Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế hiện đã nằm trong nhóm các trường đại học trọng điểm quốc gia, được đánh giá là một trong 10 trường đại học tốt nhất tại Việt Nam.
Đại học Huế có tiền thân là Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, là đại học đầu tiên và lâu đời nhất khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Từ khi thành lập cho tới nay, trường được đánh giá là một trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam. Vừa qua, Đại học Huế lần đầu tiên được xếp hạng trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới Quacquarelli Symonds 2025. Cũng theo bảng xếp hạng khu vực của Quacquarelli Symonds (QS) năm 2023, Đại học Huế nằm trong nhóm 351 - 400 đại học tốt nhất châu Á và thứ 6 của Việt Nam.
Những thành tích vươn tầm khu vực và thế giới đã chứng minh sự lớn mạnh của Đại học Huế, xứng đáng là ngôi trường được các thế hệ sinh viên gửi gắm niềm tin tri thức.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đa lĩnh vực
Khi mới thành lập vào năm 1957, Viện Đại học Huế có 4 phân khoa: Khoa học, Sư phạm, Văn khoa và Luật khoa. Hai năm sau, một phân khoa mới được thành lập là Y khoa. Đến hiện tại, Đại học Huế đã có nhiều đơn vị thành viên đào tạo chuyên ngành là: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Luật, Viện Công nghệ Sinh học, Trường Du lịch, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ và Phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị.
Trường Đại học Kinh tế
Trường Đại học Sư phạm
Trường Đại học Y dược… và còn nhiều trường thành viên khác của Đại học Huế
Để đảm bảo cho chất lượng giảng dạy, trường hiện có 196 Giáo sư, Phó Giáo sư, 508 Tiến sĩ, 1.378 Thạc sĩ, 463 Giảng viên cao cấp, Giảng viên chính, cùng với 107 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú phục vụ giảng dạy và đào tạo ở mọi ngành nghề và các hình thức học tập.
Tính đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Huế được đánh giá là đặc biệt rõ nét với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo. Đại học Huế có hệ thống ngành nghề đào tạo như: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, nông lâm sinh, y, dược, nghệ thuật, kinh tế, công nghệ, sư phạm, ngôn ngữ nước ngoài,… đều là những ngành học hot và đang “khát nhân lực” trên thị trường lao động.
Sinh viên Đại học Huế được đào tạo, nghiên cứu và phát triển toàn diện
Cựu sinh viên của Đại học Huế đều là những nhân tài phục vụ trong các lĩnh vực của đời sống với thu nhập cao. Theo các báo cáo, 100% sinh viên Đại học Huế sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, trong số đó có nhiều em tiếp tục nghiên cứu lên cao hoặc nhận học bổng tại các trường danh giá trên thế giới.
Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành Đại học Quốc gia Huế
Đại học Huế có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và đồng bộ đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học thành viên, các khoa, viện và trung tâm trực thuộc.
Đại học Huế có khuôn viên rộng lớn với quy mô sử dụng đất có tổng diện tích là 1.171.039m2, trong đó có 97.418m2 diện tích sàn gồm phòng học và phòng thực hành thí nghiệm. Ngoài ra, trường có 10 ký túc xá sinh viên đáp ứng 6.000 chỗ nội trú. Điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo diện tích đất/sinh viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.
Hệ thống cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, hiện đại phục vụ tốt cho mọi nhu cầu
Khu quy hoạch Đại học Huế tại xã Thủy An và phường An Cựu, TP. Huế có diện tích 147ha được thiết kế như một đô thị Đại học hiện đại văn minh với đầy đủ tiện nghi, văn phòng làm việc, nhà học, ký túc xá sinh viên, khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí,... nhằm hướng tới mô hình giáo dục toàn diện về thể - đức - trí - mỹ.
Hệ thống thư viện của trường được trang bị máy tính nối mạng, hệ thống tra cứu tài liệu dạy và học hiện đại cùng các chương trình đào tạo trực tuyến. Các đầu sách được kết nối liên thông với Trung tâm Học liệu nhằm chia sẻ tài nguyên giữa các đơn vị, nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu tại trường.
Khu thư viện rộng lớn của trường
Trong những năm qua, các dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đã bổ sung thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho Đại học Huế với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1998), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002), Huân Chương Độc lập hạng Nhất (2012) và nhiều danh hiệu khác. Hiện nay, Đại học Huế đang tái cấu trúc và hoàn chỉnh đề án chuyển thành Đại học Quốc gia Huế theo hướng tự chủ.
Mục tiêu của trường là phấn đấu đến năm 2025 nằm trong top 300 trường đại học hàng đầu Châu Á và 1.000 trường đại học thế giới, trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.
Đại học Huế là nơi được nhiều sinh viên gửi gắm niềm tin
Với những gì đã làm được và đang tiếp tục phát triển, Đại học Huế luôn tự hào về truyền thống, vị thế và vai trò, tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa dân tộc, xứng đáng là cơ sở sở giáo dục chất lượng thuộc thành phố TW thứ 6 của Việt Nam trong năm 2025.