Khi TP.HCM vào ngày thực hiện giãn cách xã hội, những cuốc xe hàng của ông Lê Văn Đức (51 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) trở nên ế ẩm, những cuộc gọi mưu sinh thưa dần, thay vào đó là tiếng thở dài và đóng bụi của chiếc xe ba gác. Hơn 5 năm chạy xe, gần chục năm trời làm đủ nghề mưu sinh khác, ông Đức ngậm ngùi kể: “Có lẽ đây là lần đầu tiên, trong đời tôi phải nghỉ nghề, đóng máy một thời gian dài không biết ngày trở lại như thế, người lao động mà không làm thì không có tiền ăn”.
Tôi có dịp đến nhà ông Đức vào một buổi chiều ở khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ vốn nhộn nhịp những chuyến xe hàng chở quà từ miền Tây lên. Nhà ông y hệt như những nhà cấp 4 dưới quê, căn nhà trống trải, nhìn vào trong toang hoác, bên ngoài sân dựng chiếc xe ba gác màu xám, hơi cũ nhưng với ông “chạy vẫn rất ngon”. Gia đình ông Đức thuộc diện khó khăn trong vùng, một mình ông là lao động chính vừa nuôi mẹ già, hai con nhỏ đi học, trong đó có một đứa mắc bệnh loãng máu phải lên bệnh viện “như cơm bữa”. Mới đây, ông cũng vừa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp vì COVID-19 ở phường sau thời gian dài giãn cách ở nhà tuân thủ quy định.
Chỗ ông sống từng là nơi phong tỏa chồng phong tỏa, chốt chồng chốt, ra vào kiểm soát nghiêm ngặt, ấy vậy mà ông hào hứng kể: “Bây giờ tui ra đường đi quanh quanh trong phường ai cũng biết hết, đứng từ xa người ta biết xe chở hàng từ thiện là cho đi luôn”.
Ông Đức là người làm công việc thiện nguyện, lấy xe ba gác của gia đình giúp mạnh thường quân chở miễn phí quà, nhu yếu phẩm đến bà con đang gặp khó khăn.
Hay tin ông sẽ phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều, vợ con cũng dằn bụng lo lắng, nhưng ông nói nhẹ bẫng: “Xe để không cũng nguội máy, có khi lại hư, đi ra đi vào chỉ nhận quà của người ta cũng kì, giờ phường xã cần giúp sao mình không đi?”.
Nói là làm, cứ hễ có điện thoại, dù có đang giờ cơm ông cũng buông đũa đi luôn. Cô Nguyễn Thị Liễu, bí thư khu phố, nơi ông Đức sống, cho biết nhờ ông Đức mà chuyến xe nào xe nấy chở nhu yếu phẩm, gạo cũng đến tay bà con xóm trọ. Nhớ lại những buổi trưa trời Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, tính ngả lưng sau buổi sáng mang vác đồ nơi này qua nơi khác, ông tâm sự: “Nhiều lúc tôi ngủ mà người cứ lơ mơ, sợ ai gọi nhờ "Đức ba gác" mà không bắt máy, đồ về đến nơi phải chuyển đi ngay vì rau củ thì nhanh hư lắm, bà con khắp nơi cứ ngóng suốt. Còn hôm nào ai gọi đúng giờ ăn trưa thì tôi cũng đi luôn, không ăn cơm lúc này thì chạy xong về ăn lại có sao đâu”.
Người nhà đã quen với tính ông Đức, chẳng ai nói ai rằng. Với người thân, ông Đức là người “thích đi làm chuyện bao đồng”, “dư xăng”. Với bản thân ông, đây là điều ông thích làm, muốn làm bởi ông nghĩ, không chỉ có người giàu, người nghèo cũng có thể cho đi.
Từ khi bén duyên với chuyện làm thiện nguyện, ngoài những cuốc xe miễn phí cho người nghèo, sinh viên… ông thường xuyên “thủ” sẵn những phong bao tiền phát tâm giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn, khi là một người xa lạ bị suy thận giai đoạn cuối nằm co ro trong phòng trọ, khi là người già, người khuyết tật ở địa phương.
“Tùy duyên gặp gỡ, tôi có món quà nhỏ không nhiều, chẳng thấm vào đâu nhưng đó là thành ý của tôi và cũng là niềm vui giữa kẻ trao người nhận”, ông chia sẻ.
