Hãy cùng chấm điểm nhan sắc của các mỹ nhân trong bộ phim gây nhiều tranh cãi này.
Tân Thần điêu đại hiệp là tác phẩm nổi tiếng tập hợp nhiều mỹ nhân nhất trong số các tiểu thuyết của Kim Dung. Mỗi một lần một bộ phim được chuyển thể lên màn ảnh, là một lần khán giả xôn xao đánh giá nhan sắc của các nữ diễn viên trong phim. Khó có dàn diễn viên nào có thể làm hài lòng 100% các khán giả, nhưng dàn diễn viên nữ của Tân Thần điêu đại hiệp 2014 được đánh giá khá cao, ngoại trừ… nữ chính. Hãy cùng chấm điểm nhan sắc của các mỹ nhân trong bộ phim gây nhiều tranh cãi này.
Quách Phù (Mao Hiểu Đồng): 7/10
Nàng Quách Phù trong bộ phim này được đánh giá là xinh đẹp so với Tiểu Long Nữ của Trần Nghiên Hy, nhưng nếu như để đạt được nét đẹp rực rỡ, tỏa sáng kiêu sa như miêu tả, thì Mao Hiểu Đồng chưa đạt được điều này. Trang điểm và phục sức của cô cũng chưa nổi bật được hình ảnh của một thiên kim tiểu thư với sắc đỏ rực rỡ, nếu so với phiên bản của Phó Minh Hiến (Thần điêu đại hiệp 1995) hay Trần Tử Hàm (Thần điêu đại hiệp 2006).
Hoàng Dung (Dương Minh Na): 8/10
Hoàng Dung trong phim được đánh giá là xinh đẹp, xứng danh mỹ nhân, nhưng lại bị cho rằng, Dương Minh Na quá trẻ so với một thiếu phụ tuổi 40, dù ngoài đời cô cũng xấp xỉ độ tuổi này. Nét đẹp dịu dàng, đoan trang của cô chưa toát lên được khí chất tinh anh, lanh lợi, sắc xảo khác người của Hoàng Dung. Với khán giả, cho dù Vu Chính có chọn một nữ diễn viên lớn tuổi hơn cũng chưa hẳn là điều không hay.
Triệu Lệ Dĩnh (Mục Niệm Từ): 9/10
Nhân vật Mục Niệm Từ vốn không xuất hiện trực tiếp trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp, nhưng Vu Chính đã cho nhân vật mẹ của Dương Quá xuất hiện trong tác phẩm của mình. Không có gì phải bàn cãi về nhan sắc của Triệu Lệ Dĩnh trong phim. Tuy nhiên nhân vật này xuất hiện khá ít trong tác phẩm dài 50 tập này.
Trương Hình Dư (Lý Mạc Sầu): 9/10
Xét về diễn xuất, Trương Hình Dư khó có thể so được với những Tuyết Lê, Trần Hồng, Mạnh Quảng Mỹ năm xưa… Nhưng xét về nhan sắc, cộng thêm sự đầu tư lớn cho phục trang, trang điểm, Lý Mạc Sầu của phiên bản mới nổi trội so với mặt bằng diễn viên nư trong phim. Nàng đạo cô của Trương Hình Dư hội tụ khá đủ nét đẹp lạnh lùng, băng giá như được miêu tả trong nguyên tác.
Triệu Hàn Anh Tử (Trình Anh): 7/10
Nhân vật Trình Anh vốn không xuất hiện nhiều, nhưng được miêu tả là cô nương có khí chất thanh tao, nhẹ nhàng, không sắc nước hương trời nhưng có nét mềm mại pha lẫn sự mạnh mẽ. Triệu Hàn Anh Tử có nét đẹp khá dịu dàng, nhưng hơi già so với nguyên tác.
Quách Tương (Trương Tuyết Nghinh): 9/10
Dù là một diễn viên mới, nhưng Trương Tuyết Nghinh được đánh giá khá cao trong vai nàng Quách Tương trẻ trung, tinh anh. Sinh năm 1997, với tuổi đời còn trẻ, Trương Tuyết Nghinh hợp vai cả về nhan sắc và khả năng diễn xuất.
