Chúng tôi gặp gia đình anh Nguyễn Trường An (26 tuổi) và chị Đoàn Thị Minh Tâm (23 tuổi) tại một phòng trọ nhỏ ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là nơi trú thân của vợ chồng anh chị cùng 3 con nhỏ.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bản thân anh An phải nghỉ học khi vừa vào lớp 5, làm đủ thứ công việc để mưu sinh. Và trên hành trình đó, anh đã gặp mối duyên của đời mình.
“Em và vợ cùng là quê ở TP.HCM, cả 2 gặp và yêu nhau, nhưng giai đoạn đó gia đình cô ấy không đồng ý nên việc tình cảm phải tạm đứt đoạn. Gần 1 năm sau, chắc do duyên trời sắp đặt thì bọn em lại tình cờ gặp nhau và nối lại mối tình xưa. Sau đó thêm một thời gian, khi tình cảm đã đủ chín, bọn em quyết định đăng ký kết hôn”, anh An kể
Từ đó, hai vợ chồng về sống với nhau và cùng mưu sinh bằng nghề làm công nhân, thu nhặt ve chai ở khu vực xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Rồi lần lượt 3 đứa con ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn. Anh An vẫn không chùn bước, quyết tâm phải làm việc nhiều hơn để có tiền lo cho các con.
Bỗng một ngày, biến cố ập đến gia đình nhỏ khi anh An đang đi thu nhặt ve chai thì cảm thấy mệt mỏi rồi nôn ra máu. Lúc đó, con trai thứ 3 của vợ chồng anh chỉ vừa chào đời được hơn tháng.
“Lúc đó, em nôn ra máu nhưng không biết đó là bệnh nặng. Em về phòng trọ nằm nghỉ nơi, khi thấy mình khỏe hơn, em đi làm tiếp rồi lại nôn ra máu, bất tỉnh. Bà con hàng xóm ở khu trọ mới đưa em đến phòng khám gần nhà, sau đó lại chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên. Tại bệnh viện, em được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan nặng và bị giãn tĩnh mạch thực quản ở người bị xơ gan”, anh An nhớ lại.
Thời điểm anh An phải nhập viện điều trị, gia đình anh gặp cảnh rất khó khăn túng thiếu nên không có tiền điều trị và phải về nhà, lúc này anh lại tiếp tục bị nôn ói ra máu.
Anh An kể: “Có lúc em nôn cả thau máu. Bà con hàng xóm nhìn thấy mà sốt ruột nên vận động nhau góp tiền đưa em đi viện và phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật về, em cũng mất sức lao động, không thể làm việc nặng như trước nữa”.
Chị Tâm cho biết, sức khỏe của anh An hiện nay rất yếu. Từng có giai đoạn anh An nôn ói rất nhiều máu khiến chị sợ đến xanh mặt. “Em sợ anh ấy bỏ mẹ con em mà đi”, chị Tâm tâm sự.
Theo lời chị Tâm, lúc trước khi quyết định kết hôn, chị từng bị gia đình phản đối. Chị Tâm kể: “Ba mẹ em nói mày nghèo, ba mẹ cũng nghèo, không có nhà, rồi gặp chồng, nhà chồng cũng khổ thì lấy ai mà lo cho mày”. Gặp cảnh bây giờ anh ấy bệnh đau liên miên với 3 con nheo nhóc, ba mẹ em cứ nói hoài: “Lỡ nó mà có chuyện gì thì ai lo cho mày, ai nuôi con với mày”.
Những lúc bệnh tình thuyên giảm, anh An lại tiếp tục hành trình thu mua ve chai để mưu sinh. Không yên tâm về sức khỏe của chồng, chị Tâm đã gửi 3 con cho bà nội chăm sóc để có thể cùng đi làm việc và cũng để chăm sóc sức khỏe cho chồng những lúc bất trắc.
Bất cứ ai nếu bắt gặp cảnh hai vợ chồng An - Tâm đang trên đường thu mua ve chai đều cảm động trước hình ảnh chị Tâm luôn quan tâm, chăm sóc chồng. Dù công việc gom phế liệu không hề dễ chịu, phải dãi nắng dầm mưa, ngày ngày đi lựa đồ ở nơi toàn rác, nhưng người vợ trẻ luôn nhìn chồng bằng ánh mắt ân cần, yêu thương.
“Chồng em hay ốm đau nhưng lúc bệnh tình thuyên giảm chút ít thì anh ấy lại đòi đi làm. Gia đình khó khăn nên em và anh ấy quyết định cùng đi làm, khi nào mệt thì nghỉ ngơi. Em phải đi theo vừa để giúp đỡ trong việc thu gom phế liệu, vừa để trông chừng anh ấy. Đã có mấy lần anh ấy đi mua một mình rồi ngất xỉu giữa đường rồi”, chị Tâm kể.
Sau khi được phẫu thuật, chứng giãn tĩnh mạch thực quản vẫn thường xuyên tái phát khiến anh An tiếp tục nôn ra máu phải nhập viện điều trị. “Nhà không có tiền để ăn thì lấy đâu ra để lo viện phí. Vậy là em lại phải bỏ dở việc chữa trị. Lúc đó em sợ chết, sợ bỏ lại vợ và các con lắm. Nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo khó, em đành trở về nhà và cầu trời cho em thêm cơ hội để tiếp tục được sống”, anh An tâm sự.
Và rồi một ngày, khi hay tin về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của An, một số nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi và hỗ trợ An chi phí điều trị.
Là người thường xuyên kêu gọi hỗ trợ những lúc bệnh tình của anh An trở nặng, anh Lê Phong (ngụ quận 8, TP.HCM) chia sẻ, vợ chồng An và Tâm sinh sống ở xóm lao động nghèo. Những ngày đầu tiên An bị bệnh, láng giềng hàng xóm đã quyên góp hỗ trợ cho người cha trẻ tuổi duy trì sự sống để nuôi con. Tuy nhiên, hoàn cảnh những người hàng xóm cũng không mấy khá giả, về sau khi bệnh tình của anh An trở nặng, chị Tâm phải chạy vạy khắp nơi để nhờ những nhà hảo tâm giúp đỡ.
“Vào một đêm, tôi nhận được cuộc gọi của vợ An thông báo tình hình bệnh tình của chồng trở nặng, tiếp tục bị nôn ói ra máu rồi ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Tôi tức tốc chạy đến bệnh viện, nhưng do tình hình dịch bệnh, hạn chế số người vào bệnh viện, không còn cách nà khác, vợ An phải tranh thủ vào bên trong bệnh viện chăm lo cho chồng và ba đứa nhỏ tạm gửi ở vỉa hè trước cổng bệnh viện cho bà nội trông. Tôi đến nơi, thấy cảnh 3 đứa trẻ nheo nhóc ở vỉa hè đang trông ngóng tin về cha”, anh Phong chia sẻ.
Khi anh Phong đến cổng bệnh viện, chứng kiến cảnh chị Tâm mở điện thoại, gọi video để các con nói chuyện với cha. “Nhìn cảnh mẹ con chị Tâm ngồi ở vỉa hè quây quần bên nhau để nói chuyện điện thoại với người cha đang chống chọi với bệnh tật, tôi thật sự xúc động.
Rồi đứa con hơn 5 tuổi của An bỗng cất tiếng: “Cha ơi, cha đừng đi bỏ con…”, bao nhiêu đó thôi cũng đủ tôi cảm thấy mắt mình ươn ướt cay cay. Tối hôm ấy, Sài Gòn mưa ngâu và lạnh, chắc mấy đứa nhỏ lạnh lắm, nhưng cái lạnh đó có lẽ sẽ không bằng căn nhà vắng bóng cha”.
Cảm thương với hoàn cảnh khó khăn của gia đình An, anh Phong đã kêu gọi thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí để An vượt “cửa tử” để quay về với gia đình, với vợ con. “Trao số tiền hỗ trợ mà các nhà hảo tâm đóng góp, tôi thầm cầu mong An ơi, hãy mạnh mẽ nhé!”, anh Phong tâm sự.
Nhờ có sự quan tâm của cộng đồng và các nhà hảo tâm, bệnh tình của anh An dần thuyên giảm và có thể xuất viện. Nhận được số tiền giúp đỡ kịp thời từ các người hảo tâm, việc đầu tiên anh An làm là đến các bệnh viện mình từng điều trị để thanh toán các khoản viện phí mình từng thiếu. Khoản tiền còn lại, anh An mua một xe ba gác nhỏ và một chiếc cân để cùng vợ thu mua ve chai và nhặt ve chai mà theo anh giải thích là “Để có đồng ra, đồng vô mà nuôi mấy đứa nhỏ”.
Một trong những nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình An – Tâm, chị Đỗ Thị Tưởng (ngụ quận 5, TP.HCM) chia sẻ: “An nhận được tiền quyên góp, đó là số tiền tương đối lớn, nhưng em ấy không có biểu hiện ỷ lại vào số tiền đó. Hai vợ chồng em ấy vẫn đi làm, đi thu mua ve chai. Đợt Tết vừa rồi tôi có bán hoa cảnh ngày Tết, An cũng xung phong đến chở hoa giao cho khách để nhận tiền công có thêm thu nhập. Thấy em ốm yếu bệnh tật mà làm việc hăng say, ai nhìn thấy cũng thương”.
Cùng chung nhận xét với chị Tưởng, anh Lê Phong cho biết thêm: “Khác với nhiều người, An không hề dựa dẫm vào số tiền được mọi người quyên góp. Có tiền trong tay, em đem chi trả viện phí, rồi mua xe làm nghề thu mua ve chai cùng vợ. Tinh thần lao động và không dựa dẫm của em làm tôi rất xúc động”.
Sống trong cảnh bệnh tật, gia đình túng thiếu lại đông con nhưng khi được hỏi về việc đã từng có ý nghĩ sẽ cho con để người khác nhận nuôi thì vợ chồng anh An và chị Tâm nhất quyết lắc đầu phản đối.
“Em chưa từng có ý nghĩa đó, em luôn nghĩ mình phải lạc quan lên để chiến thắng bệnh tật để mà sống và lo cho các con. Con của mình dứt ruột đẻ ra mà cho tụi nhỏ đi thì khổ lắm. Tụi nhỏ là mạng sống của em, là động lực để em có thể sống tiếp. Nếu tụi nhỏ có chuyện gì thì em cũng không còn động lực nữa”, anh An tâm sự.
Nghe chồng bày tỏ, chị Tâm cũng tiếp lời: “Chồng em hay ốm đau, đợt vừa rồi anh ấy lại nôn ra máu phải nhập viện cấp cứu. Mẹ con em lại có thêm một phen hết hồn. Em mong bệnh tình của anh ấy sẽ thuyên giảm, để cùng em nuôi dạy các con nên người”. Chị nở nụ cười rụt rè, hy vọng.