tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Chuyện ở Sài Gòn: Khi những người phụ nữ dám “đánh đổi” để làm điều nhỏ bé phi thường, sống một đời hạnh phúc trọn vẹn - 3

Hạnh phúc - phạm trù vốn dĩ khó có thể giải nghĩa một cách rõ ràng. Bởi lẽ, mỗi người trong số chúng ta lại có xuất phát điểm khác nhau, có một thước đo riêng. Thế giới đang có hơn 8 tỷ người, đồng nghĩa sẽ có 8 tỷ cách định nghĩa về hạnh phúc…

Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn rằng hạnh phúc chỉ là khi ta đạt được mục tiêu, có được những điều mình mong muốn. Với một số người, hạnh phúc là khi số dư ngân hàng đến chục chữ số 0, shopping mua sắm mà không cần nhìn giá hay sở hữu những món đồ xa xỉ, độc nhất để trở thành người đi đầu của xu thế mới. 

Thực tế, hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến, mà còn hiện diện trong suốt quá trình chúng ta sống, học hỏi và trải nghiệm. Hạnh phúc vẫn tồn tại ở những hành động nhỏ, những việc làm hằng ngày. Khi dành thời gian để trân trọng từng bước đi trong cuộc sống, ta sẽ nhận ra chính quá trình ấy cũng mang đến hạnh phúc. Và đâu đó ở một góc nhỏ Sài Gòn, vẫn luôn lan toả những điều hạnh phúc ấy…

Chuyện ở Sài Gòn: Khi những người phụ nữ dám “đánh đổi” để làm điều nhỏ bé phi thường, sống một đời hạnh phúc trọn vẹn - 4

22h, tiếng chuông điện thoại vang lên, ở đầu dây bên kia đang miêu tả cho Ngân (30 tuổi) tình hình một ca tai nạn trên địa bàn TP. Thủ Đức. Nhanh chóng khoác áo nhóm, Ngân mang theo bông băng, thuốc đỏ, nẹp định hình… lên xe cùng đồng đội đến với địa điểm xảy ra va chạm. 

Vừa đến nơi, Ngân lách qua đám đông đang tò mò, hiếu kỳ để phối hợp cùng với lực lượng chức năng. Bằng đôi tay khéo léo cùng kiến thức y khoa được học từ trước, Ngân tiến hành sơ cứu cho nạn nhân trong lúc đợi xe cấp cứu. Sau khi hỗ trợ nạn nhân về bệnh viện, Ngân nở một nụ cười rồi thở phào nhẹ nhõm. 

7 năm qua, đó là cách Nguyễn Hoàng Kim Ngân - Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông 911 thực hiện “đam mê” của mình. Ngồi trò chuyện cùng Ngân ngay tại chốt trực của Đội 911, Ngân rôm rả kể lại kỷ niệm khi gặp gỡ, kết nối những “người hùng" sau chuyến đi Hà Nội nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2024”.

Nhưng, mải mê trong câu chuyện ấy nhưng có lẽ Ngân đã quên… bản thân cũng chính là “người hùng" của bà con trong khu vực TP. Thủ Đức khi đã cùng đồng đội hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp bị thương trên đường phố. Dù đó là cuộc gọi lúc giữa đêm hay 1-2h sáng, Ngân vẫn cùng đồng đội tức tốc lên đường thực thi nhiệm vụ.

Với phương châm: “Chỉ khi dân còn tin thì đội 911 còn làm", cứ thế Ngân và nhóm của mình lặng lẽ hoạt động để đổi lại nụ cười bình an, hạnh phúc của những người vừa thoát khỏi cửa tử thần.

So với những ngày đầu tiên, Đội 911 của Ngân đã thay đổi rất nhiều. Thời gian cứu hộ được rút ngắn vì các thành viên trong đội được đào tạo, huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu một cách kỹ càng từ các chuyên gia, y bác sĩ. Hay biết cách để xử trí một số trường hợp ở mức độ nặng, giảm thiểu rủi ro nguy hiểm cho nạn nhân trong lúc đợi đến bệnh viện.

Với quan niệm "nếu hôm nay mình không làm, lỡ ngày mai mình mất thì sao", Ngân đã dành một phần thanh xuân cho việc cứu người, đôi lúc Ngân quên đi cả những hạnh phúc của riêng mình. 