Công Tôn Lục Ngạc (Ô Tĩnh Tĩnh): 6/10
Công Tôn Lục Ngạc được miêu tả là cô gái nhẹ nhàng, ngọt ngào, thông minh, ẩn mình trong Tuyệt tình cốc và đem lòng yêu thầm Dương Quá. Ô Tĩnh Tĩnh từng đảm nhận vai Tây Thi trong Tây Thi mật sử, nhưng không được đánh giá cao về nhan sắc và diễn xuất. Trong Tân Thần điêu đại hiệp phiên bản 2014, cô cũng bị khán giả chê bởi sự già dặn trong ngoại hình. Công Tôn Lục Ngạc trong truyện được miêu tả khán giản dị, với tông màu xanh làm chủ đạo nhưng tạo hình nhân vật của Ô Tĩnh Tĩnh bị chê là sến và nghèo nàn ý tưởng, giống như sự vay mượn, trộn lẫn của trang phục cổ trang của Hàn Quốc với váy áo thời nhà Đường.
Hà Hương (Tần Lam): 8/10
Hà Hương là nhân vật không có thật trong nguyên tác, được Vu Chính thêm vào theo đúng phong cách làm phim sến xưa nay. Hà Hương được miêu tả như một mỹ nhân sắc nước hương trời, là mối tình trọn đời của nhân vật Độc Cô Cầu Bại. Do không có trong tiểu thuyết nên rất khó để so sánh, nhưng Tần Lam là một mỹ nhân cổ trang thì khó ai có thể phủ nhận điều này.
Lâm Triều Anh (Đổng Tuyền): 9/10
Lâm Triều Anh là người sáng lập ra phái Cổ Mộ, không trực tiếp xuất hiện mà chỉ được nhắc đến qua lời kể của các nhân vật trong truyện. Nhưng với phiên bản mới, Vu Chính đã làm nhân vật này “sống dậy” với sự xuất hiện của mỹ nhân cổ trang Đổng Tuyền. Nét đẹp và diễn xuất của cô, đặc biệt là khi hóa thân vào vai hương xưa là không cần tranh cãi. Cảnh quay Lâm Triều Anh áo đỏ tóc trắng trên nền tuyết cũng gây ấn tượng lớn với khán giả. Tuy nhiên, chỉ có kiểu tóc “sừng bò” mà Vu Chính chế tác riêng cho phái Cổ Mộ khiến nét đẹp của nhân vật bị giảm đi. Cả Tiểu Long Nữ và Lý Mạc Sầu đều chị chung số phận bị “dìm hàng” với kiểu tóc này ở những mức độ khác nhau.
Tiểu Long Nữ (Trần Nghiên Hy): 5/10
Lần đầu tiên trong lịch sử các phiên bản Thần điêu đại hiệp, Tiểu Long Nữ - đệ nhất mỹ nhân lại có nhan sắc… thảm hại đến vậy. Trần Nghiên Hy mang nét đẹp hiện đại, dễ thương, trong sáng… nhưng khuôn mặt bụ bẫm và baby của cô hoàn toàn không phù hợp với nhân vật. Nếu không phải đang hóa thân thành Tiểu Long Nữ, Trần Nghiên Hy vẫn có thể được đánh giá là đáng yêu trong một vai diễn cổ trang nào đó. Nhưng với mỹ nhân nổi tiếng này, nữ diễn viên xứ Đài đã hoàn toàn thất bại. Cộng thêm kiểu tóc “hai sừng” kỳ lạ khiến cô càng khác xa so với miêu tả của Kim Dung. Do đó, dù có cố gắng hết sức, diễn xuất của Trần Nghiên Hy cũng không cứu nổi nhân vật của cô. Tiểu Long Bao hoặc Khủng Long Nữ là nickname mà cư dân mạng dùng để gọi Tiểu Long Nữ của Trần Nghiên Hy. Bao nhiêu đó đủ để thấy Trần Nghiên Hy đã thất bại như thế nào với vai diễn này.