Người đàn ông nổi tiếng với bài hát Quê hương là chùm khế ngọt đã tìm thấy cho mình “quả ngọt” ở tuổi 60. Một ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn và thơ mộng như ở trên một triền đồi, với hoa cỏ lung linh tràn cả vào giường ngủ.
Người đàn ông nổi tiếng với bài hát Quê hương là chùm khế ngọt đã tìm thấy cho mình “quả ngọt” ở tuổi 60. Một ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn và thơ mộng như ở trên một triền đồi, với hoa cỏ lung linh tràn cả vào giường ngủ. Một “Vọng Huê lầu” tràn ngập gió, nơi có thế ngắm hoàng hôn đẹp nhất vào những buổi chiều, trong tiếng nhạc dịu dàng và những đoá hoa hoàng hôn trắng muốt…
Ngôi nhà thơ mộng của anh quả thật là một “ước mơ gần” với những cư dân đô thị. Ý tưởng “nhà trên đồi” đến với anh như thế nào?
Đó chính là ý tưởng của kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, người rất giỏi xử lý không gian nhỏ, từng tham gia chương trình nhà cho người thu nhập thấp. Khi tôi nói với anh: “Mình chỉ có trên dưới 430 triệu đồng, đất nhà mình chỉ có 72m2, nhà chỉ có ba người, hai vợ chồng đều lớn tuổi không cần trèo cao. Nhu cầu ở vừa phải, quan trọng nhất là không gian nghỉ dưỡng cho tuổi mình…”, Lê đã đưa ra một thiết kế độc đáo mà tôi chưa thấy bao giờ. Đó là ý tưởng giật cấp “Dưới chân đồi”, ở bất kỳ nơi nào của ngôi nhà cũng có vườn, có cây xanh, với một không gian mở trên tầng hai để tiếp bạn bè, trồng cây, ngồi vẽ…
Mình với Lê chơi thân với nhau lâu rồi, Lê quá hiểu nhu cầu của bọn mình, và hoàn toàn được “phóng tay” một cách tự do nhất trong sáng tạo. Có lẽ nhờ thế mà gia đình mình có một căn nhà “chẳng giống ai” như thế này.
KTS Vương Hoàng Lê đã đưa ra một thiết kế độc đáo cho ngôi nhà của vợ chồng nhà thơ nổi tiếng Đỗ Trung Quân. Đó là ý tưởng giật cấp "dưới chân đồi".
Xây nhà ở tuổi 60, hẳn anh có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ?
Thông thường cha mẹ làm nhà hay quên sở thích của con cái. Mình già rồi cần không gian nghỉ dưỡng, nhưng con còn trẻ, lại cần không gian để làm việc. Nếu xây dựng như một ngôi nhà “về hưu” thì con cái sẽ không thích. Do vậy trước khi làm nhà, tôi đã ngồi lại với vợ con, trao đổi rất kỹ càng về thiết kế cho từng không gian sống của mỗi người. Phòng khách giao cho con trai thiết kế nội thất, ưu tiên nhất cho ngôi nhà là không gian cho bạn bè. Ban công này bạn bè con và bạn bè mình lên ngồi đều cảm thấy thoải mái, vì hài hoà được mọi nhu cầu, về phong thuỷ quá tốt, có gió và nước, lại hướng đông.
Thiết kế của Lê rất trẻ. Bạn bè đến đây đều rất thích thú, cứ chọc tôi hoài: “Chỗ làm thì ít, chỗ chơi thì nhiều!” Còn tôi thì chọc lại Lê: “Ông chơi tôi, làm nhà kiểu này ngày nào cũng có khách!” Mà đúng vậy thật, từ tết tới giờ, ngày nào cũng có khách. Anh em đến người có rượu cầm rượu, có mồi cầm mồi, vỏ chai mênh mông kìa. Anh em cũng thương mình, đến chia vui, quý lắm.
Một kinh nghiệm nữa mà tôi muốn chia sẻ là đừng can thiệp quá sâu vào thiết kế công trình, như thế thời gian sẽ bị kéo dài, và phá vỡ kiến trúc tổng thể. Khi chọn kiến trúc sư, nếu đã tin, hãy giao phó cho họ hoàn toàn. Công trình nhà tôi chỉ đúng hai tháng rưỡi, không ai tin là xây nhà đúng hạn. Tôi rất hài lòng với ba tiêu chí mà kiến trúc sư đã đặt ra: “Sự khác biệt, trách nhiệm, chữ tín”.
Anh chị đã sống trong ngôi nhà cũ, mảnh đất của tổ tiên hơn 35 năm, khi đập đi xây nhà hẳn cũng có nhiều luyến tiếc?
Vợ tôi sinh ra ở chính mảnh đất này, khi xưa nơi đây là đồng không mông quạnh, cô ấy đã trải qua cả một tuổi thơ đầy kỷ niệm, những ngày mò cua bắt ốc ngoài đồng… Sát vách nhà tôi là nhà từ đường của dòng họ.
