Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, chỉ ưu tiên đạm, ép con ăn… là những sai lầm phổ biến mà phụ huynh dễ mắc phải trong quá trình cho con ăn dặm, gây ảnh hưởng đến cân nặng, chiều cao của trẻ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nên được bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hóa đã phát triển khá hoàn chỉnh. Trẻ đã có thể hấp thu các thức ăn đặc hơn, phức tạp hơn sữa mẹ và nhu cầu dinh dưỡng cũng cao hơn.
Việc ăn dặm đúng cách sẽ hỗ trợ trẻ phát triển cả về chiều cao, cân nặng, trí tuệ… Tuy nhiên, vẫn còn những sai lầm mà không ít phụ huynh mắc phải trong quá trình cho trẻ tập ăn, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Vì nghĩ rằng ăn dặm càng sớm càng cứng cáp nên một số phụ huynh cho con ăn bột khi bé mới được 3 - 4 tháng tuổi. Thậm chí cho ăn với lượng nhiều luôn mà không hề biết rằng, lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ chưa có đủ men tiêu tiêu hóa, đặc biệt là enzym Amylase để tiêu hóa tinh bột.
Ăn dặm quá sớm hoặc quá mặn đều không tốt cho sự phát triển của trẻ
Vì thế, nếu ăn quá sớm, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn, nặng hơn có thể bị tiêu chảy kéo dài…). Điều này là nguyên nhân khiến trẻ không tăng cân, thậm chí sụt cân và nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thấp còi.
Ăn dặm quá sớm với lượng vượt quá nhu cầu cơ thể của bé còn làm tăng tình trạng biếng ăn sớm ở trẻ. Ngược lại, ăn dặm quá muộn sẽ khiến trẻ thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết vì năng lượng từ sữa lúc này không đáp ứng đủ nhu cầu của bé nữa.
Bắt con ăn nhiều và ép ăn bằng mọi giá
Đây là sai lầm mà rất nhiều phụ huynh mắc phải. Ở mỗi giai đoạn ăn dặm, nhu cầu và lượng ăn của trẻ khác nhau. Khi mới tập ăn, trẻ chỉ cần 1-2 thìa/bữa và mỗi ngày chỉ cần 1 bữa. Dần dần khi con đã quen hơn với việc ăn thức ăn khác ngoài sữa, nên tăng dần số lượng thức ăn và số bữa lên.
Bố mẹ không nên nấu quá nhiều đồ ăn cho mỗi bữa và ép con ăn hết thức ăn mà mình đã chuẩn bị. Việc ép trẻ ăn sẽ khiến con sợ và chán ăn.
Ép ăn làm trẻ càng sợ và chán ăn hơn
Quá ưu tiên đạm, lơ là rau xanh
Không ít phụ huynh có suy nghĩ cho thật nhiều thịt, cá, trứng... vào bột, cháo thì trẻ mới mau lớn, bỏ qua vai trò của rau xanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng đạm quá nhiều có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa trong khi rau xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất cần cho sự phát triển.
Mặt khác, việc không cho chất béo (dầu, mỡ) trong quá trình chế biến đồ ăn dặm cho con cũng làm trẻ thiếu chất. Dầu ăn vừa giàu năng lượng vừa giúp hòa tan các chất khác, hỗ trợ quá trình hấp thu của trẻ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhiều mẹ có thói quen nêm nhiều gia vị vào đồ ăn của con trong khi các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, nêm nếm quá mặn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Mặt khác, việc cho trẻ ăn ngọt nhiều trong giai đoạn tập ăn cũng khiến trẻ chỉ thích dùng những sản phẩm có vị ngọt, tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, biếng ăn…
Đừng chỉ chú trọng cho trẻ ăn nhiều chất đạm mà quên các dinh dưỡng quan trọng khác
Ăn dặm đúng cách để trẻ thêm cao
Cho con ăn dặm đúng độ tuổi là yêu cầu trước hết để đảm bảo mức độ sẵn sàng tiếp nhận năng lượng mới của trẻ. Tuân thủ nguyên tắc ăn dặm từ ít đến nhiều, đừng vội vàng nóng ruột sợ con đói mà ép con ăn nhiều hơn.
Lượng ăn tăng dần đều sẽ giúp dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian thích nghi với thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Độ thô của thức ăn cũng tăng dần từ lỏng đến đặc để trẻ học dần các kỹ năng trong ăn uống. Bố mẹ hãy tập cho con thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ, thời gian ăn không nên kéo dài quá 30 phút, không dụ con ăn bằng các thiết bị điện tử…
Thời điểm trước 1 tuổi nằm trong giai đoạn 1000 ngày vàng đầu đời theo đánh giá của WHO - trẻ có tốc độ phát triển vượt bậc cả về cân nặng và chiều cao. Về dinh dưỡng, trẻ cần được nhận đầy đủ và cân đối các nhóm chất gồm tinh bột (gạo, ngô, khoai,...), chất đạm (thịt, cá, trứng...), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả), chất béo (dầu, mỡ).
Hãy để trẻ cảm nhận được niềm vui trong ăn uống
Vai trò của vitamin D trong giai đoạn này được các tổ chức y khoa và các chuyên gia y tế trên thế giới nhấn mạnh đặt biệt quan trọng, tác động lớn đến sự tăng trưởng của trẻ. Thiếu vitamin D trẻ mắc các triệu chứng như đổ mồ hôi trộm về đêm, quấy khóc về đêm, ngủ hay trằn trọc, giật mình, rụng tóc vành khăn. Các dấu hiệu nặng hơn gồm chậm vận động (lẫy, bò, đi), thóp rộng, bờ thóp mềm, chậm đóng thóp, cơ nhão, da xanh, chân vòng kiềng…
Dưới 1 tuổi tỉ lệ trẻ thiếu vitamin D cao nhất do đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh nhất. Sữa mẹ, thực phẩm khó đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho trẻ hằng ngày. Vì thế, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, trẻ dù bú mẹ hoàn toàn hay không hoàn toàn cần bổ sung 400 IU vitamin D3/ngày để phòng ngừa còi xương, hỗ trợ hệ xương phát triển, tăng trưởng chiều cao. Phụ huynh có thể lựa chọn sản phẩm vitamin D3 dạng xịt chuẩn liều để con yêu không thiếu vi chất quan trong này.