Trước khi SEA Games 30 diễn ra, tiền vệ Tuyết Dung (sinh năm 1993) được người hâm mộ ví như linh hồn cho mục tiêu săn vàng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Không phụ công chờ đợi của hàng triệu cổ động viên, cầu thủ người Hà Nam cùng các đồng đội Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Phạm Hải Yến,… đã thi đấu quyết liệt, tạo nên sức ép cho đối thủ và thành công mang HCV về quê hương.
Ngay sau đó, cái tên Tuyết Dung được săn lùng và tìm kiếm nhiều hơn bao giờ hết. Người ta tò mò về nữ cầu thủ được mệnh danh là “cô gái vàng” rồi bất ngờ với bảng thành tích hiếm có của Dung trong bóng đá.
Gặp Tuyết Dung sau chiến thắng tuyệt vời của tuyển Việt Nam vào đúng ngày sinh nhật của cô, Eva.vn đã có cơ hội trò chuyện với Dung để hiểu hơn về nữ chiến binh dành cả tuổi thơ - tuổi trẻ để chạy trên sân cỏ, thi đấu và ghi bàn thắng vàng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
- 13 tuổi bén duyên với bóng đá, nhìn lại chặng đường đã qua, nếu nghĩ lại, Tuyết Dung có bao giờ tưởng tượng mình trong hình ảnh khác, một nghề nghiệp khác?
Nếu không theo nghiệp đá bóng, Dung sẽ không có được ngày hôm nay. Bởi vậy nếu được chọn lựa lại 100 lần đi chăng nữa, mình vẫn theo đuổi đam mê bóng đá, làm cầu thủ. Thực tế, bóng đá dành cho nữ rất khắc nghiệt nhưng cũng mang lại nhiều lợi ích cho bản thân mình.
Mỗi lần thi đấu ở trong nước hoặc khu vực, mình được đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau. Bóng đá nữ thiệt thòi hơn bóng đá nam, dẫu vậy vẫn mang lại thu nhập ổn định, tuy không nhiều nhưng đủ để mình giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, bóng đá cũng lấy đi của Dung và chị em đồng đội nhiều thứ như thời gian dành cho công việc ấy gần như là 24/7, mình không thể chuyên tâm học hành các môn văn hóa giống bạn bè cùng trang lứa; thời tiết luyện tập khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến nhan sắc…
- Tuyết Dung từng chia sẻ, các thành viên trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thường nói với nhau: “Đá với Thái là đá chết bỏ”, Dung có thể nói rõ hơn ý nghĩa của câu này?
Mỗi cuộc chạm trán với Thái Lan đều căng thẳng và quyết liệt từ trên sân cỏ lẫn trên khán đài cũng như mạng xã hội. Bởi vậy trước khi “xuất trận”, các thành viên trong đội thường nói với nhau “đá với Thái là đá chết bỏ”. Dung và đồng đội đã có thất bại - thành công trước xứ sở chùa Vàng nhiều lần nhưng mỗi lần so giầy lại là một lần ý nghĩa vì cứ gặp họ là người hâm mộ luôn mong mỏi chiến thắng. Chính điều đó là nguồn khích lệ toàn đội phải thi đấu thật tốt, sẵn sàng đổ cả máu và nước mắt.
- Sau khi đoạt HVC bóng đá nữ SEA Games 30, tuyển nữ Việt Nam nhận được “cơn mưa” tiền thưởng. Với số tiền được thưởng, Tuyết Dung dự định làm gì?
Dung sẽ dùng tiền thưởng để trả nợ nốt số tiền làm nhà cho bố mẹ. Còn lại mình dành một phần tiết kiệm – một phần để đi phượt hoặc du lịch làm mới bản thân. Mình nghĩ khi lao động có thành quả thì cũng nên hưởng thụ một chút (cười).
- Năm 2017, Tuyết Dung được BBC vinh danh là 1 trong 100 phụ nữ truyền cảm hứng của năm. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Dung?
Ngày ấy, Dung về nhà được mọi người hỏi thăm và chúc mừng nhiều lắm. Bạn bè đùa vui: “Kinh kinh! 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu…”. Bố mẹ thì tự hào về mình. Đó chính là động lực để bản thân mình cống hiến cho nền bóng đá nước nhà nhiều hơn nữa.
- Cũng trong năm đó, Tuyết Dung tâm sự: "Tôi hy vọng người hâm mộ sẽ đến phủ kín sân vận động để cổ vũ chúng tôi như những gì mà họ dành cho bóng đá nam". Trận chung kết SEA Games năm nay, người hâm mộ đã đến kín sân vận động, đồng thời, trên mạng xã hội có hàng trăm ngàn bình luận. Các bạn đã trở thành hiện tượng và được quan tâm, theo dõi...
Để theo con đường này, Dung nghĩ cần có đam mê và chịu hy sinh nhiều thứ. Dù vậy, bóng đá nữ vẫn không thể sánh ngang – nhận sự quan tâm từ khán giả bằng bóng đá nam. Mình nhớ, trong trận gặp Thái Lan ở vòng bảng, trên khán đài chỉ có đúng một cổ động viên Việt. Lúc đó, mình và đồng đội thật sự buồn.