Câu chuyện về nền gạch bông của nhà cũ chứa đựng ký ức về tình bạn rất đẹp của cha vợ tôi. Ông cụ vốn là kiến trúc sư dạy đại học trước năm 1975, sống thanh bạch, được học trò rất yêu kính. Khi ông dựng nhà, học trò mỗi người có vật liệu gì đều mang tặng. Chính vì vậy mới có một nền gạch bông đủ các loại như thế. Những viên gạch bông sản xuất thủ công từ thời phim Người Tình, càng lau càng bóng. Chúng tôi cố gắng giữ một khoảng gạch đó để trước bàn thờ các cụ, để nhắc nhớ về tình thầy trò quý giá. Cũng nhờ bàn thờ tổ này mà một học trò của cha tôi đã tìm ra nhà thầy sau bao năm xa cách, vì chính ông là người vẽ truyền thần bức hình ông nội để tặng thầy…
Căn nhà cũ tuy rệu rã, nhưng đầy kỷ niệm, một khoảng sân, mảnh vườn nhỏ với cây khế và giàn dây leo đi xa lúc nào cũng nhớ… Nhưng căn nhà cũ hướng tây nên rất nóng. Thương vợ con, tôi muốn bù đắp cho gia đình có được không gian sạch sẽ và mát mẻ hơn. Cô ấy có thú vui trồng cây và nuôi chó. Nhà tôi có một con chó, bảy con mèo. Loay hoay với cây cỏ và chó mèo cũng đỡ bị stress…
Hình ảnh nào mà anh nhớ nhất về mẹ, về mái nhà thời ấu thơ? Những kỷ niệm ấy đã mang đến cho anh những trải nghiệm quý giá như thế nào?
Tôi mang họ mẹ, nghĩa là không sống cùng cha. Đấy là bí mật lớn nhất của bà mà bà đã mang theo. Mái nhà thơ ấu của tôi cũng đơn sơ, nghèo nàn nhưng may mắn thay chính sự nghèo nàn khiến tôi “lêu lổng” sớm lại cho tôi một cuộc sống vô cùng phong phú với cào cào, châu chấu, với ao hồ, đồng ruộng, với đất cát bùn lầy xóm ngõ… nghĩa là bà mẹ thiên nhiên đã thay mẹ tôi dạy những bài học đầu tiên về mối tương tác giữa người và trời đất phóng khoáng, lành mạnh.
Ở bất kỳ nơi nào của ngôi nhà cũng có vườn, có cây xanh, với một không gian mở trên tầng hai để tiếp bạn bè, trồng cây, ngồi vẽ…
Anh có bắt gặp lại hình ảnh của mẹ từ người vợ thân yêu? Từ khi nào một kẻ lãng mạn và phong trần như anh ngộ ra hạnh phúc bình dị của mái nhà?
Vợ tôi hiền lành và là mẫu người chăm sóc gia đình cái mà mẹ tôi, vì phải vất vả kiếm sống nuôi con nên không chu toàn được chuyện chăm sóc mái ấm. Nhưng nuôi con đã là chuyện vĩ đại của mọi bà mẹ rồi. Một ngôi nhà hạnh phúc tuỳ thuộc vào sự định nghĩa của mỗi người. Ai cũng bảo tôi có con ngoan, học hành và công việc ổn, một vợ hiền và một ngôi nhà dù nhỏ nhưng không rách nát. Tôi là người hạnh phúc. Tôi thấy đúng thật theo định nghĩa mà tôi đang có.
Nơi nào trong ngôi nhà mà anh thường ngồi viết, vẽ? Nó gợi cho anh một cảm giác như thế nào?
Tôi viết trên bàn phím và vẽ ngoài khoảng sân nhỏ của nhà mình dưới bóng lá cây vườn. Khi làm việc, nếu nơi ấy có chật hẹp thì sự chật hẹp ấy không ảnh hưởng đến cái tự do khoáng đạt khi sáng tạo của riêng mình.
Anh có bài học cay đắng nào về sự tan vỡ?
Tôi đã đi qua những giông bão biển bờ và may mắn thay vẫn tựa bên vai một tình yêu không thất lạc.
Khi chọn kiến trúc sư, nếu đã tin, hãy giao phó cho họ hoàn toàn. Công trình chỉ đúng hai tháng rưỡi, không ai tin là xây nhà đúng hạn.
Bạn bè đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của anh? Tình bạn đã đưa anh qua những khúc ngoặt đầy thử thách của số phận như thế nào?
Còn nhớ khi tôi đưa vợ về chào mẹ tôi bà ôm lấy vai cô ấy “tội nghiệp con! con sẽ phải chăm sóc cho cả bạn của nó! “bà hiểu rõ con trai mình đến thương ngay tức khắc con dâu. Và điều ấy đúng như thế, cô ấy lặng lẽ chăm sóc chu đáo cho những cuộc vui bạn bè của chồng hàng chục năm qua.
Ngôi nhà tôi vừa làm cũng có bóng dáng bạn bè, người cho mượn chỗ ở tạm, cơm nước hàng ngày…người tặng cái cây, chậu hoa, chai rượu… tôi đã ở tuổi không bất ngờ về một người bạn xấu nhưng vẫn còn ngạc nhiên về những tình bạn đẹp. Nó cảm động vô cùng.
Giữ vững một mái nhà, tình vợ chồng là điều vô cùng khó khăn, 30 năm trước tôi viết “Nên anh cầu mong không phải bây giờ/ Khi tóc đã hoa râm/ Khi mái đầu đã bạc/ Khi ta đã đi qua giông, bão, biển bờ/ Còn thấy tựa bên vai một tình yêu không thất lạc…”
Một nhà thơ nghèo nuôi con ăn học thành người hẳn phải đối diện với rất nhiều khó khăn? Làm thế nào để anh vẫn giữ được những vần thơ để nó không bị nhấn chìm bởi cơn lốc thực dụng?
Nuôi con ăn học là chuyện bình thường của mọi cha mẹ. Để giúp cho những ước mơ con cái cha mẹ nào cũng phải làm việc. Tôi đã làm rất nhiều công việc khác nhau nhưng chắc chắn không bao giờ là một công việc không lương thiện. Tôi không tự hào điều ấy vì không chỉ một mình ta làm, nhiều người khác cũng thế. Thông điệp muốn gửi đi cho con cái mình chính là “Hãy làm việc và làm việc lương thiện!” chỉ thế thôi.