Oprah Winfrey sinh ngày 29/1/1954 tại thành phố Kosciusko, bang Mississippi, nước Mỹ. Bà là người dẫn chương trình truyền hình, nhà xuất bản tạp chí, từng đoạt giải Emmy dành cho người Mỹ gốc Phi. Oprah Winfrey là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú và luôn nằm trong danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Oprah Winfrey hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,6 tỷ USD, có hơn 58 triệu người theo dõi trên các mạng xã hội, 6 ngôi nhà và một giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille dành cho thành tựu trọn đời. Năm 2016, bà vinh dự xếp thứ 14 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.
Nhà văn cổ đại Publilius Syrus từng viết: "Nếu muốn vươn đến đỉnh, hãy bắt đầu từ dưới đáy". Đó có lẽ cũng là câu nói chính xác nhất để miêu tả cuộc đời phi thường của Oprah Winfrey. Bà giống như một con phượng hoàng vươn lên từ vũng bùn. Những thăng trầm mà Oprah Winfrey trải qua có thể trở thành niềm cảm hứng bất tận cho bất cứ ai đang đi tìm một lối đi cho cuộc sống của mình.
Tuổi thơ cơ cực của Oprah Winfrey bắt đầu ngay từ lúc bà chưa chào đời. Bà là con ngoài giá thú bởi bố mẹ không hề đăng ký kết hôn, chỉ đến với nhau khi chưa đầy 20 tuổi. Oprah không được bố thừa nhận, mẹ bà sau đó cũng chuyển tới phương Bắc để kiếm sống, Oprah sống cùng với bà ngoại trong cảnh nghèo túng của khu ổ chuột, phải lấy bao tải khoai tây làm quần áo.
Bà ngoại của Oprah có cách dạy dỗ rất nghiêm khắc, thường xuyên sử dụng đòn roi. Nhưng cũng chính từ đó, Oprah đã rèn được tính kỷ luật và khả năng ăn nói mỗi lần tới nhà thờ đọc Kinh thánh. Năm 2 tuổi, Oprah đã tự tập đọc. Tới năm 6 tuổi, Oprah tới sống với mẹ và đó cũng là lúc biến cố đầu tiên trong đời bà ập đến. Bà đã bị chính người anh họ của mình cưỡng hiếp.
Năm 14 tuổi, Oprah chết lặng khi biết tin mình có thai - kết quả từ những lần bị lạm dụng tình dục. Bà đã sợ hãi tới mức cố gắng uống bột giặt để phá hủy cái thai trong bụng. Đau đớn hơn, đứa trẻ ấy đã qua đời ngay sau khi sinh ra. Oprah khi ấy vô cùng đau đớn và xấu hổ, tưởng như cuộc đời mình đã khép lại tại đó.
Sau đó, Oprah trượt dần vào cuộc sống phóng đãng. Tới năm 14 tuổi, bà của Oprah không thể chịu nổi sự phá cách của cháu nên đã gửi Oprah về cho người bố ở Nashville, bang Tennessee. Chính người bố này đã cứu vớt cuộc đời Oprah. Ông động viên bà quay lại trường học, bắt bà học thuộc 5 từ vựng mỗi ngày thì mới được ăn tối. Chính từ đó, Oprah đã tìm thấy niềm đam mê thuyết trình và hùng biện, mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Sau khi chuyển đến trường trung học Nashville, Oprah nhanh chóng bộc lộ tài năng của mình và trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất. Bà tham gia nhóm diễn thuyết của trường và giành được giải nhì trong cuộc thi toàn quốc gia. Với những thành tích của mình, Oprah dễ dàng giành được học bổng của Đại học Tennessee.
Năm thứ nhất đại học, Oprah trở thành Hoa hậu da màu của trường Nasville, đồng thời là Hoa khôi Da màu của bang Tennessee. Sau đó, may mắn đã mỉm cười khi bà được đài WVOL mời đến đọc bản tin. Khi đó, Oprah là người dẫn chương trình tin tức trẻ nhất, cũng là phụ nữ da đen đầu tiên được giao dẫn chương trình tin tức ở đây. Năm đó, bà mới 19 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1976, Oprah trở thành người dẫn chương trình truyền hình cho đài WJZ-TV ở Baltimore. Bà tiếp tục được tuyển dụng để cùng Richard Sher dẫn chương trình đối thoại địa phương có tên People Are Talking (Người dân lên tiếng) lần đầu phát sóng ngày 14/8/1978. Khác với những người dẫn chương trình khác luôn đề cao sự khách quan như chuẩn mực của báo chí, Oprah lại đặt tôn chỉ là sự cảm thông và thấu hiểu. Là người từng trải qua nhiều đau khổ tột cùng, bà dám cười khi chứng kiến hạnh phúc, dám khóc khi nhìn thấy đau thương. Chính điều đó đã khiến Oprah Winfrey trở nên khác biệt.
