“Ta có bi quan không?” – Cuốn sách đưa lại một góc nhìn mới về cuộc sống của người trẻ.
Khải Đơn là cây bút viết về tuổi trẻ đầy ấn tượng. Cuốn sách đầu tay - “Đừng tháo xuống nụ cười” của tác giả này được độc giả đón nhận nồng nhiệt. “Ta có bi quan không?” là cuốn sách tiếp theo của Khải Đơn, cuốn sách viết về những nỗi băn khoăn, ước mơ và cuộc sống của người trẻ hiện nay. “Có phải chúng ta thực sự “chết” ở tuổi 25 và được chôn cất ở tuổi 75?” là một vấn đề được đặt ra trong tác phẩm này khiến nhiều người trẻ phải nhìn lại cuộc sống của mình.
Cuốn sách đã được phát hành trên toàn quốc
Những người trẻ ngày nay sống bởi những ánh nhìn của người khác, sống vì những kì vọng của gia đình và sống theo những quyết định của bố mẹ. Chúng ta đang dần “chết” khi mới đôi mươi vì người khác. Đứng trước nhiều lựa chọn để quyết định tương lai phía trước, một số bạn trẻ không biết được mình thích gì, một số khác thì xác định được đam mê của mình nhưng chỉ một số ít trong số họ dám lựa chọn theo đuổi điều đó.
Nhiều bạn trẻ “cố sống cố chết” để đậu vào trường đại học. Tuy nhiên, khi hỏi tại sao lại lựa chọn ngôi trường ấy thì họ lại trả lời rất hồn nhiên rằng: vì ngành ấy dễ xin việc, vì sẽ kiếm được nhiều tiền, vì đây là trường mẹ em thích hay vì đây là ngôi trường mơ ước của bố em ngày xưa. Chẳng hiểu từ bao giờ, những người trẻ trở thành người đi thực hiện những mong muốn còn dang dở của các bậc phụ huynh và bỏ mặc đam mê của chính mình.
Mọi người lựa chọn việc học không phải vì mong muốn tìm kiếm tri thức mà là vì được dạy rằng “học giỏi mới kiếm được nhiều tiền”. Những ước mơ, những khát vọng cháy bỏng cuối cùng bị níu chân lại bởi gánh nặng kiếm tiền.
Nhiều bạn trẻ dành cả thanh xuân của mình để theo đuổi thứ mà bố mẹ muốn và cố gắng để bố mẹ vui lòng. Cuối cùng khi tuổi trẻ đã trôi qua thật nhanh, sự lăn xả và dũng cảm của tuổi trẻ đã cạn kiêt, chúng ta cảm thấy mình đã lựa chọn sai, cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nhưng lại không dám buông bỏ, làm lại từ đầu.
Những người mới đôi mươi không sợ đối đầu với thất bại nhưng lại sợ đối đầu với dư luận. Mọi người xung quanh dán cho bạn cái nhãn “học giỏi”, “xinh đẹp”, “thông minh” … thì bạn phải gồng mình lên để chứng minh những chiếc nhãn đó là chính xác dù thực lòng bạn thấy mỏi mệt và muốn được làm một người bình thường.
Ngược lại, nếu bị dán nhãn “ngu dốt”, “xấu xí”, “phá hoại”… thì bạn lại dễ dàng buông bỏ bản thân mình. Những người trẻ sống với một mục đích duy nhất là để chứng minh cho người khác thấy chứ không phải để bản thân hạnh phúc hay vì ước muốn của bản thân.
Trước năm 25 tuổi, người trẻ điên cuồng học hành để tốt nghiệp, điên cuồng tìm việc để kiếm thật nhiều tiền và sau đó là nhanh chóng tìm một người bước chân vào cánh cổng hôn nhân. Nếu không thể hoàn thành những điều đó khi đã bước qua tuổi 25 thì bị đánh giá là thất bại, bấp bênh và vô định. Nhưng nếu hoàn thành hết tất cả những việc đó thì từ năm 25 tuổi đến khi già nua, chúng ta sẽ theo đuổi mục tiêu nào cho cuộc sống của mình?
