Tôi gặp Uyên Bùi vào mùa hè cách đây 10 năm, khi ấy, Uyên vẫn đang là một phóng viên mới bước chân vào nghề báo chưa đầy một năm. Mùa hè của 10 năm sau, tôi lại ngồi trò chuyện về cuốn sách thứ hai vừa được ra mắt của cô và những chuyện không đầu không cuối đậm chất "Uyên Bùi".
Câu chuyện dông dài của chúng tôi quay lại thời điểm 18 năm về trước, lần đầu tiên cái tên Uyên Bùi xuất hiện trên mạng xã hội ngày ấy vẫn vô cùng mới mẻ.
Video: Khác với nhiều phụ nữ, với Uyên, được (bị) ai đó tỏ tình lại chính là một sự... coi thường cảm xúc
17 tuổi, Uyên quậy tưng trên mạng xã hội, bị lên án và "ném đá" không thương tiếc. Những lời bình phẩm không hay về cô kéo dài từ diễn đàn này qua diễn đàn khác, từ topic này đến topic khác trong suốt 2 năm. Nhiều người quen biết Uyên tự hỏi, làm sao cô có thể vượt qua được những lời thóa mạ nặng nề khi tuổi đời ngày ấy còn quá trẻ. Nếu ai đó nhắc lại, Uyên chỉ trả lời đơn giản: “Tôi không nghĩ mình còn trẻ thì được quyền mắc sai lầm. Tôi chỉ nghĩ mình cần sống tốt hơn bởi đó là cách tốt nhất để nói lời xin lỗi”.
Thế nhưng, mọi chuyện chẳng dễ dàng như Uyên nghĩ. “Tôi từng sống dưới gầm cầu thang nhà người khác, ở trong không gian chưa đầy 4 mét vuông hay ở trọ trong căn phòng mà người ta còn đi “cầu tõm” giữa lòng thành phố, ăn mì gói cả tháng là chuyện quá bình thường, làm mọi công việc tay chân để duy trì việc sống sót ở thành phố này, tồn tại lay lắt. Thực sự không biết mình muốn gì cho đến khi thi đỗ đại học”.
Thi đại học đến lần thứ 4 mới đỗ, Uyên dành 4 năm thanh xuân để đáp lại sự kỳ vọng của bố mẹ đặt lên mình bởi “cái danh có con đỗ đại học công lập ở miền quê xa tít tắp của Uyên vẫn là một điều đáng tự hào”. Nhưng cô đã bỏ ngang sau 1 năm học đại học vì biết đó không phải là điều cô muốn.
Và khi một người bạn đưa ra lời đề nghị Uyên viết giúp một bài phỏng vấn trên báo, cuộc đời của cô rẽ theo một ngã khác. Kỹ năng viết lách được rèn luyện mỗi ngày giúp Uyên có bài viết đủ tốt để được nhận vào làm biên tập viên của một tờ báo dành cho tuổi teen thời bấy giờ. Sau hai tháng làm việc điên cuồng, Uyên nghỉ việc chỉ vì “chẳng học được gì thêm ở công việc đó cả”. Từ sau đó, cô miệt mài viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo khác nhau.
“Tôi chỉ nghĩ cứ cố gắng rồi mọi chuyện đều sẽ tốt lên thôi. Rồi những lời đề nghị mới cứ đến, tôi chuyển ngạch sang viết bài copywrite, rồi đến viết sách. Mọi chuyện đã diễn ra như thế! Đã 18 năm kể từ sai lầm tuổi 17, vậy mà nhiều người vẫn lôi chuyện cũ ra nhai lại với lý lẽ “nó đã từng xấu xa như vậy thì sao có thể sống tốt”. Lẽ nào mắc sai lầm thì không được quyền sống tốt? Hay phải sống cuộc đời thất bại mới được? Điều họ làm không khiến mọi thứ trở nên tốt hơn, nó chỉ thoả mãn tính cách xấu xa, thói quen thích thoá mạ chỉ vì họ không ưa mình. Thế thôi”.
“Khi bạn biết mình từng ngã và sai lầm ở đâu, bạn sẽ tránh điều ấy. Nhờ những vấp ngã đó mà mình mới đi được con đường của bây giờ, trở thành mình của hiện tại, không còn tiêu tốn thời gian cho những điều vô nghĩa. Nếu mình chưa từng sai lầm, chưa từng phải chịu dư luận búa rìu, có khi mình lại trở thành một phiên bản tệ hại hơn”.
Có lẽ chính vì thế mà Uyên Bùi thu thập cho mình số lượng những người “anti” không kém số người yêu thích cô. Bất cứ điều gì cô làm, dù tốt, vẫn luôn có ý kiến trái chiều đến cực đoan. Vậy mà Uyên vẫn là một KOL (Key Opinion Leader - những người có sức ảnh hưởng đến nhiều người khác), được săn đón dù sự thật là, không dưới trăm lần (có lẽ ngàn lần), cô đáp trả những nhận xét khiêu khích từ các “haters” (kẻ ghét mình) với thái độ đanh đá gấp vài lần họ. Ngay đến bài đăng quảng bá sách mới, Uyên vẫn “chua” thêm một đoạn: “Nhân tiện không quên xéo xắt các thánh anti-vaccine thiện lành thuận tự nhiên với cả thực dưỡng Tamarin chữa bách bệnh”.
