Thiết kế máy tính mới: xoay, gập, tháo hay bẻ?

Ngày 15/06/2013 12:00 PM (GMT+7)

Cách nay vài năm, ít ai nghĩ đến ngày cầm chiếc máy tính có thể xoay, bẻ gập hay tháo rời lại phổ biến trên thị trường nhanh đến vậy.

Bất chấp giá của chúng còn đang “trên mây” và người dùng vẫn khó cưỡng lại sức hút của các thiết kế mới này.

Các thiết kế mới chịu tác động thay đổi mạnh mẽ từ khi Microsoft tung ra Windows 8. Từ máy tính xách tay (notebook), máy bàn (desktop), máy tính bảng (tablet) cho đến những thiết kế lai thi nhau ra mắt thị trường, mỗi nhà sản xuất đều tung ra thiết kế đặc biệt khuếch trương cho xu hướng mới này. Xoay hay bẻ gập ra sau, tháo rời thân máy, muốn cắm đứng hay “dựng lều” để vừa nằm vừa lướt web đều được. Tính năng cảm ứng hiện có cả ở các laptop thông thường, máy để bàn. Và một máy tính để bàn có thể trở thành thiết bị không dây…

Những đứa “con lai” và desktop không dây

Các dòng máy tính lai hay thiết bị máy tính chuyển đổi cho phép người dùng sử dụng một laptop hiệu năng cao cho công việc, nhưng khi cần có thể chuyển sang dạng máy tính bảng thuận tiện cho giải trí. Lenovo cho phép đưa ra các thiết kế laptop theo dạng tiêu chuẩn ở chế độ tablet, gập máy như căn lều (tent) hay để chế độ đứng (stand) lấy bàn phím làm chân đế.

Bộ ba Lenovo ứng dụng sáng chế mới bán tại Việt Nam gồm IdeaPad Yoga (11 và 13) và ThinkPad Twist. Công nghệ mới giúp máy tính xoay máy 360o và gập lại dễ dàng; lật bàn phím ra sau để chuyển máy sang chế độ đứng (stand); hay gấp về phía trước như hình chiếc lều (tent) để giải trí, tiện lợi với màn hình đa chạm...

Thiết kế máy tính mới: xoay, gập, tháo hay bẻ? - 1
Máy tính bàn lai máy tính bảng IdeaCentre Horizon.

Sony đặt tên cho thiết kế mới Vaio Duo 11 là “lướt và trượt” (Surf Slider) đi kèm bút cảm ứng điện tử Digitizer Stylus cung cấp tính năng của một thiết bị thông minh và đa dụng. Duo 11 là thương hiệu cao cấp được ví như “bản giao hưởng hoàn hảo giữa notebook và tablet” với thiết kế màn hình không cố định ở cạnh đáy, có thể điều chỉnh góc đứng và di chuyển theo chân đế, theo đó linh hoạt lựa chọn chiều đứng cho màn hình.

XPS 12, thiết kế của Dell có dạng vỏ sò truyền thống nhưng màn hình có thể xoay, lật quanh một khung đỡ; tự động ngắt bàn phím khi màn hình được lật so với khung. XPS 12 ấn tượng với thiết kế mỏng, tinh xảo bằng chất liệu sợi carbon và hợp kim nhôm… Còn nhiều “thiết kế lai” khác có tại Việt Nam như Asus Zenbook UX31, Toshiba Satellite U920T, MSI SlideBook S20, HP Envy X2…

ViewSonic tung ra ba màn hình máy bàn TD2340, TD2740 và TD3240 có khả năng chống xước, công nghệ cảm ứng điện dung 10 điểm, tấm nền (panel) Professional Grade IPS độ phân giải Full HD và công nghệ tiết kiệm điện năng Energy Star. Máy hỗ trợ nhiều loại cổng kết nối như DisplayPort, HDMI và VGA, chuẩn USB HID và chuẩn lắp đặt VESA. Phiên bản phổ thông TD2340 đã có mặt tại Việt Nam là thiết kế chân đế linh hoạt, có thể tuỳ chỉnh màn hình dọc, ngang, đặt nằm trên mặt phẳng hay điều chỉnh độ cao…

Máy tính bàn lai máy tính bảng như IdeaCentre Horizon của Lenovo lại là thiết kế đa chạm, đa chế độ sử dụng cho phép nhiều người dùng màn hình chạm cùng lúc. Có thể đặt máy trên mặt phẳng hay chuyển đổi thành một máy bàn 27 inch có hiệu năng cao và thực hiện đồng thời nhiều tác vụ...

Giá bao nhiêu cho vừa?

Hầu hết các thiết kế ultrabook được tích hợp chip xử lý thế hệ mới nhất (Core i3/5/6 thế hệ Ivy Bridge) với mức điện áp cực thấp (ULV), tăng thời gian sử dụng pin (từ tám giờ, có dòng đến 13 giờ pin). Mỏng và nhẹ từ 1,2 – 1,5kg hiện là trọng lượng phổ biến của các dòng ultrabook, thậm chí Zenbook UX31 của Asus được ví “mỏng như dao cạo” khi gấp máy cạnh trước chỉ 3mm và cạnh đuôi 9mm. Ổ SSD thế hệ mới cũng giảm đáng kể thời gian khởi động và cải thiện khả năng phản hồi của hệ thống trong xử lý dữ liệu.

Giá cao thấp còn phụ thuộc vào công nghệ màn hình, độ phân giải, bộ nhớ RAM và nhiều ứng dụng về công nghệ đồ hoạ, âm thanh, cảm biến hình ảnh… Chẳng hạn ViewSonic TD2340 (23 inch), giá 12,5 triệu đồng; nhưng phiên bản TD3240 32 inch chuyên dụng trong khách sạn, nhà hàng…, giá tới 2.499 USD; IdeaCentre Horizon cũng có giá 1.699 USD.

Các “thiết kế lai” hiện mức giá dao động từ 20 – 35 triệu đồng. Thiết kế mới thường giá cao. Nhưng chẳng gì phải vội bởi Windows 8 ra đời chưa đầy sáu tháng, thị trường sẽ ngày càng đa dạng mẫu mới và nhiều sự lựa chọn hơn. Còn theo chu kỳ tiêu dùng, cứ 3 – 6 tháng giá sản phẩm công nghệ sẽ giảm đáng kể, nhường chỗ cho những thiết kế mới hơn.

Theo SGTT
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Laptop