Bà mẹ cho con 9 tuổi bú lên tiếng: Mẹ chồng mình ủng hộ, còn khoe “cháu bú mẹ nên 9 tuổi đã mở lớp tiếng Anh, tự tin”

Hạ Mây - Ngày 14/08/2022 11:59 AM (GMT+7)

Chủ nhân bài viết nhiều tranh cãi chính thức lên tiếng!

Những ngày gần đây, câu chuyện mẹ Việt cho con bú mẹ đến năm 9 tuổi nhận được sự quan tâm từ truyền thông, gây ra tranh luận trên khắp các trang mạng xã hội. Cụ thể, chị Thu Trang - bà mẹ 2 con đã chia sẻ ảnh cho con gái 9 tuổi bú mẹ trên trang cá nhân. Hiện tại, bài viết đã thu hút hơn 21 nghìn bình luận và 4 nghìn lượt chia sẻ, chủ yếu là những ý kiến phản đối. Bên dưới bài đăng, người dùng mạng và cũng là mẹ bỉm sữa cho rằng: “Mình nghĩ con bạn đã quá lớn để thực hiện việc bú mút ti mẹ như thế này” hay “Mình chỉ muốn hỏi 9 tuổi còn bú mẹ thì nó có ý nghĩa gì? Thấy vô nghĩa hết sức. 9 tuổi là độ tuổi bắt đầu học hỏi nhiều rồi, có bé còn đã hiểu rõ giới tính… Vậy mà vẫn còn ôm mẹ bú”,...

Liên hệ với chị Trang - chủ nhân của bài viết để ghi nhận ý kiến cũng như quan điểm của chị khi quyết định cho con bú mẹ đến năm 9 tuổi.

Bài viết nhận được nhiều chú ý của chị Thu Trang.

Bài viết nhận được nhiều chú ý của chị Thu Trang.

Chào chị, chị chia sẻ đôi nét về gia đình mình nhé? Các con chị đang duy trì bú mẹ ra sao?

Mình có 2 em bé, một bé 9 tuổi và một bé hơn 4 tuổi. Các bé đều đang được bú mẹ. Như bạn 9 tuổi nhà mình thì vài tháng con mới bú một lần. Suốt 1 thời gian dài bạn không bú, một hôm bạn thấy em bú thì bạn muốn bú thêm thì bạn sẽ hỏi mẹ: “Mẹ ơi con có thể bú được không?”. Và nếu lúc đó mẹ sẵn sàng, hai người có sự trao đổi với nhau, thì mẹ sẽ cho bú. Hôm đó là một ngày rất ngạc nhiên là bạn bú mẹ lại, trong chiếc xe gia đình khi gia đình đang đi chơi. Mình cũng rất vui vẻ cho con ti. 

Dựa vào cơ sở nào mà chị tin là mình nên cho con bú mẹ kéo dài và quyết định để con bú mẹ đến năm 9 tuổi?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhiều hướng dẫn về việc cho con bú, nhưng không đề nghị giới hạn ở độ tuổi nào thì nên cho con thôi bú. Thông tin như sau: Khuyến nghị cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau đó tiếp tục cho trẻ bú mẹ cùng với thức ăn bổ sung trong 2 năm hoặc lâu hơn. Còn trong xã hôi, mọi người có quan điểm thôi sữa khá khác nhau. Mốc thôi sữa của mỗi người đều khác nhau. Có người 1 tháng tuổi đã thôi sữa rồi, có người 6 tháng, có người 1 - 2 năm, có người nói là cho bú là tốt nhưng đến 3 - 4 tuổi thôi chứ sao làm lố vậy?

Quyết định thôi sữa của mình dựa trên sự tham khảo thông tin từ WHO và sự trao đổi giữa hai mẹ con. Mình không thôi sữa vì ý kiến của ai đó bâng quơ trên mạng, họ hàng yêu cầu hay hàng xóm khuyên bảo góp ý. Chẳng hạn như khi mình cho bú, sẽ có người nói: “Tại sao giờ này còn cho cháu bú. 6 tháng rồi còn chất gì nữa, toàn là ghét bẩn thôi. Cai đi”. Đây là những lời lịch sự nhất rồi. Mình tôn trọng và đồng cảm nhưng mình sẽ ra quyết định của bản thân khi có thông tin khoa học và đầy đủ nhất. 

