không nên vì một bộ phim gay cấn hay một cuộc nhậu, tách cà phê mà nuông chiều bản thân, để rồi đi ngủ muộn. Bởi khi đã có lần một, sẽ có lần hai và lâu dần trở thành thói quen. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc ngày hôm sau, mà còn tác động trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của mình”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Về thói quen ăn uống, theo bác sĩ, mỗi người có một sở thích, nhu cầu khác nhau và không có một công thức chung nào đúng cho tất cả. Dù vậy, anh cho rằng việc ăn uống vẫn phải dựa trên nguyên tắc nhất định về dinh dưỡng, trong đó, tối thiểu là phải bổ sung đầy đủ, đa dạng 4 nhóm chất cho cơ thể trong một ngày, đó là chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất.
Bản thân anh luôn dựa trên nguyên tắc 80-20: 80% ăn theo các khuyến nghị khoa học về dinh dưỡng cho cơ thể, 20% sẽ dành cho những mối quan hệ bên ngoài. Nhiều năm thực hiện theo nguyên tắc này, bác sĩ Hưng nhận được hai điều tốt: Tốt cho sức khỏe và tốt cho những mối quan hệ.
Cụ thể, trong 80% ăn uống theo khoa học, luôn đảm bảo ăn đầy đủ 4 nhóm chất theo khuyến nghị, có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ và tập luyện hợp lý, như vậy sức khỏe ắt sẽ được nâng lên.
Còn 20% việc ăn uống dành cho các mối quan hệ là khi tham gia những buổi tiệc chiêu đãi hội nghị, đi uống cà phê với bạn bè hay thậm chí là ngồi ăn bún, phở bình dân. Bác sĩ Hưng cho rằng, xã hội hiện đại, mình không thể “cậy” là bác sĩ dinh dưỡng mà bạn bè rủ đi ăn bát bún, hay uống cốc nước sinh tố lại từ chối. Dù biết rằng, bát bún sẽ thiếu cân đối nhất là thiếu rau, hay cốc sinh tố sẽ rất nhiều đường…
“Điều quan trọng trong 20% này là sau đó mình phải cân đối lại khẩu phần ăn những bữa tiếp theo sao cho phù hợp. Do vậy, tôi luôn nói rằng, trong ăn uống không nên quá khắt khe, nhưng cũng đừng quá nuông chiều bản thân”, bác sĩ Hưng bày tỏ.
Dù là người từng tu nghiệp tại Nhật Bản về nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bác sĩ Hưng không nhất nhất áp dụng theo chế độ ăn của người Nhật, dù chế độ đó tốt và có nhiều ưu điểm. "Nguồn thực phẩm của Việt Nam mình rất phong phú, đa dạng cả về số lượng và chủng loại, lại có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn. Vì thế, sao phải máy móc áp dụng cách ăn của nước bạn?", bác sĩ Hưng giải thích về lý do anh thích tận dụng nguồn thực phẩm ở trong nước để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Cách anh phân chia các bữa ăn cũng rất đơn giản và "thuần Việt": Một ngày anh có 3 bữa chính, mỗi bữa luôn tính làm sao đủ năng lượng nạp vào cơ thể. Anh không đề cao vai trò của bất cứ bữa ăn nào. “Mỗi bữa ăn đều có giá trị riêng, vì thế chúng ta cần coi trọng vai trò của các bữa ăn như nhau”, bác sĩ Hưng nói.
Với bữa sáng, anh thường xuyên thay đổi món để cơ thể tiếp nhận đa dạng các nguồn thực phẩm. "Hôm thì cùng con ăn bánh mỳ với trứng ốp và rau xanh, dưa chuột, cà chua. Có sáng cả nhà lại nấu và ăn bún, phở hay cơm. Một số bữa, chỉ cần cốc sữa công thức là đủ năng lượng để bắt đầu ngày mới", vị tiến sĩ dinh dưỡng chia sẻ.
Với bữa trưa, đa phần bác sĩ Hưng ăn tại nơi làm việc, do vậy một suất cơm với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là rất quan trọng để cung cấp năng lượng cho buổi chiều hiệu quả. "20% ăn cho mối quan hệ thường hay rơi vào bữa trưa. Những hôm đi sự kiện hoặc bạn bè rủ ăn trưa, tôi sẵn sàng "bỏ cơm" để trải nghiệm những món ăn bình dân khác", anh chia sẻ.
Coi bữa tối là thời gian quý giá khi gia đình quây quần bên nhau, bác sĩ Hưng cho rằng, đây là bữa ăn rất quan trọng, không chỉ cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, mà còn gắn kết các thành viên yêu thương. Tuy nhiên, không nên vì thế mà ăn thật no, thật nhiều hay kỳ công chế biến những món quá cầu kỳ, đắt tiền vào bữa cuối ngày này.
“Món gì trên mâm không quan trọng, điều cơ bản nhất là hợp khẩu vị, đủ khẩu phần, đủ dinh dưỡng và các thành viên sum vầy bên mâm cơm cùng nhau”, bác sĩ Hưng nói về bữa ăn gia đình mình.
Theo bác sĩ Hưng, điều cơ bản nhất trong các bữa ăn là tính được năng lượng nạp vào cơ thể sao cho đầy đủ và cân đối. Với tính chất công việc và nhu cầu bản thân, mỗi ngày anh cần nạp khoảng 1.800kcal và chia đều cho 3 bữa sáng, trưa, tối.
Điều anh đặc biệt "kiêng" là ăn vặt. Bác sĩ lý giải, ăn vặt chính là “con dao hai lưỡi” khiến cho tình trạng tăng cân, béo phì gia tăng, làm chúng ta không ăn đủ dinh dưỡng trong bữa chính và không còn cảm thấy ngon miệng.
“Rất nhiều người thắc mắc rằng, tại sao họ ăn rất ít cơm, thức ăn nhưng vẫn béo. Nguyên nhân chính là do ăn vặt, ăn mất cân đối các thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo. Từ hạt hướng dương, hạt bí, hay cốc sinh tố, trà sữa, thậm chí là hoa quả đều cung cấp rất nhiều năng lượng cho cơ thể nếu chúng ta ăn không kiểm soát số lượng. Chính việc không kiểm soát được năng lượng nạp vào là nguyên nhân dẫn tới thừa cân, béo phì”, bác sĩ Hưng cho hay.
Để có một sức khỏe tốt, thân hình chuẩn (so với chiều cao, cân nặng của mỗi người), theo bác sĩ Hưng, chúng ta không cần bất cứ “bí kíp” gì cao siêu, mà đơn giản là đưa mình vào khuôn khổ, tự đặt ra những nguyên tắc phù hợp bản thân, cũng như kiểm soát tốt năng lượng nạp vào cơ thể.
Ngoài ra, anh tiết lộ một việc đơn giản, là mọi người nên có thói quen theo dõi cân nặng, vòng bụng của mình để khi thấy tăng cân, mặc quần chật bụng hơn… thì có kế hoạch điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện. Tốt hơn nữa, nên đi khám tư vấn dinh dưỡng định kỳ để nhận được lời khuyên phù hợp nhất với tình trạng cân nặng, chiều cao, tuổi, giới, mức độ lao động, chỉ số các xét nghiệm... của mỗi người.