Bao năm vất vả, thậm chí có lúc tưởng chừng gục ngã và bỏ cuộc, nhưng bằng ý chí, sự quyết tâm vợ chồng ông Nghĩa đã có được hạnh phúc xứng đáng.
Lấy nhau hơn 10 năm, nhưng ông Trần Đại Nghĩa (62 tuổi) và vợ là bà Lê Kim Khánh (50 tuổi, ở Hà Nội) chỉ một năm nay là được hưởng hạnh phúc thật sự của một gia đình. Hạnh phúc đó bắt đầu từ khi bé Trần Trúc Anh chào đời. Giờ đây khi sắp bước sang năm mới, cũng là lúc bé Trúc Anh vừa tròn 1 tuổi, niềm vui với vợ chồng ông Nghĩa càng được nhân đôi.
Là một người lính, trên ngực có đủ các loại huân chương, huy hiệu nhưng với ông Nghĩa điều đó là chưa đủ. Ông chia sẻ rằng, con gái Trúc Anh mới chính là “huân chương” ý nghĩa nhất cuộc đời ông. Nhưng đó cũng là “huân chương” ông phải trải qua bao khó khăn, vất vả mới có được trong vòng tay.
Sống qua nửa thế kỷ, vợ chồng ông Nghĩa chưa Tết năm nào vui sướng, hạnh phúc như năm nay. Vừa bế con gái bé bỏng trên tay, người bố với mái tóc bạc phơ vừa nói: “Còn gì vui sướng hơn khi con gái vừa sinh nhật tròn 1 tuổi, lại chuẩn bị đón năm mới 2020”. Ngồi bên cạnh chồng bà Khánh tiếp lời: “Bao năm cúi mặt, giờ con gái cho bố mẹ ngẩng đầu được rồi con ạ”.
Chẳng giấu giếm những chuyện đã qua, bà Khánh chia sẻ rằng hai vợ chồng bà quen biết nhau khi tuổi đã cao. Khi lấy nhau, bà tròn 40 tuổi, còn chồng khi đó 52 tuổi. Ở tuổi đó, có một đứa con vừa là khao khát, vừa là ước nguyện của hai vợ chồng, nhưng 1 năm, 2 năm rồi 10 năm trôi qua, hai vợ chồng chỉ đón những câu chuyện buồn.
Tết năm đầu tiên về nhà chồng, dù tuổi đã cao nhưng bà Khánh cũng như bao nàng dâu khác vẫn có những sự bẽn lẽn, ngại ngùng. Ấy vậy mà, đó lại là năm bà cảm thấy thoải mái nhất, bởi từ năm thứ 2 trở đi chuyện con cái khiến hai vợ chồng bà luôn trăn trở, suy tư.
“Tết là dịp mọi người tập trung đông đủ, nhưng ai cũng hỏi chuyện con cái từ người thân cho đến hàng xóm, đến mức chúng tôi còn cảm thấy sợ Tết”, bà Khánh kể. Không chỉ hai bên nội ngoại ở quê, ngay tại Hà Nội khi ra đường những người hàng xóm cũng hỏi chuyện đó khiến bà phải cúi mặt đi thật nhanh mà chẳng dám trả lời.
Trong sâu thẳm, bà Khánh là người buồn hơn ai hết nhưng bà chẳng biết giãi bày tâm sự cùng ai. “Chẳng cứ gì Tết Nguyên đán đâu, những ngày tết của trẻ con như rằm trung thu, 1/6, rồi mỗi khi gia đình có việc nhìn bọn trẻ nô đùa, rồi mỗi khi chúng hờn dỗi lại gọi “mẹ ơi” tôi thèm lắm chứ. Những lúc đó chỉ biết đứng lặng nhìn lũ trẻ”, bà Khánh nói.
Nghe vợ kể chuyện, ngồi bên cạnh ông Nghĩa cắt ngang: “Thôi không buồn nữa. Tết năm nay vợ chồng mình có cục vàng, con cũng đã lò dò biết đi, lại bi bô gọi mẹ, vợ chồng mình đi chơi cho cả thiên hạ biết. Con mình mới 1 tuổi thôi, nhưng trong gia đình vai to lắm là cô, là dì, là bác rồi đấy”.
Năm 2008 ông Nghĩa và bà Khánh chính thức nên duyên vợ nên chồng. Kể từ đó đến năm 2012 hai vợ chồng phải trải qua hết nỗi đau này, đến nỗi đau khác. Trong đó, có những nỗi đau không phải ai cũng có đủ can đảm và dũng khí để vượt qua.
