tong_hop_magazine
tong_hop_magazine

Xuân tới, chúng ta hãy gói ghém lại chuyện cũ để sẵn sàng đón một năm mới đầy khởi sắc.

Cận Tết Nguyên đán, từng con phố –  góc chợ bỗng trở nên nhộn nhịp, rộn ràng, đâu đâu cũng thấy hoa đào, hoa mai, quất cảnh… Lòng người vì thế cũng có chút xốn xang, nao nao hơn bình thường. Hẳn những ngày cuối năm sẽ có phút giây khiến mọi người lắng tâm trạng để nhìn lại một năm sắp qua.

Mỗi người có lựa chọn riêng khi nói về năm của chính mình. Có người coi năm 2023 là mạo hiểm, có người lại mừng khi bản thân đã vượt khó một cách ngoạn mục, có người tiếc nuối khi chưa thể thực hiện được dự định đặt ra…

Nhưng dù nghĩ gì hay vấn vương chuyện cũ, chúng ta vẫn phải gói ghém lại để sẵn sàng đón một năm mới với những hy vọng mới đầy hứng khởi.

Ngọc Tùng (SN 1998, quê Hưng Yên) khi được hỏi về công việc năm 2023 đã thẳng thắn trả lời: “Khó khăn!”. Anh là một lập trình viên, từng lâm vào cảnh thất nghiệp, không thể xin được việc làm.

“Năm qua kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp, công ty sa thải nhân sự quá nhiều. Bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng ấy!

Mình có chút chán nản và tuyệt vọng nhưng nghĩ đi nghĩ lại kinh tế khó khăn thì chuyện thất nghiệp là điều bình thường. Vì thế mình đã tự động viên bản thân, chăm chỉ rải CV ở khắp nơi với hi vọng có cơ hội việc làm mới”, Tùng tâm sự.

Trước đây, khi vừa tốt nghiệp đại học, Tùng nộp hồ sơ xin việc vào 10 công ty thì sẽ có 5 nơi gọi điện mời đến phỏng vấn. Giờ anh nộp chục nơi nhưng đợi mãi chẳng có ai phản hồi.

“Mình từng nghĩ bản thân phải về quê phụ giúp bố mẹ công việc kinh doanh vì chẳng thể tìm được việc làm ở Hà Nội. Song nghĩ cảnh hàng xóm cứ hỏi han chuyện việc làm, thắc mắc vì sao lại về quê... mà mình sợ, đành chờ đợi người ta gọi điện đến phỏng vấn”, chàng trai xứ nhãn cho hay.

Tết Rồng của loạt Gen Z: Năm cũ nhiều sóng gió, ai cũng hy vọng Giáp Thìn khởi sắc - 5

Sau một thời gian ở nhà, Tùng đã được một nhà tuyển dụng mời đến phỏng vấn và trải qua nhiều đợt thi tuyển. Cuối cùng anh đã trúng tuyển, trở thành nhân viên IT của một ngân hàng tại quận Hai Bà Trưng.

“Công việc này đúng chuyên môn, thu nhập ổn định so với nhiều ngành nghề khác. Song nó lại ẩn chứa nhiều rủi ro mà người trong ngành mới thấu hiểu. Vì thế mình luôn tự nhủ phải làm việc cẩn thận, chính xác từng chi tiết để bản thân không rơi vào cảnh thất nghiệp”, Tùng tâm sự.

Ngoài công việc IT, chàng trai đành phải làm thêm nghề tay trái - chụp ảnh dạo để có thêm một khoản tiền tiết kiệm phòng ốm đau hoặc thất nghiệp. Anh hi vọng năm 2024 kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc, công việc của người lao động sẽ tốt hơn, có thu nhập ổn định và tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Khi ấy ngân hàng của anh sẽ làm ăn tốt hơn, mang lại nhiều lợi nhuận, tăng thu nhập cho nhân viên.

Năm 2023 là một năm đầy biến động đối với Trần Trung (SN 1997, quê Hà Nam) bởi anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong công việc: vui- buồn - thất vọng - phấn khởi - lo lắng. Anh tâm sự: “Tôi vốn là chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán cho một công ty chứng khoán hàng đầu cả nước. Công việc xoay quanh hướng dẫn, tư vấn khách hàng đặt lệnh mua - bán chứng khoán tại quầy, qua hệ thống giao dịch online, điện thoại và các thủ tục giao dịch khác.

