Năm 2003, đúng vào dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), đại dịch SARS vào Việt Nam. Sau 17 năm, cũng đúng dịp này, chúng ta đang phải đối mặt với căn bệnh có “họ hàng” với SARS là COVID-19. Dù đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng khi COVID-19 đến, ký ức của 17 năm về trước lại ùa về trong tâm trí của những bác sĩ từng chiến đấu, “chết đi sống lại” trên mặt trận chống dịch đầy cam go, vất vả.
Cuối tháng 2, đầu tháng 3 của 17 năm về trước, con phố Phương Mai là nỗi ám ánh của nhiều người. Có thời điểm cả con phố vắng tanh, người dân sinh sống tại đây cũng di tản hết vì sợ dịch bệnh mang tên SARS. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện năm xưa, nhiều người vẫn rùng mình kể lại với giọng run run: “Bệnh viện Việt Pháp ngày đó như một “nhà tù” giam lỏng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Chúng tôi phải chuyển đi nơi khác vì ám ảnh, sợ hãi”. Đó là chia sẻ của ông Ba (64 tuổi) ở đối diện bệnh viện vài chục mét.
Trong bệnh viện khi đó, có những lúc đến gần nửa nhân viên bệnh viện nhiễm bệnh, nhưng chỉ những bác sĩ đầu tiên nhiễm bệnh là bị nặng. Họ là y tá Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Thị Mến, bác sĩ Nguyễn Thế Phương… Trong số những y bác sĩ mắc bệnh nặng đó, có 6 người đã hy sinh, chỉ có duy nhất y tá Nguyễn Thị Mến là may mắn sống sót.
Bằng sự nỗ lực của ngành y tế khi đó, dịch bệnh đã được khống chế rồi dập tắt sau 45 ngày xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng sự hy sinh của 6 y bác sĩ là mất mát quá lớn. Để tưởng nhớ những “anh hùng” đã hy sinh trên mặt trận chống dịch, cứu người, một ngôi miếu thờ đã được lập ngay trong khuôn viên bệnh viện.
Ban đầu miếu thờ được đặt ở vị trí to và rộng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ngôi miếu sau đó được chuyển tới góc nhỏ dưới tán cây ngay sát cổng ra vào bệnh viện. 17 năm qua, những người đồng nghiệp cùng thời với các y bác sĩ hy sinh trong dịch SARS vẫn xuống thắp hương vào ngày giỗ hoặc ngày rằm, mùng 1 để tưởng nhớ về những người đồng nghiệp đã khuất của mình.
Trong những ngày gần đây, khi dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều người liên tưởng về dịch SARS năm xưa và câu chuyện về những bác sĩ hy sinh trên mặt trận chống dịch lại được nhắc đến. Vì thế, ngôi miếu nhỏ bớt hiu quạnh hơn khi có nhiều người lui tới thắp nén hương thơm để tri ân sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận cứu người.
Y tá Nguyễn Thị Mến năm nay đã ngoài 60 tuổi, cô là một trong số những người Việt Nam đầu tiên nhiễm SARS năm 2003 và cũng là người duy nhất phải thở máy còn sống sót không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.
Đã 17 năm trôi qua, nhưng từng chi tiết nhỏ về quá trình chiến đấu với bệnh tật, nữ y tá này vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Những ngày đầu cô và vài đồng nghiệp của mình mắc bệnh, nhưng ai cũng nghĩ chỉ là cảm cúm thông thường, chỉ điều trị vài hôm là khỏi.
Thế rồi từ ngày 26/2 đến ngày 8/3 bệnh cứ càng nặng thêm. Bắt đầu là những cơn sốt tăng dần, rồi đầu đau như búa bổ, sốt rét từng cơn và ho sặc sụa. Có thời điểm cặp nhiệt độ của cô Mến lên hết vạch (42 độ), khi cơn sốt qua đi thì cơn lạnh lại tới. “Có lúc tôi sốt rét nảy tung người, liên tục bấm chuông xin thêm chăn đắp mà không hết được cơn rét. Sau đó người tôi tàn tạ, đi lại không vững, phải ăn bằng xông”, cô Mến kể lại.
