Truyện kể rằng, hồi vở kịch Peter Pan lần đầu công chiếu, tác giả của nó, J.M.Barrie, có gặp lại bà Snow, một người quen với ông thuở trước. Thấy bà Snow đi một mình, Barrie hỏi chồng bà đâu, bà mới kể rằng ông mất rồi, ông không còn nữa. Rồi bà bảo Barrie: “Tôi đồ rằng thời gian như con cá sấu kêu tích tắc, phải không? Thời gian lúc nào cũng đuổi theo hòng bắt lấy con người.”
Thời gian thấm thoắt thoi đưa là tiếng Việt. Time flies là tiếng Anh. Le temps passe vite là tiếng Pháp. Nhưng không phải câu nói nào thông dụng cũng đều đúng cả. Thời gian không trôi. Thời gian luôn luôn là nó. Thời gian không già. Chúng ta trôi. Chúng ta già. Chúng ta không là chúng ta như trước. Ai cũng vậy.
Bởi thế mà đôi khi tôi nghĩ, sự sáng tạo ra Doraemon là một điều độc ác!
Nobita ăn cả rổ 0 mà chưa thấy bị ở lại lớp bao giờ. Cứ mãi học lớp 3 hình như đã là đủ lắm rồi, lên lớp 4 cũng là thừa thãi. Lúc nào họ cũng có cái để mà chơi, lúc nào họ cũng có cái để mà cười đến vỡ bụng, khóc đến kiệt sức.
Rồi một hôm, họ nhảy lên cỗ máy thời gian trở về tận thời tiền sử, hoặc sang tận rừng Sương Muối ở Phi châu, hay leo lên mây xây cả một tòa lâu đài tráng lệ. Họ chẳng thèm ở lại vương quốc của thủy thủ Sinbad trứ danh đâu, mà vương quốc Chó muốn nhượng cho họ một nửa kho báu để trả ơn họ cũng không cần nữa. Họ cần làm gì khi mà thế giới của họ đã đủ tươi đẹp, họ lại chẳng bao giờ già đi, họ chẳng bao giờ sợ chán, vì nếu cảm thấy chán, ngay lập tức, họ sẽ gọi điện thoại yêu cầu thế giới trở nên ghét tiền, hoặc yêu cầu thế giới coi chơi dây là bộ môn quốc tế, hoặc buộc mọi người đi sưu tập nút chai, hay chui tọt xuống đại dương thám hiểm.
ộc ác biết bao nhiêu, xây lên một thế giới đẹp nhường đó, làm chúng ta yêu nhường đó, làm chúng ta tin tưởng đến nhường đó, thế mà rồi chốt hạ, thế giới ấy không hề có thật. Sinh nhật năm 9 tuổi, chính thức bằng tuổi Nobita, háo hức nghĩ cuộc sống từ nay sẽ đầy màu sắc, có biết đâu, mãi sau này khi nghĩ lại, mới hay đó là điểm khởi đầu cho tất cả những kết thúc trong đời.
Trong Phù thủy xứ Oz, cuốn sách nổi tiếng của Frank Baum từng được dựng thành bộ phim kinh điển năm 1939, cô bé Dorothy bị lạc vào xứ sở xa lạ, để trở về nhà, cô phải đi tìm thầy phù thủy tối cao của họ. Vượt qua bao nhiêu thử thách, năm lần bảy lượt bị mụ phù thủy cưỡi chổi độc ác ra tay hãm hại, cuối cùng cô đến được lâu đài của phù thủy xứ Oz, chỉ để phát hiện ra, ông chẳng có phép màu gì, ông chỉ là một người đàn ông trung niên bình thường như bao người khác. Đoạn đầu phim, Dorothy cất tiếng hát:
ọi phép thuật rốt cuộc chỉ có thực trong mơ. Không có một tấm thảm bay nào cả. Cũng không có cánh cửa thần kỳ đưa người ta trong một giây đi xa tới mấy vạn năm ánh sáng. Doraemon vẫn thường than thở những chiếc chong chóng tre của mình dở tệ, bay một lúc lại phải tra dầu. Chúng ta còn không có nổi một chiếc chong chóng tre.
Nobita thường khóc lóc vì con mèo máy béo ú chẳng quan tâm gì đến nó. Chúng ta còn không có cả một con mèo máy làm bạn.
"Đôi khi, chúng ta còn không có cả
một người bạn."
Chúng ta chỉ có mấy tập truyện tranh đã đọc đi đọc lại một ngàn lẻ một lần và sẽ còn đọc lại lần thứ một ngàn lẻ hai, những tập truyện linh tinh không trọn bộ, những tập truyện ngày nào vẫn còn phải đọc lén lén lút lút, chỉ nghe tiếng bước chân của ba đi lên cầu thang là vội vội vàng vàng giấu biệt vào ngăn bàn học.
Nhưng cái ngăn bàn học đó lại quá tầm thường. Sẽ không có ai chui ra từ cái ngăn bàn đó, chào chúng ta một tiếng và bảo:
Không, mình không phiền chút nào cả. Chỉ là sẽ không có ai xuất hiện từ ngăn bàn hết. Và trong ngăn bàn cũng chẳng có một cỗ máy thời gian nữa. Nhưng có lẽ cũng không cần thiết lắm.
hẳng phải hoài niệm vẫn thường sống dậy mà không cần tới một cỗ máy thời gian sao? Như nhân vật chính vô danh trong Đi tìm thời gian đã mất của đại văn hào Marcel Proust vậy, chỉ nhờ hương vị một mẩu bánh madeleine chấm nước lá bồ đề mà anh từng ăn vào mỗi sáng chủ nhật ở Combray, cái mùi vị mỏng manh mà dai dẳng, nhưng lại đánh thức trong anh cả một tòa “dinh thự mênh mông của hoài niệm”.
Một tập truyện Doraemon có khi chính là mẩu bánh madeleine như thế. Hằng ngày, chúng ta gặp biết bao người chẳng có gì chung với chúng ta, chỉ có một điểm chung duy nhất, là ngày đó cũng đã từng vào quán điện tử chơi trò Doraemon giá 1000 đồng cho 20 phút; ngày đó cũng đã từng ngồi hàng giờ trong nhà vệ sinh mê mải đọc cuộc phiêu lưu của Nobita tới đảo giấu vàng; ngày đó cũng đã từng khóc sưng mắt khi đọc tới đoạn bà Nobita qua đời, để lại cho cháu con lật đật, nói rằng, cháu hãy như con lật đật này, mỗi lần vấp ngã lại tự động đứng lên; ngày đó cũng đã từng bị bố mẹ cấm không cho đọc Doraemon, vậy mà bằng một cách quái quỷ nào đó, xó xỉnh nào trong nhà cũng đầy những tập truyện; ngày đó cũng đã từng muốn mãi mãi học lớp ba, không bao giờ lớn lên nữa,
Cô bé Dorothy cuối cùng nhận ra cô chỉ muốn trở về nhà. Wendy dẫu lưu luyến Peter Pan, nhưng sau vẫn sống vô cùng tốt. Cho dù không thể cứu thế giới chống lại cuộc xâm lăng của binh đoàn robot, cho dù chẳng thể nuôi một chú khủng long, cho dù chẳng có chong chóng tre mà bay lên, cho dù chẳng có cỗ máy thời gian nào, chẳng có cuộc phiêu lưu nào, chẳng có cánh cửa thần kỳ nào để đi từ ngân hà này sang ngân hà khác, nhưng chúng ta đã đủ lớn để biết mình vẫn có thể hạnh phúc với cái thế giới không có phép màu này.