Năm 1983, Oprah chuyển tới thành phố Chicago, bang Illinois để đảm nhận dẫn chương trình AM Chicago của đài WLS-TV. Khi ấy, chương trình này đang có tỷ suất người xem rất thấp, chỉ nói về những câu chuyện tầm phào. Tuy nhiên càng về sau, chính Oprah đã giúp chương trình trở nên có gu hơn, nghiêm túc hơn khi nói về các vấn đề chính luận xã hội, những sự thật trần trụi, các vấn đề liên quan tới phụ nữ, trẻ em, từ thiện... Chỉ trong vòng một năm, AM Chicago đã trở thành chương trình ban ngày có lượng xem cao nhất nước Mỹ với hơn 40 triệu khán giả mỗi tuần. Thậm chí sau đó, nó còn được đổi tên thành The Oprah Winfrey Show nhờ sức ảnh hưởng quá lớn của bà.
Chính từ đó, tên tuổi của Oprah đi lên theo chiều thẳng đứng. Bà được gọi là "nữ hoàng truyền thông" mới của nước Mỹ. Tuy nhiên, Oprah chưa bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Bà đã lập nên một tạp chí mang tên "O" Magazine cũng như một kênh truyền hình của riêng mình - OWN với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. "Tôi muốn kể những câu chuyện làm lay động lòng người, những câu chuyện mà ai cũng thể tìm thấy mình trong đó," Oprah quả quyết.
Oprah cũng quyên góp cho nhiều tổ chức từ thiện như quỹ Nelson Mandela và Christmas Kindness’, Moorehouse College, Thư viện Harold Washington, Quỹ United Negro College, Quỹ đại học bang Tennessee cùng nhiều quỹ khác. Khi nói về Oprah Winfrey, tổng biên tập tạp chí Seventeen, ông Atoosa Rubenstein nói: "Oprah là mẫu người khi đã thành công thì sẽ chia sẻ nó với những người cần nó nhất quanh mình. Đó là lý do vì sao cô ấy là một người hùng trong mắt tôi và tất cả mọi người, một hình mẫu vĩ đại".
Oprah cho biết một trong những câu nói yêu thích nhất của bà là của Martin Luther King Jr., người đã nói: "Không phải ai cũng có thể trở nên nổi tiếng, nhưng bất cứ ai cũng có thể trở nên tuyệt vời hơn bởi sự vĩ đại được quyết định từ chính trong con người bạn".
Có một điều chắc chắn rằng thành công mà Oprah Winfrey giành được không phải tự nhiên mà có. Tất cả là nhờ khả năng rèn luyện và nắm bắt cơ hội của bà. Trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, Oprah vẫn tìm một tia hy vọng le lói nhất để bám víu rồi trỗi dậy như chưa từng được vươn lên. Chân thành - khôn ngoan - và thấu cảm chính là những đức tính mà Oprah dùng để đối mặt với cuộc đời đầy chông gai của mình. "Trong cuộc đời, bạn sẽ gặp phải rất nhiều nỗi đau, mắc phải rất nhiều sai lầm. Đó chỉ là cách mà Chúa nhắc nhở bạn đang đi sai đường", bà nói.
Ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, Oprah vẫn gặp phải những khó khăn và thất bại. Một số người họ hàng đã kiếm tiền trên sự nổi tiếng của bà bằng cách tung tin tức về việc mang thai vị thành niên của Oprah hòng đổi lấy khoản tiền bán thông tin trị giá 19.000 USD. Oprah cũng phải chiến đấu với hàng loạt đối thủ, hàng loạt lời chỉ trích cay nghiệt khi là một người da màu. Đứng trước những chông gai đó, người phụ nữ này vẫn bình thản. "Bạn hãy xem thất bại là người thầy vĩ đại vì một khi thấm nhuần được điều đó, bạn sẽ hiểu mỗi sai lầm đều cho ta những bài học đáng quý", bà nói.
Oprah Winfrey giờ đây đã trở thành một nữ hoàng truyền thông của nước Mỹ và thế giới, nữ tỷ phú da màu đầu tiên, người phụ nữ có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Bà chưa bao giờ kết hôn, sống một mình trong điền trang riêng rộng 170.000 m2 nhìn ra biển ở Montecito, bang California, Mỹ. Tính tới năm 2019, khối tài sản ròng của bà trị giá 2,6 tỷ USD.
"Thành công về vật chất giúp bạn có khả năng làm những việc khác quan trọng hơn. Việc này sẽ thay đổi không chỉ cuộc sống của bạn, mà còn của cả nhiều người khác", Oprah đã nói như vậy khi quyết định dành một nửa khối tài sản của mình để làm từ thiện, lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Dù đã đứng trên đỉnh cao danh vọng, bà vẫn không thôi trăn trở về "sứ mệnh" giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. Cái cách Oprah ủng hộ và giúp đỡ trẻ em, phụ nữ giống như bà đang tự giúp bản thân mình vơi đi nỗi đau thời thơ ấu.
Từ một cô bé đen nhẻm và nghèo khổ sống ở khu ổ chuột dưới đáy của xã hội, Oprah đã biến cuộc đời mình thành một niềm cảm hứng bất tận về ý chí, đam mê và sự hy sinh. Một câu nói của Mẹ Teresa có thể rất đúng với hành trình mà Oprah Winfrey đã gây dựng nên: "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại".