Kinh nghiệm và quá trình dạy con của mẹ bé Quốc Hào sẽ khiến nhiều chị em 'tâm đắc'.
Năm nay mới 3 tuổi nhưng cậu bé Nguyễn Trọng Quốc Hào (Hoàng Mai – Hà Nội) đã nhớ được hàng trăm từ tiếng Anh, nhớ song song từ tiếng Anh – tiếng Việt của các loại quả, con vật…, cộng trừ nhân chia trong phạm vi 10, nhận biết được các chữ thuộc bảng chữ cái tiếng Việt, tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh.
Nhớ lại ngày chưa có gia đình, tình cờ, chị Trần Thị Huế (mẹ của Hào) đọc được bài báo về phương pháp giáo dục sớm nhằm phát triển trí não của bé trong thời điểm vàng từ 0-3 tuổi. Bài báo đã góp phần ảnh hưởng đến suy nghĩ của chị.
Theo lời chị Huế, đó thực sự là một hành trình gồm cả ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thức ăn cho đến trò chuyện với con hàng ngày. “Ngay từ khi mang thai, tôi đã đọc sách hàng ngày, kể chuyện cho cháu nghe. Ngoài cho con nghe nhạc, tôi còn kể mọi tâm tư tình cảm trong cuộc sống. Không biết con có cảm nhận được không nhưng cứ cố gắng truyền cho bé mọi tâm tư, tình cảm, suy nghĩ”, chị Huế chia sẻ.
Bé Hào có khả năng tiếp thu nhanh, hiếu động và ưa thích khám phá kiến thức mới. Để tìm được tri thức mới, điều dễ hiểu là trẻ sẽ hỏi rất nhiều vấn đề. Là phụ huynh, bận rộn với rất nhiều công việc trong gia đình và cơ quan nhưng vợ chồng chị Huế luôn chú ý trả lời các câu hỏi của con, không mắng con khi trẻ hỏi nhiều.
1-2 tháng đã dạy cho con những bài học đầu tiên
Ngay từ khi Quốc Hào được 1-2 tháng tuổi, chị Huế đã mua nhiều quả bóng bay với đủ màu sắc khác nhau và nói “đây là màu xanh, đây là màu đỏ, đây là màu vàng…” để bé được tiếp thu dần. Thậm chí, ngay khi bé mới được mấy tháng, anh Trọng Ân (bố bé Hào) đã chỉ cho con trai về mặt trời, mặt trời mọc hướng Đông, khi mặt trời lặn thì trời tối hơn.
Chị Huế nhớ lại: “Lúc ông xã kể cho con nghe như vậy, mẹ tôi cũng nói là trẻ con biết gì đâu. Thậm chí, sau đó, tôi có mua sách truyện nhiều tranh màu cho bé, mẹ cũng nói là mua mấy cái đó làm gì cho tốn kém, lúc nào đi học rồi dạy cũng được”.
Đặc biệt, để phát triển trí não của con ngay từ những năm tháng đầu đời. Gia đình chị Huế rất chú ý việc rèn luyện sự nhanh nhẹn, dẻo dai đôi tay của bé Hào. Việc này cũng giúp ích cho việc bé cầm bút để tô màu, cầm thìa, đũa sau này. “Ngay từ khi bé được 3 tháng, tôi đã mua đồ xếp hình có thể gắn vào rồi kéo ra được để cháu rèn luyện đôi tay”, chị Huế chia sẻ.
Việc dạy con không phải là ngày một ngày hai mà đó là một quá trình. Bố mẹ không chỉ đơn thuần sử dụng kiến thức mình có, mà còn cần sự tìm hiểu, cập nhật các tri thức mới, thậm chí tự học để có thể dạy con. Cũng theo chị Huế, việc dạy con không phải là giáo huấn mà cần biến tấu ngộ nghĩnh, cần biết cách chơi cùng bé.
