Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà lại bắt đầu chuẩn bị những nghi thức theo phong tục xa xưa mà ông bà để lại. Và nhiều năm nay, thói quen “mặc đẹp đón Tết” cũng dần trở thành một trong những truyền thống và phong tục mà người Việt thường làm trong dịp Lễ đầu năm. Bởi với sự ảnh hưởng của quan niệm phương Đông, một cái Tết no đủ, ấm áp và đẹp đẽ trong những bộ quần áo mới sẽ mang đến cho mỗi người sự may mắn và sung túc hơn. Chính ước vọng từ thời xa xưa ấy mà đến nay, việc sắm sửa ngày Tết vẫn còn tiếp tục được phát huy.
Ngày Tết mặc gì cho cả năm sung túc? Màu sắc nào phù hợp với phong thủy năm nay? Kiểu váy áo nào đang trên đà thành mốt? Đó là những câu hỏi phổ biến mà cứ đến dịp Xuân về, hội chị em lại rộn ràng rủ nhau đi sắm.
Tuy nhiên, dù thời hiện đại không thiếu nhiều kiểu áo quần đắt tiền và sành điệu, phần đông chị em phụ nữ Việt vẫn luôn chú trọng đến tà áo dài đón Tết. Từ truyền thống đến cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi, trở thành một phần không thể thiếu của ngày Tết hiện đại, góp phần làm nên cái không khí trọn vẹn ngày đầu năm mới.
Vài năm trở lại đây, ngay từ sáng mùng 1 Tết, các chị em đã nô nức, xúng xính diện áo dài du xuân. Dù xu hướng mỗi năm mỗi khác, song tà áo dài duyên dáng thướt tha vẫn là điểm nhấn cho phong cách chủ đạo ngày đầu năm.
Đến hiện tại, tà áo dài truyền thống vẫn khẳng định được vị trí của mình trong dòng chảy lịch sử: đánh thức và tôn vinh giá trị văn hóa Việt. Bên cạnh đó, mặc áo dài Tết còn là sự thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt.
Sự thay đổi của nhịp sống hiện đại đã thổi làn gió mới vào tà áo dài cũ, biến chúng trở thành những thiết kế “cách tân” với mục đích giúp người mặc cảm thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, phải công nhận ra áo dài cách tân không chỉ giữ được nét đẹp truyền thống trong thời đại mới mà còn rất dễ mặc, dễ dùng.
Tuy vậy, có những trường hợp, vì quá đề cao tính thời trang và xu hướng mà trong vài năm gần đây, tà áo dài truyền thống ngày Tết đang ngày càng đánh mất đi nét bản sắc và nguyên sơ của nó. Những thay đổi có phần quá táo bạo cũng từng tạo nên không ít các ý kiến trái chiều trong làng thời trang.
Đối với những tín đồ muốn giữ gìn vẻ đẹp nguyên bản của áo dài truyền thống, sự thay đổi quá khác lạ đã tạo nên làn sóng phẫn nộ.
Chính những luồng ý kiến này đã góp phần dấy lên những câu hỏi rằng làm thế nào để trung hòa giữa những giá trị cũ và những thay đổi “cần có” của thời đại mới vẫn luôn tồn tại ở tà áo dài? Áo dài ngày Tết cần được cách tân thế nào mới “chuẩn chỉnh”?
Hiểu được những băn khoăn vẫn còn bỏ ngỏ đó, chuyên mục Thời trang Eva cũng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn để lấy ý kiến của 2 trong số những nhà thiết kế nổi bật của làng mốt Việt.
1. Tết nay đã thay đổi rất nhiều so với Tết xưa, nhưng tà áo dài vẫn được đề cao và trân trọng. Vậy theo anh Lê Thanh Hòa, vì sao trong mỗi dịp Tết truyền thống, chị em phụ nữ Việt vẫn khéo nhau sắm sửa áo dài?
- Theo Hoà, mặc áo dài dường như đã trở thành một phong tục không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. Mỗi thời kỳ thì áo dài có những thay đổi về kiểu dáng, chất liệu hay màu sắc nên dù xưa hay nay thì áo dài vẫn là trang phục được yêu thích nhất những ngày đầu năm mới này. Bởi chỉ có khi mặc 1 chiếc áo dài đi du xuân thì chắc hẳn mới cảm nhận được hết hương vị của ngày Tết truyền thống Việt Nam.
2. Là NTK nổi tiếng với hàng loạt những BST váy đầm dạ hội được các sao Việt yêu thích, điều gì khiến anh bỗng chuyển sang thiết kế và cho ra đời BST áo dài dành cho Tết năm nay? Phải chăng một phần cũng đến từ nhu cầu số đông của người mặc?
- Có thể nói đây là một cơ duyên khi rất nhiều khách hàng thân quen muốn Hoà làm áo dài để mặc trong dịp Tết đến. Nên nhân dịp này Hoà cho ra mắt 1 mini collection với những kiểu dáng và hoạ tiết rất Tết, đây cũng là một tình cảm đặc biệt của bản thân dành cho tà áo dài truyền thống của dân tộc với một cách thể hiện mang dấu ấn của Lê Thanh Hoà.
3. Nguồn cảm hứng để anh sáng tạo ra những kiểu áo dài Tết đặc biệt trong năm nay đến từ đâu?
- Từ trước tới nay thì Hoà luôn thích các loài hoa, mà Tết đến thì luôn có những loài hoa đặc trưng như hoa đào, hoa mai, hoa cúc... Và đó cũng là nguồn cảm hứng cho Hoà làm nên BST áo dài Tết với những gam màu, hoạ tiết và kiểu dáng cách điệu nhưng vẫn giữ được những đường nét mềm mại, nữ tính và thanh lịch của áo dài truyền thống.
4. Trong nhiều năm trở lại đây, câu chuyện áo dài cách tân quá đà luôn gây tranh cãi lớn trong làng thời trang. Vậy theo anh, ranh giới nào là phù hợp dành cho những thiết kế áo dài vừa mang vẻ đẹp hiện đại vừa không làm mất đi tính nguyên bản của trang phục truyền thống này?
- Theo Hoà thì vấn đề ranh giới trong việc sáng tạo rất mong manh, quá một chút thôi thì sẽ thành không phù hợp với thị hiếu của số đông, mà nhất lại tế nhị như tà áo dài đã trở thành quốc phục. Chính vì lý do đó nên khi làm BST mới này, Hoà cũng phải rất cẩn thận nghiên cứu về phom dáng, chất liệu để thiết kế vừa đảm bảo được tính thời trang, hiện đại, hợp thời mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của truyền thống trong thiết kế. Đôi khi cái gì mới quá thì mọi người khó đón nhận, quan trọng là đúng thời điểm.
1. Thời trang ngày Tết thời hiện đại không thiếu sự lựa chọn về phục trang, nhưng áo dài nhiều năm nay vẫn là một trong những trang phục được rất nhiều chị em lựa chọn. Từ quan điểm của chị Thủy Nguyễn, chị nghĩ vì sao đến hiện tại, áo dài ngày Tết vẫn còn có sức hút lớn đến như vậy?
Việc mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày nói chung và ngày Tết nói riêng. Cá nhân Thủy xem đây như một dịp để thể hiện niềm tự hào dân tộc nhưng vẫn phát huy nét duyên dáng của những tà áo dài, chúng được khéo léo pha trộn: vừa nhu mì vừa thanh lịch, vừa cổ điển vừa sang trọng và luôn hợp thời. Cũng vì sự thân thuộc và những ưu điểm nổi bật này cùng chủ ý đón Tết thời hiện đại nhưng vẫn giữ cái hồn dân tộc thì lựa chọn áo dài luôn được các chị em ưu ái đưa lên hàng đầu.