Dù lấy nhau khi tuổi đã cao, nhưng hai vợ chồng ông Nghĩa luôn tâm niệm phải có một đứa con vừa để gắn kết tình cảm, vừa để lấy chỗ nương tựa khi về già. Nghĩ là vậy, nhưng thực tế lại chẳng như mơ, sau một thời gian lấy nhau, chờ mãi không có tin vui, hai vợ chồng dắt nhau đi khám, bác sĩ nói bị hiếm muộn, tuổi lại cao nên khó sinh con.
Bác sĩ nói vậy, nhưng đôi vợ chồng đầu 2 thứ tóc không từ bỏ quyết tâm của mình, họ dẫn nhau đi hàng chục phòng khám, 7 bệnh viện lớn nhỏ trong Nam - ngoài Bắc nhưng kết quả chỉ là 3 lần sẩy thai trong vòng 4 năm.
Năm 2012, tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười khi bà Khánh giữ gìn đứa con trai trong bụng đến tháng thứ 8 của thai kỳ thì biến cố lại xảy ra thêm lần nữa. “Khi đó cả hai họ tưởng rằng chỉ chờ ngày, chờ giờ đón con chào đời, ấy vậy mà sau mũi tiêm trợ phổi, chúng tôi đã mất con”, ông Nghĩa nghẹn lòng nhắc lại.
Cú sốc quá lớn khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng, 4 giờ sáng đứa con trai bé bỏng qua đời, trưa cùng ngày mẹ ông Nghĩa khi biết tin vì không chịu đựng được nỗi đau quá lớn nên cũng qua đời. Còn mẹ vợ ông khi đó, vì thương con, xót cháu cũng bị đột quỵ nằm liệt một chỗ, vài năm sau cũng mãi mãi ra đi.
Một ngày chịu hai cú sốc khi vừa mất con, lại mất mẹ, ông Nghĩa cố gắng gượng nhưng rồi vẫn gục ngã trước nỗi đau quá lớn. Những ngày sau đó ông Nghĩa ngồi một mình nước mắt cứ thế rơi không ngừng. Ông chia sẻ, cả đời ông làm lính, đã có lúc đối diện với sự sống và cái chết nhưng chưa bao giờ ông yếu lòng như thời điểm đó.
Qua những đêm thức trắng suy nghĩ, ông Nghĩa tự dặn bản thân mình phải mạnh mẽ, kiên cường đúng với khí phách của người lính cụ Hồ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bởi ông hiểu hơn ai hơn, nếu ông suy sụp thì vợ ông sẽ ra sao với những nỗi đau vừa trải qua.
Thời gian trôi đi, hai vợ chồng dìu nhau qua những cú sốc cuộc đời. Suốt thời gian đó, ông không dám nhắc đến chuyện sinh con vì sợ khơi lại nỗi đau trong lòng vợ. Còn mọi người xung quanh khuyên hai vợ chồng nên từ bỏ ý định sinh con, nếu cần thì xin con nuôi cho chắc.
Bỏ qua những lời khuyên nhủ, ông Nghĩa thay vợ gánh vác việc gia đình, tập nấu ăn để chăm sóc vợ, rồi khi tinh thần vợ tốt hơn ông đưa vợ đi du lịch khắp mọi miền tổ quốc. 3 năm sau nỗi đau mất người thân, một lần nữa ý định có con trong hai vợ chồng lại bắt đầu nhen nhóm.
Hai vợ chồng lại dắt nhau đi khắp nơi chỉ mong có được đứa con của riêng mình, nhưng nhìn hồ sơ đâu đâu cũng lắc đầu và khuyên hai vợ chồng từ bỏ ý định. Đã có lúc hai vợ chồng còn định nhờ người mang thai hộ, nhưng rồi lại gạt ngay ý nghĩ đó vì chi phí quá lớn đến nửa tỷ đồng.
Khi mọi cánh cửa tưởng chừng đều đã đóng, thì vợ chồng ông Nghĩa được giới thiệu đến một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội. Tại đây sau khi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ động viên hai vợ chồng điều trị theo phác đồ bệnh viện đưa ra.
Đó dường như là cứu cánh cuối cùng của hai vợ chồng, nên mọi hướng dẫn của bác sĩ cả hai đều thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học. “Khi bác sĩ nói, hai vợ chồng tôi 95% có thể có con, chúng tôi mừng lắm. Đó là động lực to lớn với vợ chồng tôi. Tôi cũng nói thẳng với chồng rằng, lần này nếu thất bại, vợ chồng mình đường ai nấy đi”, bà Khánh kể lại.
Khi bác sĩ thông báo đã chuyển phôi thành công, vợ chồng ông Nghĩa vui mừng lắm nhưng không dám chia sẻ với ai, vì hơn ai hết hai vợ chồng đã trải qua quá nhiều nỗi đau trước đó. Từ khi vợ có bầu, ông Nghĩa thận trọng từng ly từng tý để không ảnh hưởng đến vợ và đứa con trong bụng.
Những tháng đầu thai nhi phát triển bình thường, cả gia đình ai cũng mừng rỡ dõi theo. Bắt đầu từ tuần thứ 31 bà Khánh bị rau tiền đạo, tiểu đường thai kì, bị dư ối, bác sĩ nói phải hết sức cẩn thận, thậm chí phải nằm viện để phòng sinh non. “Đó là giai đoạn khó khăn nhất, vì ngoài tâm lý thì vợ tôi chẳng ăn được những đồ tốt, đồ bổ gì, đến sữa cũng phải uống loại không đường”, ông Nghĩa kể lại.
Thế rồi mọi thứ cũng qua đi, những ngày cuối cùng của năm 2018 bé Trúc Anh chào đời, nặng 2,8kg trong niềm vui sướng của toàn thể gia đình. Ngay khi vợ sinh, người bố với mái tóc bạc tận mắt thấy và bế con gái trong lòng tiến lại gần vợ, cả hai cứ thế rơi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc sau hành trình tìm con không biết mệt mỏi.
Tròn 1 năm nuôi con nhỏ, điều ông Nghĩa cảm thấy tự hào nhất là con gái ông được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, chưa phải dùng một gói thuốc kháng sinh nào. Ông chia sẻ, giờ đây dù vợ chuẩn bị bước sang tuổi 51 nhưng sữa vẫn về nhiều và con gái ông vẫn bú sữa mẹ bình thường.
Với nhiều người mẹ trẻ tuổi sau khi sinh con mất sữa, thường rất hay xảy ra, nhưng với bà Khánh thì ngay sau sinh sữa đã về tràn trề. "Tôi cũng không hiểu lý do vì sao nữa, thậm chí trong 6 tháng đầu sữa về nhiều đến mức tôi phải vắt bớt ra để bảo quan trong tủ lạnh. Có lẽ vợ chồng tôi mất mát quá nhiều nên giờ con gái được bù đắp lại”, bà Khánh cho hay.
Tuổi đã cao, con cũng đã 1 tuổi và ăn bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm, có người khuyên nên cai sữa để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, thế nhưng bà Khánh nhất quyết không nghe. Bà cho rằng, cho con bú được là tốt và đó cũng là sợi dây tình cảm gắn kết mẹ con tốt nhất. Thậm chí, khi đi khám bác sĩ đã phải kê cho bà Khánh sữa uống dành cho người cao tuổi, nhưng người mẹ này vẫn quyết không cai sữa con.
Kể từ lúc vợ mang bầu và nhất là khi Trúc Anh chào đời, dù mái tóc bạc trắng vì thức thâu đêm thay vợ chăm con nhưng ông Nghĩa luôn thấy đó là điều hạnh phúc, chẳng có chút mệt mỏi nào dù năm nay đã ở tuổi 62.
Ngồi bên cạnh vợ, ông Nghĩa thật thà cho biết trước đây khi còn công tác ông chẳng bao giờ phải đụng dao thớt, bếp núc, cơm cũng có người mang đến cho ăn. Thế nhưng từ khi có con gái Trúc Anh, ông Nghĩa mày mò nấu các món ăn vợ thích, tìm hiểu thực đơn hàng ngày, thậm chí khi không tin tưởng ông còn gọi điện trực tiếp xin bác sĩ tư vấn về chế độ.
Cũng kể từ khi có nàng công chúa đáng yêu, ông Nghĩa bỏ hẳn sở thích chơi cây cảnh của mình. Thay bằng cây cảnh ông trồng húng chanh, quất, hẹ, rau sạch…để phục vụ trong cuộc sống hàng ngày của con gái. “Sở thích giờ là dĩ vãng rồi, con gái bây giờ mới là nhất”, ông Nghĩa vừa hôn lên trán con gái vừa nói với chúng tôi.
Thời khắc chuyển giao năm mới chỉ còn được tính bằng ngày, qua những câu chuyện thăng trầm của chính gia đình mình, vợ chồng ông Nghĩa hy vọng rằng những cặp vợ chồng hiếm muộn còn trẻ hãy thật vững tin vào cuộc sống, dù khó khăn cũng không nản trí rồi quả ngọt sẽ đến.
Nhân dịp năm mới ông Nghĩa mong muốn con gái Trúc Anh luôn mạnh khỏe, đồng thời chúc độc giả EVA.VN một năm mới tràn đầy năng lượng, luôn hạnh phúc và thành công.