Len – 29 tuổi, tên thật là Nguyễn Thanh Huyền.
Hằng ngày, Len bắt đầu công việc từ lúc 9h sáng hôm trước và kết thúc vào 2h sáng hôm sau. Ban ngày, Len giảng dạy các khóa học pha chế cho hàng trăm học viên trẻ tuổi. Khi những con phố Hà Nội lên đèn, Len lại đứng trong quầy bar, tay lắc tay đổ pha hàng nghìn loại đồ uống, hạnh phúc vì được “sống” với niềm đam mê của mình. Chính Len của hiện tại cũng bất ngờ với bản thân, bởi cô của trước đây vốn không đủ tự tin để theo cái nghề mà nhiều người kỳ thị.
"Trước kia mình là một cô bé rất nhút nhát, không bao giờ dám đứng trước mọi người hay đủ tự tin để làm nghề như thế này đâu. Chính anh trai ruột mình đã hướng mình đến với nghề. Anh mình nói rằng "Thử học nghề này đi, cái nghề này sẽ luyện cho mình sự tự tin và nhẫn nại", Len tâm sự.
Với một cô gái nghịch ngợm như Len, cô không tin lời anh trai, rằng có thứ gì đó có thể khiến cô học được tính nhẫn nại, nhưng cô vẫn thử cho mình một cơ hội. Kết quả, khi đến với lớp học dạy pha chế, Len vô cùng… buồn ngủ vì chỉ được nghe lý thuyết mà không được thực hành.
Sau khi học xong, Len chấp nhận làm lễ tân để đứng ngoài học hỏi các bartender khác làm việc. Sau 3 tháng, cô mới chính thức được làm phụ bar với mức lương 2.5 – 3 triệu. Và từ những ngày Len được tiếp xúc với quầy, được pha những ly nước đầu tiên cho khách hàng, cô mới thực sự yêu thích công việc này.
"Mình quyết tâm là một ngày nào đó, mình phải giúp cho tất cả các bạn nữ đều có thể theo đuổi nghề này. Bởi mình thấy rất nhiều bạn nam làm được nên mình tự hỏi tại sao phụ nữ chúng ta lại không thể? Mình mong rằng mình sẽ là một trong những người dẫn dắt, đưa những thế hệ trẻ sau đi theo con đường làm nghề tốt nhất", Len chia sẻ.
Cô nhận dạy các khóa học pha chế để truyền lửa cho những học viên trẻ tuổi. Tất cả những câu chuyện, mặt trái, cám dỗ trong suốt 6 năm làm nghề, Len đều bộc bạch hết để mọi người nhìn nhận rõ ràng về nghề này.
Theo Len, nghề bartender chỉ mới “hot” trong 3 năm trở lại đây nên những thế hệ trước như ông bà, bố mẹ chúng ta chưa hiểu hết về công việc này. Và rất nhiều người có ánh mắt, suy nghĩ, kỳ thị về nghề bartender.
Họ nghĩ bartender là một nghề tiếp xúc với môi trường bar phức tạp, phải đi làm đêm hôm. Nhưng riêng Len gạt qua mọi lời nói, dư luận, mọi ánh mắt và phản đối để đi theo con đường cô đã chọn.
Bartender là một nghề nghiệp phổ biến và đã được công nhận. Ở nước ngoài, nữ giới theo đuổi nghề này rất nhiều. Nhưng ở Việt Nam, đây là một nghề được nhiều người coi là “không lành mạnh” bởi môi trường đầy cám dỗ.
"Mình muốn chứng minh đây không phải một nghề gì xấu xa, để những thế hệ như con cháu mình sau này, khi nhắc đến nghề nghiệp của mẹ, của bà nó thì nó phải cảm thấy tự hào" – Len bộc bạch.
Xét về phương diện làm nghề, Len tự nhận mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người khác vì được gia đình, đặc biệt là bố mẹ ủng hộ. Nhưng những người quen biết vẫn thường xuyên đặt câu hỏi cho Len và gia đình: "sao lại để cho con đi làm bar như thế?", "sao con gái con đứa cứ đi làm đêm hôm như thế?", môi trường phức tạp, tiếp xúc nhiều loại khách,... Và Len chỉ đơn giản nói: "Bar cũng có nhiều dạng bar. Vì mọi người chưa hiểu mô hình nên mọi người cứ nghĩ đi bar là xấu".
Bar nghĩa là "quầy bar", còn "tender" là sự ân cần. Bartender tức là người chủ nhà đứng trong quầy bar và ân cần chăm sóc, phục vụ những người khách đến với mình. Bartender không chỉ là pha một ly đồ uống và mang ra cho khách mà còn phải có sự giao tiếp với khách hàng. Mỗi ly rượu là cả một câu chuyện, nhiệm vụ của bartender là dẫn dắt khách để họ có thể thưởng thức hết cái ngon của món đồ uống đó.
