tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Sinh năm 1946, năm nay đã 73 tuổi, nhưng gương mặt cô Nguyễn Trịnh Thị Lan lại mang những nét vô cùng trẻ trung, vui vẻ. Phần nhiều là bởi cái nghề cô theo đuổi suốt 55 năm qua đòi hỏi luôn luôn phải giao tiếp với khách hàng và sự đổi mới liên tục.

Cô là một người thợ làm tóc.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 3

Suốt mấy chục năm, tiệm làm tóc tưởng chừng cũ kỹ và lỗi thời của cô Lan vẫn tấp nập khách đến tận bây giờ.

Làm nghề lâu năm như thế, nhiều người từ các tỉnh xa tìm đến cô để xin học nghề, cô đều rộng lòng hướng dẫn. Trước tiên người học sẽ được quan sát những động tác cô làm sau đó sẽ tập uốn, cắt tạo kiểu trên tóc giả. Sau khi đã thuần thục, người học bắt đầu được thực hành trên tóc của khách.

“Có người tiếp thu nhanh thì chỉ 1 tháng đã xong rồi và về nhà mở tiệm. Còn có những người mất thời gian hơn thì khoảng 3 – 4 – 5 tháng, có người mất mấy năm. Thậm chí một số người học xong phải bỏ vì cảm thấy mình không hợp. Nhưng phần lớn họ học xong đều về mở được tiệm và theo được nghề”, cô Lan tâm sự.

Học sinh của cô đều từ các tỉnh như Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình,… Vì từ xa đến nên sau khi học xong họ đều về quê mở tiệm, phần nhiều không quay lại để cảm ơn cô Lan. Nhưng đối với cô, việc học trò học xong và có thể tự làm nên sự nghiệp đã là một niềm hạnh phúc.

“Ai đến xin học cô đều nhận dạy. Có bao nhiêu kinh nghiệm từ mấy chục năm cô đều mang ra dạy hết, không giấu nghề gì cả. Bởi vì chỉ cần thấy họ học được cái nghề, kiếm tiền được từ nghề là cô thấy vui lắm rồi, không cần gì hơn cả”, cô Lan cười xòa.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 6

Khi được hỏi về ngày 20/11 – ngày mà những người thầy, người cô được tôn vinh – cô Lan cho biết: “Hồi trước cũng có học trò quay lại cảm ơn đấy. Nhưng mà hầu hết đều ở xa quá và họ bận làm ăn nên cũng không tới nữa. Mà cô nhớ nhất là có một cô tên Hằng tới đây học rồi những năm sau năm nào 20/11 cũng mua quà, mua hoa đến tặng. Có năm thì đến vào cả dịp Tết, mua ít quà bánh như lời cảm ơn. Nhưng mà vui nhất vẫn là đến giờ cô ấy vẫn mở tiệm cắt tóc, thậm chí giờ còn truyền dạy lại cho người khác. Nghe học trò kể vậy, đương nhiên mình rất tự hào rồi”.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 7

Gây ấn tượng với cô Lan nhất là một cô bé học sinh vô cùng… táo bạo: “Con bé ấy nó học nhanh lắm, mà nó cũng liều nữa. Đợt ấy nó mới học thôi, có một hôm cả tiệm đi vắng, mình nó ở nhà trông hàng. Khách đến nó tự động làm cho khách như thường. Học được 1 tháng thì nó về quê mở tiệm. Vừa có năng khiếu lại thêm cái “máu liều” nên đó là một trong những đứa học sinh mà cô nhớ nhất”.

“Nói chung điều mà cô mong muốn nhất đôi khi chẳng phải là quà cáp hay họ phải biết ơn mình. Mình chỉ mong là những gì tâm huyết nhất, say mê nhất của mình có thể truyền đạt lại và giúp họ làm được nghề, sống được nhờ nghề. Có lẽ ai làm thầy cũng coi đó là điều hạnh phúc nhất”, người thợ làm tóc hơn 50 năm chia sẻ.

Những người thợ khác trong tiệm cô Lan đều là người nhà và được cô chỉ dạy. Tất cả cùng làm ở tiệm làm tóc cũ kỹ này trên dưới chục năm. Vì nghề này luôn phải đổi mới nên cô Lan và các nhân viên đều thường xuyên học hỏi những tiệm làm tóc khác: “Mình dạy người khác nhưng mình cũng phải học thêm nhiều. Thi thoảng bọn cô còn giả làm khách ở quán khác để học họ, xem họ có những kiểu đầu nào mới, mình thấy hợp thì về làm cho khách nhà mình”.

Tiệm làm tóc gần 30 năm của cô Lan

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 8

Năm 18 tuổi, cô đi học nghề cắt tóc và vào làm ở cửa tiệm Tâm Trang – một hàng cắt tóc của nhà nước. Theo lời cô, khi ấy cắt tóc theo kiểu “dây chuyền”, mỗi khâu có 3 – 4 người cùng làm. Một người vào tiệm sẽ được gội đầu, rồi ra khu vực khác để cắt tóc, tiếp tục tới khu vực uốn, sấy,… Làm việc với niềm say mê, cô gắn bó với nó mãi cho tới khi nghỉ hưu năm 1993.

Lúc này, về nhà buồn chân buồn tay, cô tiếp tục tự mở tiệm làm tóc “Lan” ở 100 Hàng Trống, đến nay đã 26 năm. Khách hàng của cô phần lớn là những người lớn tuổi và rất nhiều trong số đó là khách quen đã làm tóc ở tiệm cô Lan từ nhiều năm trước. “Nhiều người đi tới những tiệm làm tóc lớn đẹp đẽ để làm nhưng mà không ưng, lại về đây làm, vì mình làm quen rồi nên hợp với những người già. Có bà khách ở tận Iceland, mỗi lần về Việt Nam chơi là lại ghé tiệm cô để làm tóc”, cô Lan chia sẻ.

