Đất nước duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông hay toàn bộ tài sản đều được quy định cho con gái là những sự thật thú vị về “quốc gia rồng sấm”.
Bhutan vẫn thường được nhắc đến là “vương quốc của hạnh phúc”, quốc gia này luôn chú trọng tới các giá trị tinh thần, bảo tồn di sản văn hóa, đem đến cuộc sống bình yên cho người dân. Đến tận năm 1974, Bhutan mới bắt đầu mở cửa chào đón khách du lịch tới thăm. Là một quốc gia bé nhỏ nằm xen giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Bhutan ẩn giấu vô vàn bí ẩn chờ người đến khám phá.
1. Ăn ớt như ăn rau
Người Bhutan vô cùng thích ăn cay, trước cửa nhà mỗi người dân tại nơi đây luôn treo đầy những dây ớt khô để ăn quanh năm. Không giống như những nơi khác trên thế giới chỉ coi ớt là gia vị, ở Bhutan người ta sử dụng ớt như một loại rau.
Ớt có mặt trong hầu hết các món ăn, từ cơm chiên đến canh, món hầm, rau trộn, … Lý do người Bhutan ăn nhiều ớt như vậy là để chống lại khí hậu giá rét khắc nghiệt tại nơi đây. Bởi vậy đừng quá ngạc nhiên khi thấy ớt là một loại “rau” được tiêu thụ nhiều nhất so với các nhóm thực phẩm khác tại quốc gia nằm giữa lòng dãy núi Himalaya này.
2. Quốc gia duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông
Một sự thật đáng kinh ngạc về Bhutan là quốc gia này không hề có đèn giao thông. Thay vì dùng hệ thống đèn báo hiệu, người Bhutan cảm thấy có cảnh sát điều khiển luồng xe cộ sẽ thân thuộc và gần gũi hơn.
Thủ đô Thimphu cũng là thành phố lớn nhất Bhutan là nơi duy nhất cả nước từng có đèn giao thông. Tuy nhiên chỉ sau 24 giờ, hệ thống đèn báo giao thông tại đây lập tức bị gỡ bỏ. Lý do là bởi người dân không thích sự xuất hiện của những chiếc đèn báo vô cảm, họ mong muốn những người cảnh sát tiếp tục công việc phân luồng giao thông như trước.
3. Thuốc lá tuyệt đối bị cấm
Bhutan chính thức cấm bán thuốc lá từ năm 2004, chính phủ thậm chí còn không cho hút thuốc ở những nơi công cộng và ban sắc lệnh cấm các hoạt động trồng trọt hay thu hoạch thuốc lá. Đó là lý do khiến Bhutan được công nhận là quốc gia hoàn toàn không có khói thuốc đầu tiên trên thế giới.
Đối với những người muốn hút thuốc lá, họ vẫn được phép nhập khẩu một số lượng thuốc lá nhất định hằng tháng sau khi kê khai và nộp thuế. Còn khách du lịch nếu muốn mang thuốc lá vượt biên giới Bhutan thì sẽ phải chi trả một khoản phí vô cùng lớn.
4. Biểu tượng Phallic được sử dụng để xua đuổi điềm rủi
Nếu tới Bhutan du lịch, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều biểu tượng phallic (những hình ảnh về cơ quan sinh dục) được sơn vẽ với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau vô cùng đa dạng. Thậm chí người Bhutan còn chạm khắc những cây dương vật bằng gỗ và treo chúng trên mái nhà.
Theo quan niệm truyền thống của người dân nơi đây, biểu tượng này sẽ giúp xua đuổi tà ma và những điềm rủi. Người Bhutan không coi đây là một biểu tượng thô tục mà sẽ cảm thấy may mắn khi nhìn thấy những hình ảnh này.
5. Quốc gia duy nhất trên thế giới có lượng khí thải carbon âm
Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới hấp thụ nhiều khí CO2 hơn lượng khí thải ra. Theo thống kê, quốc gia này chỉ thải ra khoảng 1,5 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm. Tuy nhiên Bhutan có độ che phủ của rừng lên tới 72%, điều đó giúp quốc gia này hấp thụ được 6 triệu tấn carbon mỗi năm và biến nơi đây thành bể chứa carbon duy nhất trên thế giới.
6. Không có lò giết mổ
Dù người dân Bhutan vẫn tiêu thụ thịt nhưng đất nước này không có bất cứ lò giết mổ nào. Các loại thịt đều được nhập khẩu từ các nước láng giềng như Ấn Độ và Nepal. Nguyên nhân là do đây là đất nước theo Phật giáo, có tới gần 40% dân số ăn chay và việc sát sinh bị nghiêm cấm trong nước.
Trừ khi động vật chết do nguyên nhân tự nhiên, đến chủ nhân cũng không được phép giết chúng. Ngoài ra, bán thịt trong các tháng và ngày lễ quan trọng cũng là điều bị cấm.
7. Bhutan không có ngày lễ độc lập
Mặc dù có diện tích khá nhỏ, lại bị bao quanh bởi những “gã khổng lồ” như Ấn Độ hay Trung Quốc, tuy nhiên Bhutan chưa bao giờ là thuộc địa của bất kỳ quốc gia nào. Ngay cả trong thời kỳ thực dân Anh bành trướng, Bhutan vẫn là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chưa từng bị đô hộ.
Do đó, không như những quốc gia khác lấy ngày lễ độc lập làm quốc khánh, Bhutan lấy ngày 17/12/1097 là ngày vị vua đầu tiên của dòng họ Wangchuk (dòng họ đang trị vì Bhutan ngày nay) lên ngôi làm ngày kỷ niệm cho đất nước.
8. Ngôi đền cầu tự
Ở Bhutan có một ngôi đền rất nổi tiếng là Chimi Lhakhang hay còn được biết đến với cái tên Ngôi đền sinh sản. Mỗi năm có hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn hành hương đến đây với mong muốn có thể hoài thai. Những người đến cầu tự sẽ được trải qua nghi lễ ban phước từ một chiếc dương vật bằng gỗ, dài khoảng 25cm được cho là của Lạt ma Drukpa Kunley, có biệt danh là “Người điên thần thánh”. Đây cũng chính là người đã thành lập ra ngôi đền linh thiêng này.
9. Người dân Bhutan nói tiếng Anh lưu loát
Nhiều du khách cho rằng Bhutan là một quốc gia châu Á, nằm biệt lập giữa dãy núi Himalya hùng vĩ và ít qua lại với thế giới bên ngoài nên người dân nơi đây không thể nói tiếng Anh. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Dzongkha, hầu hết người dân Bhtan thậm chí cả trẻ em đều thông thạo và nói tiếng Anh lưu loát.
10. Phụ nữ ở Bhutan có địa vị cao trong xã hội
Ngày nay, ngay cả những nước phát triển cũng đang phải đấu tranh để tiến tới bình đẳng giới thì ở Bhutan, địa vị của những người phụ nữ từ lâu vẫn luôn được đề cao. Trong mỗi gia đình, tài sản thừa kế bao gồm nhà cửa, đất đai, gia súc,… đều được quy định cho con gái. Con trai được yêu cầu phải dọn tới ở nhà vợ cho đến khi anh ta kiếm đủ tiền để tự mua một ngôi nhà khác.