Một người bartender phải ghi nhớ hàng nghìn công thức và các loại rượu, phải hiểu từng hương vị cũng như câu chuyện đằng sau nó. Không chỉ cần một trí nhớ tốt, sự thông minh nhanh nhẹn mà bartender còn cần có sức khỏe và sự tinh tế.
Đối với Len, bartender là cả một môn nghệ thuật và để làm được thì phải luyện tập, phải vượt qua và đánh đổi mọi thứ: "Để đạt được những thành công như bây giờ, mình phải đánh đổi gia đình mình. Gia đình ở đây chính là hôn nhân, con cái. Mình không dành được nhiều thời gian bên con như những người mẹ khác. Nghề này là phải làm đêm, sớm nhất cũng phải 12h – 1h giờ sáng mới được về. Rất may có bố mẹ đã chăm con giúp để mình toàn tâm toàn ý với nghề".
3 năm sau khi theo nghề bartender, Len bắt đầu quen bạn trai - người sau này trở thành chồng cô. Len luôn tâm niệm sẽ phải yêu những người hiểu công việc của cô, đồng thời cũng phải tin tưởng lẫn nhau. Bạn trai Len cũng đã đến nơi cô làm việc và chứng kiến những gì cô làm nên anh rất tin tưởng và chấp nhận. Cặp đôi đã kết hôn và có một em bé, trước khi sóng gió ập đến.
"Nhưng rồi mình nhận ra một điều nghiệt ngã: Có thể chồng mình yêu mình đấy, có thể chồng hiểu công việc của mình và chấp nhận mình đấy, nhưng không một gia đình chồng nào, bố mẹ chồng nào chấp nhận một người con dâu đi làm từ sáng cho đến nửa đêm mới về nhà.
Và mình biết điều ấy. Mình cũng không phải là một người quá ích kỷ nên cũng đã sẵn sàng đổi ca làm việc lên ban ngày để buổi tối có thể dành thời gian cho gia đình. Nhưng cái đam mê của mình cao quá, nó vượt qua tầm kiểm soát của mình, và đã có những chuyện không vui xảy ra. Rồi cái gì đến thì nó cũng phải đến. Mình cũng thừa nhận là mình đã không gặp may mắn lắm. Và mình đã… ly hôn", Len chia sẻ về nốt trầm trong cuộc sống của cô.
Sau khi ly hôn, Len quay trở lại công việc. Lần này cô quyết tâm sẽ dành toàn thời gian cho nó. Ánh hào quang mà mọi người nhìn thấy xung quanh Len là thứ mà rất nhiều bạn trẻ yêu nghề pha chế mong muốn. Nhưng để có được nó, Len đã phải chấp nhận đánh đổi, chấp nhận những lời dị nghị không hay, những tiếng xấu... Đến tận bây giờ, Len thừa nhận cô không dám nghĩ là bản thân sẽ yêu thêm một ai đó.
Để nói về nghề Bartender, cô gái 29 tuổi này chưa bao giờ biết chán: "Mình không biết miêu tả như thế nào. Đôi khi mình chỉ pha một ly nước rất bình thường thôi nhưng khách uống và khách khen, rồi mình trò chuyện với họ và họ cảm ơn mình. Đó chính là động lực khiến mình ngày càng yêu nghề hơn. Mình cũng không hiểu đam mê ấy ở đâu mà mình sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ để ngày ngày được đứng trong quầy bar".
Những góc tối của nghề bartender cũng được Len chia sẻ không ngại ngần. Làm ở trong một môi trường đầy cám dỗ, bản thân lại là con gái, Len thừa nhận gặp nhiều khách thích, xin số, xin facebook,… Với kinh nghiệm 6 năm theo nghề, Len có cách để từ chối khách một cách khéo léo. Nhưng có những người động chạm đến cả lòng tự ái của cô: "Họ nói mình “Cũng chỉ là một con làm bar thôi”. Lời nói đó thực sự như một nhát dao đâm sâu vào tim mình. Làm bar thì sao? Làm bar là xấu xa, hèn kém đến thế?
Mình biết là cái nghề này ai mà hiểu thì sẽ rất hiểu, nhưng ai không hiểu thì họ sẽ đánh giá nó rất xấu. Họ nghĩ là nghề phải làm đêm hôm, nhất là con gái nữa thì đó hẳn là những nghề rất xấu xa. Nhưng họ không hiểu rằng mình cũng phải lao động, cũng phải đổ mồ hôi, công sức, đôi khi là cả máu và nước mắt. Và mình vẫn luôn tự hào trước tất cả mọi người về nghề bartender của mình".