Thiết kế không quá độc đáo, cấu hình không còn là yếu tố quyết định hàng đầu, phần mềm giống nhau trên mọi máy… Đó là những lý do khiến các mẫu smartphone Android cao cấp giá đắt không còn hấp dẫn như trước.
Màn hình HD khổng lồ, camera độ phân giải cao, RAM vài GB, chip nhiều nhân. Trong vài năm qua, đây là những đặc điểm quan trọng để phân biệt một smartphone cao cấp với loại tầm trung, tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Mỗi năm, một loạt thiết bị cao cấp, giá bán đắt đỏ lại được ra mắt thông qua những sự kiện hoành tráng cùng chiến dịch tiếp thị lớn. Những ngày đầu của Android, thông số kỹ thuật và cải tiến phần mềm là các tiêu chí đứng đầu quyết định việc mua sắm tablet, smartphone mới. Song ngày nay, nó không quá quan trọng nữa. Các thiết bị tầm trung không còn là tầm trung nữa mà mạnh mẽ hơn và giá rẻ hơn, đủ để lôi kéo người dùng khỏi bị lóa mắt bởi các sản phẩm cao cấp.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là smartphone cao cấp có còn đáng mua hay không?
Thiết kế và phong cách
Một vài năm trước, phần lớn các hãng sản xuất smartphone đều ra mắt “át chủ bài” với thiết kế độc đáo, nổi bật so với các đối thủ khác cùng loại. Tuy nhiên, vài năm qua xu thế đã thay đổi. Những gã khổng lồ như Samsung, LG, HTC đều trình làng thiết bị tầm trung, bình dân với thiết kế từa tựa thiết bị cao cấp. Dù đây là biện pháp tiết kiệm chi phí hiệu quả, nó lại biến smartphone cao cấp trở nên bình dân đi một chút.
Người tiêu dùng bình thường không tìm kiếm quá nhiều ở một chiếc điện thoại. Chỉ cần nó đẹp, màn hình lớn là đã đủ để họ quyết định mua. Xu hướng mới này rõ ràng mở ra triển vọng cho các mẫu điện thoại bình dân.
Không cần phải “cướp ngân hàng”
Với một số người, phần cứng phải có cấu hình mạnh nhất, hiện đại nhất thì mới “xứng tầm”. Với sự tiến bộ của công nghệ, nhiều sản phẩm giá bình dân cũng không thua kém so với các thiết bị gần 1.000 USD, chẳng hạn, Motorola G. Với giá khoảng 180 USD, bạn có được màn hình 5 inch Full HD, chip lõi tứ, máy ảnh 8 “chấm”, phiên bản Android thuần túy. Không chỉ có Motorola, các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, ZTE, cũng tham gia vào cuộc chiến này khi đưa phần cứng mạnh mẽ vào smartphone giá thấp.
Một ví dụ gần nhất là Asus ZenFone 2, thiết bị sử dụng chip Intel, RAM 4GB đầu tiên trên thế giới. Trong khi có giá bán khiêm tốn, đắt nhất chỉ hơn 7 triệu đồng, hiệu suất và cả thiết kế của ZenFone 2 cũng đáng kinh ngạc, không thua kém thiết bị cao cấp. Dù không được tiếp thị rình rang với đại sứ thương hiệu là các ngôi sao thế giới, chúng lại có đối tượng người dùng riêng của mình.
Một lựa chọn khác cho những người đam mê sản phẩm của thương hiệu lớn là mua lại mẫu máy của năm trước với giá chiết khấu. Cũng như thị trường xe hơi, mỗi năm lại có thêm smartphone cao cấp hơn ra đời. Tuy nhiên, nếu hai sản phẩm cũ và mới không có khác biệt lớn như HTC One M9 và One M8 trong khi sản phẩm cũ lại được giảm giá mạnh, không có lý do gì để bỏ cả đống tiền ra mua mẫu mới. Dù ra đời từ một năm trước, nó vẫn đủ mạnh để nâng cấp phiên bản hệ điều hành mới, hoạt động không thua kém sản phẩm kế nhiệm.
Trường hợp đặc biệt: “Fan cuồng” công nghệ
Nếu tình yêu đối với thiết bị của bạn trở nên cuồng nhiệt tới mức không màng tới số tiền phải bỏ ra, có nhiều lợi ích khi mua máy hoàn toàn mới. Dù có kiểu dáng hao hao và cấu hình khá, các thiết bị tầm trung nói trên vẫn thiếu đi những tính năng đặc biệt như hỗ trợ kết nối LTE, NFC, cảm biến sinh trắc học, camera quay phim 4K.
Mỗi smartphone mới lại mang đến nỗ lực cải thiện cả phần cứng lẫn phần mềm, đây là xu hướng không thể tránh khỏi của ngành công nghệ. Chẳng hạn, gần đây Google tuyên bố ủng hộ cổng USB Type-C và cho biết người dùng có thể sử dụng nó trong điện thoại Android tương lai. Một lợi ích khác của model mới là hiệu suất thực tế. Về cơ bản, phần cứng đã được tối ưu hóa cho phiên bản Android gần nhất.
Tạm kết
Sự phát triển của Android không chỉ là câu chuyện liên quan đến phần mềm. Trong những năm qua, phần cứng di động đã có vô số cải tiến, mang đến những linh kiện tối tân cho thiết bị giá rẻ. Trên lý thuyết, một số smartphone tầm trung ngày nay có sức mạnh ngang ngửa “siêu điện thoại” thời gian trước. Trong một số trường hợp, phần cứng không còn là yếu tố tối quan trọng, thiết bị “át chủ bài” cũng không còn sức hấp dẫn với người dùng thông thường như trước kia.