Cảnh làm mẹ 3 con của Phạm Quỳnh Anh được nhiều người đồng cảm.
Thời tiết giao mùa chuyển từ hạ sang thu là thời điểm nhiều virus lạ tấn công dễ khiến trẻ mắc các bệnh thông thường như ho, sốt, sổ mũi... Mới đây nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh cũng có dịp trải lòng khi trong gia đình, 2 trong số 3 đứa con của cô cũng ốm liên miên ở thời điểm này.
Cụ thể, giữa đêm vừa qua, giọng ca Sau tất cả bất ngờ đăng đàn giữa đêm buồn bã chia sẻ chuyện 2 con gái lớn là Tuệ Lâm và Tuệ An cách đây mấy ngày bị cảm, ho, sổ mũi nên lập tức phải cách ly với em út Zoey mới chào đời cách đây không lâu.
Diện mạo con gái thứ 3 của Phạm Quỳnh Anh khiến ai cũng xuýt xoa khen ngợi.
Chị ba Tuệ An thậm chí còn rơi vào tình trạng ói suốt một đêm liền. Thương con nhưng Phạm Quỳnh Anh không biết làm thế nào chỉ đành đeo khẩu trang và chăm sóc các con, sau đó lại quay về với con út còn sơ sinh. Khi Tuệ Lâm và Tuệ An mới chỉ khỏe lại được 3 ngày thì hai cô nhóc lại tái phát, tiếp tục sốt cao.
Giọng chia sẻ buồn bã của bà mẹ 3 con khiến ai cũng nao lòng. 2 con ốm trước thềm Trung thu đang tới gần khiến Phạm Quỳnh Anh không còn tâm trạng nào để vui được nữa, cô cầu mong cho hai con nhanh khỏi để cùng cả nhà, cùng em Zoey phá cỗ.
"Mới mấy ngày trước 2 chị bị cảm, ho, sổ mũi phải cách ly với em Zoey là đã than nhớ em lắm, muốn nhìn em toàn phải gọi Facetime qua phòng mẹ, sau đó tới lượt chị 3 Tuệ An ói suốt một đêm..
Mẹ Quỳnh Anh vừa lo 2 chị ốm vừa sợ lây cho em bé, thấy 2 chị vừa khoẻ mạnh trở lại mẹ Quỳnh Anh nhẹ cả người, được 3 hôm thôi 2 chị lại tiếp tục sốt hơn 38*, mẹ lại đeo khẩu trang chạy qua chạy lại chăm sóc, thương các con mà muốn sốt theo luôn.
Các gia đình cẩn thận cho các bạn nhỏ nhé, mùa này đủ thứ bệnh trên đời, các con đi học cũng dễ lây chéo cho nhau nữa… Thương lắm! Hai chị mau khoẻ còn đi vẽ tranh tặng mẹ với em Zoey nào, còn phá cỗ đêm Trung Thu với em nữa" - bà mẹ 3 con chia sẻ.
Công cuộc làm mẹ 3 con đầy vất vả của Phạm Quỳnh Anh nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm từ phía người thân, bạn bè, nhất là những bà mẹ bỉm sữa cùng hoàn cảnh. Trong đó nữ ca sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng có các con đang trong độ tuổi dễ ốm đau cũng dành lời động viên không ngớt tới người bạn của mình.
Thu Thủy cho hay hiện tại không chỉ hai con cô bệnh mà cả nhà cũng bệnh luôn, "Cả nhà mình vừa bệnh cảm sổ mũi và viêm tai nặng luôn ý. Chúc gia đình bạn mau khỏe nhé". Tại phần trò chuyện với Thu Thủy, bà mẹ 3 con Phạm Quỳnh Anh cũng than thở "gì cũng được chứ mà các con ốm là mẹ lo sốt vó".
Được biết Phạm Quỳnh Anh mới hạ sinh con thứ 3 là một bé gái Zoey với bạn trai giấu mặt hồi tháng 7. Trước đó, cô đã có 2 cô con gái Tuệ Lâm và Tuệ An với chồng cũ Quang Huy. Sau ly hôn ông bầu Quang Huy, Phạm Quỳnh Anh lựa chọn cuộc sống đơn thân nuôi con. Hai con gái cũng nhiều lần ốm đau, một mình Phạm Quỳnh Anh gồng gánh dưới sự hỗ trợ của mọi người.
Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hiện tại Phạm Quỳnh Anh có bến đỗ dừng chân hạnh phúc bên bạn trai giấu mặt. Cô được bạn trai hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm sóc con thứ 3. Người bạn trai này thậm chí còn tình nguyện thức xuyên đêm chăm con cho Phạm Quỳnh Anh nghỉ ngơi. Bên cạnh đó người mới của Phạm Quỳnh Anh cũng yêu thương Tuệ Lâm, Tuệ An như chính con ruột của mình.
Chính những tình cảm thân thiết, gần gũi giữa người mới và các con cũng như sự yêu thương của các con dành cho người mới của mẹ đã giúp Phạm Quỳnh Anh cảm thấy những lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.
Cảm lạnh ho, sổ mũi, sốt như hai con Phạm Quỳnh Anh thông thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cảm lạnh cũng có nhiều biến chứng nguy hiểm mà cha mẹ cần chú ý. Bác sĩ Nhi - Lê Ngọc Hồng Hạnh đưa ra những lời khuyên và thông tin chi tiết hơn dành cho các bậc phụ huynh để nhận biết, phòng tránh và điều trị cảm lạnh ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ nhỏ? Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị cảm lạnh? Cảm lạnh là bệnh đường hô hấp trên do nhiễm siêu vi. Trẻ em có thể bị cảm đến 8 lần trong một năm. Nguyên nhân là có hàng trăm loại virus (hay còn gọi là siêu vi) có thể gây bệnh cảm lạnh và trẻ em thì không có đề kháng với bất kỳ loại siêu vi nào trong số đó. Khi hệ miễn dịch được xây dựng dần dần thì trẻ em sẽ ít bị cảm lạnh hơn. Phần lớn cảm lạnh do rhinovirus ở trong những giọt bắn lơ lửng trong không khí hay trên những vật dụng mà trẻ chạm tay vào. Cảm lạnh thường kéo dài 5-7 ngày nhưng đôi khi đến 2 tuần ở trẻ nhỏ. Triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh thường là ngứa họng, chảy mũi hay nghẹt mũi, hắt hơi, nếu có sốt thường là sốt nhẹ. Trẻ bị cảm lạnh thường vẫn cảm thấy khá tốt, ăn uống được và chơi bình thường. Đôi khi trẻ có thể cảm thấy rất mệt, đau họng, ho, đau đầu, đau cơn và ăn mất ngon. Nhầy mũi thường đặc, có màu và hoặc xanh. Cảm lạnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào ở trẻ nhỏ? Những người lớn hút thuốc lá hoặc trẻ em ở trong môi trường có khói thuốc lá thường dễ bị cảm lạnh hơn và triệu chứng thường nặng hơn và kéo dài hơn và có thể dẫn đến viêm phế quản hay viêm phổi. Ở những trẻ đã có vấn đề đường hô hấp hay thường xuyên khò khè thì khi bị cảm lạnh có thể dẫn vào cơn hen suyễn, gây khó thở rất nhiều. Vậy cha mẹ nên phòng tránh cảm lạnh ở trẻ nhỏ như thế nào? Cảm lạnh rất dễ lây nhiễm, và không có vacxin để phòng ngừa (do có quá nhiều loại siêu vi gây cảm lạnh). Để tránh nhiễm bệnh, trẻ em cần: - Tránh tiếp xúc gần với những người đang bị cảm. - Tránh hút thuốc lá thụ động (gia đình có người hút thuốc lá làm trẻ hít phải khói thuốc) - Rửa tay thường xuyên với xà bông/ nước rửa tay, đặc biệt là sau hắt hơi. - Hắt hơi hoặc ho vào một khăn giấy hoặc vào vùng khuỷu tay chứ không dùng bàn tay. - Không dùng chung khăn tắm, ly uống nước, hay dụng cụ ăn uống với người đang nhiễm bệnh - Không chạm vào khăn giấy người khác đã sử dụng. - Bổ sung nhiều vitamin đa dạng và kẽm giúp tăng đề kháng cơ thể. Khi trẻ bị cảm lạnh, thường xuyên ốm vặt cha mẹ cần làm gì? - Cho trẻ uống nhiều nước và nước trái cây, ăn đồ mềm lỏng, dễ tiêu, nghỉ ngơi đầy đủ. - Nước muối nhỏ mũi có thể làm lỏng nhầy mũi, giảm nghẹt mũi. - Nếu trẻ có sốt, đau cơ hay không thoải mái, cha mẹ có thể cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp. Cảm lạnh không có điều trị đặc hiệu, thuốc chỉ giúp làm giảm triệu chứng đau cơ hay đau đầu, sốt. Không bao giờ sử dụng aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ em. - Khuyến khích cả gia đình phải thường xuyên rửa tay để ngăn ngừa cảm lạnh lây lan. - Tắm nước nóng hay sử dụng miếng chườm nóng để giảm đau cơ. - Lau dọn các vật dụng hay vị trí chạm tay vào nhiều như tay nắm cửa, điện thoại, máy tính… - Hạn chế người bị bệnh tiếp xúc với trẻ. Khi nào nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ khi bị cảm lạnh? Cảm lạnh có thể có cùng triệu chứng với nhiễm siêu vi khác như: cúm (influenza virus), Covid 19 (một loại coronavirus), hay đôi khi là nhiễm trùng. *Phân biệt cảm lạnh với cúm: Triệu chứng cúm thường nặng hơn cảm lạnh, trẻ có thể sốt đột ngột, với đau đầu, chóng mặt, nhức mỏi toàn thân, đau họng, chảy mũi và ho. Trẻ thường thấy mệt mỏi, chán ăn, có khi có đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng. Đa phần bệnh nhân nhiễm cúm có thể khỏi bệnh tại nhà, đôi khi cần phải nhập viện điều trị. Cúm có thể phòng ngừa bằng chích ngừa cúm mỗi năm Nhiễm Covid 19: Trẻ em nhiễm Covid 19 có thể có triệu chứng nhẹ như cảm lạnh hoặc giống cúm, nhưng một triệu chứng thường được nhắc nhiều trong nhiễm Covid 19 là mất mùi vị. Đôi khi viêm họng do vi khuẩn hoặc viêm phổi cũng xuất hiện triệu chứng tương tự, và do đó khó xác định nguyên nhân gây bệnh. Khi đó bạn cần đưa trẻ đi khám bệnh để làm một số xét nghiệm. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh khi: - Trẻ trở nặng hơn (nếu sau 3 ngày mà triệu chứng nặng hơn thay vì hồi phục, thì trẻ có thể bị viêm họng do vi khuẩn, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi). - Trẻ khó thở, thở nhanh. - Ho có nhiều đàm - Sốt cao - Đau đầu dữ dội, đau bụng dữ dội, đau ngực, đau họng nhiều khó nuốt, đau tai - Nổi hạch ở cổ - Trẻ có vẻ lú lẫn, mệt bất thường - Ngủ quá nhiều hoặc thức giấc lúc ngủ nhiều lần - Da mặt hoặc môi tái xanh. - Bỏ ăn, ăn uống kém. - Nếu trẻ có bệnh nền như hen suyễn, suy giảm miễn dịch… cũng cần phải đi khám ngay khi bắt đầu thấy mệt hay có triệu chứng cảm lạnh. |