Không chỉ người trẻ tự giết chết chính mình ở tuổi 25, một xã hội kì thị với những tiếng bàn tán vào ra, một cộng đồng sợ hãi những người khác tài giỏi hơn mình, những người đồng nghiệp đàn anh đàn chị sợ hãi lớp trẻ năng động hơn… cũng góp phần bóp chết lý tưởng sống tốt đẹp của giới trẻ. Khải Đơn kể cho độc giả nghe về câu chuyện của những thanh niên mới ra trường – họ không có gì ngoài nhiệt huyết và đam mê.
Người trẻ đem tất cả những mong mỏi và mơ ước của mình vào môi trường làm việc mới. Nhưng dù họ cố gắng đến đâu cũng bị tất cả đồng nghiệp quay lưng. Chuyện ma cũ hành hạ ma mới, người có kinh nghiệm chê bai “lũ người mới chẳng biết cái gì”… là chuyện quá bình thường. Người trẻ muốn có cơ hội phát triển thì phải có tiền, có chỗ dựa hoặc tìm được một vị tiền bối có cảm tình đồng ý dẫn dắt mình. Tại sao xã hội lại khắc nghiệt với người trẻ như vậy?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này: vì sự ích kỷ trong lòng mỗi người, vì sợ người mới sẽ hơn mình, vì muốn thị uy hay đơn giản chỉ là vì ngày xưa mình cũng thế thì giờ chúng nó cũng phải thế… Dù là nguyên nhân gì thì nó cũng đang giết chết nhiệt huyết thanh xuân của người trẻ. Họ cố gắng hết sức mình nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Họ tự ti và dần dần nghi ngờ năng lực của chính mình.
Cuối cùng, đam mê dần tắt, họ chỉ còn tồn tại và đối xử với những người khác như mình đã từng phải chịu. Vòng tròn oan nghiệt đó sẽ lặp lại và kéo dài mãi không ngừng.
Cuộc sống của mỗi người là do bản thân người đó quyết định. Nếu không sống vì chính mình, không tự làm chủ cuộc đời mình, không biết tự đối mặt với sự thất bại… bạn cũng sẽ “chết” ở tuổi 25. Trước 25 tuổi là khoảng thời gian bạn có nhiều mơ ước, có sức khỏe tốt, có nhiệt huyết và có dũng khí nhất. Bạn dám lao vào thử những thứ dù bạn biết rằng có thể thất bại. Dù cuộc đời có quăng quật bao nhiêu lần thì bạn vẫn đủ khả năng để bật đứng dậy ngay lập tức.
Lúc đó bạn không dám thử những gì bạn muốn thì sau 25 tuổi bạn cũng không còn đủ dũng cảm để lần đầu tiên bắt đầu một cái gì đó của mình. Bạn sẽ sống cuộc đời theo mong ước của người khác, theo cái nhìn của xã hội, theo con đường đã có sẵn của tất ca mọi người. Bạn không còn sống cuộc đời của mình nữa mà trở thành một khúc gỗ mặc kệ dòng nước cuốn trôi. Nếu không thể làm chủ cuộc đời mình, không thể sống cuộc sống của mình thì đó có còn được xem là sống không?
Sách sẽ được ra mắt trực tuyến vào ngày 29/05 và tiếp đó, ngày 4/6, tác giả Khải Đơn sẽ có một cuộc gặp gỡ với độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình
“Ta có bi quan không?” là một tác phẩm chân thật đến từng chi tiết nhỏ. Nó là câu chuyện, là băn khoăn, là tâm sự mà người trẻ hiện nay đều gặp phải. Lựa chọn lăn vào đời và sống cuộc sống của mình hay “chết” ở tuổi 25 là quyền của mỗi người; nhưng cuốn sách này sẽ cho bạn những hành trang tốt nhất để đưa ra được lựa chọn của chính mình.