tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Dù dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, còn tại nước ta cơ bản đã kiểm soát được, tuy nhiên tuyệt đối không chủ quan vì dịch bệnh có thể xâm nhập, bùng phát bất cứ lúc nào.

Tính đến 9h sáng ngày 8/1, Việt Nam có tổng cộng 1509 ca mắc COVID-19, trong đó có 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số ca mắc còn lại là trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào và được cách ly ngay. Trong đó các ca mắc được ghi nhận, có tổng cộng 1.353 ca đã được điều trị khỏi, 35 trường hợp tử vong, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền kèo theo.

Như vậy sau gần 1 năm kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, về cơ bản nước ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, trong khi nhiều nước trên thế giới dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp. Do vậy, việc chủ động phòng chống bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời gian tới.

Nhìn lại “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động - 3

Nhìn lại “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động - 4

Đầu năm 2020, trong khi cả nước đang chuẩn bị đón Tết Canh Tý, ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết) ngành y tế thông báo phát hiện 2 ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam tại TP.HCM. Đây là hai cha con người Vũ Hán - nơi có ổ dịch COVID-19 phức tạp nhất Trung Quốc và trên cả thế giới trong thời điểm đó.

Ngay sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên, Chính phủ và ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là truy viết với những người tiếp xúc gần. Qua quá trình điều tra dịch tễ, một nhân viên khách sạn ở Khánh Hòa nơi hai cha con người Trung Quốc lưu trú được xác định dương tính với COVID-19. Đây cũng chính là ca lây nhiễm COVID-19 đâu tiên trong cộng đồng ở Việt Nam.

Khi tình hình dịch ở khu vực phía Nam cơ bản được kiểm soát, thì bất ngờ ghi nhận 16 ca bệnh nhiễm COVID-19 mới tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là nhóm công nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trở về từ Vũ Hán và tâm điểm dịch thời điểm đó chính là xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - đây chính là ổ dịch đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Với sự chuẩn bị các phương án khi dịch bùng phát, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cùng ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch. Lần đầu tiên lệnh phong tỏa được đưa ra với toàn xã Sơn Lôi với 11.000 người dân sinh sống, thời hạn cách ly y tế là 14 ngày. Cũng tại ổ dịch này, ca bệnh nhỏ tuổi nhất Việt Nam (3 tháng tuổi) cũng đã được ghi nhận và đưa về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, sau một thời gian em bé đã hoàn toàn khỏe bệnh, xét nghiệm âm tính nhiều lần liên tiếp và được xuất viện về nhà.

Nhìn lại “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động - 9

Kể từ sau khi khống chế được ổ dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 6/3, bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội đã được ghi nhận tại Hà Nội, có địa chỉ tại phố Trúc Bạch, Hà Nội. Kể từ đây, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 chống dịch COVID-19.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trong giai đoạn này việc phòng, chống dịch lây lan ra cộng đồng là hết sức khó khăn, bởi ca bệnh không chỉ ở trong một làng, một xã mà nó đã xuất hiện ở thành phố lớn với hàng triệu dân sinh sống.

Đúng như dự đoán của các chuyên gia, bệnh nhân thứ 17 đã lây nhiễm cho những người xung quanh và cũng kể từ ngày 6/3 cả nước bước vào giai đoạn chống dịch đầy khó khăn với các ổ dịch mới xuất hiện, thậm chí ghi nhận cả bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Đó là trường hợp bệnh nhân số 34, đây là trường hợp lây nhiễm cho nhiều người khác nhất ở Việt Nam được ghi nhận tính đến thời điểm này. Nữ bệnh nhân 51 tuổi ở Bình Thuận trở về từ Mỹ, sau đó đã lây cho 11 người, trong đó có 8 trường hợp là F1, 3 trường hợp là F1 bị nhiễm bệnh.

Trước tình trạng người nhập cảnh vào Việt Nam mắc COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, ngày 18/3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dừng cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời hạn chế các chuyến bay từ vùng có dịch về nước.

Quyết định trên phần nào giải quyết được nguồn lây nhiễm từ nước ngoài vào, tuy nhiên bất ngờ đã xảy ra khi ngày 20/3 Bộ Y tế thông báo có 2 điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai mắc bênh. Đây cũng là 2 nhân viên y tế đầu tiên ở Việt Nam mắc COVID-19.

Sau khi phát hiện có ca mắc trong bệnh viện, đã có nhiều biện pháp chống dịch được triển khai và xác định được 46 ca bệnh liên quan đến bệnh viện nay. Đây cũng chính là ổ dịch thứ 2 ở Việt Nam và ổ dịch đầu tiên xuất hiện trong bệnh viện.

Khi con số mắc mới liên tục được ghi nhận, Bệnh viện Bạch Mai chính thức bị phong tỏa để tiêu độc khử trùng. Phía bệnh viện cũng đã thành lập cả một khu vực điều trị dã chiến trong tình hình dịch bệnh không thể kiểm soát. Tuy nhiên, với nỗ lực không biết mệt mỏi, sau đó dịch bệnh được kiểm soát và lệnh gỡ bỏ phong tỏa bệnh viện đã được công bố.

Cuối tháng 3/2020, khi dịch bệnh bùng phát trên cả nước với hàng loạt địa phương ghi nhận các ca mắc mới, trong đó nhiều nhất là ở Hà Nội, Bình Thuận, TP.HCM…Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch, bắt đầu từ ngày 1/4.

