Qui tắc an toàn PHẢI dạy con trước ngày khai giảng

Ngày 04/09/2014 09:37 AM (GMT+7)

Làm thế nào để bé không bị bạn bắt nạt, khi tan học mẹ chưa đến không bị bắt cóc…là những kỹ năng phụ huynh cần dạy con.

Đưa con đi công viên hay siêu thị, sẽ có vài cha mẹ lo lắng. Vậy nhưng lần đầu cho con đến trường học, 100% phụ huynh sẽ phải băn khoăn. Liệu con có thích nghi được với trường lớp? Khi con làm ướt quần, cô giáo có phạt con không? Con có biết làm quen với các bạn hay ngồi thu lu một góc?....

Ngoài ra, vấn đề an ninh, an toàn trước cổng trường, sau giờ học luôn là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh.

Để con có ngày đầu khai giảng và bước vào năm học đầu đời, dù là mẫu giáo hay tiểu học, một cách an toàn, vui vẻ. mẹ đừng quên dạy bé những kỹ năng này:

Biết bảo vệ những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể

Xung đột, đùa nghịch quá mức có thể xảy ra giữa trẻ em, đặc biệt là những em bé mẫu giáo, khi mới đi học. Khi con vào lớp, chắc chắn sẽ có những người bạn cùng tuổi nhưng có sức vóc cao hơn mình. Trẻ nhỏ thường có khả năng bị trẻ lớn bắt nạt và đôi khi, vì không lường được mức độ nghiêm trọng của cú đánh, bọn trẻ có thể khiến bạn mình bị thương.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng con bị xây xước, chảy máu hay thâm tím ngày đầu đi học, cha mẹ cần nói với con cách làm thế nào để tự bảo vệ mình và biết bảo vệ những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể như:

- Hãy để con biết rằng: bảo vệ đầu, hàm và xương sườn là rất quan trọng

- Đập vào đầu sẽ khiến con chóng mặt. Nếu ai đó muốn gõ đầu con, hãy phải biết giơ tay lên che đầu và nói “không được”

- Hàm và xương sườn là những khu vực dễ bị tổn thương hơn, nếu không cẩn thận sẽ dễ dẫn đến gãy xương và chấn thương nội tạng.

Qui tắc an toàn PHẢI dạy con trước ngày khai giảng - 1
Trẻ đến lớp, rời xa cha mẹ luôn cần có một số kỹ năng nhất định (ảnh minh họa)

Khi trẻ bị thương hay có bạn bị thương, cần biết nói với giáo viên

Trẻ em vô tình bị thương do đâm bút hay vật nhọn vào người, xung đột, ẩu đả với bạn ở trường mẫu giáo hay thậm chí cả ở lớp 1,2 là rất phổ biến. Tuy nhiên sau khi bị thương, đặc biệt là chảy máu hay đau đớn, các bé thường có thói quen giấu đi và tự đối phó theo cách của mình. Lúc này sự trợ giúp của giáo viên là rất quan trọng.

Mẹ cần nói với con khi gặp bất cứ vấn đề gì, bị thương hay chảy máu đều phải nhanh chóng chạy đến nói với cô. Nếu bị thương ở chân và không thể chạy mà cô giáo ở xa, con phải khóc lên để thông báo cho co biết.  

Ở nhà, khi trẻ em bị thương, cha mẹ thường dạy con phải dũng cảm, mạnh mẽ, không được khóc. Chính vì vậy khi đến lớp, các bé càng cố tỏ ra ổn thỏa và không khóc, giấu vết thương đi. Như vậy không tốt.

Tất nhiên, mẹ cũng nên nói cho con, nếu con nhìn thấy những đứa trẻ khác bị thương, nhưng không có giáo viên ở đấy, con phải nhanh chóng chạy đi tìm cô để thông báo.

Không đi với người lạ

Các cô giáo đều biết mặt phụ huynh để chỉ đưa con cho đúng cha mẹ, người thân của bé khi tan học. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay chạy chơi bên ngoài sân và nếu cha mẹ thường xuyên có việc bận, hãy nói với con rằng chỉ có cha mẹ mới là người đón con mỗi ngày. Người lạ, những người sống quanh khu vực đấy hay cả các cô chú hàng xóm…nếu trong trường hợp mẹ không cho phép, trẻ cùng không được đi cùng.

Không cho người lạ chạm vào bộ phận riêng

Ngay cả ở lớp, những vụ lạm dụng tình dục vẫn có thể xảy ra. Cha mẹ cần dạy con nhận thức cơ bản về quyền thân thể của mình.

Trước hết, cần nói với con: các bộ phận riêng của con là gì. Trong khi tắm, cha mẹ có thể chỉ cho con làm thế nào để rửa, sau đó cho phép con thực hành tự rửa vùng kín. Khi đi vệ sinh, dặn con phải đến không gian riêng tư như nhà vệ sinh để giải quyết. Không cho con để hở vùng kín trước đám đông. Bằng cách này, mẹ sẽ tạo được cho con khái niệm về sự riêng tư của vùng kín và phát triển thói quen tốt trong việc bảo vệ vùng kín.

D.Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con