Tiệm làm tóc của cô Lan có 3 người thợ cũng đều làm việc ở đây mười mấy năm. Khách đến là tất cả thay nhau phục vụ. Đặc biệt những dịp cuối năm, mùa cưới, cận Tết, khách của tiệm tới nườm nượp rất đông. Không khí vô cùng vui vẻ vì ai cũng nói chuyện rôm rả. Cô Lan cùng các thợ khác luôn tay luôn chân, khi gội khi cắt, lúc uốn lúc chấm thuốc…

Kỳ lạ là, dù thuốc uốn hay những chiếc lô ở đây đều là không phải đời mới, những chiếc máy sấy hay lồng hấp tóc có khi cũng có tuổi đời cả chục năm, ở đây cũng chỉ làm các dịch vụ cắt, uốn, gội, nhưng bất kỳ vị khách nào tới đây đều cảm thấy hài lòng.

“Tôi làm tóc ở đây cũng nhiều năm lắm rồi, không đi chỗ khác được vì thấy không hợp. Đến đây thì yên tâm, chỉ cần ngồi xuống và giao cho thợ thôi, đứng lên là có mái tóc đẹp đi về”, cô Yến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – 1 khách quen của tiệm cho hay.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 11

Vừa cẩn thận lật giở phần tóc uốn cho khách, cô Lan vừa kể: “Một ngày của cô bắt đầu từ 4 rưỡi sáng. Cô dậy tập thể dục rồi đi một vòng Bờ Hồ. Trên đường về tiện rẽ vào phố Bảo Khánh thì đi chợ và ăn sáng. Về nhà là 7h mở hàng luôn, làm tới 6h tối thì đóng cửa. Ngày nào cũng như vậy”.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 12

Làm đầu, làm tóc là một nghề thường xuyên phải đụng tới nước và hóa chất, thế nhưng nhìn đôi bàn tay của cô Lan, có lẽ không ai nghĩ cô đã làm nghề này hơn nửa thế kỷ. Tay cô Lan rất mềm mịn và không hề bị bong tróc, khô khan. Khi được hỏi, cô vui vẻ đáp: “Đúng là có nhiều người bị ảnh hưởng vì tiếp xúc hóa chất nhiều, nhưng cô thì từ trước đến nay không bao giờ dùng găng tay để làm đầu cho khách mà tay vẫn không hề bị sao cả. Như kiểu nó sinh ra là để làm tóc ấy!”.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 13

Năm nay đã 73 tuổi nhưng vẫn đều đặn làm hàng, con trai cô hay khuyên mẹ nghỉ ngơi, nhưng cô bảo công việc này giúp cô được trò chuyện và vui vẻ mỗi ngày, lúc nào không làm được nữa thì cô mới nghỉ. “Cô có lương hưu mà và già rồi thì không cần quá nhiều tiền, nên giờ cô làm để cho đầu óc, chân tay luôn được hoạt động. Giờ mà nghỉ thì cô cũng không biết làm gì, người cũng ì ra rồi sinh bệnh ấy chứ! Làm việc thì gặp các bà các cô, ai cũng kể chuyện này chuyện nọ cho mình nghe rất vui”, cô Lan nói.

Dù vậy, cô Lan cũng bắt đầu mắc những bệnh tuổi già như đau khớp, huyết áp cao, tim mạch. Cô còn đùa là mình uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm: “Hai chân cô giờ đau lắm, có đợt trước đau quá chỉ ngồi ghế là nhiều, khi nào phải chải tóc, sấy cho khách mới đứng lên. Giờ ngày nào cô cũng uống thuốc nên cũng đỡ. Ngoài ra còn thuốc tim mạch, thuốc huyết áp,… ăn thì chẳng ăn được nhiều bằng uống thuốc ấy chứ!”.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 14

Tiệm làm tóc này cũng giống hệt người chủ của nó, trông cũ kỹ và thô sơ, không đẹp đẽ, sáng rực rỡ như những salon đời mới, nhưng ở đây lại có không khí ấm áp như một gia đình. Đến giờ ăn, tất cả tự nấu và ngồi cùng nhau.

Những người khách quen cả chục năm cũng không khác gì người thân, ngồi chờ tóc lâu là các cụ gọi ngay chiếc bánh mỳ trứng ngải cứu trước cửa để “chống đói”. Cửa tiệm này cũng chính là nơi mà cô Lan ở, phòng ngủ của cô ở ngay căn gác xép nhỏ phía trên. 

Được biết, chồng cô đã mất 6 năm nay, còn 2 người con trai đều đã có gia đình riêng. Nguồn vui mỗi ngày của cô đều từ cái tiệm tóc cũ kỹ này: “Ông trời cho mình làm được ngày nào thì mình cứ làm ngày ấy thôi! Hôm trước có cô học sinh cũ về đây thăm rồi mời đi ăn, cô ấy bảo là rất mừng khi thấy cô vẫn khỏe mạnh, vui vẻ. Cô cũng chỉ mong mình có đủ sức khỏe để làm công việc này mãi”.

Cô chủ tiệm tóc không quà ngày 20/11: Nhớ nhất đứa học trò vừa năng khiếu lại thêm “máu liều” - 17

Content: Hà Mi

Media: Tuấn Linh

Design: Hồng Quân

Hà Mi
Nguồn: [Tên nguồn]