Từ những thiết kế và tính năng thô sơ thuở ban đầu, những chiếc Motorola bây giờ đã trở thành một trong những thiết bị cá nhân hiện đại nhất.
Cùng điểm lại 5 “dế” đã làm nên tên tuổi của hãng điện thoại nổi tiếng này.
Motorola DynaTAC
DynaTAC 8000X có thể coi là một trong những chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Máy được Motorola giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1973, nhưng phải tới năm 1984, mẫu điện thoại “cục gạch” mới bắt đầu con đường đến với tay người tiêu dùng. Và hồi đó, có được chiếc 8000X mới thực sự là sành điệu và là niềm mơ ước của bao nhiêu người.
DynaTAC 8000X có thể coi là một trong những chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới.
Điện thoại DynaTAC 8000X nặng tới 794 gram và thể tích ba chiều là 330 x 44,5 x 89 (mm) thật cồng kềnh và khác xa kiểu dáng của những chiếc điện thoại nhỏ gọn ngày nay. Không chỉ có vậy, thời gian đàm thoại của 8000X rất ngắn, chỉ có một giờ, và thời gian chờ chỉ là 8 giờ.
Nếu như so sánh DynaTAC 8000X và những chiếc điện thoại ngày nay thì thực sự khập khiễng, không chỉ quá khác biệt về kiểu dáng, những tính năng hỗ trợ mà ngay đến cả công nghệ, điện thoại 8000X chỉ có màn hình LED. Máy cũng không có màn hình hiển thị, mà có một ăng ten ngay phía bên trên để thu sóng. Một chiếc microphone rất to dùng để đàm thoại và tiếp đó là dãy phím số cũng chẳng nhỏ chút nào. Do đó, DynaTAC 8000X gần giống với một chiếc điện thoại cố định không dây bây giờ hơn.
Motorola StarTAC
Năm 1996, mẫu StarTAC trở thành biểu tượng thực sự với thân hình nhỏ gọn, “có thể đeo được”, phổ biến thiết kế vỏ sò và có tùy chọn để rung (vibrate) giống máy nhắn tin của Motorola. Giờ đây, giới sưu tầm gọi StarTAC là “huyền thoại bất tử”.
Năm 1996, mẫu StarTAC trở thành biểu tượng thực sự của Motorola với thân hình nhỏ gọn.
StarTAC không chỉ là điện thoại nhỏ và nhẹ nhất thời bấy giờ, mà vẫn là một chiếc điện thoại nhỏ và nhẹ theo tiêu chuẩn ngày nay, 17 năm sau. Được quảng bá là loại điên thoại “di động” đúng nghĩa (wearable) đầu tiên, StarTAC chỉ nặng tương đương 88 gram (nhẹ hơn iPhone 4). Do đó, nó là chiếc điện thoại đầu tiên có thể cho vào túi quần được.
Tất nhiên không thể sánh bằng các điện thoại thông minh ngày nay, nhưng StarTAC cũng có thể kết nối với laptop với tốc độ bằng 1/6 một modem dial-up 56k. Nó cũng là điện thoại đầu tiên có chế độ rung và dùng pin li-ion. Và với hình dáng gọn nhẹ, nghiêng về tính thời trang, StarTAC đã mang tới cho toàn thế giới một định nghĩa mới về thiết kế của điện thoại di động: điện thoại nắp gập dạng vỏ sò.
Motorola Razr V3
2004, năm tháng được xem là đỉnh cao nhất của Motorola, được đánh dấu với sự ra đời của Razr V3, xóa tan mọi rào cản về kích thước và thời trang của điện thoại di động, trở thành điện thoại vỏ sò bán chạy nhất lịch sử.
Chiếc Razr V3 ra đời năm 2004 nhanh chóng trở thành điện thoại vỏ sò bán chạy nhất lịch sử.
Khi V3 ra mắt, cả thế giới phải trầm trồ trước màn hình mỏng đến khó tin của chiếc điện thoại nắp gập này, và hầu như ngay lập tức, V3 định chuẩn cho một cuộc chạy đua mới của thế giới di động: độ mỏng.
Và sau đó, gần như tất cả các hãng sản xuất điện thoại bị cuốn vào vòng xoáy của việc cố gắng "đẽo gọt" sao cho sản phẩm của mình… mỏng dính, mỏng đến mức mà chuyện những "siêu mẫu" như Samsung X820 dễ dàng gãy gập khi nhét vào túi chật không phải là hiếm gặp.
Và thành công liên tục đến với Motorola khi V3 trở thành một biểu tượng của thời trang, sành điệu và công nghệ cao trong suốt 5 năm sau đó.
Motorola Atrix 4G
Motorola Atrix 4G là một trong những mẫu smartphone sử dụng vi xử lý lõi kép đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Smartphone tích hợp một loạt các công nghệ mới như màn hình 4 inch, độ phân giải qHD 540 x 960 pixel, RAM 1GB. Atrix 4G có bộ nhớ trong 16GB, cho phép mở rộng thông qua khe cắm thẻ nhớ microSD.
Motorola Atrix 4G là một trong những mẫu smartphone sử dụng vi xử lý lõi kép đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Thiết bị này sở hữu camera 5 megapixel, hỗ trợ kết nối HSPA+, pin dung lượng 1.930 mAh, cho phép đàm thoại liên tục 9 giờ. Atrix 4G đi kèm với một thiết bị được gọi là webtop, hoạt động giống như một chiếc laptop bằng cách cắm dock để truy cập vào máy.
Motorola Droid 4
Đầu năm 2012, thế hệ thứ 4 của dòng Motorola Droid nổi tiếng đã xuất hiện với màn hình qHD 4 inch chống xước, bàn phím QWERTY đầy đủ, bộ xử lý lõi kép 1,2 GHz và kết nối 4G LTE. Droid 4 gợi nhớ đến Droid Razr và Razr Maxx của Motorola, với cùng một kiểu màn hình, góc cạnh và thiết kế mặt lưng. Điểm khác biệt là Droid 4 có bàn phím QWERTY đèn nền đặc trưng của dòng Droid.
Droid 4 sử dụng microSIM, cổng microUSB và chạy hệ điều hành Android 2.3.5 Gingerbread.
Droid 4 sử dụng microSIM, cổng microUSB và chạy hệ điều hành Android 2.3.5 Gingerbread. Máy sẽ được nâng cấp lên Ice Cream Sandwich trong năm nay. Ngoài ra, Droid 4 cũng có camera trước phục vụ chat thấy hình, camera sau 8 megapixel hỗ trợ quay phim 1080p và kết nối 4G LTE. Máy hỗ trợ mã hóa FIPS 140-2 và khả năng sử dụng webtop.