Ở tuổi nào nên cho con mặc quần sịp; mặc quần sịp có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của bé... là thắc mắc của khá nhiều bà mẹ có con trai.
Trước 10 tuổi, cha mẹ không nên cho bé trai mặc quần lót. Ảnh minh họa
Hiện nay, có nhiều bà mẹ sớm mua quần sịp cho con trai vì cho rằng, mặc quần sịp sẽ giữ vệ sinh, đồng thời tránh cho cơ quan sinh dục của bé cọ sát với lớp quần cứng bên ngoài.
Về độ tuổi có thể mặc quần sịp, theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, không có khuyến cáo hạn chế lứa tuổi. Theo PGS Dũng, tuổi nào cũng có thể mặc được, vấn đề quan trọng là chất lượng của thứ trang phục này. Nếu nó vừa vặn, mềm mại, chất liệu thoáng mát thì sẽ không gây hại cho đứa trẻ.
Tuy nhiên, cũng theo PGS Dũng, các bé trai cũng không nhất thiết phải mặc quần sịp, vì trước tuổi dậy thì, việc thiếu phần trang phục này không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ. Chỉ đến khi trẻ đã lớn (10-13 tuổi), cơ quan sinh dục phát triển, bắt đầu có khả năng cương dương, con trai mới nên mặc quần sịp.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi mua quần sịp cho con trai, cha mẹ nên lưu ý nhiều đến chất liệu và kích cỡ. Chiếc quần quá chật sẽ hạn chế sự phát triển của cơ quan sinh dục nam. Chất liệu vải bí cũng ảnh hưởng xấu đến bộ phận này, ngoài ra còn có thể gây viêm da, dị ứng nếu trẻ mặc nó thường xuyên trong thời gian dài.
Theo bác sĩ Dũng, ở giai đoạn trước 10 tuổi, nếu các bé trai không thích thì cũng không nên bắt buộc bé mặc quần lót. Tốt nhất cứ để cho “cậu bé" tự do phát triển mà không phải chịu bất cứ sự gò ép nào. Chỉ với các bé gái thì nên tập cho mặc “đồ nhỏ” từ khi 5 - 6 tuổi để giữ vệ sinh tốt hơn vì đặc điểm cơ quan sinh dục của bé gái “phức tạp” hơn bé trai.
Tuy vậy, theo chuyên gia, dù là bé trai hay bé gái thì đồ lót cũng phải có kích cỡ vừa vặn, chất liệu thoáng khí, hút ẩm tốt (tốt nhất là chọn loại vải 100% coton), và phải thay quần, vệ sinh cơ quan sinh dục mỗi ngày ít nhất là một lần. Buổi tối đi ngủ, nên khuyên bé cởi bỏ quần lót để cơ quan sinh dục được “thở”, thông thoáng, dễ chịu.