Điện thoại Nexus của Google thu được những thành công đáng kể nhờ giá bán hợp lý so với cấu hình, không bị tùy biến quá nhiều về giao diện nên mang lại một trải nghiệm "thuần" Android hơn so với smartphone các hãng khác.
Ngày 29/9 tới đây, Google sẽ chính thức ra mắt thế hệ smartphone Nexus mới của hãng (thế hệ thứ 7). Chúng ta đều biết, rất nhiều khả năng dòng Nexus năm nay sẽ có tới hai model Nexus 5X và Nexus 6P. Trong số này, Nexus 5X do LG sản xuất, và model còn lại - chiếc Nexus 6P - đến từ công ty Trung Quốc Huawei. Nếu vậy, đây là lần đầu tiên Google ra mắt tới hai máy Nexus cùng lúc. Những năm trước đó, dù thuê đối tác nào sản xuất, hãng cũng chỉ công bố một model duy nhất. Nhân dịp Nexus 5X và Nexus 6P chuẩn bị ra mắt, chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử dòng smartphone rất được ưa chuộng này của Google.
Tháng 1/2010: Nexus One của HTC
HTC trở thành công ty đầu tiên được Google lựa chọn là nhà sản xuất điện thoại Nexus. Trước đó, hãng smartphone Đài Loan cũng được xem là công ty sản xuất chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên trên thế giới. Chiếc Nexus đầu tiên có thiết kế khá giống HTC Desire, và máy có cấu hình rất ấn tượng ở thời điểm ra mắt: Màn hình 3,7 inch AMOLED bên trong body phủ Teflon, chip tốc độ 1GHz, camera 5 MP.
Hệ điều hành Android 2.1 Eclair cũng được Google công bố và sử dụng trên Nexus One. Google còn hợp tác với hãng Cooliris để phát triển một thư viện ảnh 3D độc đáo nhằm demo API 3D (API được ra mắt cùng Android 2.1). Google Earth là một trong những ứng dụng 3D sử dụng API này.
Cựu CEO Bert Nordberg của Sony Ericsson cho biết Google ban đầu đã thỉnh cầu hãng sản xuất Nexus One nhưng Sony Ericsson từ chối. Nhìn vào những thành công Google thu được với dòng smartphone này, có lẽ Sony Ericsson đang cảm thấy hối tiếc vì quyết định của mình.
Tháng 12 năm 2010: Nexus S của Samsung
Cuối năm 2010, trách nhiệm sản xuất Nexus được chuyển sang cho Samsung. Điện thoại Nexus của Samsung được phát triển dựa trên dòng Galaxy S cao cấp. Cái tên Nexus S của máy một phần cũng xuất phát từ thực tế này.
Máy có cấu hình khá giống Nexus One: Màn hình 4 inch Super AMOLED, chip 1 GHz, camera 5MP. Nexus S chạy Android 2.3 Gingerbread và được bán với giá khá đắt (650 euro), tuy nhiên, giá được giảm xuống ít tháng sau đó.
Tháng 10/2011: Galaxy Nexus của Samsung
Gần một năm sau khi Nexus S ra mắt, Samsung tung ra chiếc điện thoại Nexus tiếp theo với tên gọi Galaxy Nexus. Một lần nữa máy được thiết kế dựa trên dòng điện thoại Galaxy S của công ty Hàn Quốc. Galaxy Nexus sở hữu màn hình 4,65 inch 720p công nghệ Super Amoled và chip xử lý 2 nhân. Đây cũng là smartphone được Google dùng để demo hệ điều hành Android mới Android 4x Ice Cream Sandwich. Android 4x cũng là phiên bản Android mà Google chuyển qua sử dụng chuẩn thiết kế mới có tên Holo. Về mặt kỹ thuật, Holo đã được giới thiệu trong phiên bản Android 3.x Honeycomb, tuy nhiên có rất ít thiết bị sử dụng nó. Holo có rất nhiều ảnh nền màu đen, tính năng được cho là rất phù hợp với các màn hình Amoled.
Galaxy Nexus có thiết kế hơi cong. Mặc dù bản thân màn hình của máy là phẳng, phần kính phía trên và kích thước tổng thể của máy lại được làm cong khá độc đáo. Đây cũng là điện thoại đầu tiên của Google hỗ trợ mạng 4G LTE. Lên kệ không lâu, sang tháng 6/2011, giá Galaxy Nexus giảm xuống còn 350 USD, giúp model này trở thành một trong những smartphone màn hình lớn giá rẻ nhất thị trường.
Tháng 10/2012: Nexus 4 của LG
Google ra mắt Nexus 4 hồi tháng 10/2012 và chuyển sang chọn LG làm đối tác sản xuất cho mình. Nexus 4 có thiết kế dựa trên chiếc LG Optimus G. Máy dùng màn hình 4,7 IPS độ phân giải HD 720p. Smartphone này sở hữu con chip mạnh ở thời điểm đó là Snapdragon S4 Pro (hiệu năng ngang ngửa Snapdragon 600 ra mắt sau đó). Đây là con chip được dùng trên nhiều smartphone Android đầu bảng trong 2012. Khác biệt nằm ở chỗ giá bán của Nexus 4 chỉ là 300 USD, rẻ hơn khá nhiều so với các máy Android cao cấp.
Đây là mức giá của bản 8 GB, người dùng phải bỏ thêm 50 USD cho bản 16 GB. Nexus 4 rất hút khách ở thời điểm lên kệ và cháy hàng chỉ sau hơn 20 phút bán ra tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, một điểm hơi lạ là máy không hỗ trợ mạng LTE. Các hacker sau đó khám phá ra rằng Nexus 4 thực chất cũng có LTE và thậm chí tìm được cách kích hoạt nó. Điều này khiến LG phải công khai rằng việc thiếu các thành phần cơ bản như bộ khuyếch đại và lọc sóng khiến LTE của Nexus 4 có thể hoạt động không ổn định. LTE bị vô hiệu hóa hoàn toàn trong một bản update phần mềm sau đó.
Tháng 10/2013: Nexus 5 của LG
Thành công của Nexus 4 giúp LG tiếp tục được chọn làm đối tác sản xuất điện thoại Nexus, và Nexus 5 được ra đời vào tháng 10/2013. Máy được trang bị chip cao cấp Snapdragon 800, camera 8MP có công nghệ ổn định hình ảnh quang học, hỗ trợ quay video 1080p.
LG cũng đã khắc phục lỗi LTE trên Nexus 5. Máy cũng được Google đặt hàng sản xuất nhiều hơn, và phiên bản 16 GB nhanh chóng cháy hàng khi giá bán chỉ là 350 USD. Nexus 5 không còn bản 8 GB, và người dùng phải trả 400 USD nếu muốn sở hữu bộ nhớ lưu trữ 32 GB.
Google đã có những thử nghiệm trên chiếc Nexus lần này. Camera với độ phân giải 8MP công nghệ hình ảnh quang học của Nexus 5 có thêm phần nam châm cho phép người dùng gắn thêm một số phụ kiện. Tuy nhiên, ý tưởng này không được thành công như mong đợi. Thành công của Nexus 5 có lẽ nằm ở sạc không dây, một tính năng được xem là "thời thượng" ở thời điểm hiện nay.
Máy chạy Android 4.4 KitKat, một bản cập nhật Android lớn với ngôn ngữ thiết kế Holo lúc này đã khá hoàn thiện. Android 4.4 cũng được tối ưu để chạy trên các máy có cấu hình thấp với RAM chỉ 512 MB. (Nexus 5 có RAM 2 GB).
Tháng 10/2014: Nexus 6 của Motorola
Google Mua Motorola năm 2011 nhưng hãng luôn chọn các công ty ngoài làm đối tác sản xuất điện thoại Nexus. Có lẽ Google không muốn làm mếch lòng các hãng điện thoại Android của mình bằng cách ưu ái "gà nhà".
Khi bán lại Motorola cho Lenovo năm 2014, Google nhận thấy rằng có thể "đối xử" với Motorola một cách sòng phẳng giống mọi hãng điện thoại khác. Đó là lý do chiếc Nexus 6 do Motorola sản xuất được ra đời. Tuy nhiên, không như các thế hệ Nexus trước, Nexus 6 có cấu hình hàng "khủng" và giá bán cao. Trong nhiều năm lần đầu tiên một chiếc Nexus có giá lên tới hơn 600 USD. Tuy nhiên, đổi lại người dùng được sở hữu một thiết bị với màn hình 6 inch QHD Amoled, chip Sapdragon 805, camera 13MP với công nghệ ổn định hình ảnh quang học. Máy có bộ nhớ trong 32 GB/64 GB.
Nexus 6 chạy Android 5.0 Lollipop, bản Android có giao diện người dùng được thiết kế lại sau một thời gian dài không có nhiều thay đổi. Theme Material Design lên ngôi loại bỏ các backgroud màu đen và thay bằng màu trắng, thiết kế phẳng được nhấn mạnh. Material có thể coi là một thành công của Google bởi sau đó nó tạo nên được tầm ảnh hưởng và làm thay đổi cách thiết kế ứng dụng lẫn website.