Căn phòng thơm mùi bánh
Bước vào căn phòng thơm lừng mùi hạt dưa đang được rang chín, mùi nước hoa bưởi lẫn trong tiếng thìa gỗ đảo hạt rộn ràng, người phụ nữ nhỏ bé có gương mặt trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 40 đón chúng tôi bằng một lời nhắn rất đỗi… phụ nữ: “Đợi tí chị đi trang điểm lại, lên hình đỡ nhợt nhạt”.
Cái “một tí” của chị kéo dài đến 30 phút và cuối cùng, chị bước ra, duyên dáng trong chiếc váy hồng. Chị vào việc, tay với tay trộn nguyên liệu, miệng không ngừng nhắc khách: “Cẩn thận, sàn nhà toàn đường với bột thôi!”.
Thấy chị còn bận bịu, tôi tự tìm cho mình một chiếc ghế, vừa trò chuyện, vừa ngắm người phụ nữ nhỏ nhắn cứ thoăn thoắt làm hết việc này đến việc kia. Theo như chị lý giải là vì muốn kịp trả đơn hàng bánh Trung thu cho khách.
Nhiều đơn, một mình chị có hôm thức làm bánh đến 3h sáng cũng chẳng dám nghỉ ngơi. Không phải vì chị sợ mất một nguồn thu mà vì sợ một vị khách nào đó không kịp thưởng thức bánh truyền thống đúng dịp Trung thu gần kề.
Cái Duyên đến với nghề bánh
Cách đây hơn một năm, khi lang thang trên mạng tìm kiếm thông tin về món xôi hoa lúc ấy rất hot, tôi tình cờ biết chị Trần Vân Anh.
Đến khi hỏi chuyện mới biết, hóa ra, chị không phải là người theo nghề bánh lâu năm. Cái Duyên đến với bánh của chị không có gì đặc biệt, nó cũng chỉ đơn giản như việc bỗng một ngày bạn phát hiện ra mình cũng có khả năng ca hát hoặc giả dụ làm nhân viên văn phòng nhưng bạn vẫn có duyên buôn bán, kinh doanh… Ấy thế mà, cái nghề tưởng như tay ngang này đã gắn với chị 6-7 năm.
Vốn là một kỹ thuật viên làm xét nghiệm trong bệnh viện, quanh quẩn bên những bệnh nhân và máy móc... hàng ngày, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một người làm bánh, thậm chí là mở lớp dạy người khác. Thế nhưng, chỉ từ một vài lần làm cho người thân, cho bạn bè thưởng thức, ai cũng thích rồi xuất hiện những đơn hàng đầu tiên. Chị bắt đầu làm thêm bánh, nhiều người tìm đến chị học hỏi… và dần, chị nổi tiếng trên mạng xã hội.
Thỉnh thoảng ghé Facebook của chị, tôi lại thấy chị xuất hiện trên đài truyền hình này, trên báo nọ để hướng dẫn làm bánh, nấu ăn. Tôi chợt nghĩ, mình nhất định phải gặp bằng được người phụ nữ này, để tận mắt nhìn đôi bàn tay chị, đôi bàn tay của người kỹ thuật viên lúc làm bánh sẽ khéo léo như thế nào.
Ngày xưa, có một chiếc bánh Trung thu để ăn cũng vui đến mấy ngày liền
Biết làm nhiều loại bánh, biết tạo hình nhân vật từ bánh, nổi tiếng mạng xã hội với món xôi hoa kỳ công… nhưng loại bánh đặc biệt đối với chị lại là bánh Trung thu truyền thống.
Nhắc đến bánh trung thu, chị lại vui vẻ kể về những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu... “Còn nhớ lúc nhỏ, chị thấy Tết Trung thu giản dị nhưng vui vô cùng. Chỉ là những chiếc đèn ông sao 5 cánh sáng lấp lánh, đèn đốt từ hạt bưởi phơi khô cứ nổ lép bép mỗi dịp Rằm tháng 8 về. Háo hức nhất là được bố mẹ mua cho những chiếc bánh dẻo, bánh nướng để phá cỗ với đám bạn vào lúc trăng tròn nhất.