Vốn nhỏ người nên dù ngoài 50, ông Đức vẫn toát lên vẻ trẻ trung từ bên trong lẫn bên ngoài, hơn nữa, ông luôn nhìn mọi thứ tích cực. Chuyện cơm áo gạo tiền chưa bao giờ cuốn lấy ông nhiều. “Kiếm tiền là để sống, còn tui có niềm vui từ những điều khác. Tui sẵn sàng nhường cuốc xe lấy tiền cho người khác để chở hàng cho sinh viên, chở từ thiện miễn phí, vì tiền không kiếm được hôm nay thì ngày mai kiếm thôi, cứ để đó chứ mất đi đâu mà sợ” – ông bảo.
Đi cùng ông đến điểm nhà ông tổ trưởng sau khi tập kết xếp hàng hóa lên xe ở điểm phường, xe đi tới đâu, những ánh nhìn của người dân với theo đến đấy. “Họ mong quà đấy!”, ông Đức quay sang nói với tôi. Hôm nay, có khoảng 500kg rau củ do mạnh thường quân ủng hộ cho bà con tổ 13, khu phố Gò Công, P.Long Thạnh Mỹ.
Cô Liễu bí thư chân mang dép, người vận áo bà ba nhanh nhẹn dẫn tôi sang chốt, cô kể: “Nhà cô ở sát bên ông Đức, gia đình ổng cũng khó dữ lắm mà thích đi giúp người khác, có cái xe mà thấy chạy từ thiện hoài. Đợt này thấy trên phường cần người chạy ba gác chở hàng phát bà con, ổng thấy vậy xin đi theo giúp, cô ngỏ ý gửi lại tiền xăng xe mà không lấy, có quà gì dư ra cho thì lấy đem về cho vợ con vậy thôi.
Nhiều phường biết việc làm của ông Đức nên cảm ơn ổng lắm vì nếu không có phương tiện vận chuyển thì quà cũng khó đến kịp nơi ở của người dân, còn thuê bên ngoài thì cũng tốn nhiều tiền, dịch dã tìm xe rất khó, gặp nhiều bất tiện”.
Nghỉ giữa cuốc chạy, nhìn ông húp vội miếng nước, tôi hỏi ông Đức tính làm đến bao lâu, ông cười: “Khi nào người ta hết cần thì thôi chứ có gì đâu mà nghĩ, chạy lui tới vậy có việc làm đỡ buồn tay chân mà”.
Mới đây, vì lâu ngày không sửa sang, lại chạy thường xuyên, xe của ông bị hở dây điện rồi chập điện, cháy luôn cục IC, cục sạc, hết bộ dây điện phải thay luôn. “Chi phí thay hết khoảng 1 triệu, may không có ai nguy hiểm. Những ngày chạy lui chạy tới mười mấy chuyến có khi tui cũng thấm mệt, muốn bỏ lắm, nhưng nghĩ thôi, đi tiếp vậy vì sẽ có nhiều người nữa đồng hành cùng mình”, ông tâm sự.
Nhiều sinh viên yêu mến gọi ông là “chú Đức ba gác” vì hình ảnh ông lái xe nhỏ bé chở hàng hộ sinh viên từ lâu đã trở thành cảnh tượng vô cùng quen thuộc.
Ngoài chở hàng cho khách, ông Đức còn nhận chuyển trọ miễn phí cho sinh viên từ xưa đến nay với dòng chữ “miễn phí” quen thuộc kèm số điện thoại dán trên xe của mình.
Từng được "chú Đức ba gác" chuyển trọ giúp khi rời ký túc xá, đổi trọ, bạn Vũ Minh (sinh viên trường ĐH Nông Lâm), vui vẻ kể lại: “Em tình cờ thấy chú chạy ngoài đường với dòng chữ nhỏ giới thiệu nên em chạy theo hỏi, hỏi ra mới biết chú nhận chạy cho sinh viên miễn phí thật. Đúng lúc em đang cần người chuyển đồ sang phòng mới tiện đi làm hơn, chỉ sau 1 cuộc gọi là hôm sau là chú đến ngay, giúp em khiêng đồ nặng mà không lấy phí gì cả, nhờ vậy em cũng đỡ gần mấy trăm nghìn một cuốc xe”.
6 giờ tối gần điểm, ông Đức nói vội, phải dọn xe rồi về ngay vì Sài Gòn đang có quy định hạn chế ra đường sau 18h. Ông tổng kết: “Hôm nay chở hàng tới được hơn trăm hộ rồi đó, đồ ăn cho người ta nhín lắm cũng hơn năm ngày. Nhìn xe ba gác cùi bắp vậy mà không phải vậy đâu nha”, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào.
Rồi ngày mai, chiếc xe ba gác của ông sẽ lại lọc xọc trên khắp các con hẻm Sài Gòn, tiếp tục hành trình chở những chuyến đồ miễn phí giúp người nghèo kẻ khó.