Tiếp nhận nhiều ý kiến trái chiều như thế, chị phản ứng như thế nào?

Mình đã gặp vô vàn ý kiến trái chiều, có cả những lời lẽ thô tục. Điều đó thể hiện nhận thức và quan điểm về bầu vú của người phụ nữ trong xã hội gắn liền với hình ảnh gì. Có những người thấy mình cho con bú, họ sẽ bảo: “Che vào đi. Cho con bú thì đi vào nhà vệ sinh”. Mình có ăn cơm, uống cà phê ở trong nhà vệ sinh không? Tại sao bắt đứa trẻ như thế? Người ta thoải mái khi mặc áo hở nửa bầu ngực nhưng lại không thoải mái khi thấy một người mẹ cho con bú. Đó là một sự kỳ thị. Hãy ngưng tình dục hóa bầu ngực vì nó được thiết kế để nuôi dưỡng em bé.

Trước những phản ứng công kích, mình chọn im lặng. Mình tôn trọng và luôn giữ tâm thế tò mò muốn hiểu chứ không phán xét. Mình là một người mẹ nhỏ bé và rất đỗi bình thường, mình chẳng là ai cả nên việc mọi người hiểu lầm mình cũng không có gì to tát quá.

Con lớn như thế mà vẫn bú mẹ. Chị có lo lắng bé bị phụ thuộc vào mẹ và không tự lập được?

Các mẹ thường sợ con bám, không thích con bám vì thường nghĩ rằng con bám hay bện hơi mẹ sẽ khiến con không thể tự lập được. Thế nhưng tự lập - tự làm mọi việc có phải một điều tốt không? Khi đi làm, mình có tự mình làm hết mọi việc hay cần có sự hỗ trợ của cả ê-kíp?

Thay vì tự lập, dạy con tự làm, mình dạy con cộng hưởng. Cộng hưởng và chia sẻ là 2 đức tính mà mình trao cho con. Hai đứa con cùng bú mẹ. Thời điểm mình mang bầu, con lớn vẫn bú mẹ. Khi mình trao cho con tư duy cộng hưởng, chia sẻ, con sẽ quen với điều đó. Bây giờ con của mình, bé 9 tuổi có thể chăm sóc và tắm cho em, hỗ trợ khi mẹ bận. Hai mẹ con cộng hưởng và chia sẻ. Cho nên từ “tự lập” không có trong từ điển của mình. 

Việc bú mẹ ở thời điểm này không vì mục đích dinh dưỡng nữa, vì em bé đã ăn rồi. Hình thức bú mẹ này mang ý nghĩa kết nối, yêu thương, là cơ hội để mình giáo dục giới tính cho con và cho con kiến thức về sữa mẹ  

Khi con lớn và muốn bú mẹ ở nơi công cộng. Chị sẽ giải quyết như thế nào?

Điều này liên quan đến tâm lý theo độ tuổi. Một em bé từ 0 -2 tuổi con sẽ sống theo bàn năng. Con đòi ăn khi cần ăn và muốn ngủ khi cần ngủ, chưa biết quan tâm tới nhu cầu của người khác. Ở giai đoạn này, mình sẽ đáp ứng hoàn toàn việc cho con bú nơi công cộng. Mình hoàn toàn thoải mái và không thấy ngại việc cho con bú nơi công cộng. Một số người cảm thấy ngại, họ sẽ dùng khăn để che. Thế nhưng mình cho rằng đó là một hình ảnh cần lan toả và quảng cáo, rất thiêng liêng và không có gì phải xấu hổ hết.

Những người trong gia đình chị phản ứng như thế nào khi bé lớn vẫn bú mẹ?

Trong gia đình, khi có xung đột, mình cũng làm y chang trên Facebook bây giờ. Không hề cãi lại, không hề chửi bới, không hề cố gắng chứng minh. Thời gian sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất. Mọi người trong gia đình mình từ lúc phản đối, cho đến bây giờ, đã trở thành những người lan truyền lợi ích sữa mẹ cho những người xung quanh.

