Nếu biết lựa chọn đúng người chủ trì các buổi lễ của năm mới sẽ giúp việc cầu an, cầu tài lộc được suôn sẻ và nhiều may mắn.
Giao thừa là thời khắc được chờ đợi nhất trong năm. Đó không chỉ là thời điểm tiễn năm cũ, đón năm mới mà đây còn là lúc mọi người cầu sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới.
Theo phong tục truyền thống, người Việt tin rằng mỗi năm có một vị quan Hành khiển cai trị hạ giới khác nhau. Giao thừa cũng là thời khắc chuyển giao công việc cai trị của các vị quan Hành khiển. Mâm cỗ cúng đêm giao thừa có thể coi như một buổi tiệc để tiễn đưa vị thần năm cũ và nghênh đón vị thần mới. Gia đình sắm lễ với mong muốn cả nhà được bình an, hạnh phúc trong năm mới.
Giao thừa là thời khắc được chờ đợi nhất trong năm. Ảnh: ngaynay.
Do đó, trong khoảng giờ Tý (23h đến 1h) ngày 30 tháng Chạp, người đại diện cho cả nhà sẽ lên hương, cúng giao thừa ở ngoài trời để đón vị quan Hành khiển mới, tiễn vị quan Hành khiển cũ về trời. Tuy nhiên, trong gia đình, ai nên là người đại diện đứng ra thực hiện việc cúng giao thừa để mang lại may mắn cả năm? Đó là câu hỏi mà nhiều người vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp.
Người chủ trì các buổi lễ của năm mới đều phải là gia chủ (hay còn gọi là người trạch chủ) trong gia đình. Đó thường là người đàn ông trong gia đình hoặc người phụ nữ cao tuổi hay người đứng đầu trong gia đình.
Theo dân gian truyền lại, lễ cúng giao thừa là lễ cúng đem lại sự may mắn, thịnh vượng cho năm mới thì yêu cầu dù nam hay nữ đứng ra thực hiện lễ cúng phải tịnh thân.
Trước khi làm lễ cúng giao thừa, người đại diện cần phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt cần kiêng chuyện quan hệ vợ chồng từ 2 hôm trước đó để cho thân sạch. Đặc biệt, người này cần nhớ trước khi làm lễ không ăn những món tứ linh, không ăn cá chép, thịt chó, thịt mèo, thịt rùa…
Nếu người phụ nữ đứng ra làm lễ cúng thì cần để ý đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu đang ở thời kỳ đèn đỏ thì người đó nên nhờ chồng hoặc người có vai trò quan trọng trong gia đình thực hiện hộ.