Ngoài ra, hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành một nét văn hóa, truyền thống quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền. Và Thủy tự tin nói rằng "Người phụ nữ Việt sẽ đẹp nhất trong tà áo dài duyên dáng".
2. Theo chị, một bộ áo dài ngày Tết và áo dài ngày thường sẽ có những điểm khác nhau như thế nào? Làm thế nào để chị thể hiện hồn Tết Việt thông qua chất liệu và họa tiết trên tà áo?
Áo dài ngày thường sẽ tập trung vào hai yếu tố là tính năng động và sự thoải mái của người mặc. Còn áo dài ngày Tết thường sẽ được đặc biệt hoá về chất liệu và cách thể hiện để truyền tải thông điệp của mùa xuân là tình yêu là sinh sôi nảy nở, là hy vọng là bình yên và một năm mới thịnh vượng.
Hồn Tết Việt thực chất là những điều sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá truyền thống với nhịp sống hiện đại. Thuỷ luôn tìm cách đưa vào áo dài những cách thể hiện mới về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, kĩ thuật thời trang ... cũng như lấy cảm hứng từ những nét văn hoá dân gian Việt Nam.
"Tôi mặc áo dài Mùng Một Tết" là 1 nét văn hoá rất Việt mà Thuỷ luôn muốn góp sức cùng mọi người duy trì thói quen mặc áo dài.
3. Cùng là một thiết kế áo dài, nhưng áo dài Tết dành cho các độ tuổi như quý cô U20, U30 hay trung niên sẽ có gì khác?
Vào dịp Tết, mọi người đi lễ hội rất hay mặc áo dài, mọi độ tuổi đều ăn mặc đẹp hơn ngày thường trong tà áo dài thướt tha du xuân. Cùng một thiết kế áo dài Tết sẽ rất khó để tìm ra những điểm khác biệt giữa các độ tuổi vì nhìn chung tà áo dài Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi và đều toát lên nét đẹp đặc trưng của từng cá nhân. Các quý cô thể hiện cá tính riêng của bản thân thông qua các lựa chọn như họa tiết, chất liệu và màu sắc áo dài.
Theo góc nhìn cá nhân của Thủy với những bạn trẻ U20, các họa tiết thường trẻ trung và nhiều màu sắc. Ở độ tuổi này, các bạn thường chọn những chiếc áo dài cách tân đi theo xu hướng. Ngược lại với những bạn U30, tà áo dài mang phong cách tối giản nhưng không kém phần sang trọng, thiết kế áo dài tôn dáng và màu sắc cổ điển. Và cuối cùng là các quý cô trung niên thường tập trung vào sự cổ điển trong thiết kế, hoa văn quý phái, màu sắc nho nhã.
Thủy tin rằng, sự sáng tạo và tự tin trong mỗi trang phục bạn lựa chọn chính là sức hút riêng tạo nên nét nổi bật của bạn.
4. Ngày nay, giới trẻ thường mặc áo dài cùng váy đụp với suy nghĩ cho rằng đó là sự làm mới trên nền chất liệu văn hóa xưa. Chị nghĩ như thế nào về điều này? Và theo chị, áo dài cách tân nên nghĩ theo hướng nào mới là đúng và phù hợp nhất?
Sự cách tân thể hiện tính thời đại. Theo Thủy việc thiết kế áo dài cách tân cần phải giữ được những nét truyền thống về kiểu dáng cũng như vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Nói không với những thiết kế đi ngược với thuần phong mĩ tục Việt Nam.
Từ những chia sẻ của NTK Thuỷ Nguyễn và NTK Lê Thanh Hoà, có thể cho rằng, mua sắm áo dài ngày Tết không chỉ đơn thuần là trào lưu tồn tại trong một thời gian ngắn. Mặc áo dài đi du Xuân, chúc Tết dường như đã trở thành một thói quen đặc sắc của người Việt trong những ngày đầu năm.