Trong thời gian cách ly toàn xã hội, Hà Nội tiếp tục ghi nhận các ổ dịch và chùm ca bệnh mới, điển hình như ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Chỉ trong vòng 1 tuần, đã có 13 ca bệnh được phát hiện, toàn bộ thôn Hạ Lôi được cách ly y tế 14 ngày để chống dịch.

Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các biện pháp cách ly được nới lỏng cũng là lúc tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhất là với những người yếu thế, người lao động nghèo. Trong thời điểm khó khăn ấy tinh thần “lá lành, đùm lá rách” được cả xã hội hưởng ứng khi các cây ATM gạo xuất hiện ngày càng nhiêu, các siêu thị 0 đồng cũng được mọc lên để giúp đỡ người nghèo…

Nhìn lại “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động - 16

Sau 100 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, nền kinh tế đang dần hồi phục và phát triển thì bất ngờ đã xảy ra. Ngày 25/7, sau 5 lần xét nghiệm ở nhiều cơ sở khác nhau, Bộ Y tế chính thức công bố ca bệnh 416 tại Đà Nẵng, kể từ đây cả nước bước vào giai đoạn chống dịch thứ 2 hay còn gọi là “làn sóng COVI-19” thứ 2.

Thời điểm ấy, Đà Nẵng đang mở cửa phát triển du lịch sau nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đã có triệu lượt người đến thành phố nay và nguy cơ dịch lây lan ra cả nước là rất lớn.

Đúng như dự đoán, sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung, trên cả nước đã ghi nhận các ca bệnh mới trở về từ Đà Nẵng. Khi đó, tất cả những ai đến Đà Nẵng về trong khoảng thời gian 21 ngày đến 1 tháng đều phải khai báo y tế với địa phương sở tại.

Để chủ động phòng chống dịch, UBND TP. Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện lớn là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Sau đó, ngày 28/7, lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính thức được áp dụng cho thành phố này.

Tại tâm dịch Đà Nẵng thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, đã có nhiều kỷ lục về phòng chống dịch đã được xác lập. Đó là kỷ lục về số ca bệnh ghi nhận mắc trong 1 ngày cao nhất từ trước đến nay với 45 ca vào ngày 31/7. Cũng tại ổ dịch này, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do mắc COVID-19. 35 trường hợp tử vong tất cả đều xuất phát hoặc có liên quan đến ổ dịch này.

Vào thời điểm đỉnh dịch, Bộ Y tế đã cử đội quân hùng hậu nhất từ trước đến nay để chi viện cho Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Theo đó, đã có 300 y bác sĩ của nhiều đơn vị trong cả nước đã đến chi viện cho tâm dịch Đà Nẵng.

Cũng tại đây, Bệnh viện dã chiến với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã được xây dựng trong thời gian thần tốc với chỉ 72 giờ. Đây là nơi sẽ thu dung điều trị bệnh nhân trong trường hợp dịch bệnh có thể lên tới hàng nghìn người mắc ở Đà Nẵng. Tuy nhiên sau đó bệnh viện đã được giải thể vì dịch bệnh đã khống chế.

Nhìn lại “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2020 đầy biến động - 21

Sau khi ổ dịch tại Đà Nẵng được khống chế (ngày 7/9), Việt Nam tiếp tục trải qua những ngày tháng không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, tuy nhiên nguy cơ vẫn luôn hiện hữu vì tình hình dịch trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, nếu chủ quan dịch bùng phát bất cứ lúc nào.

Cuối tháng 11/2020, tại TP.HCM đã ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, nguồn lây được xác định từ trong khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý. Sau khi điều tra, truy vết cơ quan chức năng xác định, nam tiếp viên hàng không đã vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung, dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Điều đáng lo ngại là nam tiếp viên này đã lây cho một giáo viên tiếng Anh là BN 1347, từ bệnh nhân này đã lấy tiếp tục cho hai người khác. Thời điểm đó ai cũng lo ngại về việc bùng phát một đợt dịch mới, tuy nhiên với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và ngành y tế, dịch bệnh đã được kiểm soát.

Ngay sau khi xác định khống chế được tình hình dịch bệnh xuất phát từ nam tiếp viên hàng không, lần đầu tiên kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam cơ quan công an đã ra Quyết định khởi tố hình sự vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 BLHS 2015.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2020, người dân cả nước lại lo ngại về đợt dịch mới bùng phát khi liên tiếp ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 do nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đặc biệt, đây là thời điểm cuối năm, giáp Tết Nguyên đán nên việc di chuyển về quê qua đường mòn, lối mở là rất lớn vì thế nếu lơ là trong công tác phòng chống dịch thì sẽ phải trả giá rất đắt.

Trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, những ngày cuối năm 2020 người dân đã đón nhận tin vui khi một công ty của Việt Nam đã sản xuất được vắc xin phòng COVID-19. Những mũi vắc xin đầu tiên đã được tiêm thử nghiêm trên người và hy vọng thời gian tới các giai đoạn thử nghiệm sẽ được tiếp tục triển khai. Nếu thành công, Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc phòng COVID-19 trong cộng đồng và sẽ sớm chấm dứt đại dịch.

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]