Đến ngày 8/3, cô Mến trong cơn mê sảng vì sốt, cô chỉ lơ mơ nhớ lại hình ảnh mình được tặng hoa, rồi sau đó rơi vào hôn mê, phải đặt nội khí quản. Gần nửa tháng hôn mê, cô bắt đầu lờ mờ tỉnh dậy, âm thanh đầu tiên cô nghe thấy là tiếng “tít tít” của máy thở - thứ âm thanh vẫn ám ảnh đến tận bây giờ.
Trong lúc mơ mơ, tỉnh tỉnh ấy dù vẫn biết đâu là chân, là tay nhưng không thể cử động được. Còn lồng ngực thì khó thở, cổ như có người bóp, toàn thân đau ê ẩm… “Khi đó cả đêm tôi vật lộn với những cơn đau, chỉ ước mình được chết để giải thoát. Thấy tôi vậy, các đồng nghiệp lại động viên phải cố gắng lên. Tôi vẫn nhớ chị điều dưỡng ôm lấy đầu tôi và nói như gào thét: Mến ơi, cái đầu của mày đâu rồi. Mày có nghĩ đến con không”, y tá Mến kể lại trong nước mắt.
Rồi đến khi cô Mến hồi tỉnh trở lại, dù đầu vẹt mất một bên tóc vì nằm nhiều, mũi thì bên to bên bé, chân bị liệt phải nằm xe lăn… nhưng điều lạ là nhiều người đến chúc mừng. “Tôi thấy lạ là sao mình như vậy mà họ lại chúc mừng, nói rằng đó là may mắn… Mãi sau này tôi mới hiểu, vì tôi là người sống sót trong nhóm những người mắc bệnh nặng nhất”, cô Mến chia sẻ.
Cho đến bây giờ, khi bệnh SARS đã qua đi 17 năm, nhưng những câu từ trong bản tin đó vẫn văng vẳng trong tai nữ y tá này mỗi khi nhắc lại chuyện cũ. “Với tôi, dù đầu đau như búa bổ, dù liệt một bên người cũng không đau đớn bằng bản tin trên vô tuyên khi biết được những đồng nghiệp thân thiết của mình đã ra đi”, cô Mến nói với giọng nghẹn ngào.
Biết tin các đồng nghiệp qua đời, cô Mến rơi vào trầm cảm nặng. Khi đó, bệnh viện phải cho cô ra viện gấp và dặn dò kỹ lưỡng: “Về nhà vẫn phải cách ly, ăn riêng, ngủ riêng…”. Dù đã về tới gia đình nhưng cú sốc lớn khi xem bản tin trên tivi vẫn ám ảnh người phụ nữ vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
“Khi đó tôi trầm cảm nặng, nhưng rồi nhìn đôi mắt đỏ hoe của chồng, rồi cả đứa con bé bỏng không được tới trường vì mẹ mắc SARS khiến tôi bừng tỉnh… Tôi nghĩ rằng mình không thể buông xuôi, phải cố gắng vì gia đình, vì những người đồng nghiệp đã mất. Từ đó, tôi cố gượng bản thân mình dậy”, cô Mến nói.
Khi tâm lý đã vững, cô Mến mới được chồng của mình kể lại những câu chuyện mà trong cơn mơ cô cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là khi cô đang nằm ở bệnh viện, chồng ở nhà nhận rất nhiều cuộc điện thoại thông báo: “Mến chết rồi!”. Nhận được những thông báo đó, chồng cô Mến lập tức gọi vào viện để nắm tình hình, khi đó bệnh viện thông báo rằng: “Chị Mến đang rất nặng, chưa chết. Nhưng gia đình chuẩn bị sẵn tinh thần, chuẩn bị quần áo mới cho chị ấy”.
Suốt thời gian cô Mến chiến đấu với bệnh tật, người chồng ở nhà phải đương đầu với cuộc chiến tâm lý, cuộc chiến ấy cam go đến mức chồng cô mất ngủ, mắt xuất huyết đỏ như cục máu đông. “Khi tôi tỉnh dậy thấy hai mắt chồng đỏ như cục máu tôi cảm thấy vô cùng đau lòng. Tôi ước giá như lúc đó mọi người bình tĩnh một chút thôi thì chồng tôi đã không như vậy”, cô Mến nhớ lại.