Thời điểm đầu năm, công việc của tôi rất “vào cầu”, thậm chí có tháng thu nhập lên tới 8 con số không. Tôi có tiền tậu xe mới, đầu tư làm ăn và trở thành “con nhà người ta” trong mắt bậc phụ huynh. Vậy mà đến giữa năm, công việc của tôi thay đổi hoàn toàn khiến bản thân chẳng thể ngờ tới”.

Theo đó chứng khoán xuống dốc, khách hàng rút vốn - không tiếp tục đầu tư, công ty thua lỗ số tiền lớn. Trung cũng bị ảnh hưởng trước “làn sóng đỏ”, số tiền đầu tư vào chứng khoán “không cánh mà bay”.

“Không có khách hàng đầu tư, tôi coi như không lợi nhuận và thu nhập giảm đáng kể. Lúc đó đồng nghiệp nghỉ rất nhiều, tìm hướng đi mới vì cho rằng thị trường chứng khoán không thể vực nổi. Tôi vẫn cố bám trụ nhưng được hơn tháng sinh chán nản. Tôi quyết định nghỉ việc, ở nhà một thời gian dài chờ công việc khởi sắc”, chàng trai 9X tâm sự.

Tháng 11/2023, Trung tận dụng khả năng ngoại ngữ tốt cùng năng khiếu ăn nói nên quyết định thử sức với công việc hướng dẫn viên du lịch. Anh thường nhận tour dẫn khách nước ngoài thông qua công ty du lịch.

Tôi có chút kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch từ thời sinh viên nên tranh thủ làm thêm giữa bối cảnh kinh tế khó khăn. Công việc này không mấy vất vả, thu nhập cao nhưng không ổn định, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: thời tiết, nhu cầu của khách...

Vì thế tôi dự định ra Tết tìm công việc liên quan đến đầu tư chứng khoán, bởi bản thân  có hiểu biết về công việc ấy, lại đam mê mãnh liệt và sẵn sàng mạo hiểm”, Trung tâm sự.

Thu Trang (SN 2002, quê Hà Nam) dù là sinh viên năm cuối trường Học viện Ngân hàng nhưng đã trở thành nhân viên Marketing của một công ty truyền thông và giải trí tại Hà Nội từ năm 3 đại học. Cô nàng luôn chăm chỉ học hỏi, trau dồi kỹ năng thực tiễn với hi vọng sau này có chỗ đứng trong lĩnh vực Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số).

“Ban đầu, mình xin thực tập tại công ty, được sếp và đồng nghiệp chỉ dạy rất nhiều. Mọi người biết mình còn là sinh viên, còn non nớt trong nghề nên thẳng thắn đề nghị có gì không hiểu hãy hỏi hoặc công việc quá tải hãy chia sẻ với các anh chị.

Làm một thời gian, cấp trên đã cân nhắc mình nên vị trí nhân viên chính thức, có hưởng lương giống như bao nhân sự khác. Và công việc chính của mình là lên kế hoạch quảng bá sản phẩm/dịch vụ thông qua các hình thức truyền thông điện tử khác nhau, chủ yếu dựa trên môi trường internet”, Trang tâm sự.

Cuối năm 2023, công ty của Trang bắt đầu gặp khó khăn khi các đơn hàng ngày càng giảm mạnh do khách hàng không đủ kinh phí chạy quảng cáo. Lúc này lãnh đạo bắt đầu thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự, giảm lương...

Lúc đó mình bận làm tiểu luận, không thể hoàn thành công việc sếp giao, cũng chẳng sắp xếp được lịch học sao cho hợp lý. Vì thế mình quyết định xin nghỉ để đảm bảo việc học diễn ra đúng theo kế hoạch đã đăng ký.

Mình buồn mất một thời gian, sau đó tự động viên bản thân hãy cố gắng học tập để có một tấm bằng tốt. Khi ấy với kinh nghiệm có được, mình chắc chắn sẽ tìm được công việc với mức lương phù hợp năng lực bản thân”, Trang tâm sự.