“Từ khi công việc cứu hộ bắt đầu nhận được sự chú ý, quan tâm từ các đơn vị truyền thông thì cuộc sống cá nhân cũng có phần hạn chế, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay hẹn hò, tán gẫu cùng bạn bè. Nhưng mà mình vẫn đang rất hài lòng vì giờ đây trong mọi khoảnh khắc của hiện tại, mình luôn cảm thấy ý nghĩa" - Ngân vui vẻ nói. 

Trong mắt Ngân, hạnh phúc được định nghĩa là khi được làm những việc mình thích, được tham gia các hoạt động thiện nguyện, được lan toả những giá trị sống tích cực đến với mọi người. Và hơn hết, hạnh phúc lớn nhất mà bản thân Ngân và Đội 911 nhận được là nhìn thấy nụ cười bình an của những người gặp nạn. 

Để có được hạnh phúc như thế, Ngân cũng “đánh đổi” rất nhiều, từ thời gian, công sức đến những hiểm nguy ẩn mình trong đêm tối. Bù lại, sự thương yêu, sự công nhận của mọi người chính là nguồn sức mạnh để Ngân và Đội 911 tiếp tục hoạt động cứu người trong lúc nguy nan...

Chuyện ở Sài Gòn: Khi những người phụ nữ dám “đánh đổi” để làm điều nhỏ bé phi thường, sống một đời hạnh phúc trọn vẹn - 9

Không mạnh mẽ như Ngân, cũng chẳng có được một sức khoẻ tốt để có thể đi cứu giúp người gặp nạn, 27 năm qua, Thu Thuỷ chọn cho mình một lối đi riêng: Khác biệt từ những đặc biệt…

Từ nhỏ, Phạm Thị Thu Thuỷ (SN 1997) đã ấp ủ ước mơ được đứng trên bục giảng, gắn liền với phấn trắng, bảng đen… dù cho cuộc đời Thuỷ gặp vô vàn bất hạnh. 

Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, Thuỷ đã mang trong mình một cơ thể không lành lặn, người mẹ ruột cũng chẳng lời từ biệt, lặng lẽ dứt áo ra đi. Lớn lên trong sự đùm bọc của các cô chú mái ấm làng Hoà Bình, Thuỷ được học tập, được nhen nhóm và theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. 

Dù không thể đi lại được như những bạn bè đồng trang lứa khi chỉ đến trường bằng 2 đầu gối, Thuỷ vẫn không từ bỏ. Nhờ có sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè và nỗ lực của bản thân, Thuỷ đã học xong cử nhân tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau khi ra trường, Thuỷ có cơ hội đảm nhận vai trò can thiệp, giảng dạy kiến thức và các kỹ năng sống cho trẻ em nhỏ không may bị tự kỷ, trầm cảm hay kém phát triển về trí não.

“Điều làm mình vui sướng nhất là khi nhìn thấy sự phát triển của các bé qua từng giai đoạn và tới giờ lên lớp thì các bé “enjoy" hợp tác với cô giáo. 
Đôi khi mình phát hiện được sự thông minh, sáng tạo của các bé khiến bản thân vui vẻ và không khỏi bất ngờ. Những giờ lên lớp cho các trẻ tự kỷ lại giúp mình thấy hạnh phúc và không hối hận khi hết mình theo đuổi đam mê
”-  Thuỷ bộc bạch.

Trong quá trình giảng dạy, đôi khi Thuỷ phải đối mặt với những hành động thiếu kiểm soát, thậm chí còn bị các em tác động vật lý, cào cấu. Thay vì bực tức, quát mắng các em, Thuỷ lại dùng tình yêu thương để nâng đỡ, xoa dịu cơn quấy khóc, mất kiểm soát của các bé. 

Khó khăn là thế nhưng Thuỷ chưa bao giờ muốn từ bỏ ước mơ của mình, cứ mỗi ngày trôi qua khi nhận thấy những đứa trẻ do mình đứng lớp có sự thay đổi tích cực, nhớ bài hơn là niềm hạnh phúc lớn lao của Thuỷ. 

Suốt buổi trò chuyện cùng Thuỷ, bỏ qua những điều chưa trọn vẹn trên cơ thể của mình, nụ cười, sự lạc quan luôn là thứ hiện hữu trên khuôn mặt của cô giáo trẻ. Có lẽ, Thuỷ đã tìm thấy con đường đi cho chính bản thân mình, hướng sự yêu thương về phía trước...

Chuyện ở Sài Gòn: Khi những người phụ nữ dám “đánh đổi” để làm điều nhỏ bé phi thường, sống một đời hạnh phúc trọn vẹn - 14

Tiếng của bà cụ cứ lặp đi lặp lại ở khu vực cổng vào Thảo Cầm Viên. Vừa dứt lời, những chú mèo nhỏ chạy ra xếp hàng ngay ngắn, liên tục kêu “meo meo" như ra tín hiệu chào mừng. 

