Kyo York là “nạn nhân” của nhà đài?

Ngày 24/06/2013 17:23 PM (GMT+7)

Chuyện Kyo York xuyên tạc bài thơ “Qua đèo Ngang” khiến dư luận dậy sóng.

Ngay sau sự việc Kyo York xuyên tạc bài thơ “Qua đèo Ngang” trên sóng VTV9 được “khui” ra, PGS Lê Khắc Cường - Trưởng khoa Việt Nam học (ĐHKHXH&NV TP Hồ Chí Minh), nơi Kyo York từng học đã lên tiếng. Ông khá bức xúc cho rằng, không thể cái gì cũng đưa ra để đùa.

Nhà trường có biết một sinh viên của khoa vừa xuyên tạc bài thơ nổi tiếng “Qua đèo Ngang” trên sóng VTV9 khiến nhiều người bức xúc?

- Kyo York đã từng là sinh viên học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học trong một thời gian. Tuy nhiên, Kyo đã nghỉ từ mấy năm trước. Sự việc lùm xùm xảy ra như vậy nhưng chúng tôi chưa nắm được ngay cũng có phần sai sót. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại, có phải hoàn toàn do lỗi của Kyo không, hay một phần cũng do định hướng của “nhà đài” là gây cười vui vẻ? 

Kyo York là “nạn nhân” của nhà đài? - 1
MC Khởi My, người "góp phần" tung hứng cho Kyo phân tích bài thơ
với nội dung phản cảm.

Một sinh viên học tiếng Việt tại một ĐH lớn, lại đưa một tác phẩm cổ điển, nổi tiếng trong sách giáo khoa để giễu trên sóng truyền hình quốc gia, liệu có chấp nhận được?

-  Tôi thấy nhiều người phản đối Kyo York. Đồng ý anh ta có lỗi nhưng theo tôi, lỗi lớn nhất ở đây là từ hai MC của chương trình. Người nước ngoài có thể hiểu ít hơn về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đã đành, hai MC cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn học. Thậm chí họ còn tung hứng, gây cười phản cảm đối với nội dung bài thơ rất đáng tôn trọng như thế thì không chấp nhận được.

Đặc biệt, nhà đài có thể phát hoặc không phát chương trình này. Thế nhưng, không hiểu khâu kiểm duyệt của họ ra sao mà lại để một chương trình thiếu tính giáo dục như thế lên sóng. 

Kyo York là “nạn nhân” của nhà đài? - 2
Có thể tếu táo nhưng không phải cái gì cũng có thể đưa lên sóng
truyền hình quốc gia để đùa.

Vậy thực chất Kyo York cũng là nạn nhân của nhà đài với mục tiêu “cố làm cho vui vẻ”? 

- Tất nhiên không hẳn Kyo không có lỗi nhưng xem kĩ thì thấy chương trình do định hướng sẵn của nhà đài. Đôi khi kết quả đấy cũng là format sẵn do nhà đài dựng lên để làm trò vui cho khán giả. Thậm chí, có chương trình games show tôi từng tham gia, nhà đài còn có sẵn tên người chiến thắng. Trở lại chương trình này, tôi thấy lỗi một phần còn do người làm chương trình hơn là đổ lỗi toàn bộ cho người chơi. Và giới truyền thông cần lên án để dẹp bỏ những kiểu như thế này vì nhà đài làm hơi quá đáng. 

Kyo York là “nạn nhân” của nhà đài? - 3
Kyo York và hai MC trong chương trình gây bức xúc dư luận

Chương trình này sản xuất mang mục đích giải trí. Tuy nhiên, khán giả chủ yếu của chương trình là thanh thiếu niên. Liệu với những “sự cố” như trên đây, sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu giáo dục giới trẻ?

- Ảnh hưởng rất nhiều chứ, nhất là về truyền thông. Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ không còn tin vào truyền thông nữa. Đương nhiên những người làm chương trình phải có kịch bản. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng đưa ra để đùa, nhất là những tác phẩm hoài cổ, trang trọng, đáng trân trọng như bài “Qua đèo Ngang”. Chúng ta có thể đùa tếu táo chút xíu với những thứ bình thường nhưng đem ra phân tích bậy bạ trên truyền hình cho hàng triệu người xem như trên đây thì không thể chấp nhận được. Như thế là thiếu văn hóa.

Cảm ơn PGS Lê Khắc Cường!

Theo Hạnh Nguyên (Gia đình xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan