tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Thời gian trôi thật nhanh, giờ đã là năm 2022 – các cô bé cậu bé GenZ năm nào đã có người lên chức... cha mẹ. Nhiều người cho rằng, chuyện GenZ làm mẹ khỏi phải bàn, riêng khoản chăm sóc và nuôi dạy con sẽ hơn hẳn thế hệ GenX, GenY. Song một số lại hoài nghi về khả năng nuôi dạy con của những GenZ này!

Để hiểu rõ hơn mọi vấn đề xung quanh chuyện GenZ làm mẹ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy – Phụ trách ban đào tạo Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM.

Chào chuyên gia, dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, anh đánh giá như thế nào về việc rất nhiều bạn trẻ từ 2000 trở đi, thuộc thế hệ GenZ đã làm mẹ?

Tôi thấy không có vấn đề gì cả. Thực tế các bạn 18 – 20 tuổi lập gia đình không hề vi phạm pháp luật, hơn nữa sức khỏe lẫn tâm sinh lý đều đã hoàn thiện. Do đó việc GenZ trở thành một người mẹ hết sức bình thường giống như bao người mẹ ở các độ tuổi khác.

Song có thể nói, hiện nay ở Việt Nam chuyện các bạn 20 – 24 tuổi làm mẹ là rất sớm! Độ tuổi lý tưởng để chúng ta kết hôn và có con nên từ 26 trở lên.

Việc làm mẹ từ khi còn trẻ liệu có ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của chính người mẹ đó?

Như đã nói ở trên, các bạn trẻ thuộc GenZ làm mẹ đã có sự hoàn tất mọi thứ về phát triển cơ thể lẫn tâm lý. Vì thế việc các bạn làm mẹ không thể ảnh hưởng đến tâm lý, có chăng sẽ cảm thấy hơi “sốc” một chút nhưng nó mang tính chất cá nhân. Chúng ta không thể nói mọi bạn trẻ khi làm mẹ đều gặp vấn đề về tâm lý. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, gia đình... sẽ tác động đến tâm lý của người bắt đầu làm mẹ.

Vậy tỷ lệ GenZ làm mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh liệu có nhiều hơn các độ tuổi khác?

Trầm cảm sau sinh ở bất cứ độ tuổi nào làm mẹ cũng có, chứ không riêng gì GenZ. Nó tùy thuộc vào từng cá nhân với từng hoàn cảnh, từng suy nghĩ... Có người khi làm mẹ gặp muôn vàn rắc rối như không được chồng quan tâm, vụng về trong việc chăm sóc đứa trẻ,... Từ đó chính họ “nảy sinh” những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi... dẫn đến trầm cảm. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường khi đứa con chào đời bởi đã chuẩn bị sẵn mọi hành trang cho hành trình trở thành mẹ.

Tuy nhiên hiện tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh ngày càng gia tăng. Đó chính là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội cũng như mọi gia đình.

- Các bậc phụ huynh của các GenZ cần phải làm gì để con của mình làm mẹ một cách tốt nhất?

GenZ làm mẹ đều là những bạn đã bước vào độ tuổi trưởng thành, vì thế bậc phụ huynh không nhất thiết phải “can thiệp” vào chuyện làm mẹ của chúng! Vì không ai làm mẹ giống ai, mỗi người có một phương pháp riêng trong việc nuôi dạy con để con của họ có thể “tiếp nhận” những điều tốt nhất.

Tôi thấy ở Việt Nam, bậc phụ huynh luôn coi con cái là một đứa trẻ, dù chúng đã đến tuổi trưởng thành và lập gia đình. Đến khi những “đứa trẻ” ấy có con, họ lại tiếp tục nghĩ “à, đứa trẻ của mình đã sinh ra một đứa trẻ” rồi không tin tưởng con mình có thể làm mẹ tốt. Từ đó họ áp đặt suy nghĩ của chính họ lên con cái rằng: Con phải chăm sóc con của con như thế này? Ngày xưa bà với mẹ cũng làm như vậy?... Dần dần những lời khuyên ấy vô hình khiến “đứa trẻ” trở nên khó khăn, không biết phải làm sao cho đúng.