Bà nói: “Học chị Trang, nuôi con sữa mẹ nên con khoẻ lắm, thông minh lắm. 9 tuổi đã mở lớp dạy tiếng Anh, dạy vẽ, tự tin lắm”. Ông bà rất tự hào. Ông bà thấy là lúc đầu con không to như con hàng xóm, nhưng các bạn rất khoẻ, rất thông minh, có chính kiến,... Ông bà ngày càng được thuyết phục. Thời gian thuyết phục đó kéo dài rất nhiều năm. Có lẽ phải đến khi con 5 tuổi, mọi người mới hoàn toàn bình thường và hết lo lắng.

Việc chia sẻ hình ảnh con 9 tuổi vẫn bú mẹ trên mạng xã hội có thể khiến con trở thành tâm điểm dư luận. Chị nghĩ sao về điều này?

Việc đăng bức hình, có được sự cho phép của bé với mục đích cổ vũ các mẹ nuôi bú dài lâu. Khi được khoảng 6 tháng, con đã gặp rất nhiều lời chê bai rồi như là: “Eo ôi sao cho bú tới bây giờ, còn gì là sữa nữa đâu”. Từ 6 tháng, đến 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi,... Mỗi một tháng về quê, thì con nhận được bao lời chê bai, dèm pha. Mình chỉ mới gặp gần đây thôi nhưng con thì tính bằng mấy năm. Thế nên với con mình, việc người khác không đồng ý với mình là chuyện bình thường.

Những em bé được bú mẹ lâu dài rất dũng cảm. Có vài bé, bị chê thì con sẽ thôi bú mẹ luôn. Có những em bé không bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Mình dạy con phẩm chất của con, cuộc sống của con là do con quyết định. Nó không đặt trên đầu lưỡi của người khác. Thế nên khi người khác nói gì thì con lắng nghe và chọn lọc chứ không bị phụ thuộc vào người khác.

Tần suất các con của chị bú mẹ hiện tại ra sao? Có những ý kiến cho rằng, việc cho bé bú mẹ kéo dài, nhất là những bé trai sẽ khiến con lệch lạc giới tính. Chị nghĩ sao?

Bé 4 tuổi nhà mình chỉ bú mẹ lúc đêm trước khi đi ngủ. Còn bé 9 tuổi thì đã thôi sữa từ hơn 7 tuổi. Lâu lâu vài tháng bé nhớ bạn ti thì sẽ được mẹ cho ti nếu mẹ thoải mái. Như mình đã chia sẻ, tần suất bú mẹ của con người sẽ giãn dần ra. Trong trường hợp nếu con đã 9 tuổi và vẫn đòi bú mẹ nhiều, mình phải đặt ra câu hỏi. Đây là cơ hội mình quan sát giữa mẹ và con. 

Có những trường hợp bé trai bú mẹ và bạn thấy cơ thế bé bị căng cứng co giật. Người mẹ phải lập tức thắc mắc, can thiệp và trao đổi với con. Vì sao con làm như vậy. Có thể xuất phát từ hiện tượng, con nhìn thấy bố mẹ làm việc đó và con bắt chước hoặc con thấy từ đâu đó. Mình phải sửa từ những điều đó chứ không phải đổ lỗi hết cho bú mẹ. Điều đó là không chính xác. Bằng chứng là con mình, bạn ấy bú mẹ đến năm 9 tuổi và giới tính bạn hoàn toàn bình thường chứ không hề bị gì hết. Mình biết vì mình quan sát con rất thường xuyên. Sự kết nối giữa hai mẹ con có bú mẹ nó rất mạnh mẽ. Bạn ấy ngủ chung với mình, việc hai mẹ con ngủ chung, tắm chung là cơ hội để mình giáo dục con về giới tính.

Đối với những đứa trẻ, khi hỏi về bầu vú, các con chẳng bao giờ liên tưởng đến tình dục cả. Giống như khi mình hỏi: “Nồi cơm để làm gì” “ để lấy cơm ăn”. Với con, bầu vú là để cho em bé bú bú, cho dù người lớn có tưởng tượng thế nào.

Xin cám ơn chị đã chia sẻ quan điểm.

Hiện bức ảnh cho con gái 9 tuổi bú mẹ của chị Thu Trang vẫn đang gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Ý kiến của bạn thế nào về vấn đề này?

Con 10 tuổi vẫn bú mẹ 4 lần/ngày gây tranh cãi
Tiểu Bảo lúc nào cũng quấn mẹ, đòi ti không được là sẽ ăn vạ, tự làm mình bị thương.

Cho con bú

Theo Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con bằng sữa mẹ