Tết Rồng của loạt Gen Z: Năm cũ nhiều sóng gió, ai cũng hy vọng Giáp Thìn khởi sắc - 10

Nhắc kế hoạch trong năm 2024, cô gái thuộc thế hệ Gen Z thẳng thắn cho biết sẽ hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Sau đó cô sẵn sàng “lăn xả” ra thị trường lao động việc làm để cạnh tranh với những ứng viên khác. “Mình biết năm 2024 sẽ là một năm đầy thách thức đối với người lao động, có thể cứ 100 người chỉ có 1 người có việc làm. Mình tự tin rằng với vốn kinh nghiệm có được, bản thân chắc chắn tìm được công việc đúng chuyên ngành học, mức lương đủ sống tại nơi phồn hoa này.

Mình cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ Gen Z hãy cứ tự tin vào bản thân, dám đi dám làm thì thành công sẽ đến”, cô gái tâm sự.

Thuỳ Trang (quê Bắc Ninh) - chủ một nhà thuốc nhỏ tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết năm qua bản thân đã có sự thay đổi lớn trong công việc. Cô nàng từ một nhân viên bán thuốc thuê đã táo bạo ra “đứng riêng” dù biết chắc chắn sẽ đối diện với khó khăn.

Cô tâm sự: “Đầu năm 2023, mình là một nhân viên bán thuốc thuê với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Còn chồng mình bị nợ lương liên tục, trong vòng 4-5 tháng.

Mình có tâm sự với chủ hoàn cảnh của hai vợ chồng phải nuôi con nhỏ và ngỏ ý tăng lương để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Song họ không đồng ý".

Cô gái 9X, quyết định xin nghỉ làm, vay vốn mở nhà thuốc. Cô nàng vừa khai trương nhà thuốc lại đúng lúc công ty chồng chi trả tiền nợ lương nên 2 vợ chồng gom góp nhập nhiều loại thuốc để phục vụ “thượng đế”.

“Mình may mắn được trời thương, khách hàng quý mến nên ủng hộ nhiều. Dần dần mình có tệp khách hàng thân thiết nên ngày nào cũng túc tắc có hàng chục đơn.

Tuy nhiên nhà thuốc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của suy thoái kinh tế, cùng vấn đề cạnh tranh từ các nhà thuốc lân cận nên lượng người mua giảm dần”, Trang tâm sự.

Về tình hình dịp cuối năm lượng khách “xuống đáy”, cô gái Gen Z giải thích do người dân phải chi tiêu nhiều cho việc sắm sửa Tết Nguyên đán hoặc người lao động vì bị cắt giảm lương thưởng nên đành hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, cô vẫn đảm bảo được mức thu nhập để chăm lo cho tổ ấm nhỏ.

Mình luôn hi vọng năm mới kinh tế có chút khởi sắc, người lao động không bị cắt giảm nhiều. Như vậy họ mới có tiền, nghĩ đến việc chăm sóc sức khỏe, mua thuốc bổ và thực phẩm chức năng.

Nhiều người hay đùa rằng càng nhiều người bệnh thì chủ quầy thuốc càng giàu, song mình không mong như vậy. Mình mong người dân khoẻ mạnh, có sức lao động để cuộc sống ổn định”, Trang tâm sự.

Hoàng Anh (SN 2002, quê Nam Định) - sinh viên năm cuối của trường Đại học Xây dựng có gần một năm kinh nghiệm trong nghề giao hàng cho một công ty vận tải tại Hà Nội. Đó là công việc part-time nhưng có thể giúp cậu trang trải cuộc sống cũng như đóng học phí. Vì thế khi được hỏi “năm qua có khó khăn gì hay không?”, cậu vô cùng xúc động.

Em giấu gia đình chuyện bản thân làm một shipper! Sở dĩ vậy vì em sợ bố mẹ sẽ lo lắng, suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó em luôn nói rằng bản thân làm phục vụ tại một quán cà phê với mức lương cao, có thể chi trả tiền ăn uống lẫn đóng học phí.

Bố mẹ em tự hào lắm, suốt ngày khoe với hàng xóm rằng con trai học đại học vẫn kiếm được tiền. Em nhìn bố mẹ vui càng có động lực cố gắng, chăm chỉ làm việc”, Hoàng Anh tâm sự.

Hằng ngày, chàng trai Gen Z ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng để chờ đơn hàng đầu tiên. Sau đó cậu chạy tới 7h rồi nghỉ, để đến trường học. Buổi trưa cậu có thể nghỉ ngơi, chiều tiếp tục công việc giao hàng của bản thân. “Hôm nào em phải học cả ngày sẽ tranh thủ làm vài cuốc buổi tối. Tầm 21h em sẽ nghỉ để về phòng trọ ăn uống, ôn lại bài vở...