Không chỉ chồng, mà con cô Mến ngày đó cũng phải nghỉ học vì nhà trường sợ lây bệnh. Vì thế, những ngày được về nhà, dù ngồi trên xe lăn nhưng cô vẫn phải lo bằng được cho con được đến trường. Thậm chí, trong giấy kiểm tra sức khỏe, cô phải nhờ đồng nghiệp không ghi tên bố mẹ vào, khi đó trường mới chấp nhận cho đi học lại.
Sau 45 ngày, Việt Nam chính thức tuyên bố đã khống chế thành công dịch SARS, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường. Với bản thân mình, cô Mến không muốn trở thành người tàn phế suốt phần đời con lại. Cô kiên trì điều trị đông tây y kết hợp, rồi từ những bước đi men theo tường, dần dần cô tự đi lại được.
Khi bệnh viện nơi cô làm việc mở cửa trở lại, cô đến viện và xin đi làm. Lúc đầu cô chỉ làm bán thời gian, nhưng rồi công việc cứ cuốn lấy khiến cô không thể rời bỏ cho đến tận bây giờ, dù tuổi nghỉ hưu đã qua 7 năm nay.
“Đến tuổi này khi các con đã trưởng thành, tôi đi làm không hẳn là vì thu nhập. Điều khiến tôi gắn bó ở đây chính là những nơi những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống, nơi tôi được cứu sống và tôi sẽ làm việc đến khi nào sức khỏe không cho phép thì thôi”, cô Mến chia sẻ.
Với những gì bản thân đã trải qua, trong thời điểm hiện tại khi bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cô Mến muốn nhắn gửi tới những đồng nghiệp của mình rằng: “Khi chúng ta xác định khoác trên mình chiếc áo blouse thì chúng ta cũng là những người chiến sĩ trên mặt trận cứu người. Dù dịch bệnh có nguy hiểm đến đâu, chúng ta vẫn xông pha dù biết đó là nguy hiểm, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng bản thân”.
Có thể 17 năm trước điều kiện và phương tiện để phòng và khám chữa bệnh không hiện đại như bây giờ, nhưng không vì thế mà cuộc chiến chống lại dịch bệnh bớt đi phần cam go. Thực tế, cuộc chiến với COVID-19 là một ví dụ điển hình.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), người xông pha trên tuyến đầu để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở khu vực phía Bắc năm nay không có Tết. Thời điểm trước Tết, bác sĩ Cấp liên tục tham gia các cuộc họp để triển khai công tác phòng bệnh. Từ mùng 1 Tết anh bắt đầu ở viện, vài ngày đầu khi chưa có bệnh nhân dương tính, anh chỉ kịp đảo về nhà lấy ít đồ rồi lại vào viện túc trực cùng các đồng nghiệp.
Bác sĩ Cấp chia sẻ, kể từ ngày mùng 6 Tết anh không về qua nhà nữa vì công việc quá bận, hơn nữa anh cũng tự cách ly vì là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân dương tính. Công việc trước chưa xong, việc sau lại ập đến, ngay cả mái tóc anh cũng chẳng kịp sửa sang, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ.
“Nửa tháng không về nhà, tôi chỉ gọi điện bằng hình ảnh cho vợ và con. Cũng có nói được nhiều đâu, chỉ động viên nhau vài câu rồi lại vào việc. Vợ tôi có hỏi bao giờ anh về? Câu hỏi đó tôi chẳng dám trả lời chắc chắn, mà chỉ nói rằng: Bao giờ hết bệnh nhân, hết dịch anh sẽ về”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Vị trưởng khoa này cũng chia sẻ, COVID-19 không quá đáng sợ nếu chúng ta biết phòng bệnh đúng cách, tuy nhiên cũng không nên chủ quan trước dịch bệnh. “Nếu như 17 năm trước, các bác sĩ chỉ căng mình chống dịch, nhưng giờ đây ngoài chống dịch, chúng tôi còn phải căng mình trên mặt trận khác đó là chống tin giả. Đôi khi tin giả nguy hiểm không kém dịch bệnh vì nó khiến người dân hiểu sai, điều đó dẫn đến hệ lụy vô cùng ghê gớm”, bác sĩ Cấp nói.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Cấp cho rằng người dân cần bình tĩnh, nên thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời cần phải chắt lọc thông tin trên mạng xã hội, có như vậy việc phòng bệnh sẽ hiệu quả hơn và bác sĩ cũng đỡ vất vả hơn.