Tết là về nhà sum họp cùng gia đình hay tranh thủ đi du lịch trong kỳ nghỉ dài? Giữa rất nhiều tranh cãi, có một đại gia đình với các thế hệ luôn đi du lịch cùng nhau vào dịp Tết trong nhiều năm qua.
Tết là một dịp lễ quan trọng trong văn hóa người Việt. Đây là dịp mà gia đình sum họp, cùng nhau đi chùa cầu bình an, đến thăm những người họ hàng lâu ngày không gặp,… Tết cũng là thời gian mọi người được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả và chuẩn bị cho một năm mới đầy hứng khởi đang chờ đợi phía trước.
Đối với những người làm ăn xa, Tết là dịp đáng mong chờ bởi họ sẽ được trở về quê, trở về với bố mẹ, ông bà, ăn những bữa cơm đầm ấm.
Truyền thống là vậy, những năm gần đây, nhiều bạn trẻ lại chọn đi du lịch trong dịp Tết. Lý do đưa ra cũng rất đơn giản: cả năm chẳng mấy khi được nghỉ dài ngày nên tranh thủ dịp này đi chơi xa. Quan điểm này gây nên tranh cãi bởi đối với nhiều người, cả năm đi đâu cũng được nhưng Tết là phải về nhà.
Nhưng không thể phủ nhận rằng quan niệm về Tết của những người lớn tuổi giờ đây cũng đã cởi mở hơn. Cô Nguyễn Thị Hiền Lương (sinh năm 1973, Q.2 TP.HCM) dù đã gần 50 tuổi nhưng lại có tư tưởng hoàn toàn mới mẻ. Cô chia sẻ gia đình mình thường xuyên đi du lịch cùng nhau vào dịp Tết. Dù bận rộn đến đâu, năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là đại gia đình cô gồm ông bà năm nay gần 80 tuổi cùng gia đình chị gái, gia đình em gái và vợ chồng cô Lương đều sắp xếp thời gian để cùng nhau hưởng thụ 1 chuyến du lịch.
Chia sẻ về những chuyến đi dịp Tết, gia đình cô thường lựa chọn những điểm đến trong nước. Chuyến đi thường bắt đầu từ mùng 2 Tết và cả gia đình trở về vào mùng 4 hoặc mùng 5, nghỉ ngơi 1 ngày trước khi bắt đầu đi làm trở lại. Gia đình cô chọn những khách sạn tốt có cung cấp bữa ăn trong ngày bởi nhiều hàng quán đóng cửa vào dịp này. Tuy nhiên một số nhà hàng quen thuộc cũng được gia đình cô ghé đến vì đã từng tới ăn từ trước và biết quán sẽ mở cửa trong dịp Tết.
“Nhà cô thường lựa chọn những điểm như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Yên,… Những nơi này cảnh đẹp, không khí tốt và đồ ăn thì rất ngon. Năm ngoái nhà cô đi Cần Thơ, miền Tây cũng là một điểm đến thú vị”, cô Lương chia sẻ.
Du lịch vào dịp Tết thường đông đúc hơn, một số nơi nghỉ Tết nên không được vào tham quan, những quán ăn mở xuyên Tết thì thường rất đông và phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên cô Lương cho rằng không khí ở những nơi này cũng vui hơn, rộn ràng hơn bình thường.
Được biết, gia đình cô Lương thường tranh thủ dịp Tết để đi du lịch từ mười mấy năm nay. Bố mẹ cô tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn rất trẻ trung như thanh niên và cùng đi chơi trong nhiều dịp khác trong năm. Cô Lương tự hào: “Nhà cô vui lắm. Gặp nhau là nói không hết chuyện, lúc nào cũng vui vẻ rôm rả”.
“Nhà cô là có 3 thế hệ đi du lịch cùng nhau, Tết nào cũng vậy. Nó trở thành “truyền thống” từ lâu mà cô còn không nhớ nữa. Năm nay thì không có bọn nhỏ vì chúng đi học xa không về, còn mọi năm thì có. Từ hồi bọn chúng chỉ có mấy tháng tuổi thôi đã cho đi cùng rồi ấy!”, cô Lương chia sẻ.
