Bộ đôi điện thoại Pixel và Pixel XL vừa ra mắt của Google khiến nhiều người cho rằng dự án Nexus đã kết thúc.
Google vừa ra mắt hai smartphone Pixel và Pixel XL mới, dẫn đến câu hỏi về sự tồn tại của dự án phần cứng Nexus. Dự án Nexus khởi động từ năm 2010 với Nexus One và đến nay đã có 8 điện thoại, 4 máy tính bảng, 2 thiết bị giải trí khác. Google cho biết họ “không có kế hoạch” cho sản phẩm Nexus tương lai, gần như đánh dấu chấm hết cho Nexus.
Tương lai của Nexus còn bỏ ngỏ
Nexus ra đời như một ví dụ của Google dành cho các nhà sản xuất thiết bị Android. Smartphone và tablet Nexus được nhận phiên bản Android mới nhất đầu tiên và thường có tính năng phần cứng hiện đại để tận dụng lợi thế từ phần mềm. Google cũng thử nghiệm các mức giá với Nexus, trải dài từ cao cấp hơn 600 USD đến tầm giá thấp hơn.
Nexus thường được ví von là “iPhone của Google” nhưng thực tế Google lại bắt tay với các đối tác như Asus, Huawei, HTC, Motorola, LG, Samsung để sản xuất phần cứng. Cách tiếp cận của Google khiến mỗi đời Nexus trở nên độc đáo.
Nexus được cộng đồng yêu công nghệ chào đón nhưng lại không gây ấn tượng với công chúng. Hơn nữa, bạn chỉ mua Nexus qua Google chứ không thông qua các cửa hàng. Một điểm nữa khiến Nexus thiếu hấp dẫn là dù có cấu hình tốt, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các máy tốt hơn từ Samsung hay các hãng khác và mua được từ cửa hàng.
Dù vậy, khó nói chiến lược với Pixel của Google hoàn toàn khác biệt so với chương trình Nexus. Chúng đều là những thiết bị giới hạn, không thực sự bứt phá về thiết kế hay tính năng so với các mẫu Android cao cấp khác trong năm. Lợi ích thực sự của điện thoại Pixel cũng giống với Nexus, đó là bạn được trải nghiệm và nhận cập nhật phần mềm trực tiếp từ Google. Do đó, Pixel và Pixel XL có xu hướng rơi vào phân khúc thị trường ngách, tức là chỉ có một bộ phận ưa thích tương tự dòng Nexus.
Điều này có thể thay đổi nếu Google tiếp thị sản phẩm rộng rãi hơn và cho công chúng cơ hội tiếp cận Pixel dễ dàng hơn so với Nexus.