Trung bình mỗi ngày em kiếm được tầm 200.000 đến 400.000 đồng, trừ ăn uống và xăng xe sẽ bỏ ra được 270.000 đồng. Số tiền đó đối với sinh viên không phải nhỏ nên em vẫn luôn nghĩ năm qua khá thành công.

Em có thể tự lo tiền học phí năm 4, tự chi trả phí sinh hoạt mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ. Nhờ đó bố mẹ tiết kiệm được một khoản tiền lớn, có thể dành lúc ốm đau đi bệnh viện”, chàng trai tự hào.

Dẫu vậy, Hoàng Anh chưa bao giờ xác định đây sẽ là công việc chính sau khi tốt nghiệp . Cậu sẽ duy trì nó đến tháng 7/2024 - thời điểm lấy bằng đại học, sau đó tìm kiếm việc làm liên quan đến ngành học Kiến trúc nội thất. “Nhiều người nói năm tới kinh tế khó khăn, sinh viên mới ra trường sẽ thất nghiệp nhiều nhưng em chưa bao giờ lo sợ điều đó. Em tin rằng cứ rải CV sẽ tìm được công việc phù hợp”, Hoàng Anh nói.

Trần Mi (SN 1993, Hà Nội) – nhân viên truyền thông cho một trong những nhà phát hành sách hàng đầu Việt Nam tâm sự: “Năm 2023 có lẽ là quãng thời gian đầy thăng trầm của các doanh nghiệp, công ty. Nó cũng là một năm lao đao của người lao động: lương bị cắt giảm, mất việc làm, thất nghiệp triền miên…

Tôi thường nói với đồng nghiệp rằng chúng ta thật may mắn khi làm ngành này, tại nơi đây. Dù công ty không kinh doanh tốt như năm 2022 nhưng tương đối ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế”.

Tết Rồng của loạt Gen Z: Năm cũ nhiều sóng gió, ai cũng hy vọng Giáp Thìn khởi sắc - 17

Nếu như nhiều doanh nghiệp, công ty cắt giảm nhân sự, giảm lương tăng giờ làm, nợ lương… thì công ty của Mi vẫn giữ nguyên chế độ cũ. Cứ đến ngày mùng 5 hàng tháng, kế toán sẽ chuyển lương cho nhân viên không thiếu một đồng. Thậm chí các đợt lễ tết, ngày kỷ niệm, công ty vẫn gửi một món quà nho nhỏ khích lệ động viên nhân sự.

Về vấn đề thưởng Tết, công ty tôi thông báo trả thưởng chậm hơn so với nhiều nơi. Song mức thưởng lại vượt kỳ vọng của nhân viên bởi trước đó chúng tôi luôn nghĩ rằng công ty làm ăn không bằng năm ngoái thì đương nhiên phải cắt giảm thưởng.

Lãnh đạo cũng bày tỏ vấn đề kinh doanh không tốt nhưng luôn muốn tất cả nhân sự được “đền đáp” xứng đáng, có một cái Tết ấm no. Vì vậy họ sẵn sàng “chi mạnh” để nhân viên có niềm tin vào ban giám đốc cũng như có động lực cố gắng cho năm mới”, Mi chia sẻ.

Người phụ nữ hy vọng sang năm Giáp Thìn kinh tế ổn định, công việc tốt đẹp và suôn sẻ, thuận lợi hơn. “Ngành sách tuy ổn định nhưng vì thế khó có sự đột phá trong kinh doanh. Do đó tôi mong năm mới công ty – công việc vẫn giữ được trạng thái bình ổn như hiện tại”, Mi bộc bạch.

Kinh tế suy thoái dẫn đến công việc của hàng triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng chúng ta hãy giữ niềm tin rằng sang năm mới, mọi thứ sẽ có nhiều khởi sắc. Hãy cùng nhau hòa vào không khí rộn ràng đón xuân, gác lại những ưu phiền của năm cũ và hướng tới năm 2024 thăng hoa, hứa hẹn những niềm vui và thành công mới! 

Theo Bùi Anh Thiết kế: Ngọc Khanh
Nguồn: [Tên nguồn]