Sở dĩ, chúng lại có mối liên kết thân thiết đặc biệt với cụ bà ở tuổi xế chiều là vì “cục cưng" được bà nội cho ăn ngày 3 bữa, không trễ cữ nào. Cứ đúng giờ là bà Hồng Tuyết Mai (69 tuổi) lại chuẩn bị cơm trộn cá nục, lâu lâu xài sang lại mua thêm pate, súp… để thưởng cho đàn “cháu nội” đặc biệt của mình. 

Thoắt một cái đã 15 năm, bà Mai đã cưu mang, chăm sóc cho những chú mèo hoang quanh khu vực Thảo Cầm Viên. 

Thấy cụ bà hào sảng, lại có lòng yêu thương những động vật bé nhỏ, nhiều người dân xung quanh không ít lần trêu chọc, ngỏ ý ngưỡng mộ: “Con mèo có phước lắm mới được bà Mai nhận nuôi". 

Quả thật, những đứa cháu cưng của bà, đứa nào cũng “phát tướng", mập ú khiến ai đi ngang gian hàng nhỏ của bà cũng phải dừng chân, ngắm nhìn rồi chơi đùa với chúng.

Dù cuộc sống không mấy khá giả, sống dựa vào gánh hàng rong nhỏ nhưng hễ có đứa “cháu cưng” nào đau ốm, bà Mai lại không tiếc tiền túi đưa liền đi viện. Đôi khi tiền thuốc men của đám “cháu nội” còn nhiều hơn thu nhập mấy ngày, bà Mai vẫn vui vẻ chấp nhận. 

Trong cuộc trò chuyện, bà luôn cười tươi rạng rỡ, chốc chốc bà lại vuốt ve những chú mèo của mình. “Tuy có bữa đói bữa no nhưng bản thân tôi còn thấy vui vì mang đến không khí gia đình cho những con mèo mất đi sự yêu thương, từ lúc sinh ra đã phải lang thang tự kiếm ăn. Nuôi mèo thì tốn chi phí thật nhưng tiền khi nằm xuống cũng đâu có mang theo, chi bằng khi còn sống, mình cho đi, biết sẻ chia và yêu thương những thứ xung quanh” - bà Mai tâm sự.

Đúng 18h, sau khi hoàn thành xong mọi việc, bà Mai cất tiếng gọi những chú mèo của mình lên xe: “Tối rồi, về nhà với nội…”, giọng nói ấm áp, dịu hiền như thể một người bà đang thuyết phục những đứa cháu đang mải mê ham chơi để chuẩn bị về với tổ ấm. 

Có lẽ ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Mai cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi lúc nào cũng có đám “cháu nội” bên cạnh. Dù cho chúng chẳng biết nói, biết cười… nhưng bù lại, chúng biết yêu thương người bà đặc biệt của mình. 

Sài Gòn một ngày cuối tháng 10, bên cạnh sự tấp nập, nhộn nhịp của phố phường vẫn còn đó những góc nhỏ yêu thương. Bà Mai nuôi mèo, cô gái trẻ Kim Ngân xuyên đêm cứu hộ hay Thu Thuỷ - luôn sống một cuộc đời khác biệt trong một cơ thể đặc biệt. Tất cả những người phụ nữ tưởng chừng nhỏ bé ấy luôn ẩn chứa một sức mạnh phi thường để bản thân luôn hướng đến những điều tích cực nhất.

Hạnh phúc không quy đổi ra tiền để mua bán cũng chẳng đong đếm được. Hạnh phúc là do mỗi người tạo ra và cảm thấy hài lòng với nó, từ những điều bình dị, nhỏ nhặt nhất…

Cảm ơn Ngân, Thuỷ và bà Mai, 3 người phụ nữ với 3 cách định nghĩa và theo đuổi hạnh phúc khác nhau nhưng đã cùng nhau góp nhặt và điểm tô cho cuộc sống những điều ý nghĩa, lan toả năng lượng tích cực đến mọi người. 

Thay vì cố chạy theo cuộc sống, hãy tận hưởng và trân trọng những điều nhỏ bé xung quanh mình. Chắc chắn, lúc đó trái tim của bạn sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc, vui vẻ và sống một cuộc đời thật ý nghĩa.  

Theo Tấn Phước
Nguồn: [Tên nguồn]