Trước khi có những kỳ nghỉ vui vẻ bên nhau vào dịp Tết như bây giờ, gia đình cô Lương cũng vô cùng “truyền thống”. Cô kể những ngày cô còn bà nội thì không được đi chơi mấy ngày Tết mà chỉ có ở nhà. Dần dần bố mẹ cô thay đổi suy nghĩ và Tết trở thành thời điểm để đại gia đình có những chuyến đi chơi xa.
“Giờ nhà cô vẫn giữ những phong tục cần phải có nhưng thoáng hơn để cả nhà vẫn vui vẻ. Mà cô nghĩ người Việt Nam mình vẫn coi trọng Tết lắm, vì mỗi người có một quan điểm riêng”, cô Lương cười vui vẻ.
Đối với nhiều người, Tết là dịp đoàn viên, là trở về nhà để sum họp cùng gia đình. Đó cũng là cái Tết truyền thống của nhiều gia đình người Việt. Thế nhưng những năm gần đây, một số bạn trẻ thường lựa chọn tranh thủ kỳ nghỉ Tết dài để đi du lịch cùng bạn bè.
Về vấn đề này, cô Lương chia sẻ: “Cô nghĩ là nếu các bạn trẻ đi làm xa nhà cả năm thì nên về nhà sum họp với gia đình sau đó có thể tổ chức đi chơi gần trong ngày để thư giãn và nghỉ ngơi. Ở quê không khí Tết và con người họ vẫn sống theo phong tục xưa là mấy ngày Tết đi thăm hỏi họ hàng ăn uống, cái đó cũng hay nhưng làm cho tinh thần không hứng khởi. Cô nghĩ mình hoàn toàn có thể kết hợp cả hai. Các bạn thử sắp xếp cho cả gia đình một chuyến đi cùng nhau trong dịp Tết xem sao. Như vậy cả nhà vừa được ở bên nhau, vừa cùng trải nghiệm một chuyến du lịch nho nhỏ để tinh thần vui vẻ hơn trước khi quay trở về nhịp sống thường ngày”.
Cô Lương khẳng định đối với cô, dù Tết có đi đâu thì quan trọng nhất vẫn là cả nhà đi cùng nhau, ở bên nhau. Những chuyến du lịch bắt đầu sau khi cả nhà cô đã lo toan xong mọi công việc như những gia đình khác.
“Ngày 30, mùng 1 gia đình cô chuẩn bị đồ cúng lễ như những nhà khác. Nhà cô cũng không quan niệm khác với nhiều người đâu, cũng đi chúc tết họ hàng, bạn bè, mùng 1 đi chùa cầu xin an lành cho một năm mới nhưng vẫn thu xếp cho mình và gia đình thời gian nghỉ ngơi và sum họp. Đối với cô, “sum họp” không nhất thiết phải ở nhà mình mà là một nơi nào đó mà tất cả mọi người trong gia đình cùng muốn đi và thích thưởng thức những món ngon của địa phương nơi cả gia đình đến”, cô Lương tâm sự.
Xung quanh cô cũng có một số gia đình đi du lịch vào dịp Tết, nhưng cũng có nhiều người ngạc nhiên khi thấy Tết nào nhà cô cũng đi du lịch: “Lúc đầu họ cũng ngạc nhiên đấy nhưng sau đó họ cũng thấy vui và thậm chí một số nhà còn làm theo luôn. Họ còn nói Tết ở Sài Gòn buồn lắm, đi chơi cho thoải mái”.
Vì đã đi cùng nhau rất nhiều cái Tết nên chuyến đi nào đối với cô Lương cũng đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ. Có một năm cả nhà đang trên xe đi Phá Tam Giang (Huế) thì bất chợt nhớ ra hôm đó chính là sinh nhật bố của cô. Cả xe trở nên rôm rả hơn hẳn, bàn qua tính lại để xem nên ăn món gì vì bố cô đòi mời mọi người một bữa.
“Thế là cả nhà trêu ông là nếu mời sẽ ăn hết tiền của ông. Chú tài xế nghe thế tưởng thật, sợ ông buồn mới quay ra can đừng lấy tiền của ông như vậy. Cả nhà được một trân cười đã đời”, cô Lương vui vẻ nhớ lại.