Vợ chồng chị Huế từng nghe nhiều người nói "trẻ con biết gì đâu" khi dạy con lúc bé Hào mới 1,2 tháng tuổi.
Học mọi lúc, mọi nơi
Trong số những bài học đầu tiên trong đời dành cho bé Hào, gia đình chị Huế chú ý việc để con xác định được vị trí, phương hướng bằng những hình thức đơn giản, để bé bò giữa nhà, tự xác định vị trí. 3 tháng đưa con ra ngoài đi chơi, chị đã chú ý giới thiệu cho bé đèn xanh được đi, đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm, hướng rẽ trái, rẽ phải như thế nào.
Việc dạy cho con học không chỉ có buổi tối hay rảnh rỗi mà bất cứ lúc nào cũng có thể giới thiệu với bé mọi thứ xung quanh. Như khi tắm có thể nói về nước, tính chất của nước, lợi ích của nước với đời sống, tầm quan trọng của nước với con người, sự khác biệt giữa nước ngọt và mặn hay trong khi đi chợ có thể chỉ cho bé con gà, con vịt…
“Học ở trong các bức tranh là một chuyện, việc học ở thực tế là chuyện khác. Có lần tôi đưa bé Hào đi chợ, cháu nhìn vào con vịt và hỏi “Tại sao lại bán nhiều thiên nga thế mẹ?”. Bởi vì trước đó, tôi có giới thiệu cho cháu về con thiên nga qua tranh vẽ. Khi cháu hỏi như vậy, tôi giải thích đó là con vịt chứ không phải thiên nga. Như vậy, việc dạy trẻ cũng cần kết hợp cả kiến thức thực tế để bé hiểu kỹ càng hơn”, chị Huế tâm sự.
Dạy con tự tin và kỹ năng giao tiếp
Gia đình chị Huế mới chuyển về chỗ ở mới cách đây chưa lâu, trong khi chưa quen được hàng xóm mới, bé Hào vẫn mạnh dạn sang chào hỏi người gần nhà rất lễ phép. Thậm chí, mỗi khi vợ chồng chị Huế đi vắng vẫn có thể nhờ hàng xóm hoặc cô, chú trông hộ. Có được điều đó là nhờ Quốc Hào được bố mẹ cho tiếp xúc với mọi người xung quanh ngay từ mấy tháng đầu.
“Khi cháu được 1 tuổi thì vợ chồng tôi cho đi học mầm non. Tôi cũng không quan niệm cứ để cháu ở nhà cho sạch sẽ mà ngay từ khi 3 tháng tuổi đã đưa bé đi giới thiệu với mọi người. Làm như vậy sẽ giúp bé không lạ mọi người, những lúc có việc bận có thể gửi con. Kể cả lúc con mới đi học có khóc một chút thì dần dần sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi khi rời vòng tay bố mẹ sang môi trường khác lạ lẫm. Có thể giải thích với bé là hôm nay con đi học, chiều về mẹ đón sớm. Tuy nhiên, nguyên tắc là phải giữ lời hứa với con”, chị Huế tâm sự.
Bé Hào mới 3 tuổi nhưng đã rất ngoan ngoãn, hoạt bát, tự tin nhờ được mẹ dạy kỹ năng giao tiếp từ nhỏ.
Học tiếng Anh bằng chuyện kể
Ngay từ khi 12 tháng, Quốc Hào đã được mẹ dạy tiếng Anh song song với tiếng Việt. Cách học mà chơi, chơi mà học sẽ đưa lại hiệu quả hơn là cách bắt trẻ phải ghi nhớ các từ một cách khô khan. Theo lời chị Huế, để Hào tiếp thu nhanh và không bị nhàm chán, mẹ sẽ nghĩ các câu chuyện có liên quan đến từ tiếng Anh đó. Ví dụ, ngày xưa trong khu rừng nọ có anh em các loại quả như quả táo – apple, quả cam – orange... kể chuyện như vậy sẽ khiến bé hứng thú hơn là nói quả táo trong tiếng Anh là gì, quả cam trong tiếng Anh là gì?
