Thành phố biển Nha Trang nổi tiếng với nhiều đảo đẹp, bãi biển xanh mướt trải dài với bờ cát trắng mịn. Bên cạnh đó, ở Nha Trang còn có một Viện Hải dương học lưu trữ một lượng lớn mẫu sinh vật biển, được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận vào tháng 10 năm 2012.
Sơ đồ tham quan Viện Hải dương học Nha Trang
Viện Hải Dương Học Nha Trang nằm ở số 1 Cầu Đà, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km về phía Nam.
Viện được thành lập vào năm 1922 với tên gọi “Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương”. Sang năm 1930 đổi tên thành Viện Hải dương học Đông Dương.
Viện Hải Dương Học là viện nghiên cứu biển ra đời sớm nhất tại Việt Nam.
Do quá trình phát triển lâu đời, viện đã sở hữu được số lượng lớn rất nhiều sinh vật, thực vật biển quý hiếm từ nhiều quốc gia châu Á.
Đây là bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển, động thực vật được thu thập và giữ gìn qua nhiều năm. Bên cạnh đó cũng có những mẫu vật sống được nuôi thả trong bể kính.
Kiến trúc Viện Hải dương học được chia làm các khu vực như: hồ nuôi sinh vật biển và rừng ngập mặn, khu trưng bày mẫu vật lớn, khu rạn nhân tạo, khu tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa.
1. Khu trưng bày mẫu vật lớn
Bộ xương cá Voi lưng gù
Viện Hải Dương học sở hữu, lưu trữ ba mẫu vật lớn, được bố trí trong không gian rộng tới 200m2. Đây là điểm ấn tượng đặc biệt mà nhiều du khách nhớ đến khi nhắc tới Viện Hải dương học Nha Trang.
Ba mẫu vật kể đến bao gồm:
Bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ, dài 18m, nặng 10 tấn, đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm.
Tiếp đó là bộ xương bò biển – một loại thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Thứ ba là cá nạng hải nặng gần 1 tấn, dài 3,5m, rộng 5cm.
2. Khu đa dạng sinh học biển
Đây là nơi trưng bày, bảo quản bộ mẫu sinh vật biển. Khu vực này đang lưu giữ và bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn, vào khoảng 23.000 mẫu thuộc 5.000 loài (thuộc các nhóm: thực vật biển, hải miên, ruột khoang, thân mềm, giáp xác, da dai, cá, bò sát, thú biển).
Những mẫu quý hiếm viện đang lưu giữ có thể kể đến như cá tầm, cua vua, cá mặt trăng đuôi nhọn, trai khổng lồ nặng 145kg, mực bay khổng lồ, cá ông chuông, hải cẩu…
Mẫu vật cá Nhám voi đang trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học
Gần đây nhất, vào ngày 23/01/2016, Viện tiếp nhận thêm một con cá nhám voi dài 5,5m, nặng khoảng 1 tấn từ ngư dân tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hiện cá đang được xử lý để chuẩn bị cho việc chế tác thành mẫu vật trưng bày.
3. Khu hiện vật phi sinh vật
Ngoài bộ mẫu sinh vật biển, bảo tàng Hải dương học còn trưng bày bộ sưu tập mãu địa chất biển, được thu thập từ nhiều vùng khác nhau. Các thiết bị, máy móc khảo sát biển được chế tạo qua các thời kỳ. Trong đó có các loại máy móc đo đạc khí tượng, thủy văn biển. Từ đó ta có thể phần nào hình dung được quá trình hình thành và phát triển công nghệ nói chung và ngành nghiên cứu biển nói riêng.
4. Hệ thống bể nuôi sinh vật biển
Với không gian diện tích lên tới 5.000m2, hệ thống bể nuôi sinh vật biển của Bảo tàng Hải dương học nuôi hơn 300 loài sinh vật biển tiêu biểu và có giá trị như rùa biển, cá mập, cá đuối, cá chình, cá mú, san hô sống với các loại cá ảnh, tôm hùm… phục vụ tham quan và nghiên cứu.
Một số hình ảnh sinh vật biển được nuôi trong bể:
Giờ mở cửa tham quan bảo tàng – Viện Hải dương học là vào 6h - 18h tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ. Với giá vé 40.000 đồng/người/lượt, du khách đã có thể đắm chìm trong thế giới đại dương bao la với đủ loại sinh vật đa dạng từ trong và ngoài nước, được khám phá thế giới kỳ bí của biển cả.
Viện Hải dương học là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, đáng trân trọng và cần phải được bảo vệ, phát triển.