Trong khi, các KOLs luôn cố gắng giữ hình ảnh tốt và mối quan hệ giao hảo với người theo dõi để giữ được lượng tương tác ổn định, để gây ấn tượng với nhãn hàng, thì Uyên còn chẳng buồn o bế đến cả những người yêu thích cô. Rất dễ dàng bắt gặp những lần cô nhắc thẳng những người theo dõi về việc họ phải “đọc hiểu kỹ càng” hay “cần nhận xét đúng chủ đề”.
Thế nhưng, chính Uyên cũng là người từ chối những lời đặt hàng PR, quảng cáo khi cảm thấy “nó không mang lại lợi ích gì cho người đọc” hay “thứ này mình không dùng thì không nhận lời”, thậm chí là “mình đâu phải cây cột điện để người ta muốn dán gì thì dán vì mình cần tôn trọng người theo dõi mình”.
Và cũng chính một Uyên Bùi từng xắt xéo vô số hội nhóm bỉm sữa lại là người mất cả năm vật vã để hoàn thành “Để con được ốm” – cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều ông bố bà mẹ, nằm trong top đầu cuốn sách cha mẹ cần đọc. Rồi 3 năm sau, lại tốn hàng tháng trời viết đi viết lại đến 7 lần mới hài lòng để cho ra đời “Để con được chích” – hứa hẹn sẽ trở thành kim chỉ nam kiến thức về hệ miễn dịch của cơ thể người cho các bậc phụ huynh.
Có thể ngoài kia, rất nhiều người không biết mình muốn gì, cứ mãi chênh vênh tuổi 25 – 35 – 45... Nhưng có một điều chắc chắn: người đó không phải Uyên Bùi của bây giờ.
“Tôi đã hao phí quá nhiều tháng năm của tuổi trẻ cho những sai lầm, lạc lối, tìm cách để làm hài lòng mọi người, lo sợ bị ghét bỏ, lo sợ bị dè bỉu và mệt mỏi với những thất bại đằng đẵng bám theo. Nhưng như thế thật không tử tế với bản thân mình. Thế nên, mỗi ngày của hiện tại về sau, tôi luôn muốn nhìn thấy mình sống hết mình và không ngừng tiến tới. Ba tôi từng nói, đã cố được đến đây sao không cố gắng thêm tí nữa”. Có lẽ bài học trưởng thành khốc liệt đã giúp cho Uyên Bùi đủ cứng cáp để đương đầu với mọi thứ và dám đi một con đường rất khác.
27 tuổi: chọn sống cùng người yêu thay vì kết hôn bởi cảm thấy tự nguyện có trách nhiệm thì tốt hơn là bắt buộc phải có trách nhiệm.
28 tuổi: từ chối lời mời đi làm cho một công ty lớn để… làm mẹ bởi cảm thấy công việc tự do phù hợp hơn dù bấp bênh và cực nhọc hơn nhiều lần.
31 tuổi: chọn theo đuổi hình thức unschooling (để con gái tự lựa chọn các hoạt động học tập của mình) chỉ vì cô con gái “không thích đi học nữa”.
32 tuổi: ra mắt cuốn sách đầu tay "Để con được ốm" – một cuốn sách khoa học thường thức và tạo được tiếng vang.
34 tuổi: hoàn thành bản thảo kịch bản phim về đề tài gia đình và “ủ mưu” tự sản xuất bộ phim ở vị trí đồng đạo diễn trong vòng 3 năm tiếp theo.
35 tuổi: ra mắt cuốn sách thứ hai trong series sách khoa học thường thức với kiến thức miễn dịch hóc búa và được các bác sĩ khen ngợi vì khả năng “chuyển ngữ” khoa học sang ngôn ngữ bình dân.
“Người ta bảo, cuộc đời mỗi người có 3 điều nên làm: trồng một cái cây, có một đứa con và viết một cuốn sách. Xét theo diện này thì… tôi đã xong đời rồi. Thế nên, tôi đã tự ý thêm vào danh sách đó tự làm một bộ phim để giữ cho mình không ngừng tiến tới… Cuộc đời quá ngắn ngủi để bám víu mãi vào những điều hư ảo, chi bằng chấp nhận đánh đổi và trả giá, thử sức và thất bại để rực rỡ và điên rồ, không phải đáng giá sao?” - Uyên Bùi viết trên trang cá nhân của cô trước thềm ra mắt cuốn sách thứ hai. Được biết, đến thời điểm hiện tại, cô đã bắt đầu rục rịch với bộ phim ngắn đầu tay của mình.
Chúng ta, ai cũng có thể mắc sai lầm, ai cũng từng lạc lối, ai cũng phải đối diện với câu hỏi “Mình muốn gì?”, Uyên Bùi cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, cô đã vượt qua "cú ngã tuổi 17", đi con đường rất xa, không phải giả vờ để sống một cuộc đời yên ổn. Lần nào gặp, Uyên cũng có điều gì đó mới để chia sẻ về những điều cô sắp làm thay vì để tâm tới những lời bàn tán về mình.
Với Uyên Bùi của hiện tại, tôi luôn hỏi: “Sắp tới định làm gì?”, vì tôi biết, câu trả lời của Uyên sẽ luôn làm mình thỏa mãn. Cô bảo: “Giữa những năm tháng lạc lối nhất, cô độc nhất, tuyệt vọng nhất, làm việc đến kiệt sức nhất, có một điều mình biết rất rõ là mình muốn viết những điều tử tế”. Và cũng bởi đó là Uyên, nên những người theo dõi cô luôn mong chờ tác phẩm tiếp theo của cô trong tương lai, gần thôi!