Mỗi buổi tối có thể dạy 1 từ hoặc 5 từ, tùy theo sự thích thú tiếp nhận của bé. Có những hôm, bé chỉ nhớ được 1 từ thì các hôm tiếp theo sẽ học thêm từ khác, cứ như vậy sẽ giúp trẻ ghi nhớ nhiều từ vựng.
Việc học tiếng Anh đòi hỏi sự kiên trì của người dạy rất nhiều, thậm chí chính mẹ cũng phải tự học để nâng cao vốn từ. “Bé Hào tiếp thu nhanh nhưng một thời gian sau mà không nhắc lại sẽ bị quên. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi sẽ trau dồi lại cho cháu. Bởi, đó là đặc điểm chung của nhiều bé chứ không phải mỗi con tôi, không ôn luyện hay trau dồi thường xuyên sẽ quên”, chị Huế tiết lộ.
Gần một tuổi biết nói, Hào được mẹ bắt đầu dạy tiếng anh ngay từ khi đó.
Dạy toán từ đôi tay
Để dạy toán cho bé Hào, từ khi con còn nhỏ, chị Huế đã cầm đôi tay để hướng dẫn bé đếm ngược, đếm xuôi từ 1 đến 10. Hoặc trong các bữa ăn, hướng dẫn bé chia đũa cho từng người trong gia đình, chia thức ăn thành các phần khác nhau. Hiện nay, chị đang dạy về quy luật chuỗi như có 10 túi kẹo chia làm các phần khác nhau,
Đặc biệt, ngay từ khi bé sinh ra, khi cho Hào bú, chị Huế đã đếm cho con bú 1 miếng, cho con bú 2 miếng… Khi bé lớn hơn, dùng tranh ảnh về hoa quả để hướng dẫn đếm số lượng.
Dạy chữ viết thông qua trò chơi
Con 12 tháng, chị Huế mua hộp sáp màu để bé tập cầm. Theo lời chị Huế, làm thế nào để bé cầm chắc, không rơi là điều cần chú ý đầu tiên. Sau đó, cho bé tô theo đúng mảng to rồi đến mảng nhỏ, tô nét thanh nét đậm.
Với bảng chữ cái, cách dạy mà chị Huế áp dụng là cắt bảng chữ rời ra để thuận tiện cho trẻ học. Dùng trò chơi tìm chuồng cho chữ để con nhận biết chữ hoa, chữ in hoa và chữ thường. Ví dụ: Mẹ nói mẹ muốn tìm chữ A ở chuồng nào, bé sẽ nhận ra mặt chữ rất nhanh.
Mỗi bước trưởng thành về thể chất lẫn trí tuệ của Hào có sự đồng hành của bố mẹ. Sự kiên trì, hết lòng tâm huyết vì con đã đưa lại những kết quả bước đầu để bé Hảo được phát triển trí thông minh một cách tốt nhất. Thời gian tới đây chị Huế sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm các cách dạy mới để rèn chữ viết, dạy đếm trong phạm vi 100 cho cậu con trai Quốc Hào. Bản thân vợ chồng chị Huế luôn tâm niệm, việc dạy dỗ chỉ mong con trai trở thành người có ích cho xã hội, hiểu biết được điều hay lẽ phải trong cuộc đời.
Mời độc giả đọc thêm về các nhân vật làm mẹ thú vị trong mục Làm mẹ
Gặp mẹ bé gốc Việt style nhất internet |
Gặp bà mẹ có con xinh như hotgirl |
|
Hotgirl Gia Lai 2 con long lanh hơn mẫu |
Gặp mẹ 9x mê thiết kế váy trẻ con |
Gặp bố "đơn thân" khéo chăm con gái |