Đến trận chung kết, mình bất ngờ khi trên khán đài có nhiều cổ động viên reo hò, cổ vũ cho tuyển Việt Nam. Từ đó mình và chị em có nguồn cảm hứng, sự hưng phấn và động lực để thi đấu, cống hiến. Mình hy vọng sau giải đấu này, người hâm mộ sẽ nhớ và thường xuyên đến sân xem các cầu thủ nữ đá bóng hơn.
- Năm 2019 vừa qua, Tuyết Dung đã làm được một điều rất có ý nghĩa là xây nhà cho bố mẹ. Dung có thể chia sẻ thêm về điều này?
Điều đầu tiên Dung nghĩ đến sau khi kết thúc mỗi giải đấu chính là bố mẹ. Bố mẹ luôn động viên mình cố gắng, giúp mình vượt qua lúc căng thẳng. Vì vậy mình luôn tự nhủ phải làm điều gì đó có ý nghĩa cho bố mẹ. Mình quyết định xây cho bố mẹ ngôi nhà (một tầng thôi). (Cười)
Khi ngôi nhà hoàn thiện, bố mẹ sẽ mở quán tạp hóa, bán những thứ lặt vặt và không phải vất vả làm nông, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
- Ngoài thời gian tập luyện với CLB và đội tuyển, Tuyết Dung thích làm gì nhất?
Mỗi khi rảnh, Dung thường đi cà phê “chém gió” với bạn bè hoặc đi phượt ở những nơi mình yêu thích.
- Kiểu tóc ngắn của Tuyết Dung là do bạn muốn cắt ngắn hay do tính chất nghề nghiệp mà bạn buộc phải để?
Mỗi người có một cá tính và bản thân Dung thích sự năng động và mạnh mẽ. Ngay từ khi lên đội, mình đã cắt tóc ngắn, đơn giản vì mình thích cái gì sẽ làm cái đó. Nhiều lần bố mẹ cũng bảo mình để tóc dài rồi 2-3 năm nữa lấy chồng. Khi ấy, mình đùa vui bố mẹ rằng: “Con không lấy chồng đâu. Con ở vậy nuôi bố mẹ”. Thực sự với mình, tóc ngắn hay dài không quan trọng, quan trọng mình là chính mình.
- Lần gần đây nhất Tuyết Dung khóc là khi nào?
Đó là trận chung kết gặp Thái Lan. Lúc ấy, Dung vui thì vui thật nhưng cũng òa khóc vì quá sung sướng (cười).
- Mới đây, mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh Tuyết Dung xắn quần xuống ruộng cấy lúa, vác bao thóc… Dung có thực sự biết làm nông và có thể nấu ăn không?
Mỗi lần nghỉ phép về nhà vào đúng vụ cấy hay gặt, Dung đều ra ruộng giúp đỡ bố mẹ. Mình nghĩ bản thân không thể đành lòng ở nhà lướt web, chơi game hay nghỉ ngơi… trong khi bố mẹ còng lưng cầm bó mạ cắm xuống đất hay lấy chiếc liềm gặt từng bông lúa.
Còn nấu ăn, mình cũng biết sơ sơ như luộc rau, rán trứng… (cười).
- Dung có bao giờ hình dung công việc mình sẽ làm khi không còn là cầu thủ bóng đá?
Dù thế nào, Dung vẫn tiếp tục theo nghề đá bóng. Mình có thể trở thành huấn luyện viên, dạy dỗ các em nhỏ tại các câu lạc bộ trẻ. Mình nghĩ khi có kinh nghiệm trên sân cỏ, công việc cũng thuận lợi hơn.
- Nếu được thay đổi điều gì đó trong cuộc sống, Dung sẽ thay đổi điều gì?
Con đường Dung đang đi là lựa chọn đúng đắn của cuộc đời. Vì thế mình sẽ không thay đổi điều gì hết.
- Nếu một cô bé 15 tuổi đứng trước Tuyết Dung và hỏi: "Em có nên theo đuổi đam mê trở thành cầu thủ bóng đá nữ hay không?", Dung sẽ nói gì với cô bé ấy và bố mẹ cô bé?
Có rất nhiều bé gái độ 12-13 tuổi đã nhắn cho Dung xin lời khuyên có nên theo đuổi đam mê trở thành cầu thủ bóng đá nữ. Khi ấy mình thẳng thắn chia sẻ với các em hãy làm những gì mình muốn, mình đam mê và đừng lãng phí tuổi trẻ. Vì chỉ khi đó, các em mới có thể vui và sống hạnh phúc.
Còn với bố mẹ các bé đang băn khoăn không biết có nên cho con theo đuổi nghề cầu thủ, Dung muốn nói rằng: Mọi người thường quan niệm, bóng đá nữ thiệt thòi nhưng hiện tại, bóng đá nữ đang nhận được sự quan tâm từ người hâm mộ và ngày càng có chế độ đãi ngộ tốt. Các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi con em mình muốn theo nghề chạy trên sân cỏ. Quan trọng là con mình được làm điều con đam mê, yêu thích.
Cảm ơn Tuyết Dung và chúc bạn có nhiều sức khỏe để tiếp tục tỏa sáng trên sân cỏ!