Hầu hết những đứa trẻ mắc hội chứng người cá không thể sống quá 72 giờ, tuy nhiên cũng có những trường hợp sống sót đầy nghị lực.
Báo chí Trung Quốc vừa đưa tin, một bà mẹ 23 tuổi mang thai tuần 25 đến bệnh viện khám thai. Kết quả siêu âm khiến vị bác sĩ khi đó “rụng rời tay chân” khi thấy hiện lên trên màn hình là một em bé với phần chân chập làm một nhìn như nàng tiên cá. Bào thai này có đầy đủ ngực, hai tay, tim cũng đập bình thường như phần dưới thì chỉ có một xương đùi, không có chân, bàng quang, thận cũng chỉ có 1 quả. Người mẹ này sau đó đã tiến hành làm các thủ tục đình chỉ thai kỳ.
Đây là một trường hợp hy hữu không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Trước đây, lịch sử y học cũng đã ghi nhận từng có hơn chục em bé “tiên cá” chào đời.
Những đứa trẻ chào đời với đôi chân tiên cá thần thoại
Trường hợp nổi tiếng nhất là cô bé Shilon Pepin chào đời tại vùng Kennebunkport, Mỹ cách đây gần 20 năm. Ngay từ khi mới chào đời, hai chân của Shiloh dính chặt vào nhau, cô bé cũng bị khuyết một số bộ phận trong cơ thể, như bàng quang, tử cung, trực tràng, âm đạo, chỉ có ¼ quả thận và một bên buồng trứng.
Khi mới được 3 tháng tuổi, quả thận của Shiloh ngừng hoạt động, khiến cô bé phải sống qua ngày nhờ chạy thận nhân tạo. Đến năm 2001 (2 tuổi), cô bé trải qua cuộc phẫu thuật ghép thận lần đầu tiên, và một ca phẫu thuật tiếp theo vào năm 2007. Cuộc sống của Shiloh là những chuỗi ngày gắn liền với thuốc men, điều trị, và chăm sóc y tế.
Hầu hết những đứa trẻ mắc hội chứng người cá đều không thể sống quá 72 giờ sau khi sinh. Thế nhưng, Shiloh lại là một trong ba người duy nhất trên thế giới vẫn tiếp tục sống trong nhiều năm sau đó mà không cần phẫu thuật để tách rời hai chân. Cô bé đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu bằng chính cuộc đời của mình. Tuy nhiên sau 10 năm nghị lực phi thường, Shiloh cuối cùng cũng đã qua đời năm 2009 vì bệnh viêm phổi.
Trường hợp thứ hại là cô bé người Peru có tên là Milagros (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “diệu kỳ”) chào đời tháng 4/2004 trong một gia đình nghèo khó ở miền núi Andes. Milagros chào đời với đôi chân bị dính liền như người cá và đã phải trải qua tổng cộng 3 cuộc phầu thuật tách chân, tạo đầu gối, hông và mắt cá.
Lần đầu tiên Milagros phẫu thuật là khi mới 9 tháng tuổi và lần cuối cùng là khi được 5 tuổi. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Bảy tháng sau đó, cô bé người cá đã có thể tự bước đi và vui chơi với bạn bè cùng lứa. Trong 2 năm tiếp theo từ 5-7 tuổi, cô bé tiếp tục phải khôi phục các cơ quan sinh dục và bài tiết vì khi sinh ra, bé chỉ có một quả thận và một ống bó chung cho hệ thống tiêu hóa và sinh dục.
Milagros đã hoàn thành nốt việc ghép thận cách đây 2 năm - vào năm 2012 và hiện nay, sau gần 12 năm với hàng chục ca phẫu thuật lớn nhỏ, cô bé đã hoàn toàn bình phục. Nhiều người đã gọi trường hợp của bé là “phép màu”.
Trường hợp nữa là một em bé sơ sinh mới chào đời tại Ấn Độ. Theo Dailymail đưa tin, em bé với hai chân dính liền nhau nhau giống như “nàng tiên cá” đã chào đời ngày 29.4 tại bệnh viện Sahi Ram ở thành phố Sahranpur thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.
Đây có thể coi như trường hợp em bé người cá đầu tiên xuất hiện tại quốc gia này khi bác sĩ Vandana Arya, người đại diện bệnh viện nơi em chào đời cho biết: “Tôi chưa từng thấy trường hợp nào như thế này trước đây. Chúng tôi đã gặp nhiều trẻ sơ sinh bị dị tật, nhưng đây là trường hợp vô cùng hiếm. Em bé có cơ thể giống như cá và tay có màng giống như vậy”. Không may, em bé người cá Ấn Độ này chỉ sống sót được khoảng 10 phút sau khi sinh.
Hội chứng sirenomelia và những nguyên nhân chưa được sáng tỏ
Hội chứng “nàng tiên cá” là một dị tật bẩm sinh cực kỳ hiếm gặp có tên gọi khoa học là sirenomelia. Trong 60.000 đến 10 triệu người mới chỉ có một trường hợp và hầu hết những em bé “tiên cá” này chỉ tồn tại được vài giờ. Nguyên nhân khiến những em bé này mắc phải dị tật “tiên cá” đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có một vài giả thiết liên quan đến việc sự tuần hoàn máu trong tử cung người mẹ không được bình thường, dẫn đến thận và các cơ quan khác không được phát triển đầy đủ.
Tiến sĩ Lindsey Fitzharris, thuộc trường đại học Oxford (Anh), cho biết hội chứng Sirenomelia có thể đã xảy ra khi dây rốn không hình thành 2 động mạch, khiến thai nhi không được cung cấp đủ máu trong quá trình phát triển. Do dinh dưỡng được ưu tiên cung cấp cho phần trên của cơ thể nên thai nhi không phát triển hai chân riêng biệt.