Hôm nào “muốn”, anh chỉ lẳng lặng ôm lấy vợ, biết ý chị lại “chiều” chồng. Tuyệt nhiên anh chẳng nói một câu với vợ.
Đàn ông trầm tính, kiệm lời vốn không phải là xấu, nhưng khi “quá ít nói” thì lại là vấn đề. Rất nhiều bà vợ than phiền về vấn đề chồng cả ngày chẳng nói một câu. Tệ hại hơn nữa là ngay cả lúc vợ chồng gần gũi nhau, chồng cũng… im ỉm:
“Cấm vận” chồng vì tội… “gần gũi” mà không nói một câu
Từ ngày yêu, chồng chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khá ít nói. Thậm chí ngay cả khi yêu chị, anh cũng chỉ lặng lẽ theo đuổi mà không vồn vã hay tỏ tình này nọ. Nhưng chính vì sự trầm tính, điềm đạm của anh so với các chàng trai lẻo mép khác mà chị lại quyết định chọn anh làm người bạn đời của mình.
Về sống cùng nhau, hơn 5 năm trời, anh đối xử tốt với vợ, với con, làm tròn vai trò người rể hiền trong nhà. Hàng xóm láng giềng ai cũng khen anh hiền lành, tốt bụng. Bản thân chị Thu Hương cũng thấy chồng mình không đến nỗi nào, ngoại trừ việc anh… quá ít nói.
Bình thường anh không nói mấy đã đành thế nhưng mỗi tối, sau một ngày làm việc bận rộn, mệt mỏi, vợ chồng nằm bên nhau, gần gũi, anh cũng chẳng mở miệng lấy một lời. Hôm nào “muốn”, anh chỉ lẳng lặng ôm lấy vợ, biết ý chị lại “chiều” chồng. Điều chị mong đợi ở anh không phải là những lời yêu đương hoa mỹ, chị chỉ cần anh thủ thỉ nói chuyện với mình hay chí ít gọi tên vợ, chủ động ngỏ lời gợi ý “chuyện ấy”.
Điều chị mong đợi ở anh không phải là những lời yêu đương văn hoa, chị chỉ cần anh thủ thỉ nói chuyện với mình hay chí ít gọi tên vợ, chủ động ngỏ lời gợi ý “chuyện ấy”. (Ảnh minh họa)
Nhưng ngay cả cái điều hết sức bình thường ấy anh cũng chẳng nói. Chị cảm thấy tủi thân vô cùng vì có cảm giác chồng coi mình chỉ như cái máy, không cần nói mà chỉ cần ra hiệu cũng phải “đáp ứng”. Lúc đầu chị hơi khó chịu nhưng vẫn cố chấp nhận vì giống như anh nói “sống với nhau thì phải hiểu tính nhau”, biết chồng ít nói chị cũng chẳng buồn bắt bẻ. Thế nhưng sức chịu đựng của mỗi người đều có giới hạn. “Tức nước vỡ bờ”, chị quyết định “cấm vận chồng”.
“Mặc dù biết chồng mình bình thường đã ít nói nhưng ngay cả lúc vợ chồng gần gũi nhau, yêu thương thì cũng phải mở lời. Mình cũng là đàn bà, cũng có tâm lí cần được nghe những lời yêu từ chồng. Anh ấy cứ im ỉm như vậy thực sự không thể chịu được. Chẳng thể bao biện rằng “tình yêu không cần nói bằng lời” cho kiểu vô tâm, ít nói thái quá như vậy được” – chị Thu Hương chia sẻ.
Chồng chỉ ngọt ngào khi đòi hỏi, “xong việc” lại… tỉnh khô
Cũng không khác trường hợp của chị Thu Hương là mấy, chị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cảm thấy rất buồn lòng khi chồng không chịu sẻ chia, tâm sự với vợ. Anh chỉ trở nên ngọt ngào, nói vài câu khi muốn làm “chuyện ấy”. Nhưng cứ hễ đã “vui vẻ” xong là anh tỉnh lạnh, chẳng ngó ngàng đến vợ.
