Khi “mổ phanh” sản phẩm này, các chuyên gia nhận thấy nó có thiết kế gần như không thể sửa chữa nếu gặp hỏng hóc.
Microsoft đã tung ra dòng sản phẩm máy tính bảng Surface cách đây vài năm và thu hút được lực lượng người hâm mộ đông đảo. Trong năm nay, hãng này lại tiếp tục mở rộng thêm danh mục sản phẩm với một chiếc laptop vừa truyền thống vừa hiện đại có cái tên “Surface Book”. Thoạt nhìn bề ngoài, ngoại trừ phần bản lề lạ mắt, chiếc laptop này trông có vẻ “cổ điển”. Thế nhưng bên dưới lớp vỏ cổ điển này là những linh kiện phần cứng cao cấp và được lắp ráp với nhau chặt chẽ tới mức gần như bạn không thể tự mình mở ra và sửa chữa bất cứ chi tiết nào. Các chuyên gia “mổ xẻ” của trang iFixit đã “vọc vạch” thiết bị này chấm 1/10 sao về khả năng sửa chữa.
Laptop, giống như smartphone, ngày càng chuyển đổi từ thiết kế đơn giản sang tinh tế, nhỏ gọn và phức tạp hơn. Chính điều này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho những người có sở thích “mày mò” thiết bị. Ngày nay sẽ rất khó để bạn có thể tìm được một chiếc laptop có pin tháo rời hay thanh RAM không bị hàn vào bo mạch chủ. Tuy nhiên, cũng có một vài thiết bị dễ sửa hơn những thiết bị khác. Và rất tiếc, Surface Book không nằm trong số này. Ngay bước mở nắp máy cũng là một thử thách khó khăn cho những “tay mơ”.
Tương tự như chiếc Surface Pro 4, chỉ có duy nhất một cách để mở phần máy tính bảng của Surface Book đó là dùng nhiệt và kéo thật cẩn thận để gỡ tấm màn hình ra khỏi khung kim loại. Nếu dùng quá nhiều lực, bạn sẽ có thể phá hỏng tấm kính, vậy là chẳng khác gì “chữa lợn lành thành lợn què”. Sau khi đã “hì hục” mở được chiếc Surface Book ra, một vấn đề nữa lại phát sinh: phần bo mạch chủ bị lộn ngược. Chắc chắn phải có một lý do nào đó hợp lý để các kỹ sư lắp phần bo mạch như vậy, nhưng với người dùng, điều này chỉ có nghĩa là khi sửa chữa bất cứ bộ phận nào cũng đồng nghĩa với việc phải tháo bo mạch chủ ra khỏi khung.
Thực sự, để tháo được phần bo mạch chủ, bạn phải loại bỏ vô số kết nối mà hầu hết chúng đều được dán và hàn vào nhau. Gần như không có con ốc vít nào, thế nên việc mở nắp chiếc Surface Book trở nên vô cùng “dễ gây ức chế”. Bo mạch chủ có hình dáng hơi giống chiếc đe và được đặt “thoải mái” bên trong phần khung. Điều đó có nghĩa là để tháo bỏ phần bo mạch này, tất cả những bộ phận khác đều phải được gỡ hết ra. Một điểm an ủi nho nhỏ đó là ổ SSD không bị hàn thẳng vào bảng mạch. Pin cho phần máy tính bảng được dán vào phần khung bên dưới bo mạch chủ, nhưng nó chỉ có dung lượng 2.387mAh. Mirosoft cho biết phần pin này trụ được 4 tiếng ở chế độ máy tính bảng.
Gỡ phần bàn phím của chiếc Surface Book cũng khó khăn không kém. Một lần nữa bạn lại cần chút nhiệt để tháo lớp vỏ ngoài (đương nhiên là không có 1 con ốc nào cho bạn vặn). Bên trong là một vài bảng mạch nhỏ cho phần cổng, dock và CPU Nvidia GeForce. Ngoài ra một thanh pin lớn 6.800mAh cũng được gắn chặt vào phần bên dưới.
Surface Book được đánh giá 1/10 sao trên trang iFixit, có nghĩa là thiết bị này rất khó sửa. Nếu bạn gặp bất cứ trục trặc nào với chiếc Surface Book, kể cả bạn mang đến trung tâm bảo hành của Microsoft thì cũng không chắc rằng thiết bị của bạn có thể sửa được, mà có thể giá sửa chữa cũng ngang ngửa giá thay mới.