Thời ấy, bánh chỉ đơn giản có hình vuông, mà đôi lúc còn đóng chẳng được vuông cho lắm. Bánh nướng có chiếc còn bị cháy sém một góc, có cái còn nứt vỏ, lộ cả nhân nhưng ngon đến lạ. Vỏ bánh thơm mùi trứng, dầu mè, mềm tan trong miệng cùng hương vị từ mỡ đường giòn sần sật thơm nức. Lại còn vị bùi của mứt sen, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng đỏ au quyện cùng lá chanh…. Vỏ bánh dẻo đặc trắng muốt, tinh khôi, dậy mùi hương nước hoa bưởi tự chưng cất, quyện với mùi bột nếp, nhân đậu xanh bùi bùi thêm mấy hạt vừng rất vừa miệng.
Khi cuộc sống đã đủ đầy, bánh Trung thu trở thành món ăn bình thường, quen thuộc nhưng với thời xưa ấy, có được một chiếc bánh để ăn, chia nhau với đám bạn đã là cả một niềm ao ước, vui đến mấy ngày liền”.
Thấy chị cứ tay năm tay mười, vừa làm bánh lại còn nghe điện thoại hướng dẫn “Em cho như thế là thừa galetin rồi,” “Bánh bị như vậy vì em để lửa quá to”…, tôi tò mò:
“Ngày đi làm ở bệnh viện, đêm về làm bánh, rảnh lại dạy làm bánh,… chị có thấy mệt không? Sức đâu mà chị ôm đồm thế?”.
“Đam mê em ạ!”, ngắn gọn như thế cũng khiến người nghe đủ hiểu, nếu không có tình yêu thực sự với những chiếc bánh, chị chẳng thế nào làm hết được.
Xong một mẻ bánh, chị cắt một miếng bánh đã nguội mời tôi nếm thử. Bánh có độ ngọt vừa phải, ăn không thấy cảm giác ngấy, lại có độ giòn sần sật của mỡ đường, vị bùi bùi của hạt dưa rang, hay mùi thơm của hạt điều, của lá chanh, hạt vừng… Thập cẩm nhưng lại chẳng hề hỗn độn, tôi có thể cảm nhận được từng hương vị của chúng chỉ trong một chiếc bánh nướng nặng vẻn vẹn vài trăm gam.
Chị bảo, để giữ lại hương vị xưa cũ, chị không hề gia giảm thêm các nguyên liệu, chỉ điều chỉnh một chút công thức để giảm bớt độ ngọt, khiến ai ăn cũng không còn cảm giác bị ngấy.
“Có chị đồng nghiệp không thích ăn bánh Trung thu, nhưng sau khi đặt bánh của chị thì những năm sau đó, chị ấy đều đặt tiếp. Vì gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng chị rất thích. Bà bảo nó khiến bà không quên được Trung thu xưa.
Lại có những chị em Việt kiều, sau khi về nước, đến nghe chị chia sẻ về bánh. Trước khi rời Việt Nam, họ cũng không quên gói ghém nguyên liệu để mang hương vị Trung thu quê nhà sang cho người thân ở xa lâu ngày không được thưởng thức.
Khi làm bánh, chị gặp rất nhiều người thích ăn bánh truyền thống. Vì thế, chị đơn giản nghĩ, tại sao không lưu giữ hương vị này, để phục vụ riêng những người yêu thích nó”.
Đang dở câu chuyện, bất chợt chị nhét vào tay tôi một đống bột đã nhào sẵn, nhân nắm rồi bảo tôi làm thử.
Tuy khá thích nấu ăn nhưng tôi lại chưa bao giờ làm bánh. Khi miếng bột bánh vừa chạm tay, mềm mềm, dẻo dẻo, một cảm giác thích thú của “Lần đầu tiên” bất ngờ khuấy động toàn bộ cơ thể tôi. Cứ như nó bảo tôi, nhất định, nhất định… phải biến nó thành một chiếc bánh Trung thu hoàn thiện đấy!
Nhìn tôi lóng ngóng nhưng đầy hứng khởi nặn rồi đóng bánh, chị cười bảo:
“Bây giờ, dòng bánh Trung thu hiện đại đang rất thu hút vì độ đẹp, sự sáng tạo từ những bông hoa đủ màu sắc. Cái này tuỳ vào sở thích của mỗi người nhưng chị nghĩ, bánh Trung thu truyền thống sẽ không bị mai một. Vì nó giữ một nét gì đó rất riêng, hương vị riêng. Ít nhất thì với nhiều người, nó cũng là cả một bầu trời kí ức”.