Bản thân chị Ngọc Lan chưa bao giờ nghĩ chồng mình là người tệ bạc hay không yêu vợ, nhưng cái bản tính ít nói của anh thực sự khiến chị phiền lòng. Từ ngày về làm vợ anh, chị chẳng bao giờ được nghe chồng nói một lời yêu thương ngọt ngào. Đến những câu chuyện tâm sự hàng ngày anh cũng chẳng muốn chia sẻ thì nói gì đến việc nói lời bay bướm, yêu thương với vợ.
Anh chỉ trở nên ngọt ngào, nói vài câu khi muốn làm “chuyện ấy”. Nhưng cứ hễ đã “vui vẻ” xong là anh tỉnh lạnh, chẳng ngó ngàng đến vợ. (Ảnh minh họa)
“Đành rằng công việc của anh ấy rất bận rộn và căng thẳng, hơn nữa một phần cũng là vì anh trầm tính, mình hiểu và thông cảm cho chồng. Nhưng cách mà anh ấy ứng xử trong cuộc sống vợ chồng khiến mình tủi thân vô cùng” – chị Ngọc Lan ngậm ngùi.
Bình thường anh Tùng chồng chị Lan vốn ít nói, nhưng cứ hễ có “nhu cầu” là anh bắt đầu năn nỉ, ỉ ôi bất chấp hôm đó chị có mệt mỏi hay cảm thấy trong người không khỏe. Nghe chồng nói mấy câu ngọt ngào, là đàn bà, chị cũng thấy thích trong lòng nên cố gắng trong lòng. Chị “chiều” chồng và hi vọng hai vợ chồng sẽ có cơ hội hiểu nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Nhưng khổ thay, cứ “xong việc” là anh lăn ra ngủ hoặc nếu không ngủ là anh dậy làm việc. Chị có muốn nói gì anh cũng chỉ lặng im, thi thoảng ậm, ừ vài tiếng.
“Chỉ là ít nói thôi” - chuyện nhỏ nhưng tác hại lớn
Trở lại câu chuyện với vợ chồng chị Thu Hương, hàng ngày đến cơ quan nghe bạn bè kể lể chuyện vợ chồng hay nhỏ to tâm sự là chị lại buồn. Chị “cấm vận” chồng vì tức tối. Vài hôm đầu anh tưởng chị có vấn đề gì hờn dỗi nên cũng không để ý lắm. Nhưng tới cả tháng trời chị không cho anh động đến người thì anh bắt đầu phải nhìn nhận lại.
Khi nghe vợ vừa khóc vừa trách cứ, anh vẫn còn cho rằng “Em buồn cười nhỉ, chuyện thế mà cũng làm lớn lên. Tính anh từ xưa tới nay như vậy rồi, em sống với chồng thì phải hiểu chồng mình chứ”. Nhưng khoảng vài tháng sau thấy chị vẫn “sắt đá” như vậy, hơn nữa nghe bạn bè khuyên nhủ anh cũng dần dần nhận ra sai lầm và cố gắng sửa đổi. Anh chịu khó mở lời hơn, thường xuyên hỏi han vợ. Nhất là khi chỉ có hai vợ chồng, anh cũng biết cách trò chuyện để vợ thấy được sự quan tâm của mình. Tình cảm vợ chồng chị Thu Hương được cải thiện rõ rệt khi anh chịu thay đổi.
Cuộc sống vốn bận rộn và nhiều áp lực, nhu cầu sẻ chia giữa vợ chồng là điều hết sức quan trọng. (Ảnh minh họa)
Còn với chị Ngọc Lan, thời gian đầu chị tấm tức khóc lóc một mình vì chẳng biết phải trách chồng ra sao. Nhưng sau này, không thể nhịn hơn được nữa, chị thậm chí bực bội tới mức còn đòi ly hôn. Rất may, thấy vợ có thái độ như vậy, chồng chị ngay lập tức nhân ra vấn đề và thay đổi tính cách của mình. Dù cho anh không thực sự giỏi ăn nói nhưng chí ít anh cũng khắc phục được những điều khiến vợ phiền lòng.
Cuộc sống vốn bận rộn và nhiều áp lực, nhu cầu sẻ chia giữa vợ chồng là điều hết sức quan trọng. Vợ chồng cần hỏi han, quan tâm và trò chuyện với nhau để thắt chặt thêm tình cảm. Đó cũng là một trong những bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.