GenZ làm mẹ giữa xã hội hiện đại: “Áp lực gấp bội, khát vọng vật chất cao hơn” - 7 GenZ làm mẹ giữa xã hội hiện đại: “Áp lực gấp bội, khát vọng vật chất cao hơn” - 8

Như lời chuyên gia nói, hiện có rất nhiều ông bố bà mẹ có con là GenZ làm mẹ đã “tham gia” vào quá trình nuôi dạy cháu rồi yêu cầu con phải làm như thế này thế kia? Vậy trong tình huống ấy, GenZ cần phải làm gì?

Nếu bố mẹ “ép” GenZ phải làm mẹ thế này thế kia thì các bạn nên đặt ra câu hỏi tại sao phải nghe lời? Khi đã làm mẹ, các bạn nên hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với con của mình, biết phản kháng với thứ mà chính mình cảm thấy không phù hợp với con... Tốt nhất, các bạn cần sống độc lập, không phụ thuộc vào bố mẹ, khi đó sẽ không ai “chỉ đạo” được các bạn.

Một số người cho rằng GenZ làm mẹ chẳng có gì khác so với thời các cụ các bà của chúng ta. Song xã hội giờ khác xưa nhiều, chuyên gia nghĩ như thế nào về quan niệm trên?

Tôi nghĩ GenZ làm mẹ có rất nhiều điểm khác so với thời các cụ các bà, thậm chí là các mẹ. Xưa các bà các mẹ làm gì có điện thoại thông minh để tìm hiểu về các phương pháp nuôi dạy con, làm gì được tham khảo cách nuôi con khoa học...

Tôi được biết, rất nhiều bạn GenZ chuẩn bị làm mẹ đã tìm hiểu phương pháp nuôi con khoa học thay vì theo bản năng như trước. Nhờ đó các bạn có thể làm mẹ một cách nhẹ nhàng, nhàn hạ... mà không gặp phải bất cứ khó khăn gì.

Thực tế, muốn nuôi con tốt nhất thì các bạn nên theo khoa học. Còn chuyện nuôi con theo bản năng của một người mẹ sẽ phải chấp nhận may rủi. Người ta vẫn bảo một năm đầu của đứa trẻ sẽ để nuôi dưỡng, còn từ năm thứ hai trở đi sẽ làm dạy dỗ, rèn luyện cho đứa trẻ ấy trở thành một đứa trẻ tốt, ngoan ngoãn... Vì thế có rất nhiều bậc làm cha làm mẹ đã phải đi học các lớp dạy làm cha làm mẹ sao cho tốt.

GenZ làm mẹ giữa xã hội hiện đại: “Áp lực gấp bội, khát vọng vật chất cao hơn” - 11 GenZ làm mẹ giữa xã hội hiện đại: “Áp lực gấp bội, khát vọng vật chất cao hơn” - 12

- Theo chuyên gia, GenZ làm cha mẹ khác biệt như thế nào so với GenY, GenZ?

Cái khác biệt đầu tiên phải kể đến là thời đại! Xã hội giờ phát triển với guồng quay nhanh hơn khi xưa, các bạn trẻ áp lực hơn, khát vọng vật chất cao hơn. Đến khi có con, các bạn sẽ áp lực gấp bội lần, luôn suy nghĩ trong đầu rằng làm thế nào để con sinh ra được hưởng những thứ tốt nhất: ăn uống, học tập... cho đến vui chơi.

Tiếp đó, các bạn được tiếp cận với nhiều thông tin đại chúng, cẩm nang làm cha mẹ từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế mà GenZ luôn tự tin để trở thành một người mẹ hiện đại. Đặc biệt chuyện bạo hành trẻ con cũng ít xảy ra hơn so với trước kia.

Hơn cả, xã hội phát triển sẽ kèm theo với điều kiện y tế tốt, trường học văn minh... trẻ sẽ được hưởng trọn dịch vụ đó. Và cuối cùng, GenZ sẽ sinh từ 1-2 con, có thời gian để chăm sóc và quan tâm các con nhiều hơn.

Xin cảm ơn chuyên gia đã có những chia sẻ! Chúc anh thật nhiều sức khỏe.

Bùi Anh
Nguồn: [Tên nguồn]