Nếu cây hoa hồng của bạn đang ra ít hoa, cây còi cọc thì hãy xem liệu nó có gặp phải tình trạng nào dưới đây hay không nhé.
Hoa hồng là một trong những loài hoa được nhiều người chọn trồng trong vườn nhà. Một là cây có giá trị làm cảnh cao với đa dạng chủng loại và nhiều màu sắc rực rỡ như hồng, đỏ, cam, vàng,… Hai là hoa hồng khá dễ chăm sóc, không phải tốn quá nhiều công sức.
Tuy nhiên, một số người than vãn rằng họ trồng hoa hồng nhưng cây còi cọc, ít ra hoa mà không biết phải cải thiện thế nào. Thực ra, có 3 lý do chính khiến hoa hồng gặp phải tình trạng đó, bao gồm:
1. Kích thước của chậu không phù hợp
Thông thường chúng ta trồng cây nhỏ trong chậu nhỏ, cây lớn trong chậu lớn. Khi cây hoa hồng lớn lên, hệ thống rễ trong đất cũng phát triển. Lúc này bạn cần phải thay chậu cho cây để bộ rễ phát triển đồng bộ. Nếu không, bộ rễ sẽ không còn chỗ để phát triển thì cành và lá hoa hồng sẽ chậm phát triển hoặc không thể ra hoa được.
Nếu bạn đang trồng cây giống hoa hồng leo thì tốt nhất nên thay chậu mỗi năm một lần, vì loại cây này lớn nhanh, bộ rễ phát triển nhanh. Còn với những chậu cây hoa hồng nhỏ thông thường, bạn có thể thay chậu 2 năm một lần vì rễ của nó phát triển chậm hơn.
2. Chất dinh dưỡng trong đất nghèo nàn
Khi nuôi trồng hoa hồng một thời gian, các chất dinh dưỡng trong đất sẽ được hoa hồng hấp thụ từ từ khiến đất trở nên cằn cỗi, mất dần chất dinh dưỡng. Lúc này đất cần được thay thế. Khi thay đất, ngoài việc làm cho giá thể trồng hoa hồng trở nên màu mỡ hơn, bạn cũng có thể cho một ít phân hữu cơ đã lên men xuống đáy chậu, điều này rất có lợi cho sự phát triển của cây hoa hồng.
Ngoài chất dinh dưỡng do đất cung cấp, hoa hồng cũng cần được bón phân. Khi bón phân, bạn nên chia làm 3 giai đoạn bón. Cụ thể khi hoa gần tàn, bạn nên bổ sung phân có hàm lượng lân cao như phân chuồng của trâu bò, phân trùn quế, phân gà,… kèm kích rễ để cây mọc rễ mới, nhằm hồi sức và chuẩn bị cho lứa mầm mới.
Sau khi hoa tàn, bạn hãy tiến hành cắt tỉa nhẹ để bỏ hoa, cây nào nhiều lá thì cắt bỏ 2-3 nách, việc này sẽ kích thích hệ mầm mới phát triển. Chờ tới khi cây nhú mầm mới thì bón phân như lúc hoa gần tàn nhưng giảm lượng xuống và kết hợp với phân có hàm lượng đạm cao như cá, đỗ tương, trứng tươi,.. Giai đoạn này bạn cũng không cần bón phân kích thích rễ.
Khi cây ra nụ, bạn cần bón các loại phân giàu kali để thúc cây ra nhiều nụ. Lưu ý, không nên bón phân cho cây khi thời tiết không thuận lợi (mưa liên tục, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại,…)
3. Nén đất hoặc đất bị kiềm hóa
Nếu bầu đất bị nén chặt hoặc bị kiềm hóa, bạn phải thay đất cho cây hoa hồng ngay. Bởi lẽ lúc này đất không còn khả năng truyền chất dinh dưỡng cho cây nữa, đồng thời khiến bộ rễ của cây bị khó thở, về lâu về dài có thể khiến cây bị chết.
Nguyên nhân khiến đất bị nén chặt thường là do tưới nước và bón phân không đúng cách, vì vậy trong quá trình bảo dưỡng bạn cần phải chú ý tới hai vấn đề này. Nếu dùng nước máy để tưới hoa hồng, lâu ngày cũng gây nén đất. Khi bón phân mà sử dụng phân dạng hạt lâu ngày cũng dẫn đến tình trạng nén đất.