Đừng để trẻ em Việt Nam mãi là “những chú cá không biết bơi”

Ngày 16/06/2018 16:00 PM (GMT+7)

Việt Nam được ban tặng bãi biển dài quyến rũ và hệ thống sông ngòi chằng chịt, tạo điều kiện cho “những chú cá nhỏ” được vùng vẫy thỏa thích, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức.

Tuy nhiên, trước thực trạng trẻ không được trang bị những kỹ năng bơi lội cần thiết, cộng với sự thiếu giám sát của cha mẹ, môi trường sông nước lại tồn tại những cái bẫy đe dọa sự an toàn của các em, ngăn cản các em được tự do vui trải nghiệm tuổi thơ của mình, biến các em thành “những chú cá không biết bơi”.

Nguy cơ đuối nước cao cho những "chú cá nhỏ"

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đặc biệt, tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng mạnh vào mùa mưa lũ do dòng nước chảy xiết và vào mùa hè, khi nhu cầu được tắm mát, hạ nhiệt của các em tăng cao.

Đừng để trẻ em Việt Nam mãi là “những chú cá không biết bơi” - 1

Những “chú cá nhỏ” nô đùa dưới nước và không biết bao nhiêu nguy hiểm rình rập xung quanh_Ảnh: Tannobi

Nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học trò, độ tuổi thanh thiếu niên bốc đồng rủ nhau đi tắm biển, tắm sông ngòi, ao hồ, trong khi các em không biết bơi, không biết các khu vực nguy hiểm và thiếu sự kiểm soát của người lớn.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, ở 30 địa phương trên toàn quốc tỉ lệ học sinh (HS) bị đuối nước năm nào cũng ở con số đáng báo động. Tính ở 30 tỉnh thành, số HS bị đuối nước trong 3 năm qua trung bình khoảng 250 - 300 em/ năm.

Nỗ lực từ các ban ngành để "dạy cá biết bơi"

Đáng lưu ý là tỉ lệ HS biết bơi ở các trường học còn rất thấp. Ngay cả những HS biết bơi cũng phần lớn là tự phát, do tự tập luyện chứ thực sự không bơi đúng kỹ thuật. Hình ảnh các em giống như những chú cá tưởng chừng như bơi lội rất giỏi, nhưng thực sự lại là “những chú cá không biết bơi” vì không có kỹ năng thoát hiểm.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu toàn bộ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Ngay sau đó Bộ GD-ĐT đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Theo kế hoạch này, tới năm 2020 phải đạt mốc trên 70% HS được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, 100% trường học có bể bơi, hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho HS.

Đừng để trẻ em Việt Nam mãi là “những chú cá không biết bơi” - 2

Trẻ cần được trang bị kỹ năng bơi cần thiết - Ảnh: Tannobi

Muôn đường khó chuyện "dạy bơi cho cá"

Theo Bộ GD-ĐT, việc triển khai chương trình đầu tư bể bơi, dạy bơi và phòng chống đuối nước cho HS phổ thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì phụ thuộc vào điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi; cơ chế vận hành bể bơi của mỗi địa phương. Đầu tư bể bơi cho các trường tiểu học là vấn đề khó khăn nhất của địa phương. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến nay cả nước mới có trên 700 trường tiểu học có bể bơi (tính cả bể bơi kiên cố và bể bơi linh hoạt) trên tổng số hơn 15.000 trường tiểu học. Hiện có rất nhiều địa phương hầu như không có bể bơi kiên cố nào trong trường học (ở cả 3 cấp học tiểu học, THCS và THPT) như: Khánh Hòa, Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Kạn…

Đa số các trường ở nông thôn có sẵn sông hồ, có thể triển khai mô hình dạy bơi trong vùng nước mở nhưng chất lượng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho các em. Ngoài ra, không đủ giáo viên dạy bơi và chất lượng dạy không đồng đều là một khó khăn lớn khác.

Bên cạnh các chính sách, các chương trình từ cơ quan ban ngành, trường học, thì phụ huynh chính là những người đầu tiên cần trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho con em mình. Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên cạnh con để bảo vệ, do đó việc trang bị kỹ năng bơi lội và thoát hiểm để trẻ có thể tự bảo vệ mình là việc làm chính đáng và cấp thiết. Khi trẻ được trang bị tốt, các em sẽ tự tin vui chơi, không sợ nước hay cả khi lấm bẩn. Có như vậy thì trẻ mới có thể có được những trải nghiệm an toàn và phát triển toàn diện. Đừng để trẻ em Việt Nam mãi là “những chú cá không biết bơi”!

Hoàng Minh.
Nguồn: [Tên nguồn].