“Năm ngoái nhà cô đi Cần Thơ. Ở ngay cạnh khách sạn có rạp chiếu phim nên tối nào cả nhà cũng đi xem phim và uống trà sữa. Suốt kỳ nghỉ ngày nào cũng đi xem phim luôn. Bố mẹ cô gần 80 tuổi rồi mà cũng như bọn cô, uống trà sữa và xếp hàng tự phục vụ, lấy kem ra cân và ngồi thưởng thức”, cô Lương kể một kỷ niệm vui mà cô cùng cả nhà trải nghiệm khi đi du lịch.
Thế nhưng nhà cô cũng chẳng thiếu những chuyện dở khóc dở cười. Có lần cả nhà đi từ Ninh Chữ lên Đà Lạt thì bị hỏng xe giữa đường, phải thuê xe cẩu về Đà Lạt. Cẩu xe về xong thì lại không có linh kiện để thay, lại còn trong dịp Tết nên càng hiếm chỗ sửa xe. Cuối cùng nhà cô Lương phải mượn xe của bạn để về Sài Gòn. Chiếc xe hỏng ấy phải bỏ lại Đà Lạt chờ sửa.
Đối với cô Lương – một người ưa thích dịch chuyển – thì việc đón Tết ở một nơi xa là một cách để làm mới tinh thần, tạm thời gạt bỏ mọi chuyện trong năm cũ để tận hưởng một chuyến đi mới mẻ và đón chờ một năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
“Cái “được” sẽ nhiều hơn cái “mất” vì cô chưa thấy mình mất mát cái gì cả nhưng lại được rất nhiều. Gia đình cô ngày càng đoàn kết hơn, vui vẻ hơn, hiểu nhau hơn sau mỗi chuyến đi. Như cô đã nói, “sum họp” chưa chắc đã phải ở nhà mà cùng đến một nơi mới cũng rất vui. Cả gia đình cùng được nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả. Trước đó, gia đình cô vẫn thu xếp một cái Tết theo đúng truyền thống, cũng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ, đi lễ chùa và thăm hỏi họ hàng. Như vậy nhà cô đã kết hợp 2 kiểu truyền thống và hiện đại thì đúng hơn”, cô Lương chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch dịp Tết nhiều năm nay, cô Lương cho biết dịp này thường rất đông nên phải có kế hoạch từ sớm để đặt vé máy bay và đặt phòng. Gia đình cô Lương thường họp bàn với nhau từ 1 – 2 tháng trước Tết để có thể sắp xếp thời gian, công việc. Em gái cô là người đảm nhiệm xem giá vé máy bay, xem phòng và báo với mọi người để chốt.
“Tết đi sẽ đông nếu mọi người muốn đi thì có kế hoạch sớm, đặt phòng, mua vé máy bay sớm để có thời gian lựa chọn ngày cho hợp lý”, cô Lương nhấn mạnh.
Một số khu tham quan, điểm đến cũng như nhà hàng có thể sẽ đóng cửa trong dịp Tết, các bạn nên nghiên cứu thật kỹ khi lên lịch trình để tránh mất công và tốn thời gian.
Với những gia đình có con nhỏ thì sẽ vất vả hơn một chút. Các bạn nên chuẩn bị trước thức ăn cho em bé, vạch sẵn những điểm đến nhẹ nhàng, không phải di chuyển quá nhiều. Trẻ con rất hiếu động, cũng dễ quậy phá nên bố mẹ cần chú ý rất nhiều.
Năm nay vẫn giữ nếp cũ, đại gia đình cô Lương lại sắp xếp 1 chuyến đi từ mùng 2 Tết tới thành phố ngàn hoa Đà Lạt xinh đẹp. “Mình còn trẻ và còn khỏe. Ông bà nhà cô tuy cao tuổi nhưng vẫn còn sung sức lắm. Thế nên tranh thủ lúc còn khỏe thì phải đi chơi thôi. Đất nước mình có những điểm đến rất tuyệt vời. Một năm gia đình cô đi du lịch cùng nhau khoảng 2 – 3 lần, nhưng đi vào dịp Tết có một không khí khác hẳn, rất vui!”, cô Lương chia sẻ.